Tiêm viêm não Nhật Bản có sốt không? Những phản ứng có thể gặp sau tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản
Nội dung bài viết
Viêm não Nhật Bản là bệnh nguy hiểm, để lại nhiều biến chứng và có thể ảnh hưởng đến suốt quãng đời còn lại của người bệnh. Bên cạnh những cách phòng ngừa thông thường như giữ gìn vệ sinh hay ngăn ngừa muỗi đốt, chúng ta cần chủ động hơn bằng cách tiêm ngừa vắc-xin viêm não Nhật Bản. Vậy tiêm viêm não Nhật Bản có sốt không và cần lưu ý những gì? Bài viết dưới đây của Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh sẽ gửi bạn những thông tin trên.
Tổng quan về viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản là gì?
Viêm não Nhật Bản là một nhiễm trùng não do virus lây lan qua muỗi đốt. Virus này sống ký sinh ở chim và lợn. Khi bị muỗi chích, chúng sẽ lan truyền virus này sang người. Loại virus này không lây từ người sang người.1
Triệu chứng
Hầu hết những người bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản đều không có triệu chứng rõ ràng hoặc có triệu chứng nhẹ trong thời gian ngắn, thường bị nhầm với bệnh cúm thông thường. Theo ước tính, cứ 250 người sẽ có 1 người bệnh viêm não Nhật Bản với triệu chứng nghiêm trọng và bị lan đến não. Điều này thường xảy ra từ ngày thứ 5 đến 15 sau khi nhiễm bệnh.1
Các triệu chứng có thể bao gồm:1
- Sốt cao.
- Co giật.
- Cổ bị cứng đơ.
- Tâm lý hoang mang.
- Không còn khả năng nói.
- Run không kiểm soát.
- Yếu cơ hoặc tê liệt.
Ở những người bệnh sống sót, những triệu chứng trên sẽ được cải thiện dần dần. Tuy nhiên, họ cần vài tháng để hồi phục hoàn toàn. Đặc biệt, một nửa số người sống sót sau khi bị viêm não Nhật Bản bị tổn thương não vĩnh viễn. Những biến chứng lâu dài như: run, co giật cơ, thay đổi tính cách, yếu cơ, gặp khó khăn trong học tập, tê liệt ở 1 hoặc nhiều chi.1
Để hiểu rõ hơn về căn bệnh này, bạn đọc có thể tham khảo bài viết chi tiết Viêm não Nhật Bản: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị.
Có thể thấy, đây là bệnh nguy hiểm và chúng ta không nên chủ quan. Hãy luôn chủ động phòng ngừa bệnh cho chính bản thân và gia đình.
Các loại vắc-xin viêm não Nhật Bản
Vắc-xin Imojev2
Vắc-xin Imojev là vắc-xin phòng ngừa viêm não Nhật Bản của Pháp – được sản xuất bởi tập đoàn Sanofi Pasteur. Imojev chứa hoạt chất virus viêm não Nhật Bản (sống, giảm độc lực). Khi được tiêm vắc-xin, hệ thống miễn dịch của bạn sẽ được bảo vệ để chống lại nhiễm trùng viêm não Nhật Bản. Tuy nhiên, giống như những loại vắc-xin khác, loại này cũng không thể đảm bảo phòng ngừa bệnh 100%.
Bên cạnh đó, Imojev sẽ không phòng được bệnh viêm não Nhật Bản nếu bạn đang ủ bệnh trước khi tiêm vắc xin hoặc nếu bệnh viêm não do vi rút khác gây ra.
Vắc-xin Imojev được chỉ định cho trẻ em từ 9 tháng tuổi trở lên.
Vắc-xin Jevax
Vắc-xin Jevax dùng để dự phòng viêm não Nhật Bản và có nguồn gốc nghiên cứu tại Trường đại học Osaka Nhật Bản. Vắc-xin này được sử dụng cho tất cả người lớn và trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên.
Cả hai loại vắc-xin dự phòng viêm não Nhật Bản trên đều cần được nhân viên y tế thực hiện. Bạn cần tuân thủ theo lời khuyên và lưu ý của y/bác sĩ để đảm bảo tính an toàn khi được tiêm vắc-xin.
Độc giả có thể tham khảo bài viết Lịch tiêm viêm não Nhật Bản đầy đủ cho trẻ em và người lớn để rõ hơn về liều tiêm, lịch tiêm của các loại vắc-xin này nhé!
Tiêm viêm não Nhật Bản có sốt không?
Nhiều người thường thắc mắc: Tiêm phòng viêm não Nhật Bản có sốt không? Trẻ tiêm viêm não Nhật Bản có sốt không?
Khi tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản, một số người có thể bị sốt. Triệu chứng sốt thường xuyên xảy ra ở trẻ em hơn người lớn. Đôi khi một số trẻ bị tăng thân nhiệt nhanh sau khi tiêm vắc-xin, điều này có thể gây ra co giật ở trẻ. Bố mẹ cần đưa con đến bệnh viện để được xử lý tình trạng này kịp thời.
Tiêm viêm não Nhật Bản thường sốt mấy ngày?
Sốt do tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản thường nhẹ và chỉ kéo dài khoảng vài ngày sau khi tiêm.
Cách chăm sóc người bị sốt sau tiêm viêm não Nhật Bản
Nếu sốt dưới 39°C, bạn có thể chăm sóc người bị sốt ngay tại nhà. Bạn đọc có thể tham khảo thực hiện một số cách chăm người nhà bị sốt như sau:
- Để người sốt nằm nghỉ ngơi tại nơi yên tĩnh, thông thoáng. Hạn chế gió lùa, tránh nơi đông người.
- Theo dõi nhiệt độ thường xuyên bằng nhiệt kế, khoảng 1 đến 2 tiếng đo 1 lần.
- Để người bệnh mặc quần áo thoáng mát, không đắp chăn đối với sốt dưới 39°C (dù người sốt có than lạnh).
- Hạ sốt bằng chườm mát: Dùng nước ấm rửa nhanh hoặc lau sạch người, đặc biệt là các vị trí nách, bẹn. Lau liên tục cho đến khi thân nhiệt nhỏ hơn 38°C thì mặc lại quần áo. Tiếp tục dùng khăn ấm lau khi thân nhiệt của người bệnh lại tăng.
- Cần cho người bệnh uống thuốc hạ sốt paracetamol khi thân nhiệt trên 39°C. Có thể thay thế bằng thuốc hạ sốt đặt hậu môn ở trẻ em nếu bé không uống được.
- Bù nước bằng cách cho uống nhiều nước theo hướng dẫn sử dụng của nhân viên y tế. Đối với trẻ còn bú thì cần tích cực cho trẻ bú sữa mẹ nhiều hơn.
- Bổ sung nước ép hoa quả như chanh, cam, các loại thức ăn mềm, lỏng dễ tiêu hóa như súp, cháo,…
Các phản ứng sau tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản khác
Vắc-xin viêm não Nhật Bản an toàn và không để lại những di chứng nguy hiểm như bệnh viêm não Nhật Bản.
Các phản ứng thông thường khi chúng ta tiêm vắc-xin này bao gồm: đau nhức, sưng hoặc tấy đỏ nơi tiêm. Ngoài ra, người bệnh còn bị sốt, nhức đầu, phát ban, đau cơ và cảm thấy mệt mỏi. Các phản ứng hiếm gặp khác cũng có thể xuất hiện như: viêm não nhẹ, chóng mặt và nôn ói. Những phản ứng này có thể xuất hiện ngay sau khi tiêm vắc-xin và có thể kéo dài vài ngày.3
Những điều cần lưu ý khi tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản
Hướng dẫn theo dõi sau khi tiêm vắc-xin
Sau khi tiêm vắc xin, bạn cần ở lại nơi tiêm khoảng 15 – 30 phút để theo dõi các phản ứng phụ. Điều này giúp đảm bảo an toàn cho chính bản thân người được tiêm vắc-xin. Đồng thời, nhân viên y tế cũng xử lý tình huống kịp thời nếu không may có các vấn đề nguy hiểm xảy ra như sốc phản vệ, choáng, ngất xỉu,…
Bạn nên ăn uống bình thường, không cần kiêng bất cứ đồ ăn nào. Đặc biệt, bạn không nên đắp các loại lá, củ hay tỏi vì sẽ làm nhiễm trùng vết tiêm. Thay vào đó, bạn có thể đắp khăn ướt, sạch và mát lên vị trí tiêm để giảm đau nhức. Tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến nhân viên tiêm chủng hoặc y/bác sĩ trước để được hướng dẫn đúng cách.
Các trường hợp phản ứng sau tiêm cần tái khám ngay
Ở một số trường hợp hiếm hoi, bạn cần đến bệnh viện ngay nếu gặp những phản ứng sau tiêm nghiêm trọng hơn. Chẳng hạn: co giật, sốt trên 39°C, cơ thể bị sốc phản vệ, phát ban, dị ứng,…
Đối với trẻ em, bố mẹ cần đưa con đến tái khám nếu bé rơi vào một trong các trường hợp sau:4 5 6
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi và nhiệt độ đo được ở hậu môn từ 38°C trở lên. Kể cả em bé trông có vẻ khỏe mạnh và bú tốt vẫn cần được bác sĩ đánh giá. Không nên dùng thuốc hạ sốt cho những đối tượng này cho tới khi được bác sĩ cho phép.
- Trẻ em từ 3 tháng tới 3 tuổi có nhiệt độ đo được ở hậu môn lớn từ 38°C trở lên kéo dài quá 3 ngày. Hoặc bất cứ khi nào trông thấy trẻ có vẻ không khỏe, quấy khóc, bứt rứt, bám bố mẹ không rời, không chịu uống.
- Trẻ từ 3 tháng tới 3 tuổi sốt từ 39°C trở lên.
- Trẻ em ở bất kỳ lứa tuổi nào bị sốt từ 40°C trở lên.
- Trẻ em bất kì tuổi nào bị co giật.
- Trẻ em bất kì tuổi nào mà bị sốt trên 7 ngày. Thậm chí mỗi ngày chỉ có một cơn sốt kéo dài vài giờ.
- Trẻ em bất kì tuổi nào bị sốt và kèm theo các bệnh mạn tính. Ví dụ: bệnh tim, ung thư, lupus, bệnh hồng cầu hình liềm.
- Có phát ban ngoài da.
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho độc giả thông tin về vấn đề tiêm viêm não Nhật Bản có sốt không? Nếu chưa tiêm loại vắc-xin này, bạn đọc và gia đình hãy đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm càng sớm càng tốt. Phụ huynh có con nhỏ hãy nhớ lịch tiêm chủng và dẫn bé đi tiêm đầy đủ mũi, đúng thời điểm. Điều này giúp vắc-xin phát huy hết tác dụng để bảo vệ chúng ta trước virus viêm não Nhật Bản.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Overview - Japanese encephalitishttps://www.nhs.uk/conditions/japanese-encephalitis/
Ngày tham khảo: 02/02/2023
-
Imojevhttps://www.news-medical.net/drugs/Imojev.aspx
Ngày tham khảo: 02/02/2023
-
Japanese Encephalitis Vaccinehttps://www.healthlinkbc.ca/healthlinkbc-files/japanese-encephalitis-vaccine
Ngày tham khảo: 02/02/2023
-
Febrile childhttps://www.rch.org.au/clinicalguide/guideline_index/Febrile_child/?fbclid=IwAR14EMIXw7mla1-BSm2SPPKxuw8vwpzP1uLz9m1OJxg96nGR20NUJi7jbd8
Ngày tham khảo: 02/02/2023
-
Fever: When to Call the Pediatricianhttps://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/fever/Pages/When-to-Call-the-Pediatrician.aspx
Ngày tham khảo: 02/02/2023
-
Patient education: Febrile seizures (Beyond the Basics)https://www.uptodate.com/contents/febrile-seizures-beyond-the-basics?fbclid=IwAR2oJQbjIFXxdn_c2veaFlQI03VgUtKj0CdIQhalCvqXd8suDdNTkC3t2BE
Ngày tham khảo: 02/02/2023