Vấn nạn tin giả: Mất mạng như chơi với thông tin sức khỏe sai lệch
Nội dung bài viết
Thời đại công nghệ 4.0, việc chia sẻ thông tin chưa bao giờ dễ dàng đến thể. Bất cứ ai, làm bất cứ ngành nghề nào điều có thể chia sẻ thông tin và lan truyền nó trên các nền tảng online. Việc tiếp nhận thông tin không được kiểm chứng, không đảm bảo tính chính xác là rất nguy hại. Đặc biệt là trong lĩnh vực y tế sức khỏe, khi tiếp nhận những thông tin sai lệch sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là đe dọa tính mạng.
1. Tìm thông tin sức khỏe trên mạng: Vàng thau lẫn lộn
Ngày nay, công nghệ đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống và trở thành một phần tất yếu. Nhiều lĩnh vực vì vậy mà đã được số hóa và ngành Y tế cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Tuy nhiên, có một thực tế là việc tìm kiếm nguồn thông tin sức khỏe đáng tin cậy lại không hề dễ dàng. Thông tin tràn lan trên mạng nhưng thiếu sự kiểm chứng khiến nhiều người hoang mang. Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ thậm chí còn phải đăng tải hướng dẫn tìm kiếm thông tin y tế trực tuyến vì không phải tất cả các trang đều chính xác.
Tình trạng tiền mất tật mang do tin tưởng các thông tin, quảng cáo trên mạng là không hề ít. Tư tưởng “chữa bệnh truyền miệng”, tin mù quáng vào mẹo vặt dân gian hay thậm chí các thầy thuốc với những phương pháp chữa trị phản khoa học vẫn còn tồn tại. Nó thậm chí còn trở nên khó kiểm soát hơn trong thời đại 4.0. Tuy nhiên, trước bối cảnh toàn cầu vẫn đang trong cuộc chiến chống lại Covid-19, có lẽ chúng ta đã hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của các thông tin chính thống.
2. Bài học từ Covid-19: Chống dịch và chống cả tin thất thiệt
Cách đây vài tháng khi mà dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tiên tại Việt Nam và nước ta chính thức bước vào đợt giãn cách xã hội thì đó cũng là lúc thông tin giả tràn lan trên khắp mạng xã hội. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng thấy những thông tin chưa chính xác như ăn tỏi giúp chống Covid, uống đồ uống có cồn giúp hết bệnh… Một số bộ phận người dùng khác vì mục đích cá nhân mà còn sẵn sàng đăng tải nội dung thất thiệt về người nhiễm bệnh tại địa phương hay các ca tử vong mà ngay cả Bộ Y tế vẫn chưa công bố.
Điều đáng nói là những thông tin như thế lại nhận được rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ. Những đối tượng này dựa vào sự bất an của cộng đồng khi dịch bệnh chưa được kiểm soát và vaccine chưa được chế tạo để dẫn dắt lòng tin. Cũng trong thời điểm đó, giá khẩu trang được đẩy lên cao ngất ngưởng. Người mua được khẩu trang thì mừng như bắt được vàng, còn người có hàng để bán thì thu lợi không thua gì bán những món hàng đắt tiền. Chính quyền thậm chí còn phải vào cuộc để xử lý những đối tượng đầu cơ phá giá hay tung tin giả nhằm răn đe và trấn an người dân.
Trong thời điểm Covid-19 bùng phát, cả cộng đồng thường xuyên bị “bao vây” bởi tin giả
Vậy tại sao chúng ta lại dễ dàng bị tin giả dẫn dắt? Xét bối cảnh khi dịch bệnh bùng lên, ngay cả giới khoa học vẫn còn phải đau đầu nghiên cứu về nguyên nhân gây bệnh, các biến thể của virus, cách phòng ngừa… Đến nay, kể cả khi vaccine đã được nghiên cứu thành công thì vẫn cần thời gian để cho thấy hiệu quả. Các thông tin mà chúng ta có thể tiếp cận được vì thế là không nhiều. Và khi không hiểu rõ, tâm lý hoang mang, lo sợ phát sinh là rất dễ hiểu. Chính từ tâm lý này nên chúng ta có phần dễ tiếp nhận những thông tin được nhiều người phát tán mà không kiểm chứng lại.
3. Những trường hợp đáng tiết xảy ra khi tin vào những lời đồn thổi trên mạng
Không ít người khi được hỏi đọc thông tin ở nguồn nào thì đều có câu trả lời khá phổ biến là “trên mạng”. Người đọc thường không phân biệt được các website, báo điện tử chính thống, đáng tin cậy với những trang thông tin không được kiểm chứng, có nội dung xuyên tạc, phản động.
Đặc biệt, các thông tin liên quan đến sức khỏe luôn được người đọc quan tâm, chú ý và tin tưởng mù quáng. Khi mắc bệnh, người đọc có xu hướng tìm kiếm và tuân thủ nghiêm ngặt các chế độ ăn kiêng kị, thậm chí có nhiều trường hợp phải đi cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm do tự ý dùng bài thuốc trên mạng.
Bé 1 tuổi chết thảm vì mẹ nghe lời chữa bệnh của hội chị em trên Facebook
Mới đây, trên mạng xã hội đang chia sẻ mạnh mẽ thông tin trẻ 1 tuổi tử vong do mẹ chữa bệnh cho con theo góp ý của chị em trên facebook. Chủ tài khoản facebook giấu tên cho biết sự thật đau lòng: Chị dâu nhất quyết nghe lời hội chị em trên mạng dẫn đến cái chết thương tâm của cháu mình.
Khốn đốn vì tin thất thiệt ăn bưởi gây ung thư
Ngay sau khi nhiều tờ báo, trang mạng đưa tin ăn bưởi làm tăng nguy cơ ung thư vú; người tiêu dùng đã đồng loạt tẩy chay loại trái cây vốn được ưa chuộng này. Bưởi chín đầy vườn, chất đầy kho không có ai mua, có bán được cũng bị ép xuống giá sát đáy. Sản xuất đình trệ, cuộc sống của người nông dân khốn đốn…
Việc tung tin thất thiệt về dịch tả lợn châu Phi mới đây của một facebook khiến dư luận hoang mang, tẩy chay thịt lợn, ảnh hưởng tới chăn nuôi của người nông dân.
4. Chọn lọc thông tin sức khỏe rõ nguồn gốc để tránh tiền mất tật mang
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta tiếp nhận rất nhiều nguồn thông tin khác nhau. Có những thông tin bạn không cần phải quá chú trọng tính đúng sai, như các cuộc tán gẫu với bạn bè, người thân. Tuy nhiên, cũng có những thông tin mà bạn bắt buộc phải tham khảo ở nguồn chính thống, đơn cử như tin về sức khỏe.
Đã có nhiều trường hợp vì nghe theo thông tin thất thiệt mà ảnh hưởng đến sức khỏe, tiền mất tật mang. Sức khỏe quý hơn vàng, câu nói này đã cho thấy tầm quan trọng của sức khỏe với mỗi người. Để chăm sóc tốt hơn cho bản thân, hãy chọn lọc nguồn thông tin sức khỏe mà bạn tham khảo. Hãy chỉ tin tưởng những trang chính thống, có dẫn nguồn tin cậy, được cập nhật thường xuyên.