Veneer sứ là gì? Có cần mài răng không?
Nội dung bài viết
Ngày nay, khi nhu cầu thẩm mỹ ngày càng được quan tâm thì bên cạnh có một gương mặt đẹp. Một hàm răng thẳng đều và trắng tinh khôi cũng mang lại sự tự tin nhất định. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với những bạn mà công việc đòi hỏi phải giao tiếp nhiều. Một nụ cười rạng rỡ cũng dễ dàng tạo thiện cảm cho người đối diện. Phương pháp điều trị thẩm mỹ phổ biến nhất hiện nay là làm veneer sứ cho những bệnh nhân mong muốn cải thiện vẻ ngoài của nụ cười . Vậy veneer sứ là gì? Làm veneer sứ có cần mài răng không? Hãy cùng Youmed tìm hiểu nhé!
1.Định nghĩa?
Veneer sứ (đôi khi được gọi là mặt dán sứ veneer) là một lớp vỏ siêu mỏng bằng sứ ( ngoài ra còn có veneer bằng composite). Chúng được dán trên bề mặt răng để khắc phục các vấn đề về răng. Bao gồm men răng bị mòn, răng bị nhiễm màu, mặt răng không nhẵn bóng. Hay răng bị sứt mẻ gây mất tính thẩm mỹ, răng mọc thưa để lộ các kẽ hở.
2.Làm veneer sứ có cần mài răng?
Nếu như trước đây khách hàng muốn có một hàm răng đều, đẹp, khắc phục hiệu quả tình trạng khuyết điểm của răng thì họ thường tìm đến phương pháp bọc răng sứ. Tuy nhiên, vì phải mài toàn bộ cấu trúc của răng để tạo cùi do răng sứ khá dày. Gây ra nhiều biến chứng nguy hại cho sức khỏe răng miệng về sau khiến nhiều người cảm thấy e ngại. Ngoài ra, nếu lựa chọn nha khoa kém chất lượng, kỹ thuật mài cùi răng không đảm bảo có thể gây viêm lợi, viêm nha chu,… sau khi bọc răng sứ.
Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của nền khoa học nha khoa, với mặt dán sứ mỏng khoảng 0,3 – 0,6mm thì bạn không cần phải lo lắng nhiều về vấn đề mài răng nữa. Bởi phương pháp này chỉ mài một ít bề mặt ngoài của răng, thậm chí đối với răng có kích thước nhỏ bác sĩ có thể không cần mài mà chỉ chà nhám để tạo độ bám cho răng sứ. Do đó, với câu hỏi làm veneer sứ có phải mài răng không thì câu trả lời là CÓ mài răng nhưng tỉ lệ không nhiều như các phương pháp khác. Vì vậy, răng gốc và tủy được bảo tồn tối đa.
3. Quy trình thực hiện
3.1 Sửa soạn răng
Nha sĩ phải mài một ít men răng mặt ngoài. Mục đích là tạo khoảng trống trên răng tự nhiên của bạn để đặt mặt dán veneer. Giúp chúng trông tự nhiên và không tạo ra một mặt lồi nơi mảng bám và mảnh vụn thức ăn có thể bị vắt lại.
Nha sĩ thường chỉ mài men răng mặt ngoài khoảng 0,3- 0.6 mm hoặc ít hơn. Nếu răng của bạn xô lệch nhiều và không có đủ khoảng cho veneer thì men răng có thể được mài nhiều hơn.
3.2 Lấy dấu răng
Khi răng đã được chuẩn bị, nha sĩ tiến hành lấy dấu răng của bạn bằng kỹ thuật số (máy quét- scan trên miệng) hoặc bằng vật liệu lấy dấu. Vật liệu lấy dấu thường làm bằng cao su lấy dấu hoặc alginate. Chúng thường mềm nên không gây tổn thương cho răng cũng như mô nướu.
3.3 Hoàn tất dán veneer sứ
Khi mặt dán sứ veneer đã được hoàn thiện từ kỹ thuật viên. Nha sĩ tiến hành dán chúng vào răng đã sửa soạn trước đó bằng chất dán nha khoa (xi măng nha khoa).
Sau khi mặt dán sứ veneer cuối cùng của bạn được dán cố định vào răng, bạn có thể gặp một số khó chịu và nhạy cảm nhỏ trong một vài ngày nữa. Một lần nữa, nó nên được kiểm soát với thuốc giảm đau không kê đơn. Sau một thời gian, chúng sẽ tự hết.
4. Những trường hợp nên làm veneer sứ
- Men răng bị mòn: Men răng có thể bị mòn hoặc xỉn màu một cách tự nhiên theo thời gian. Nguyên nhân vì dính những mảng bám lâu ngày từ, trà, cà phê, hút thuốc. Hoặc sử dụng một số loại thuốc hay do hậu quả của di truyền.
- Răng bị sứt mẻ, gãy mức độ nhẹ không quá 1/3 thân răng. Trường hợp nặng phải phục hồi bằng phục hình khác như mão hay cấy ghép implant.
- Khoảng hở nhiều giữa các răng: Một số người răng mọc thưa từ nhỏ hoặc sự di răng bất thường của răng làm khoảng hở này ngày càng rộng ra.
- Răng mọc không đều: Răng mọc lệch lạc, không đều theo cung hàm. Điều này không những ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Chúng còn có thể gây trở ngại cho chức năng ăn nhai.
- Răng ố vàng do nhiễm màu kháng sinh, hút thuốc, …mà tẩy trắng không có tác dụng.
5. Những trường hợp không nên làm veneer sứ
- Răng mọc lệch quá nhiều hoặc bị sai khớp cắn.
- Răng bị nha chu.
- Khoảng cách của các răng thưa quá lớn.
- Răng sâu hoặc răng đã chữa tủy.
.
6. Ưu điểm của mặt dán sứ veneer là gì?
Mặt dán sứ veneer có những ưu điểm sau:
- Màu sắc trắng, trong tự nhiên.
- Sứ thường có sự thích ứng tốt với nướu răng hơm kim loại.
- Veneer sứ có khả năng chống vết bẩn.
- Mài ít men răng. Không gây tổn thương tủy.
7. Nhược điểm của mặt dán sứ veneer?
- Veneer sứ có chi phí cao hơn so phương pháp dán trực tiếp từ composite.
- Vì men răng đã bị loại bỏ, răng của bạn có thể trở nên nhạy cảm hơn với thức ăn và đồ uống nóng và lạnh.
- Đôi khi màu răng không đạt như mong muốn của bệnh nhân vì nhiều yếu tố khách quan. Như so màu răng không chuẩn ( do ánh sáng phòng). Hay do đặc điểm vật liệu tại Labo.
- Ngoài ra, màu veneer không thể được thay đổi một lần tại chỗ. Nếu bạn có kế hoạch làm trắng răng, bạn cần phải làm như vậy trước khi làm veneer sứ.
- Có rất ít trường hợp veneer sứ bị đánh bật và rơi ra. Nguyên nhân có thể trong quá trinh làm, nha sĩ đã không mài đủ khoảng cho veneer sứ dán chắc. Hoặc do bệnh nhân có các tật xấu như cắn móng tay, nhai bút chì, cắn nước đá hoặc các vật cứng khác.
- Veneers không phải là lựa chọn tốt cho những người có răng không khỏe mạnh. Ví dụ, những người bị sâu răng hoặc mắc các bệnh về nướu. Răng bị yếu do sâu răng, gãy hay miếng trám răng lớn. Hoặc cho những người không có đủ lượng men cần thiết trên bề mặt răng để mài tạo khoảng gắn veneer sứ.
- Nghiến răng cũng là một trong những nguyên nhân gây sứt, mẻ mặt dán sứ veneer.
8. Mặt dán sứ veneer sứ có tuổi thọ bao lâu?
Veneer sứ thường kéo dài từ 7 đến 15 năm. Tuy nhiên chúng có thể sứt mẻ hoặc vỡ, giống như răng của bạn có thể. Vết nứt nhỏ có thể được sửa chữa, nhưng hầu hết được thay thế bằng veneer sứ mới. Khi có sự cố xảy ra, bạn nên đến khám và nhận tư vấn từ nha sĩ để đưa ra giải pháp thích hợp.
9. Có yêu cầu đặc biệt gì cho mặt dán sứ veneer không?
Mặt dán sứ veneer không yêu cầu bất kỳ chăm sóc đặc biệt nào. Bệnh nhân chỉ cần đảm bảo tuân thủ các quy tắc vệ sinh răng miệng đúng cách. Bao gồm đánh răng, dùng chỉ nha khoa và súc miệng bằng nước súc miệng sát trùng như bình thường.
Mặc dù veneer sứ chống lại vết bẩn. Nha sĩ có thể khuyên bạn nên tránh các thực phẩm và đồ uống gây ố. Ví dụ: cà phê, trà hoặc rượu vang đỏ.
10. Có loại phục hình nào thay thế không?
Ngoài mặt dán sứ veneer, còn có mão sứ (sứ kim loại hoặc toàn sứ) để khắc phục tính thẩm mỹ do màu sắc hay răng không đều. Tuy mặt dán sứ veneer được cho là lựa chọn phù hợp cho các trường hợp không muốn mài quá nhiều mô răng, gây ảnh hưởng cho tủy răng. Hay khi các phương pháp tẩy trắng răng bằng thuốc không giải quyết triệt để vấn đề răng bị xỉn màu. Thì mặt dán veneer cũng là phương pháp được các nha sĩ khuyên chọn.
11 Kết luận
Nếu như trước đây, chưa có kỹ thuật Veneer sứ, các phương pháp thông thường bộc lộ rất nhiều hạn chế như ảnh hưởng đến mô răng thật. Gây cảm giác tê buốt, tuổi thọ và độ bền không cao. Hiện nay, mặt dán sứ Veneer chính là giải pháp lý tưởng, khắc phục triệt để các nhược điểm trên, mang đến các kết quả thẩm mỹ nổi bật và vượt trội.
Kĩ thuật viên Nguyễn Thị Mên
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.