Viêm dạ dày cấp là gì? Triệu chứng và cách điều trị như thế nào?
Nội dung bài viết
Viêm dạ dày cấp là bệnh lý phổ biến trên toàn thế giới. Nếu không điều trị, tình trạng viêm lâu ngày có thể diễn tiến nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Vậy, viêm dạ dày cấp là gì? Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ và điều trị bệnh như thế nào? Tất cả sẽ được hé lộ qua bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Việt Nguyên. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé.
Viêm dạ dày cấp là gì?
Viêm dạ dày cấp là khái niệm liên quan đến tình trạng đau nghiêm trọng tại dạ dày do sưng và viêm đột ngột lớp niêm mạc. Khác với viêm dạ dày ruột là bệnh ảnh hưởng lên cả dạ dày và ruột, gây đau bụng, buồn nôn và nôn, tiêu chảy. Viêm dạ dày cấp chỉ ảnh hưởng khu trú lên cơ quan này khiến bệnh nhân đau bụng và buồn nôn, nôn. Dù triệu chứng đau khá nặng nhưng thường không kéo dài, chỉ diễn ra từng đợt ngắn tại một thời điểm.
Nguyên nhân nào gây ra viêm dạ dày cấp?
Nguyên nhân chủ yếu của bệnh là sự tổn thương niêm mạc dạ dày. Từ đó acid dạ dày có cơ hội “tấn công” vào các lớp bên dưới. Các tác nhân chính đứng sau vấn đề này có thể kể đến như:
- Các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), corticoid. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất.
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori.
- Uống rượu nhiều và thường xuyên.
Ngoài ra, có một vài tác nhân ít phổ biến hơn cũng có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày:
- Chấn thương
- Nhiễm virus
- Căng thẳng cực độ
- Các bệnh tự miễn, hệ miễn dịch tấn công niêm mạc dạ dày
- Bệnh Crohn (thường gặp ở các nước phương Tây)
- Sử dụng các chất gây nghiện
- Trào ngược dịch mật từ tá tràng
- Ăn các chất có tính ăn mòn như thuốc độc
- Biến chứng phẫu thuật
- Suy thận
- Đang sử dụng máy thở hoặc mặt nạ phòng độc
Những ai có nguy cơ mắc bệnh viêm dạ dày cấp
Người có các yếu tố sau đây có nguy cơ mắc viêm dạ dày cấp cao hơn bình thường:
- Dùng NSAID
- Dùng corticosteroid
- Uống nhiều rượu
- Trải qua cuộc phẫu thuật lớn
- Suy thận
- Suy gan
- Suy hô hấp
Các triệu chứng của bệnh viêm dạ dày cấp
Một số bệnh nhân viêm dạ dày cấp không có biểu hiện triệu chứng gì. Trong khi một số khác sẽ có nhiều biểu hiện đa dạng từ nhẹ đến nặng.
Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Chán ăn, ăn mất ngon
- Khó tiêu
- Đi cầu phân đen
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Nôn ra máu giống bã cà phê đã qua sử dụng
- Đau phần bụng trên
- Cảm giác đầy bụng trên sau ăn
Các triệu chứng trên không điển hình, có thể thấy biểu hiện tương tự trong nhiều bệnh lý khác. Vì vậy, để đảm bảo chẩn đoán chính xác bệnh, hãy tìm đến bác sĩ khi bệnh kéo dài một tuần hoặc lâu hơn. Khi đã xuất hiện nôn ra máu, cần đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Một số bệnh có triệu chứng tương tự viêm dạ dày cấp:
- Loét dạ dày tá tràng, có thể có viêm dạ dày kèm theo.
- Bệnh Crohn, là một tình trạng viêm mạn tính có thể ảnh hưởng lên toàn bộ đường tiêu hóa.
- Sỏi mật hoặc bệnh lý về túi mật.
- Ngộ độc thực phẩm với biểu hiện đau bụng dữ dội, nôn mửa và tiêu chảy.
Viêm dạ dày cấp có nguy hiểm không?
Tình trạng viêm lâu ngày hoặc viêm tái đi tái lại tại niêm mạc dạ dày có nguy cơ dẫn đến hàng loạt vấn đề nghiêm trọng, như:
- Xuất huyết dạ dày
- Biến chứng hẹp môn vị (đường ra dạ dày)
- Mất nước từ nhẹ đến nặng (do nôn ói nhiều, mất máu)
- Suy thận
Chẩn đoán viêm dạ dày cấp
Thông thường, bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân những câu hỏi cụ thể để nắm rõ các triệu chứng bệnh. Sau đó sẽ chỉ định các xét nghiệm giúp khẳng định chẩn đoán, như:
- Tổng phân tích tế bào máu (công thức máu hoàn chỉnh CBC) để kiểm tra sức khỏe tổng thể.
- Xét nghiệm máu, hơi thở hoặc nước bọt để định tính H.pylori.
- Xét nghiệm phân tìm máu ẩn (FOBT).
- Nội soi dạ dày thực quản để khảo sát niêm mạc dạ dày thông qua đầu nội soi có gắn camera nhỏ.
- Sinh thiết mô dạ dày bằng cách loại bỏ một mẩu nhỏ mô dạ dày và phân tích dưới kính hiển vi.
- Xquang bụng giúp tìm các bất thường về cấu trúc trong hệ tiêu hóa.
Điều trị bệnh viêm dạ dày cấp
Viêm dạ dày cấp điều trị như thế nào? Có rất nhiều phương pháp điều trị tùy vào mức độ của bệnh mà bạn có thể lựa chọn.
Một số trường hợp không cần điều trị, bệnh có thể tự giới hạn. Chế độ ăn ít acid tự nhiên, ít chất béo và ít gia vị giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng. Sử dụng nước dùng gà hoặc các loại súp khác khi nôn mửa liên tục.
Tuy nhiên, đa số trường hợp cần áp dụng điều trị. Thời gian điều trị và phục hồi phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Ví dụ, nhiễm H.pylori cần một hoặc hai đợt kháng sinh, mỗi đợt kéo dài khoảng 02 tuần.
Điều trị bằng thuốc
Có cả thuốc tự mua và thuốc kê toa cho viêm dạ dày cấp. Thông thường bác sĩ sẽ kết hợp nhiều loại thuốc nhằm tăng hiệu quả điều trị, như:
- Thuốc kháng acid như Pepto-Bismol, TUMS, hoặc sữa Magie giúp trung hòa acid dạ dày. Những thuốc này có thể được chỉ định cho bất kỳ trường hợp viêm dạ dày nào. Liều dùng thường xuyên khoảng 30 phút một lần nếu cần.
- Thuốc đối kháng H2 như famotidine (Pepcid) và cimetidine (Tagamet) làm giảm sản xuất acid dạ dày. Thường uống từ 10 đến 60 phút trước bữa ăn.
- Thuốc ức chế bơm proton như omeprazole (Prilosec) và esomeprazol (Nexium) ức chế sản xuất acid dạ dày. Liều dùng theo khuyến cáo chỉ nên sử dụng 01 lần mỗi 24 giờ và dùng không quá 14 ngày.
- Thuốc kháng sinh chỉ cần thiết nếu bệnh nhân viêm dạ dày do vi khuẩn như H.pylori. Thuốc kháng sinh phổ biến được dùng để điều trị những trường hợp này là amoxicillin, tetracyclin (không dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi) và clarithromycin.
Thuốc kháng sinh có thể được sử dụng kết hợp với thuốc ức chế bơm proton, thuốc kháng acid hoặc thuốc kháng H2. Quá trình điều trị thường kéo dài 10 ngày đến 4 tuần.
Bác sĩ cũng có thể khuyến nghị bệnh nhân ngưng dùng NSAIDs hoặc corticosteroid để theo dõi xem triệu chứng có thuyên giảm hay không. Tuy nhiên, không được tự ý ngừng dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Các phương pháp điều trị tại nhà
Thay đổi lối sống có thể làm giảm triệu chứng viêm dạ dày cấp. Những thay đổi hữu ích bao gồm:
- Tránh hoặc hạn chế uống rượu
- Tránh thức ăn cay, đồ chiên và chua
- Ăn nhiều bữa nhỏ
- Tránh căng thẳng
- Tránh dùng các loại thuốc gây kích ứng niêm mạc dạ dày như NSAIDs và aspirin
Dùng thảo mộc để điều trị
Theo nghiên cứu ban đầu được công bố trên tạp chí The Original Internist (Hoa Kỳ), một số loại thảo mộc có thể giúp cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa. Chúng cũng có thể hỗ trợ tiêu diệt H.pylori. Những loại này bao gồm:
- Cây du trơn
- Cây Một dược
- Berberine (chiết xuất từ cây Hoàng đằng)
- Cam thảo
- Cây Chàm nhuộm hoang dã
- Đinh hương
- Nho oregon
Hãy trò chuyện và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ phương thuốc thảo mộc nào. Một số thảo mộc có thể tương tác không tốt với các loại thuốc khác gây nên nhiều tác dụng phụ.
Tiên lượng điều trị bệnh nhân viêm dạ dày cấp
Triển vọng điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản gây bệnh. Ví dụ, nhiễm H.pylori thường mất 02 đến 04 tuần để điều trị khỏi. Nhiễm virus điều trị thường kéo dài 01 đến 02 tuần.
Tuy nhiên, đôi khi điều trị không thành công, bệnh có thể chuyển thành viêm dạ dày mạn tính. Viêm dạ dày mạn tính làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Phòng ngừa bệnh viêm dạ dày cấp
Để phòng ngừa viêm dạ dày cấp và các biến chứng nguy hiểm có thể áp dụng các phương pháp sau:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước trước mỗi bữa ăn. Thói quen này có thể làm giảm nguy cơ nhiễm H.pylori.
- Nấu chín kỹ thức ăn giúp làm giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Tránh uống rượu hoặc hạn chế uống rượu.
- Tránh NSAID hoặc không sử dụng thường xuyên. Không sử dụng NSAID khi bụng đói.
Dù tỷ lệ viêm dạ dày mạn đã giảm nhưng viêm dạ dày cấp vẫn đang có xu hướng tăng trên toàn thế giới. Ngoài tuân thủ những phương pháp điều trị nêu trên, cần thay đổi một chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh hơn. Điều đó không những thúc đẩy nhanh hiệu quả điều trị mà còn phòng ngừa biến chứng và những đợt tái phát bệnh.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Acute Gastritis https://www.healthline.com/health/gastritis-acute#_noHeaderPrefixedContent
Ngày tham khảo: 09/07/2021