YouMed

Viêm phúc mạc: Một tình trạng cấp cứu thường gặp

bác sĩ nguyền hồ thanh an
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Hồ Thanh An
Chuyên khoa: Chẩn đoán hình ảnh, Nội tổng quát

Viêm phúc mạc là một tình trạng cấp cứu khá phổ biến gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng nhìn chung, tất cả chúng đều có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh và đòi hỏi điều trị y tế càng sớm càng tốt. Vậy làm thế nào để nhận biết một tình trạng viêm phúc mạc? Những ai có nguy cơ cao bị viêm phúc mạc?… Để trả lời tất cả những câu hỏi này, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết của bác sĩ Nguyễn Hồ Thanh An.

Viêm phúc mạc là gì?

Viêm phúc mạc là tình trạng viêm của lớp mô lót mặt trong thành bụng và bao phủ hầu hết các cơ quan trong ổ bụng (gọi là phúc mạc) do các tác nhân vi trùng (vi khuẩn, nấm…) hoặc không do vi trùng (acid dạ dày, dịch tụy,…).

Chúng được phân chia thành nhiều nhóm dựa trên một vài yếu tố như:

  • Nguyên nhân gây bệnh có viêm phúc mạc nguyên phát và thứ phát.
  • Diễn tiến bệnh có viêm phúc mạc cấp tính và mạn tính.
  • Mức độ lan tràn của bệnh có viêm phúc mạc khu trú và toàn thể.

Trong nội dung bài viết này, chúng ta sẽ chủ yếu đề cập tới cách phân loại theo nguyên nhân gây bệnh. Và chúng được định nghĩa như sau:

  • Viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát (VPMNKNP): Là nhiễm trùng dịch báng (cổ trướng) mà không có bằng chứng rõ ràng về các bệnh lý (hay tổn thương) trong ổ bụng có thể phẫu thuật được.
  • Viêm phúc mạc thứ phát: Là hậu quả gây ra bởi tổn thương của các cơ quan khác trong ổ bụng.

Nguyên nhân nào gây ra viêm phúc mạc?

Viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát

Cho đến nay, người ta vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ về cơ chế gây bệnh ở VPMNKNP. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm trùng này được cho là hậu quả của một số yếu tố như:

  • Thành lập dịch báng: Tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh trưởng và phát triển.
  • Sự di chuyển của vi khuẩn: Bằng cách đi xuyên qua thành ruột hay theo đường các mạch máu, vi khuẩn có thể xâm nhập vào dịch báng, sinh trưởng và phát triển gây bệnh.
  • Miễn dịch của cơ thể bị suy giảm: Xơ gan là một trong những dạng suy giảm miễn dịch mắc phải phổ biến nhất, gây ra sự thiếu hụt về số lượng và chức năng của các tế bào bảo vệ cơ thể. Điều này khiến cho cơ thể mất đi khả năng chống lại sự nhân lên của vi khuẩn trong dịch báng.

Viêm phúc mạc thứ phát

Trái ngược với VPMNKNP, các nguyên nhân dẫn tới viêm phúc mạc thứ phát thường cụ thể và có thể phẫu thuật được. Các bệnh lý phổ biến có thể thấy là:

  • Một vết thương hoặc chấn thương ở bụng.
  • Thủng ổ loét dạ dày, thủng ruột non, thủng đại tràng.
  • Tắc ruột (đặc biệt là dạng tắc ruột thắt nghẹt).
  • Viêm ruột thừa, viêm túi thừa, viêm tụy, viêm túi mật… và các biến chứng của chúng. 
  • Các thủ thuật xâm lấn (ví dụ thẩm phân phúc mạc ở người suy thận,…).

Nếu người bệnh là nữ, có thể gặp thêm các nguyên nhân như:

  • Viêm phần phụ.
  • Thai ngoài tử cung vỡ.
  • U buồng trứng xoắn.

Viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát có biểu hiện như thế nào?

VPMNKNP có thể biểu hiện rất tinh tế so với các bệnh nhân bị viêm phúc mạc thứ phát. Thậm chí, một số ít còn không hề có bất kỳ dấu hiệu nào và chỉ được chẩn đoán một cách tình cờ khi nhập viện vì các bệnh lý khác.

Do đó, VPMNKNP nên được nghi ngờ ở những bệnh nhân bị báng bụng do xơ gan tiến triển kèm theo các triệu chứng như:  

  • Sốt: Là biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất.
  • Đau bụng và bụng gồng cứng: Là các dấu hiệu đặc trưng của viêm phúc mạc. Tuy nhiên, chúng có thể rất tinh tế do sự hiện diện của dịch báng.
  • Nôn.
  • Xuất huyết tiêu hóa: Với các triệu chứng như ói ra máu, đi cầu phân đen hay thậm chí là máu tươi.
  • Thay đổi trạng thái tâm thần kinh: Thường dễ bị bỏ qua ở bệnh nhân xơ gan do sự thay đổi này có thể rất tinh tế. Đến mức, chúng chỉ có thể được phát hiện bởi những người thân trong gia đình hoặc các bác sĩ lâm sàng nắm rất rõ tình trạng bệnh nhân.
  • Tiêu chảy: Thường gặp, có thể báo hiệu cho sự khởi đầu của nhiễm trùng.
  • Choáng nhiễm trùng: Dấu hiệu của nhiễm trùng nặng và tiến triển, biểu hiện với các triệu chứng hạ huyết áp, tăng/hạ thân nhiệt,…

Viêm phúc mạc thứ phát có biểu hiện gì?

Các triệu chứng của viêm phúc mạc thứ phát thay đổi tùy thuộc vào bệnh lý nguyên nhân gây ra nó. Phổ biến là:

  • Đau bụng: Than phiền chính của bệnh nhân bị viêm phúc mạc. Ban đầu, cơn đau có thể âm ỉ và khó khu trú. Sau đó dần dần trở nên liên tục, dữ dội và khu trú hơn. Người bệnh cảm thấy đau hơn khi thực hiện các cử động như đi lại, ho, vặn người,… và đè ấn tại chỗ. Tuy nhiên, trong một số bệnh lý nghiêm trọng (ví dụ, thủng dạ dày, viêm tụy cấp nặng,…) cơn đau dữ đọi khắp bụng có thể xuất hiện ngay từ đầu.
    Viêm phúc mạc:  Một tình trạng cấp cứu thường gặp
    Đau bụng và bụng gồng cứng là triệu chứng thường gặp nhất của viêm phúc mạc
  • Sốt, ớn lạnh,mệt mỏi: Gợi ý tình trạng nhiễm trùng.
  • Buồn nôn và nôn: Chủ yếu là nôn khan, không ra thức ăn.
  • Đầy hơi hoặc chướng bụng.
  • Bí trung và đại tiện.
  • Khát nước, tiểu ít, tụt huyết áp và sốc: Là các dấu hiệu cảnh báo tình trạng người bệnh đã trở nên nghiêm trọng.

Chẩn đoán viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát ra sao?

Do các dấu hiệu thường biểu hiện rất tinh tế nên cần nghi ngờ VPMNKNP ở bệnh nhân xơ gan báng bụng kèm các triệu chứng đã nêu như sốt, đau bụng, thay đổi trạng thái tâm thần… Ngoài ra, những bệnh nhân xơ gan báng bụng nhập viện vì lý do khác cũng cần được chọc dịch màng bụng để xác nhận hay loại trừ viêm phúc mạc.

Người bệnh xơ gan có báng bụng cần cẩn thận với các triệu chứng của viêm phúc mạc
Người bệnh xơ gan có báng bụng cần cẩn thận với các triệu chứng của viêm phúc mạc

Chọc dịch màng bụng để làm xét nghiệm có thể được thực hiện ngay tại giường hoặc trong phòng thủ thuật dưới hướng dẫn của siêu âm (trước khi sử dụng kháng sinh). Lượng dịch rút ra được đưa đến phòng xét nghiệm để tiến hành đánh giá và nuôi cấy. Kết quả dịch màng bụng sẽ được dùng để chẩn đoán xác định viêm phúc mạc sau khi đã loại trừ các nguyên nhân thứ phát.

Chẩn đoán viêm phúc mạc thứ phát như thế nào?

Chẩn đoán viêm phúc mạc thứ phát thường dựa vào các triệu chứng lâm sàng là chủ yếu. Một bệnh sử kỹ lưỡng cùng với quá trình thăm khám cẩn thận vùng bụng chậu là rất cần thiết.

Mục tiêu của quá trình chẩn đoán không chỉ dừng lại ở việc xác định tình trạng viêm phúc mạc mà còn cần phải xác định được nguyên nhân gây bệnh phía sau. Nhờ đó đưa ra các kế hoạch điều trị phù hợp cho người bệnh.

Để làm được điều này, các bác sĩ có thể sẽ cần đến các xét nghiệm sau đây:

  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra số lượng bạch cầu, đánh giá tình trạng nhiễm trùng cũng như theo dõi hiệu quả điều trị. Đồng thời, cấy máu được thực hiện để xác định xem vi khuẩn có tồn tại trong máu hay không, chúng có thể bị tiêu diệt bởi các loại kháng sinh nào.
  • Hình ảnh học: Đánh giá hình ảnh gián tiếp của các tổn thương trong ổ bụng. X-quang bụng, siêu âm, hay chụp cắt lớp điện toán (CT-scans) là các công cụ có thể được sử dụng. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ lựa chọn dùng phương pháp nào dựa trên các ưu và nhược điểm của chúng.  

Điều trị viêm phúc mạc nguyên phát

Phương pháp điều trị chủ yếu là sử dụng kháng sinh càng sớm càng tốt ngay khi có thể, sau khi người bệnh đã được chọc dịch màng bụng để làm xét nghiệm. Cụ thể thì:

  • Trường hợp bệnh nhân bị sốt, đau bụng, hoặc thay đổi trạng thái tâm thần: Thường được bắt đầu điều trị ngay khi đã thưc hiện chọc dịch màng bụng, lấy máu và nước tiểu để làm xét nghiệm.
  • Ở những bệnh nhân KHÔNG CÓ những triệu chứng này: Điều trị thường được bắt đầu khi có kết quả xét nghiệm dịch báng (với số lượng bạch cầu tăng).

Kháng sinh có thể dùng đường uống hoặc tiêm. Thời gian điều trị thường kéo dài từ 5-7 ngày.

Điều trị viêm phúc mạc thứ phát

Viêm phúc mạc thứ phát là một tình trạng cấp cứu. Điều trị viêm phúc mạc (đặc biệt là viêm phúc mạc mức độ nặng) khá phức tạp và cần kết hợp nhiều chuyên khoa.

Điều trị nội khoa

Bao gồm các đặc điểm chính như:

  • Hồi sức bệnh nhân: Theo dõi sát các yếu tố mạch, huyết áp, lượng nước tiểu,… nhằm mục đích bù lại lượng dịch thích hợp mà người bệnh bị mất do nhiễm trùng trong ổ bụng đồng thời ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra. Kèm với đó, các bất thường về điện giải và đông máu cũng sẽ được điều chỉnh để chuẩn bị cho phẫu thuật.
  • Sử dụng kháng sinh: Khác nhau tùy từng trường hợp cụ thể. Thời gian sử dụng cũng thay đổi tùy theo mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng.
  • Điều trị hỗ trợ khác: Bao gồm thuốc giảm đau, đặt ống thông mũi dạ dày thường được sử dụng để làm giảm các triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Với các trường hợp nặng hơn, có thể cần phải đặt ống nội khí quản và hỗ trợ hô hấp sớm.

Điều trị phẫu thuật

Kiểm soát tốt nguyên nhân nhiễm trùng là bắt buộc và cần được thực hiện sớm nhất có thể, bằng phương pháp phẫu thuật hoặc không phẫu thuật (như dẫn lưu ổ áp-xe ra da hoặc đặt stent qua nội soi…).

Phẫu thuật sẽ được dùng trong những trường hợp cần loại bỏ hoàn toàn vi trùng và các độc tố mà người bệnh vẫn đủ điều kiện sức khỏe. Nội dung phẫu thuật có thể là khâu, cắt bỏ hoặc đưa ruột ra ngoài tùy vào tình trạng cụ thể của người bệnh.

Viêm phúc mạc:  Một tình trạng cấp cứu thường gặp
Các nguyên nhân dẫn đến viêm phúc mạc thứ phát cần được phẫu thuật loại bỏ (nếu có thể)

Viêm phúc mạc là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, cần được chăm sóc y tế phù hợp. Nhiễm trùng có thể lây lan và đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Các dấu hiệu gợi ý cũng như cách điều trị hoàn toàn không giống nhau ở các dạng viêm phúc mạc. Do đó, khi có bất kỳ biểu hiện nghi ngờ, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán sớm và điều trị phù hợp. Đừng chủ quan xem thường, bạn nhé!

Xem thêm: Ung thư túi mật: Căn bệnh nguy hiểm nếu phát hiện trễ!

Cài đặt ngay ứng dụng YouMed để đặt khám tiện lợi, không chờ đợi tại hơn 25 bệnh viện, 475 bác sĩ và 50 phòng khám đa khoa liên kết chính thức với YouMed. Hotline tư vấn 1900 2805 .

Các tính năng rất hữu ích của ứng dụng đặt khám YouMed

Lấy số thứ tự trước, khám đúng khung giờ

Lấy số thứ tự trước, khám đúng khung giờ

Chọn bác sĩ, chuyên khoa phù hợp

Chọn bác sĩ, chuyên khoa
phù hợp

Chat và gọi với bác sĩ

Chat và gọi
với bác sĩ

Thanh toán phí khám

Thanh toán
phí khám

Lưu trữ hồ sơ, lịch sử khám

Lưu trữ hồ sơ, lịch sử khám

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Spontaneous bacterial peritonitis in adults: Clinical manifestationshttps://www.uptodate.com/contents/spontaneous-bacterial-peritonitis-in-adults-clinical-manifestations?search=peritonitis&source=search_result&selectedTitle=5~150&usage_type=default&display_rank=5

    Ngày tham khảo: 02/04/2020

  2. Pathogenesis of spontaneous bacterial peritonitishttps://www.uptodate.com/contents/pathogenesis-of-spontaneous-bacterial-peritonitis?search=peritonitis&source=search_result&selectedTitle=7~150&usage_type=default&display_rank=7

    Ngày tham khảo: 02/04/2020

  3. Spontaneous bacterial peritonitis in adults: Diagnosishttps://www.uptodate.com/contents/spontaneous-bacterial-peritonitis-in-adults-diagnosis?search=peritonitis&source=search_result&selectedTitle=2~150&usage_type=default&display_rank=2#H22

    Ngày tham khảo: 02/04/2020

  4. Spontaneous bacterial peritonitis in adults: Treatment and prophylaxishttps://www.uptodate.com/contents/spontaneous-bacterial-peritonitis-in-adults-treatment-and-prophylaxis?search=peritonitis&source=search_result&selectedTitle=1~150&usage_type=default&display_rank=1#H21

    Ngày tham khảo: 02/04/2020

  5. Sách “Cấp cứu ngoại khoa tiêu hóa”. Bộ môn Ngoại, Đại học Y Dược TP.HCM.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người