YouMed

Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ có dễ chẩn đoán và điều trị ?

Bác sĩ PHAN VĂN GIÁO
Tác giả: Bác sĩ Phan Văn Giáo
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Bạn đang trải qua các cơn đau bụng mơ hồ, kèm thay đổi trong vấn đề đi tiêu. Bạn thắc mắc rằng mình chỉ bị rối loạn tiêu hóa đơn thuần hay có các bệnh lý nặng. Nếu như vậy, có thể bạn đang mắc bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ. Hãy cùng YouMed tìm hiểu xem viêm đại tràng thiếu áu cục bộ là gì và những yếu tố nguy cơ của bệnh là gì.

1.    Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ là gì?

Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ xảy ra khi lưu lượng máu đến đại tràng bị giảm, thường là do hẹp hoặc tắc các mạch máu nuôi đại tràng. Giảm lưu lượng máu đến đại tràng gây ra hiện tượng thiếu oxy cung cấp cho các tế bào. Khi hiện tượng này xảy ra ở hệ tiêu hóa, thì có thể gây ra các triệu chứng như đau và có thể gây tổn thương tại đại tràng. Bất cứ đoạn nào của đại tràng cũng có khả năng bị ảnh hưởng của bệnh. Nhưng bệnh thường gây đau phần bụng bên trái, dưới rốn.

Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ có thể nhầm lẫn với nhiều bệnh lý tiêu hóa khác. Bên cạnh đó, có nhiều hướng điều trị cho bệnh như dùng thuốc uống, điều trị ngăn nhiễm trùng thứ phát, phẫu thuật tiếp cận vùng tổn thương. Đôi khi, bệnh vần có khả năng tự lành.

Đau bụng mơ hồ - triệu chứng thường gặp nhưng không dễ chẩn đoán bệnh
Đau bụng mơ hồ – triệu chứng thường gặp nhưng không dễ chẩn đoán bệnh

2.    Nguyên nhân

Nguyên nhân chính xác của việc giảm lưu lượng máu đến đại tràng không phải lúc nào cũng rõ ràng. Tuy nhiên, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, như:

  • Tích tụ các chất béo trên thành động mạch – xơ vữa động mạch.
  • Huyết áp thấp liên quan với các bệnh như suy tim, phẫu thuật lớn, chấn thương hay sốc.
  • Một cục máu đông trong động mạch cấp máu cho đại tràng hoặc ít phổ biến hơn là trong tĩnh mạch (huyết khối tĩnh mạch).
  • Tắc ruột do thoát vị, do mô sẹo cũ hay do khối u.
  • Phẫu thuật liên quan đến tim hay mạch máu, hoặc hệ tiêu hóa hay sản phụ khoa.
  • Các tình trạng y tế khác ảnh hưởng đến máu như viêm mạch máu, lupus ban đỏ hoặc hồng cầu hình liềm.
  • Sử dụng chất nghiện như cocaine hoặc methamphetamine.
  • Ung thư đại tràng (hiếm).

Một số thuốc cũng có khả năng gây ra tình trạng viêm, mặc dù tình trạng này thường hiếm gặp. Những loại thuốc được ghi nhận có nguy cơ này, như:

  • Thuốc điều trị bệnh tim mạch hay bệnh Migraine.
  • Các thuốc nội tiết tố như estrogen ngoại sinh.
  • Kháng sinh
  • Một số thuốc điều trị hội chứng ruột kích thích.
  • Một số thuốc hóa trị.

3.    Triệu chứng bệnh đại tràng thiếu máu cục bộ

Các triệu chứng và dấu hiệu có thể bao gồm:

  • Đau, căng tức vùng bụng, đau quanh rốn. Đau khởi phát đột ngột hoặc từ từ, tăng dần.
  • Tiêu phân lẫn máu, đôi khi, tiêu máu không kèm phân.
  • Cảm thấy sôi bụng.
  • Tiêu chảy.
  • Táo bón.

Nguy cơ gặp biến chứng nặng cao hơn khi các triệu chứng xuất hiện ở bụng phải của bạn. Đó là do các động mạch cấp máu cho đại tràng bên phải cũng cấp máu cho một phần ruột non, do đó phần đại tràng có thể bị nặng hơn do nhận ít máu hơn nữa. Kèm theo đó, triệu chứng đau bụng có xu hướng nặng nề hơn.

Lưu lượng máu đến nuôi ruột non cũng có thể bị chặn, và nhanh chóng dẫn đến hoạt tử mô ruột (sự chết của các tế bào ở ruột non). Đây là một tình trạng đe dọa tính mạng, và nếu xảy ra, bạn cần phẫu thuật để loại bỏ tắc nghẽn và phần ruột bị tổn thương.

4.    Yếu tố nguy cơ và biến chứng

Các yếu tố nguy cơ của viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

  • Tuổi. Tình trạng này xảy ra hầu hết ở người lớn tuổi, đặc biệt là trên 60 tuổi. Tuy nhiên, nếu tình trạng này xảy ra ở người trẻ tuổi, thì có thể là dấu hiệu của bệnh lý rối loạn động máu hoặc viêm mạch máu.
  • Rối loạn đông máu. Rối loạn đông máu ảnh hưởng lên khả năng hình thành cục máu đông. Từ đó làm tăng nguy cơ viêm đại tràng thiếu máu cục bộ.
  • Cholesterol máu tăng cao, làm gia tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.
  • Giảm lưu lượng máu đến đại tràng. Do các bệnh lý như suy tim, hạ huyết áp hay sốc.
  • Tiền căn phẫu thuật vùng bụng. Mô sẹo sau phẫu thuật có thể làm giảm lượng máu tới đại tràng.
  • Tập thể dục nặng. Như chạy việt dã, cũng có thể làm giảm lưu lượng máu tới đại tràng.
  • Các phẫu thuật liên quan đến động mạch lớn (động mạch chủ). Các động mạch này dãn máu từ tim đến phần còn lại của cơ thể.

Biến chứng

Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ thường tự khỏi trong vòng 2-3 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nghiêm trọng, có thể xuất hiện các biến chứng sau:

  • Hoại tử mô do giảm nặng lưu lượng máu.
  • Loét, thủng đại tràng gây chảy máu dai dẳng.
  • Viêm ruột (viêm loét đại tràng từng đoạn).
  • Tắc ruột (thiếu máu cục bộ).

5.    Chẩn đoán viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ có thể bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Vì các triệu chứng chồng chéo nhau, đặc biệt là hội chứng ruột kích thích. Dựa vào các triệu chứng và dấu hiệu của bạn, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm sau:

  • Siêu âm bụng và chụp cắt lớp (CT scan). Hai xét nghiệm này giúp cung cấp các thông tin hữu ích để loại trừ các bệnh lý khác như hội chứng ruột kích thích.
  • Xét nghiệm phân. Xét nghiệm phân được chỉ định để loại trừ những nguyên nhân nhiễm trùng gây ra các triệu chứng.
  • Chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ mạch máu. Các cận lâm sàng này giúp cung cấp thông tin về mạch máu cấp máu cho ruột non và đại tràng, cũng như tìm kiếm các yếu tố làm tắc nghẽn động mạch. Xét nghiệm này được chỉ định khi nghi ngờ thiếu máu cục bộ ở cả ruột non và đại tràng.
  • Nội soi đại tràng. Xét nghiệm này cung cấp hình ảnh chi tiết về đại tràng, giúp chẩn đoán bệnh. Nội soi đại tràng cũng có thể sử dụng để tầm soát ung thư và để đánh giá hiệu quả điều trị.

Hình ảnh nội soi đại tràng là xét nghiệm rất hữu dụng giúp chẩn đoán bệnh
Hình ảnh nội soi đại tràng là xét nghiệm rất hữu dụng giúp chẩn đoán bệnh

6.    Điều trị

Mức độ nghiêm trọng của bệnh là yếu tố ảnh hưởng đến cách giải quyết vấn đề.

Điều trị nội khoa

Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh thường giảm dần trong 2-3 ngày trong trường hợp nhẹ. Bác sĩ có thể kê toa một số thuốc cho bạn, như:

  • Kháng sinh. Để ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Truyền dịch đường tĩnh mạch, nếu bạn có dấu hiệu mất nước.
  • Giải quyết các bệnh lý tiềm ẩn. Như suy tim sung huyết, rối loạn nhịp tim.
  • Tránh các thuốc có khả năng làm co thắt mạch máu. Như thuốc điều trị Migraine, hay thuốc nội tiết tố, thuốc điều trị bệnh tim mạch.

Bác sĩ cũng cần lên lịch theo dõi, có thể kèm nội soi để theo dõi quá trình bệnh và các biến chứng.

Phẫu thuật

Mặc dù hầu hết các trường hợp tự khỏi, nếu các triệu chứng của bạn nghiêm trọng hoặc đại tràng của bạn bị tổn thường, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để:

  • Loại bỏ mô chết.
  • Sửa các lỗ loét trên đại tràng.
  • Loại bỏ tác nhân gây tắc nghẽn mạch máu.
  • Loại bỏ phần ruột bị hẹp do sẹo và tắc nghẽn.

Khả năng phẫu thuật có thể diễn ra cao hơn nếu bạn có một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.

7.    Phòng ngừa viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

Vì không phải lúc nào cũng xác định được nguyên nhân gây bệnh, nên cách phòng ngừa bệnh cũng không chắc chắn. Hầu hết những người bị viêm đại tràng thiếu máu cục bộ phục hồi nhanh chóng và có thể không mắc bệnh lần nào nữa.

Để ngăn ngừa các đợt cấp khác của bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ, một số bác sĩ khuyên nên loại bỏ bất kỳ loại thuốc nào gây ra tình trạng trên. Các xét nghiệm về đông máu cũng có thể đề nghị để tìm nguyên nhân cho những bệnh nhân chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng.

Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ là một trong những bệnh lý tiềm ẩn, với các triệu chứng có thể âm thầm, và có thể tự giới hạn. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp bệnh trở nặng và cần điều trị tích cực. Vì vậy, nếu bạn có nhiều yếu tố nguy cơ và vẫn chưa chẩn đoán xác định bệnh, hãy đến gặp bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thành Đô

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ischemic-colitis/symptoms-causes/syc-20374001

 

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người