Viêm khớp ngón tay: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nội dung bài viết
Khớp ngón tay là một loại khớp rất linh hoạt và vận động rất nhiều. Chính vì vậy, những bệnh lý về khớp sẽ rất dễ xảy ra ở vị trí này. Bất kỳ tổn thương, viêm nhiễm nào cũng có thể gây nên bệnh lý viêm khớp ngón tay. Vậy bệnh lý này có đặc điểm như thế nào? Nguyên nhân do đâu? Triệu chứng và cách điều trị ra sao? Tất cả sẽ được trả lời qua bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô.
Tổng quan về viêm khớp ngón tay
Khái niệm
Các khớp ở bàn tay và ngón tay của chúng ta có thể nói là những khớp nhạy cảm nhất trên cơ thể. Ở mức tốt nhất, chúng hoạt động cùng nhau như một cỗ máy được bôi trơn rất tốt. Đồng thời giúp bạn thực hiện các hoạt động hàng ngày một cách dễ dàng.
Các ngón tay ở con người rất quan trọng. Chúng ta sử dụng những ngón tay ngay từ khi thức dậy để chải răng. Sau đó đến việc học tập, đánh máy, cho đến việc nấu nướng mà chúng ta làm hàng ngày. Khi các khớp ngón tay của chúng ta bị viêm, chúng sẽ hoạt động không được bình thường. Từ đó, các công việc hàng ngày sẽ trở nên khó khăn và giảm hiệu quả.
Xem thêm: Viêm khớp ngón tay cái: Những điều cần biết
Có hơn 100 loại viêm khớp khác nhau. Ba loại chính thường gặp là viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp (RA) và viêm khớp vảy nến (PsA). Mỗi loại bệnh sẽ tiến triển khác nhau. Tuy nhiên, tất cả đều có thể gây đau đớn và dẫn đến mất chức năng cũng như biến dạng.
Dịch tễ viêm khớp ngón tay
Theo các nghiên cứu trên thế giới, bệnh viêm khớp ngón tay nói chung hay viêm xương khớp ngón tay nói riêng có đặc điểm:
- Thường xuất hiện ở độ tuổi trung niên (trên 40 tuổi).
- Nữ giới có tần suất mắc bệnh viêm khớp ngón tay cao hơn so với nam giới.
- Thường xảy ra ở nhiều khớp so với 1 khớp đơn độc.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của bệnh viêm khớp ngón tay
Nguyên nhân
Những nguyên nhân gây nên viêm khớp ngón tay bao gồm:
- Chấn thương khớp ngón tay.
- Bệnh viêm khớp dạng thấp.
- Viêm khớp Gout cấp tính hoặc mãn tính.
- Thoái hóa khớp ngón tay.
- Viêm khớp do nhiễm khuẩn.
- Viêm khớp trong các bệnh lý tự miễn như: Lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì, viêm khớp vẩy nến,…
Khi các khớp ngón tay bị viêm, sụn chêm giữa các khớp sẽ bị ăn mòn dần. Đồng thời, bề mặt của các khớp sẽ trở nên sần sùi. Vì thế, các đầu xương sẽ ma sát với nhau, dẫn đến tổn thương mặt khớp. Tổn thương mặt khớp có thể dẫn đến sự xuất hiện các gai xương. Khi sờ nắn, chúng ta có thể phát hiện các u cục nổi gồ trên các khớp ngón tay.
Các yếu tố nguy cơ
Một số nguyên nhân đã biết và các yếu tố nguy cơ liên quan đến viêm khớp bao gồm:
- Chấn thương: Các hoạt động lặp đi lặp lại và chấn thương cấp tính có thể gây tổn thương khớp và dẫn đến viêm khớp.
- Hút thuốc: Những người hút thuốc có nguy cơ cao mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.
- Nhiễm trùng: Một số bệnh nhiễm trùng có thể gây tổn thương khớp và dẫn đến viêm khớp.
- Tuổi tác: Người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp cao hơn.
- Giới tính: Một số loại viêm khớp phổ biến ở nữ giới hơn nam giới.
Những triệu chứng điển hình của viêm khớp ngón tay
Các khớp ngón tay khi bị viêm có thể xuất hiện những triệu chứng sau đây:
Đau ở khớp
Ở giai đoạn đầu, viêm khớp ở các ngón tay thường gây ra cảm giác đau âm ỉ. Người bệnh có thể gặp phải cơn đau này sau một ngày hoạt động và sử dụng tay nhiều hơn bình thường. Đau trong giai đoạn đầu của viêm khớp có thể đến và biến mất hoàn toàn.
Khi tình trạng viêm khớp trở nên trầm trọng hơn, nhiều sụn khớp sẽ bị mài mòn hơn. Nếu không có hàng rào bảo vệ để đệm các khớp mỏng manh của bạn, bạn có thể bị đau ngay cả khi không sử dụng tay. Hoặc đau khi bạn sử dụng tay rất ít. Cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng đến mức khiến bạn thức giấc trong khi đang ngủ.
Sưng khớp
Mô và sụn trong bàn tay và ngón tay của người bệnh được thiết kế để bảo vệ các khớp mỏng manh của bạn. Nếu một khớp bị tác động lực quá mức hoặc bị tổn thương, các mô lót khớp có thể sưng lên. Tình trạng sưng tấy này có thể khiến ngón tay và bàn tay của bạn có vẻ phồng to hơn so với bình thường.
Cứng khớp
Viêm khớp có thể gây cứng khớp. Khi mô và sụn bị sưng, khớp không thể cử động tự do. Cứng khớp đặc biệt phổ biến vào buổi sáng khi bạn không sử dụng khớp trong vài giờ. Nó cũng xảy ra sau một ngày dài vận động hoặc làm việc khi các khớp bị áp lực nhiều hơn bình thường.
Biến dạng khớp
Sụn trong khớp của bạn có thể bị mài mòn không đồng đều. Ngoài ra, các mô và dây chằng được thiết kế để giữ các khớp tại chỗ sẽ yếu hơn khi bệnh viêm khớp tiến triển. Hai sự phát triển này có thể gây ra biến dạng ở ngón tay và bàn tay của bạn. Khi tình trạng bệnh nặng hơn, sự biến dạng sẽ trở nên rõ ràng hơn.
Bào mòn khớp
Một lớp sụn sẽ bao phủ và đệm cho xương khớp khỏe mạnh. Trong viêm khớp xương, sụn bị bào mòn và biến mất hoàn toàn. Khi điều này xảy ra, bạn có thể có cảm giác nghiến ở các khớp. Điều này là do sự tiếp xúc giữa xương với xương trong khớp của bạn. Điều này sẽ gây đau đớn và sự mất sụn sẽ xuất hiện trên X-quang với hình ảnh mất không gian khớp.
Nóng ở khớp
Khi khớp bị tổn thương, dây chằng và các mô xung quanh khớp có thể bị viêm. Tình trạng viêm này sẽ gây ra cảm giác nóng cho khớp. Viêm cũng có thể gây đỏ vùng quanh khớp.
Nang dịch (nang nhầy)
Những túi nhỏ chứa đầy chất lỏng được gọi là nang dịch nhầy có thể phát triển ở khớp ngón tay. Những u nang này có thể xuất hiện giống như vết lõm hoặc gờ nhỏ trên ngón tay của người bệnh.
Xem thêm: Sưng khớp ngón tay: những điều bạn cần biết
Chúng có nhiều khả năng phát triển ở phần cuối của ngón tay và có thể xuất hiện dưới móng tay. Các u nang thường nhỏ, có kích thước lên đến 0,6 cm. Chúng phổ biến nhất ở những người lớn tuổi. Nó có thể xuất hiện như một “viên ngọc trai” tròn trên đầu bàn tay gần móng tay, ở khớp liên đốt xa.
Gai xương
Các gai xương cũng có thể phát triển ở các khớp xương khi bị viêm khớp ngón tay. Khi tổn thương ở khớp trở nên trầm trọng hơn, phản ứng của cơ thể có thể là tạo thêm xương. Những nốt sần này có thể khiến bàn tay và ngón tay của bạn trông có vẻ giống cành cây. Các gai xương cuối cùng có thể ngăn khớp hoạt động bình thường.
Tê và ngứa ran
Ngứa ran và tê ở bàn tay và ngón tay, đặc biệt là ngón thứ nhất, thứ hai và một phần của ngón tay thứ ba. Đây là một triệu chứng của hội chứng ống cổ tay.
Bất kỳ ngứa ran nào ở ngón tay thứ tư và thứ năm nhiều khả năng là do chèn ép dây thần kinh trụ. Hội chứng ống cổ tay phát triển do một dây thần kinh ở cổ tay bị chèn ép. Nó có thể xảy ra do viêm khớp, chấn thương hoặc tích tụ chất lỏng do mang thai.
Yếu ngón tay
Khi bị viêm khớp ngón tay, người bệnh cũng có thể bị yếu các ngón tay. Điều này gây khó khăn cho việc mở lọ hoặc cầm nắm đồ vật. Một người cũng có thể gặp khó khăn khi bật vòi nước và vặn chìa khóa cửa.
Điều trị viêm khớp ngón tay
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào loại viêm khớp mà người bệnh mắc phải cũng như mức độ nghiêm trọng của nó. Tuy nhiên, điều trị thường liên quan đến một hoặc nhiều phương pháp sau:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID có thể giúp giảm sưng, giảm viêm và đau. Nhóm thuốc này có sẵn để dùng cả loại uống và bôi tại chỗ.
- Tiêm Corticoide vào khớp: Bác sĩ có thể chỉ định tiêm corticosteroid khi NSAID không hoạt động hoặc không hiệu quả.
- Thuốc chống viêm khớp điều chỉnh bệnh (DMARD): Các bác sĩ có thể điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp bằng các loại thuốc cụ thể được gọi là DMARD. Chúng có thể giúp điều trị các bệnh tự miễn dịch.
- Nẹp: Sử dụng nẹp có thể giúp hỗ trợ và giảm áp lực cho khớp. Thông thường, thanh nẹp vẫn cho phép mọi người vận động và sử dụng các ngón tay của họ. Những người bị viêm khớp ngón tay có thể sử dụng nẹp đeo nhẫn để hỗ trợ.
- Phẫu thuật: Nếu tổn thương khớp rất nghiêm trọng, phẫu thuật có thể là lựa chọn điều trị tốt nhất. Thay khớp giúp giảm đau và phục hồi chức năng của khớp. Ngược lại, thay khớp làm giảm đau nhưng làm mất chức năng nối của khớp.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các chuyên gia đề nghị người bệnh nên gặp bác sĩ nếu họ gặp bất kỳ triệu chứng nào của bệnh viêm khớp. Chẳng hạn như cứng khớp, đau, sưng khớp, nóng đỏ ở khớp,…
Tham khảo thêm: Gout: Đã không còn là căn bệnh của người giàu!
Việc chẩn đoán càng sớm càng tốt có thể giúp bác sĩ đưa ra kế hoạch điều trị trước khi các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Nếu không điều trị, viêm khớp có thể gây tổn thương khớp lâu dài. Một người nên đến gặp bác sĩ nếu đau và sưng khớp không biến mất và các triệu chứng tái phát trong suốt tháng.
Tiên lượng của bệnh viêm khớp ngón tay
Tiên lượng của một người bệnh phụ thuộc vào loại viêm khớp mà họ mắc phải. Tuy nhiên, có thể điều trị và quản lý các triệu chứng của tình trạng này. Trường hợp viêm khớp do nhiễm khuẩn thì kháng sinh có thể giúp điều trị khỏi bệnh hoàn toàn.
Đối với một số bệnh như:
- Viêm khớp dạng thấp.
- Thoái hóa khớp.
- Viêm khớp Gout mạn.
- Viêm khớp vẩy nên,…
Những bệnh lý này có thể xem là một tình trạng mãn tính, có nghĩa là nó cần được quản lý lâu dài. Điều đó nói rằng, có rất nhiều lựa chọn điều trị có thể giúp giảm đau, sưng và viêm liên quan đến viêm khớp.
Xem thêm: Hội chứng đau cẳng chân: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Cách giúp phòng bệnh viêm khớp ngón tay
Một người có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp ở bàn tay và ngón tay bằng cách:
- Chăm sóc bàn tay và ngón tay một cách cẩn thận sau khi bị thương.
- Tập thể dục tay thường xuyên.
- Ngừng hút thuốc.
Viêm khớp ngón tay là một tình trạng đau đớn, người bệnh không điều trị sớm có thể bị mất khả năng vận động và mất chức năng khớp. Hiện nay có nhiều lựa chọn điều trị có sẵn. Bao gồm tiêm Corticoide, thuốc kháng viêm, giảm đau,… và các bài tập ngón tay.
Nếu một người nghi ngờ rằng họ bị viêm khớp ở bàn tay hoặc ngón tay, họ nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán. Chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh và giúp giảm các triệu chứng đau đớn như sưng và viêm.
Tham khảo thêm: Bệnh Osgood-Schlatter (Viêm lồi củ trước xương chày): Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.