YouMed

Viêm mũi vận mạch nên điều trị như thế nào?

Bác sĩ SỬ NGỌC KIỀU CHINH
Tác giả: Bác sĩ Sử Ngọc Kiều Chinh
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Viêm mũi vận mạch hay còn gọi là viêm mũi vô căn. Đây là loại viêm mũi không do dị ứng thường gặp nhất. Chẩn đoán được đưa ra sau khi đã loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây viêm mũi. Có vài cách bạn có thể làm để giảm triệu chứng khó chịu tại nhà. Nhưng nếu triệu chứng nặng và ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày, bạn nên đến gặp bác sĩ để đưa ra cách điều trị phù hợp nhất.

1. Viêm mũi vận mạch là gì?

Viêm mũi vận mạch hay còn gọi là viêm mũi vô căn, là loại viêm mũi không do dị ứng thường gặp nhất.

Viêm mũi vận mạch là một thuật ngữ dùng để mô tả triệu chứng viêm mũi không do dị ứng, cũng không do nhiễm trùng và không có nguyên nhân rõ ràng. Chẩn đoán được đưa ra sau khi loại trừ hết các nguyên nhân khác có thể gây viêm mũi.

Điều trị quan trọng là tránh tác nhân kích thích đã biết cùng với điều trị y khoa hỗ trợ. Can thiệp phẫu thuật có thể được lựa chọn khi tất cả những phương pháp khác đều thất bại.

Niêm mạc mũi trong viêm mũi vận mạch
Niêm mạc mũi trong viêm mũi vận mạch.

>> Xem thêm: Viêm mũi vận mạch: Cần chuẩn bị gì trước buổi khám?

2. Cơ chế của bệnh viêm mũi vận mạch

Sinh bệnh học của viêm mũi vận mạch khá phức tạp và chưa được hiểu biết rõ ràng. Nguyên nhân một phần là do sự mất cân bằng của hệ thần kinh tự chủ. Nghĩa là có sự giảm tín hiệu của hệ giao cảm và tăng tín hiệu của phó giao cảm trên niêm mạc mũi. Điều này làm dãn nở các mạch máu trong mũi dẫn đến phù nề niêm mạc và nghẹt mũi. Khi đó niêm mạc mũi cũng sẽ tăng tiết nhiều dịch nhầy.

Triệu chứng viêm mũi vận mạch thường kéo dài. Tuy nhiên, đợt nặng lên theo mùa của viêm mũi vận mạch do sự thay đổi áp suất không khí, nhiệt độ và độ ẩm có thể bị nhầm với viêm mũi dị ứng.

Các tác nhân kích thích từ môi trường ảnh hưởng đến bệnh nhân viêm mũi vận mạch có thể bao gồm: Các loại mùi mạnh, khói thuốc lá, không khí lạnh, thay đổi độ ẩm, rượu hoặc thức ăn cay,…

3. Các biểu hiện và triệu chứng

Những triệu chứng của viêm mũi vận mạch có thể xuất hiện thoáng qua hay dai dẳng. Triệu chứng của chúng giống như các loại viêm mũi khác nhưng không có nguyên nhân rõ rãng. Triệu chứng mạn tính ở mũi bị kích thích do không khí lạnh, thay đổi độ ẩm, tiếp xúc với khói thuốc lá, các loại mùi mạnh, do stress hay vận động,…

Những triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Nghẹt mũi.
  • Chảy mũi.
  • Chảy mũi sau.
  • Ngoài ra còn có các triệu chứng như đau đầu, nặng mặt, ho, tằng hắng,…

Không giống như viêm mũi dị ứng, viêm mũi vận mạch thường khởi phát ở người trưởng thành. Các triệu chứng không trở nên nặng hơn khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng cổ điển như phấn hoa, mạt bụi nhà, lông chó mèo. Viêm mũi vận mạch có thể kích hoạt do sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm hay áp suất không khí. Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng theo mùa do sự thay đổi khí hậu. Do đó, viêm mũi vận mạch theo mùa có thể bị nhầm lẫn với viêm mũi dị ứng theo mùa. Nhưng khác với viêm mũi dị ứng, viêm mũi vận mạch thường không gây ngứa mũi, ngứa hay chảy nước mắt,…

Triệu chứng của viêm mũi vận mạch dễ nhầm lẫn với các loại viêm mũi khác
Triệu chứng của viêm mũi vận mạch dễ nhầm lẫn với các loại viêm mũi khác.

4. Bác sĩ chẩn đoán viêm mũi vận mạch như thế nào?

Chẩn đoán viêm mũi vận mạch có thể khó khăn vì nghẹt mũi và chảy mũi cũng có thể xảy ra trong các loại viêm mũi khác.

Viêm mũi vận mạch là một chẩn đoán loại trừ. Nghĩa là bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm mũi vận mạch sau khi loại trừ các nguyên nhân khác gây ra triệu chứng của bạn. Bác sĩ sẽ hỏi kỹ bệnh sử các triệu chứng, thăm khám đầy đủ vùng tai mũi họng. Đồng thời thực hiện các xét nghiệm để loại trừ nguyên nhân nhiễm trùng, dị ứng và bệnh lý viêm.

Để xác định bạn có bị dị ứng hay không, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện xét nghiệm dị ứng da và xét nghiệm IgE đặc hiệu huyết thanh. Bệnh nhân viêm mũi vận mạch thường sẽ âm tính với hai xét nghiệm này.

Ngoài ra còn có thể thực hiện các xét nghiệm dưới đây để hỗ trợ chẩn đoán bệnh:

  • Tế bào học mũi: Xét nghiệm này có thể cung cấp thông tin về các loại tế bào cấu tạo nên niêm mạc mũi. Qua đó giúp xác định sự hiện diện của các dấu hiệu viêm.
  • Thử nghiệm kích thích mũi: Nó được tiến hành bằng cách cho bệnh nhân tiếp xúc lần lượt với các chất gây dị ứng. Sau đó đánh giá phản ứng của người bệnh bằng phương pháp đo khí áp mũi hay sóng âm mũi.
  • Nội soi mũi xoang: Có thể gợi ý nguyên nhân khác gây viêm mũi. Ví dụ như nhầy mủ chảy ra từ khe giữa thì nghĩ tới nguyên nhân viêm xoang.
  • Chụp CTScan các xoang cạnh mũi: Giúp chẩn đoán loại trừ viêm mũi xoang ở những bệnh nhân nghi ngờ.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Khi nghi ngờ khối u vùng đầu mặt cổ gây ra các triệu chứng nghẹt mũi, chảy mũi.
Nội soi mũi xoang có thể phát hiện nguyên nhân viêm mũi
Nội soi mũi xoang có thể phát hiện nguyên nhân viêm mũi.

5. Điều trị viêm mũi vận mạch

Việc làm quan trọng nhất là tránh các chất kích thích từ môi trường. Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố kích thích như nước hoa, khói thuốc lá, các vật dụng lâu dọn,… có thể làm giảm triệu chứng đáng kể. Tránh các chất kích thích thường không khó. Tuy nhiên, nếu không thể tránh tiếp xúc với các chất này thì điều trị thuốc là một lựa chọn.

Điều trị thuốc cụ thể nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn. Nhất là ở phụ nữ mang thai và trẻ em.

5.1. Điều trị bằng thuốc

Bác sĩ sẽ điều trị thuốc dựa vào các triệu chứng khó chịu nhất của bạn.

  • Corticoid tại chỗ được coi là đầu tay trong viêm mũi vận mạch, đặc biệt đối với các triệu chứng nghẹt mũi. Cơ chế của chúng là làm giảm phù nề và tình trạng viêm. Fluticasone propionate và beclomethasone được chấp thuận trong điều trị viêm mũi vận mạch.
  • Thuốc kháng cholinergic tại chỗ như ipratropium bromide là lựa chọn đầu tiên để điều trị chảy mũi. Tác dụng phụ có thể xảy ra là chảy máu cam và khô mũi.
  • Kháng histamine uống có vai trò hạn chế trong viêm mũi vận mạch. Chúng chỉ có lợi cho những bệnh nhân bị hắt hơi và ngứa.
  • Thuốc kháng histamine tại chỗ như azelastine được chấp thuận cho cả viêm mũi dị ứng và viêm mũi không dị ứng. Azelastine làm giảm đáng kể các triệu chứng vận mạch, bao gồm nghẹt mũi, chảy nước mũi và phù nề mũi.
  • Bệnh nhân bị viêm mũi mạn tính thường ít đáp ứng với điều trị bằng thuốc hơn. Khi đó, sự kết hợp của corticoid tại chỗ và thuốc kháng histamine tại chỗ có thể có hiệu quả.
  • Thuốc thông mũi (thuốc chống sung huyết mũi) tại chỗ, có thể giúp giảm triệu chứng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, sử dụng lâu dài thuốc thông mũi tại chỗ có thể dẫn đến giãn mạch trở lại và tăng tắc nghẽn. Tình trạng này được gọi là viêm mũi medicamentosa. Vì vậy chỉ nên sử dụng thuốc thông mũi trong vòng năm ngày.
Sử dụng các loại thuốc xịt mũi tại chỗ có thể giúp làm giảm triệu chứng
Sử dụng các loại thuốc xịt mũi tại chỗ có thể giúp làm giảm triệu chứng.

5.2. Phẫu thuật

Khi điều trị thuốc đơn thuần không kiểm soát tốt các triệu chứng của viêm mũi vận mạch, can thiệp phẫu thuật có thể được áp dụng.

Phẫu thuật giảm kích thước cuốn dưới có bảo tồn niêm mạc có thể cải thiện triệu chứng tắc nghẽn. Đồng thời có tác dụng hỗ trợ điều trị bằng thuốc. Vì khi đó thuốc dễ tác dụng vào sâu hơn trong hốc mũi.

Điều trị cắt dây thần kinh vidian là một lựa chọn phẫu thuật cho bệnh viêm mũi vận mạch. Kỹ thuật này nhằm mục đích phá vỡ nhánh thần kinh tự chủ chi phối hốc mũi, do đó làm giảm tiết dịch mũi. Biến chứng đáng chú ý nhất bao gồm khô mắt sau phẫu thuật với tỷ lệ là 48%. Ngoài ra còn có rối loạn cảm giác và sung huyết niêm mạc mũi. Hầu hết các triệu chứng chỉ là tạm thời, khô mắt sẽ hết sau 1 đến 6 tháng.

viem-mui-van-mach-3
Vị trí cuốn mũi dưới.

6. Biện pháp phòng ngừa tại nhà

Nếu bạn bị viêm mũi vận mạch, có một số cách bạn có thể thực hiện tại nhà để làm giảm tình trạng khó chịu. Bao gồm:

  • Rửa mũi bằng nước muối sinh lý là một phương pháp có thể giúp làm giảm triệu chứng. Hầu như không có tác dụng phụ.
  • Tránh các tác nhân kích thích đã biết. Nếu bạn có thể xác định những thứ gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng của mình, việc tránh chúng có thể giúp ngăn ngừa xuất hiện triệu chứng. Các tác nhân kích thích có thể là: mùi hương mạnh, không khí lạnh, sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm, đồ uống có cồn,…
  • Nếu không thể tránh được các kích thích trên, bạn có thể phòng tránh trước bằng corticoid hoặc histamin xịt tại chỗ theo liều lượng của bác sĩ.
  • Bạn cũng nên tránh lạm dụng thuốc thông mũi dạng xịt ví dụ như oxymetazoline. Chúng có thể làm giảm triệu chứng tạm thời. Tuy nhiên nếu dùng nhiều hơn 5 đến 10 ngày có thể khiến triệu chứng trầm trọng thêm.
  • Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu những triệu chứng nặng hơn. Bác sĩ có thể giúp bạn tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất. Họ cũng có thể chẩn đoán được vấn đề sức khỏe kèm theo. Qua đó có thể phòng ngừa, giảm thiểu hay thậm chí điều trị dứt điểm các triệu chứng bằng phương pháp điều trị phù hợp.
Dùng dung dịch nước muối rửa mũi có thể giúp làm giảm triệu chứng khó chịu
Dùng dung dịch nước muối rửa mũi có thể giúp làm giảm triệu chứng khó chịu.

7. Tác hại của viêm mũi vận mạch

  • Các triệu chứng viêm mũi vận mạch mạn tính thường ảnh hưởng đến hiệu quả công việc và học tập. Gây gián đoạn hoạt động hàng ngày.
  • Viêm mũi mạn tính có thể gây ra gánh nặng kinh tế và vật chất cho người mắc bệnh.
  • Các phương pháp điều trị bệnh có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn như khô mũi, đánh trống ngực, chảy máu cam và buồn ngủ,…
  • Viêm mũi mạn tính thường liên quan với các tình trạng khác như đau đầu, ngưng thở khi ngủ và ho mạn tính,…
  • Nếu không được điều trị hợp lý, viêm mũi vận mạch mạn tính còn có thể dẫn đến các biến chứng như: Polyp mũi, viêm xoang, viêm tai giữa,…

Viêm mũi vận mạch hay viêm mũi vô căn là loại viêm mũi không dị ứng thường gặp nhất. Triệu chứng có thể dai dẳng hoặc ngắt quãng. Những yếu tố kích hoạt bao gồm: mùi hương mạnh, tiếp xúc với không khí lạnh, sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm và áp suất không khí, đồ uống có cồn,… Chẩn đoán viêm mũi vận mạch khi đã loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây viêm mũi. Điều trị viêm mũi vận mạch có thể khá phức tạp. Quan trọng nhất là tránh các tác nhân kích thích đã biết.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Vasomotor Rhinitishttps://www.healthline.com/health/vasomotor-rhinitis#outlook

    Ngày tham khảo: 17/09/2020

  2. Classification of Nonallergic Rhinitis Syndromes With a Focus on Vasomotor Rhinitishttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3650985/

    Ngày tham khảo: 17/09/2020

  3. Vasomotor Rhinitishttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK547704/

    Ngày tham khảo: 17/09/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người