YouMed

Viêm mũi xuất tiết: Cách phòng ngừa và điều trị

bác sĩ nguyễn lâm giang
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang
Chuyên khoa: Nội tổng quát

Viêm mũi xuất tiết là một phiền toái mà hầu như mọi người ai cũng đã từng trải qua. Nước mũi chảy ròng ròng, khó chịu cổ họng, hắt hơi liên tục, ngứa ngáy lỗ mũi… đó là những khó chịu đôi khi gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống và làm việc của mỗi người. 

1. Viêm mũi xuất tiết là gì?

Bệnh lý này đôi khi có thể gọi ngắn gọn là viêm mũi. Chữ “xuất tiết” nhằm nhấn mạnh thêm tính chất đặc trưng của căn bệnh này đó là sản xuất ra nhiều chất dịch trong mũi, mà người ta hay gọi là “chảy nước mũi”. Thực ra không phải ai cũng bị một loại viêm mũi xuất tiết giống như nhau. Có nhiều loại viêm mũi xuất tiết. Trong đó 2 loại chính đó là: viêm mũi dị ứng và viêm mũi không dị ứng. Ngoài ra còn một số loại viêm mũi xuất tiết khác như: viêm mũi xuất tiết do nghề nghiệp, viêm mũi xuất tiết do mang thai…

viem-mui-xuat-tiet

2. Nguyên nhân gây ra viêm mũi xuất tiết?

Tùy vào loại viêm mũi xuất tiết thì chúng ta có những nguyên nhân khác nhau. Có thể là do dị ứng hoặc không do dị ứng.

Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng có thể chia thành 2 nhóm đó là trong nhà và ngoài nhà. Trong nhà có các tác nhân gây dị ứng như: lông chó, lông mèo, mạt nhà, gián… Ngoài nhà thì có cây, cỏ và bụi phấn hoa.

>>> Xem thêm bài viết: Phân biệt viêm mũi dị ứng, viêm mũi thông thường và viêm mũi xoang.

Nguyên nhân gây viêm mũi không dị ứng gồm có: lạm dụng thuốc xịt mũi, do thay đổi nội tiết trong thai kỳ, do phẫu thuật, do mùi hương nồng, khói thuốc, khí thải, chất tẩy rửa, thay đổi nhiệt độ không khí, các loại đồ uống có cồn. Đôi khi ăn đồ ăn quá cay và nóng cũng có thể gây viêm mũi xuất tiết thuộc dạng này.

viem-mui-xuat-tiet-1

3. Các triệu chứng viêm mũi xuất tiết

Chỉ cần nhớ 4 chữ sau là chúng ta có thể dễ dàng ghi nhớ những dấu hiệu chính của viêm mũi xuất tiết. Đó là “ngứa”, “nhảy” , “chảy”, “nghẹt”. Cụ thể đó là ngứa mũi, nhảy mũi (hắt xì), chảy nước mũi và nghẹt mũi. Tùy vào loại viêm mũi xuất tiết mà người bệnh mắc phải thì có thể xuất hiện thêm những dấu hiệu đặc trưng khác. Ngứa mũi là dấu hiệu điển hình của viêm mũi dị ứng. Người bị viêm mũi dị ứng sẽ có niêm mạc trong mũi màu nhợt nhạt, tím tái, và thường có triệu chứng viêm kết mạc mắt đi kèm. Viêm mũi không do dị ứng thì ít gây ngứa mũi và hắt hơi mà chủ yếu là nghẹt mũi và chảy mũi. Viêm mũi không do dị ứng thường bị quanh năm.

>>> Xem thêm: Viêm mũi dị ứng: Nguyên nhân, biến chứng, phòng ngừa và điều trị

vem-mui-xuat-tiet-2

4. Chẩn đoán viêm mũi xuất tiết

Không có xét nghiệm nào để xác định chắc chắn bạn bị viêm mũi xuất tiết hay không. Bác sĩ thường chẩn đoán bệnh lý này dựa trên các triệu chứng mà bạn có. Rất may là các dấu hiệu này thường rất nổi bật và dễ phát hiện. Một vấn đề đáng lưu tâm hơn đó là loại trừ các nguyên nhân khác cũng gây ra các dấu hiệu tương tự. Ví dụ như khối u ở mũi, vẹo vách ngăn, dị vật trong mũi, hay thậm chí là dịch từ trong não bị rò rỉ qua đường mũi.

5. Phương pháp điều trị viêm mũi xuất tiết

Thuốc kháng dị ứng là một lựa chọn tốt, và có thể gặp trong hầu hết các đơn thuốc mà bác sĩ kê toa cho bệnh nhân viêm mũi xuất tiết. Thuốc này làm giảm xuất tiết trong mũi, giảm các phản ứng dị ứng với các tác nhân gây bệnh. Loại thuốc này đặc biệt hiệu quả với các bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng.

Ngoài ra bác sĩ có thể cho bạn sử dụng thuốc kháng viêm. Hiệu quả nhất là dùng thuốc này bằng đường xịt mũi. Thuốc có thể ngấm trực tiếp qua niêm mạc mũi và có tác dụng ngay tại chỗ.

Xịt rửa mũi cũng là một giải pháp hiệu quả. Phương pháp này giúp trôi bớt các chất tiết trong mũi, làm mũi thông thoáng hơn. Đồng thời nó cũng giúp cho các loại thuốc xịt mũi khác có tác động hiệu quả hơn lên niêm mạc mũi.

Cần hết sức chú ý với các loại thuốc co mạch mũi. Các loại thuốc này rất hiệu quả trong việc giảm nghẹt mũi, tạo cho người bệnh cảm giác thoải mái tức thời. Tuy nhiên, cần nhớ rằng thuốc này chỉ có tác dụng ngắn hạn và không nên sử dụng lâu dài. Lí do là nếu dùng lâu ngày có thể làm teo niêm mạc mũi và dẫn đến viêm mũi do thuốc.

thuoc-viem-mui-xuat-tiet

>>> Xem thêm: Thuốc Zyrtec (cetirizine) – Viêm mũi dị ứng và những lưu ý

6. Cách phòng tránh viêm mũi xuất tiết

Với khí hậu thay đổi thất thường như ở Việt Nam thì điều cần thiết là nên giữ ấm cơ thể, đặc biệt với những thời điểm giao mùa. Nhà cửa nên được lau dọn sạch sẽ, tránh để bụi bẩn.

Nếu bạn biết được mình dị ứng đặc biệt với những loại tác nhân nào, như lông thú, bụi phấn, nước hoa… cần thay đổi lối sống sao cho tránh xa được các yếu tố đó hết sức có thể. Đặc biệt với môi trường khói bụi của thành phố thì việc chuẩn bị cho mình một chiếc khẩu trang khi ra đường là điều hết sức cần thiết.

Ngoài ra bạn cũng cần tăng cường dinh dưỡng, bổ sung dưỡng chất và vitamin cho chính mình. Điều đó giúp có được sức đề kháng tốt nhất nếu chẳng may những tác nhân dị ứng xâm nhập được vào cơ thể.

viem-mui-xuat-tiet-3

Viêm mũi xuất tiết là ám ảnh của rất nhiều người trong chúng ta. Hi vọng với những kiến thức mà YouMed vừa cung cấp, bạn có thể tự lên kế hoạch ứng phó tốt nhất với chúng.

Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/nonallergic-rhinitis/symptoms-causes/syc-20351229
  • https://www.healthline.com/health/allergic-rhinitis
  • Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người