Viêm ruột do bức xạ: những lưu ý trong quá trình điều trị!
Nội dung bài viết
Viêm ruột do bức xạ là tình trạng viêm ruột xảy ra sau khi xạ trị. Xạ trị được sử dụng trong điều trị ung thư và thường đi kèm với nhiều tác dụng phụ, trong đó có viêm ruột do bức xạ. Sau khi xạ trị ở những cơ quan như dạ dày, cơ quan sinh dục hoặc trực tràng, sóng bức xạ đồng thời cũng gây viêm ruột non và/hoặc ruột già.
1. Viêm ruột do bức xạ có những thể nào?
Có hai loại viêm ruột do bức xạ: cấp tính và mạn tính. Viêm ruột cấp tính xuất hiện khi bệnh nhân đang trong quá trình xạ trị. Sau đó, tình trạng này sẽ kéo dài đến khoảng tám tuần sau đợt xạ trị cuối cùng.
Trong khi đó, viêm ruột mạn tính gây ra triệu chứng kéo dài từ hàng tháng đến hàng năm sau khi hoàn thành đợt xạ trị. Viêm ruột mạn tính có thể gây ra các biến chứng như thiếu máu, tiêu chảy và bán tắc ruột.
2. Viêm ruột do bức xạ gây ra những triệu chứng gì?
Các triệu chứng có thể gặp bao gồm:
- Buồn nôn
- Nôn
- Đau quặn bụng
- Thường xuyên đi tiêu
- Tiêu chảy
- Dịch nhầy từ trực tràng
- Đau vùng trực tràng
- Chảy máu trực tràng
- Sụt cân
- Đau bụng từng cơn
3. Những ai dễ bị bệnh này?
Những yếu tố sau có mối quan hệ với nguy cơ bị viêm ruột do bức xạ:
- Liều lượng bức xạ và thời gian điều trị
- Kích thước và giai đoạn của khối u đang được điều trị
- Diện tích khu vực điều trị
- Hoá trị
- Từng phẫu thuật dạ dày trước đây
- Tăng huyết áp
- Đái tháo đường
- Bệnh viêm vùng chậu hoặc lạc nội mạc tử cung
- Chế độ dinh dưỡng không phù hợp
Nguy cơ bị viêm ruột do bức xạ tăng lên ở những bệnh nhân đang xạ trị ung thư vùng bụng và vùng chậu hông.
4. Bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm ruột do bức xạ như thế nào?
Bác sĩ sẽ hỏi về vấn đề đi tiêu nếu nghi ngờ bệnh nhân bị viêm ruột. Những thông tin như thời điểm khởi phát tiêu chảy, triệu chứng kéo dài bao nhiêu ngày, tính chất phân, có máu trong phân hay không và tần suất đi tiêu rất quan trọng trong chẩn đoán. Bác sĩ cũng sẽ hỏi về chế độ ăn hiện tại và những thuốc người bệnh đang sử dụng.
Bên cạnh khám và hỏi bệnh, bác sĩ sẽ làm một số xét nghiệm sau đây để xác định chẩn đoán:
- Nội soi dạ dày: một ống mềm sẽ được đưa vào qua đường miệng, giúp bác sĩ quan sát phần trên của ruột non.
- Nội soi đại tràng: một ống mềm được đưa vào ruột già, giúp bác sĩ quan sát phần dưới ruột non.
- Các xét nghiệm hình ảnh khác: chẳng hạn như CT-scan bụng hoặc chụp X-quang bụng để quan sát các cơ quan khác thuộc hệ tiêu hóa.
- Nội soi bằng viên nang: bệnh nhân sẽ nuốt một viên nang nhỏ có chứa camera để bác sĩ có thể quan sát các phần của ruột non mà các phương pháp khác không thể nhìn thấy.
5. Điều trị và những lưu ý cần tránh trong quá trình điều trị
Mục tiêu điều trị chủ yếu là làm giảm triệu chứng như tiêu chảy và đau bụng bằng sử dụng thuốc và thay đổi chế độ ăn. Các phương pháp điều trị gồm:
- Thuốc giảm triệu chứng tiêu chảy
- Steroid
- Thuốc giảm đau tác dụng mạnh như hydrocodone
- Chế độ ăn ít chất béo và không chứa đường lactose
- Kháng sinh để tiêu diệt khuẩn dư trong ruột
Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân thay đổi chế độ ăn uống. Những thay đổi này giúp giảm tải và tránh kích thích cho hệ tiêu hoá vốn đang bị tổn thương.
Các thực phẩm cần tránh trong quá trình điều trị
Bệnh nhân nên tránh các thực phẩm sau đây:
- Các sản phẩm từ sữa (ngoại trừ sữa chua)
- Bánh mì ngũ cốc nguyên hạt
- Thức ăn nhiều dầu mỡ
- Quả hạch
- Các loại hạt
- Rau sống
- Bắp rang bơ
- Các loại gia vị hoặc thảo mộc có tính kích thích cao
- Cà phê
- Sôcôla
- Rượu bia
- Thuốc lá
Các thực phẩm tốt cho người bệnh
Đưa những thực phẩm sau vào thực đơn hằng ngày có thể mang lại một số lợi ích cho người bị viêm ruột do bức xạ:
- Cá
- Thịt gà hoặc những loại thịt khác đã được nấu chín
- Chuối
- Trứng
- Táo
- Bánh mì trắng
- Khoai tây
- Mì ống
- Rau nấu chín vừa (đậu, cà rốt, rau chân vịt)
- Nước ép làm từ táo hoặc nho
Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn về chế độ ăn thích hợp, giúp giảm triệu chứng do bệnh gây ra.
Điều trị bằng thay đổi chế độ ăn phù hợp có thể giúp hầu hết các bệnh nhân hồi phục. Tuy nhiên nếu ruột bị tổn thương nghiêm trọng, bác sĩ sẽ đề xuất phẫu thuật nối ruột. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ cắt bỏ phần ruột bị tổn thương và nối các phần khoẻ mạnh lại với nhau. Phương pháp phẫu thuật nối ruột ít khi được sử dụng trong thực tế.
6. Phòng ngừa bị viêm ruột do bức xạ như thế nào?
Trong quá trình xạ trị, bác sĩ sẽ tuân thủ theo những cách sau để giảm nguy cơ bị viêm ruột:
- Đặt cơ thể người bệnh ở vị trí phù hợp nhằm bảo vệ ruột non trong quá trình xạ trị
- Xạ trị khi bệnh nhân đang mắc tiểu
- Điều chỉnh lượng phóng xạ phù hợp
Viêm ruột do bức xạ thường gây ra những triệu chứng như tiêu chảy, buồn nôn, nôn và đau bụng. Những người phải xạ trị vùng bụng, chậu hay trực tràng có nguy cơ cao bị bệnh này. Do đó, nếu bạn hay người thân có yếu tố nguy cơ và xuất hiện những triệu chứng kể trên thì nên đi khám sớm để được tư vấn và điều trị. Trong quá trình điều trị, bạn nên trao đổi với bác sĩ để thay đổi chế độ ăn phù hợp, giúp giảm khó chịu do bệnh gây ra. Hy vọng bài viết trên của YouMed đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về viêm ruột do bức xạ.
Bác sĩ ĐÀO THỊ THU HƯƠNG
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
https://www.healthline.com/health/radiation-enteritis
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/radiation-enteritis/symptoms-causes/syc-20355409