YouMed

Viêm tá tràng do nguyên nhân gì?

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú THÁI VIỆT NGUYÊN
Tác giả: ThS.BS Thái Việt Nguyên
Chuyên khoa: Nội tiêu hóa

Viêm tá tràng là bệnh lí đường tiêu hóa rất hay gặp ở tất cả lứa tuổi. Ngoài việc điều trị với thuốc, thay đổi những thói quen không tốt cũng đóng vai trò quan trọng. Vậy nguyên nhân gây viêm tá tràng là gì? Cách điều trị như thế nào? Mời bạn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Việt Nguyên tìm hiểu qua bài viết ngay sau đây.

Viêm tá tràng là bệnh gì?

Viêm tá tràng là phần đầu tiên của ruột non, nằm ngay dưới dạ dày của bạn bị viêm. Bệnh có thể xảy ra ở nam và nữ với mọi lứa tuổi. Viêm tá tràng có thể biểu hiện cấp tính hoặc mãn tính. Các trường hợp cấp tính thường xuất hiện đột ngột trong một thời gian ngắn.

Trong khi đó, nếu viêm tá tràng mãn tính, triệu chứng có thể tiến triển từ từ và kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Đa số viêm tá tràng đều có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Ngoài ra, bệnh cũng không gây ra bất kỳ biến chứng lâu dài nào về sau.

Tá tràng là đoạn đầu tiên của ruột non
Tá tràng là đoạn đầu tiên của ruột non 

Tại sao bạn bị viêm tá tràng?

Thông thường, đường tiêu hóa của bạn sẽ có tình trạng cân bằng giữa các yếu tố “phá hủy” như axit của dạ dày, vi khuẩn Helicobacter pylori, thuốc kháng viêm, rượu… và các yếu tố “bảo vệ” như chất nhầy hay một số chất hóa học khác.

Bề mặt niêm mạc tá tràng được phủ một lớp gel (chất nhầy). Lớp này không thấm axit nên ngăn tình trạng tổn thương gây viêm và loét ở tá tràng. Trong trường hợp axit đi vào tế bào niêm mạc tá tràng, cơ thể bạn sẽ có những cơ chế hỗ trợ để giảm bớt tổn thương.

1. Nhiễm Helicobacter pylori

Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm tá tràng là do một loại vi khuẩn có tên Helicobacter pylori. Một lượng lớn vi khuẩn xâm nhập vào tế bào niêm mạc ruột non của bạn gây tình trạng viêm. Helicobacter pylori có những đặc điểm đặc biệt giúp chúng tồn tại trong nhiều năm trong môi trường axit.

Vi khuẩn Helicobacter pylori tác nhân gây lên bệnh viêm tá tràng
Vi khuẩn Helicobacter pylori tác nhân gây lên bệnh viêm tá tràng

2. Thuốc kháng viêm NSAIDs

Sử dụng NSAIDs (aspirin, ibuprofen hoặc naproxen) là nguyên nhân thường gặp gây viêm và loét tá tràng. Những thuốc này thường được chỉ định trong một số bệnh lí cơ xương khớp giúp giảm đau, giảm viêm. Đôi khi chúng được dùng với tác dụng hạ sốt (ibuprofen). Nếu bạn dùng thuốc liều cao, kéo dài hoặc phối hợp nhiều loại thuốc NSAIDs với nhau… sẽ càng tăng nguy cơ bị viêm tá tràng. Ảnh hưởng của thuốc đến tá tràng là do chúng phá vỡ hàng rào bảo vệ của niêm mạc.

Khoảng 30% người lớn sử dụng NSAIDs có tác dụng phụ này trên dạ dày và ruột non. Đặc biệt, càng dễ xảy ra nếu bạn đã từng bị loét dạ dày hay loét tá tràng, lớn tuổi (> 65 tuổi), đang có bệnh nặng khác kèm theo.

3. Các nguyên nhân khác

  • Rượu và chế độ ăn

Rượu với nồng độ thấp (5%) có thể kích thích tăng tiết axit dạ dày vừa phải. Ngược lại, nếu nồng độ cao làm giảm tiết axit.

Một số loại thức ăn và đồ uống khiến bạn khó tiêu. Nhưng, hiện vẫn không có bằng chứng cho thấy chế độ ăn đặc biệt nào gây bệnh viêm tá tràng. Thay đổi chế độ ăn không cần thiết ở bệnh nhân bị viêm tá tràng. Ngoại trừ trường hợp bạn cần tránh những thức ăn dễ kích thích gây đau.

  • Hút thuốc lá

Những người hút thuốc có khả năng bị viêm tá tràng nhiều hơn người không hút thuốc 2 lần. Hút thuốc làm niêm mạc tăng nhạy cảm, giảm những yếu tố bảo vệ niêm mạc. Ngoài ra, hút thuốc còn tạo môi trường thuận lợi hơn để Helicobacter pylori xâm nhập. Về lâu dài, hút thuốc trong bệnh cảnh nhiễm Helicobacter pylori làm tăng nguy cơ tái phát viêm tá tràng.

Bỏ thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ Viêm tá tràng.
Bỏ thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ Viêm tá tràng.
  • Bệnh Crohn: Crohn là bệnh lí có thể gây viêm bất kì vị trí nào thuộc đường tiêu hóa. Thường có các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy xen kẽ táo bón.
  • Các bệnh lí liên quan đến miễn dịch cơ thể
  • Nhiễm virus, nấm, giun
  • Ngoài vi khuẩn, các loài khác có thể liên quan đến viêm tá tràng như:

Một số virus bao gồm Epstein-Barr, HIV, Herpes simplex, Cúm, Giang mai…

Nấm Candida albicans hoặc nhiễm giun.

  • Chấn thương đến dạ dày hoặc ruột non của bạn
  • Bệnh lí nặng

Nếu bạn vừa trải qua một cuộc phẫu thuật lớn hay có những bệnh lí trầm trọng khác như sốc, ung thư (thuốc xạ trị, hóa trị), cơ thể bạn sẽ dễ bị “stress”. Khi đó, bạn có thể biểu hiện viêm tá tràng.

  • Chất độc

Một số trường hợp uống thuốc trừ sâu hoặc uống quá liều thuốc, đều có thể gây thương tổn đến niêm mạc đường tiêu hóa.

Dấu hiệu nào nhận biết bạn bị viêm tá tràng?

Các triệu chứng của viêm tá tràng không phải lúc nào cũng rõ ràng. Tuy nhiên, bạn có thể bị viêm tá tràng nếu có những triệu chứng sau:

  • Buồn nôn hay nôn. Thường sau khi nôn bạn sẽ thấy dễ chịu hơn.
  • Đau bụng ở vùng trên rốn. Đau bụng có tính chất đặc trưng là cảm giác cồn cào khi đói hoặc nóng rát xảy ra 2-3 giờ sau bữa ăn. Thức ăn hoặc thuốc có thể giúp bạn giảm đau. Đôi khi, cơn đau có thể khiến bạn thức giấc vào ban đêm.
  • Khó tiêu, ợ hơi, chướng hơi, căng bụng và khó dung nạp thức ăn béo.
  • Ợ nóng hoặc khó chịu vùng ngực.
Triệu chứng thường gặp của viên tá tràng
Triệu chứng thường gặp của viêm tá tràng

Trong một số trường hợp, phân của bạn có thể có màu đen và chất nôn có thể trông giống như có máu đỏ bầm. Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của tình trạng chảy máu trong ruột. Khám bác sĩ ngay lập tức nếu bạn có một trong những triệu chứng này.

Viêm tá tràng được chẩn đoán như thế nào?

Đôi khi bạn cần phải làm một số xét nghiệm để chẩn đoán viêm tá tràng. Vi khuẩn Helicobacter pylori thường có thể được phát hiện thông qua xét nghiệm máu, phân hoặc hơi thở. Một vài trường hợp bạn cần phải nội soi dạ dày – tá tràng để sinh thiết. Xét nghiệm này sẽ cho phép bác sĩ kiểm tra tình trạng viêm, chảy máu và những bất thường khác. Quan trọng nhất là lấy mẫu sinh thiết để xác định tính chất lành hay ác tính của bệnh.

Nhận biết được tính chất điển hình của cơn đau bụng trong viêm tá tràng cũng như những triệu chứng khác ở đường tiêu hóa rất quan trọng. Nhờ vậy, Bác sĩ sẽ dễ dàng chẩn đoán và giúp bạn cải thiện tình trạng bệnh tốt hơn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Gastritis/Duodenitishttps://www.healthline.com/health/gastritis-duodenitis

    Ngày tham khảo: 13/11/2019

  2. Greenwald AD, Brandt JL (2010), The Upper Gastrointestinal Tract - Textbook of Geriatric medicine and Gerontology, 7th ed., 614-615. Saunders, Philadelphia.

  3. Gyawali CP, Manasra A (2010), Gastrointestinal Diseases - The Washington Manual of Medical Therapeutics, 33rd ed, 596-599. Wolters Kluwer, Lippincott Williams & Wilkins, United States.

  4. Gyawali CP (2012), Upper Gastrointestinal Bleeding - The Washington Mannual of Critical Care. 2nd 397-407. Wolters Kluwer, Lippincott Williams & Wilkins, United States.

  5. Malfertheiner P, Chan LKF, McColl LEK (2009), Peptic ulcer disease, Lancet, 374: 1449-1461.

  6. Valle DJ (2010), Peptic Ulcer Diseases and Related Disorders - Harrison?s Gastroenterology and Hepatology, 125-144. The McGraw-Hill Companies, China.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người