YouMed

Viêm tai giữa là gì? Khi nào cần đến khám bác sĩ?

Bác sĩ SỬ NGỌC KIỀU CHINH
Tác giả: Bác sĩ Sử Ngọc Kiều Chinh
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Bạn bị đau tai, chảy mủ tai, hay ù tai? Những biểu hiện này có thể là triệu chứng của viêm tai giữa, nhưng đồng thời cũng có thể là biểu hiện của các bệnh lý khác. Vậy làm thế nào để biết được chắc chắn bạn có bị viêm tai giữa hay không?

Bài viết dưới đây sẽ cho bạn một cái nhìn rõ hơn về căn bệnh này: Nguyên nhân, triệu chứng, khi nào nên đến khám bác sĩ? Đồng thời liệt kê các yếu tố khiến bạn dễ mắc bệnh hơn. Qua đó bạn sẽ biết được cách phòng tránh bệnh hiệu quả cho bản thân và gia đình. 

1. Cấu tạo và chức năng của tai giữa

Muốn biết được bệnh viêm tai giữa là gì, chúng ta cần hiểu sơ qua về cấu tạo và chức năng của tai giữa:

  • Tai người được chia làm 3 phần: tai ngoài, tai giữa, tai trong.
  • Tai giữa có cấu trúc như một chiếc hộp chứa khí, nằm ngay phía trong màng nhĩ. Bên trong có chứa những cái xương nhỏ xíu rung động và truyền âm thanh.
  • Vòi nhĩ là ống nhỏ nối thông tai giữa với họng.
Vị trí tai giữa
Vị trí tai giữa

2. Viêm tai giữa là gì?

Viêm tai giữa là một tình trạng viêm nhiễm của tai giữa. Có nhiều loại viêm tai giữa khác nhau. Trẻ con thường bị viêm tai giữa hơn người lớn nên bài viết này sẽ đề cập kỹ hơn về viêm tai giữa ở trẻ em.

Viêm tai giữa thường tự khỏi nên trong một số trường hợp, có thể chỉ cần giảm đau và theo dõi. Tuy nhiên đôi khi cần dùng kháng sinh để điều trị tình trạng nhiễm trùng này, vì bệnh có thể làm ảnh hưởng đến khả năng nghe và gây ra những biến chứng nghiêm trọng khác.

3. Nguyên nhân nào gây ra viêm tai giữa?

Viêm tai giữa gây ra do vi rút hay vi khuẩn phát triển trong tai giữa. Tình trạng này thường bắt nguồn từ các bệnh lý khác như cảm cúm, dị ứng, dẫn đến viêm mũi họng và làm ảnh hưởng đến vòi nhĩ.

3.1 Vòi nhĩ có vai trò gì?

Vòi nhĩ là một ống hẹp chạy từ tai giữa đến thành sau họng.

Lỗ vòi nhĩ đổ vào trong họng có thể đóng mở với mục đích:

  • Điều hòa áp lực không khí trong tai giữa

  • Làm sạch không khí trong tai giữa

  • Dẫn lưu, thoát dịch từ hòm tai giữa ra ngoài

Vì vậy, khi vòi nhĩ sưng nề và bị tắc khiến dịch tích tụ trong tai giữa không thoát ra ngoài được. Dịch ứ đọng trong tai giữa là nơi cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển, dẫn đến viêm tai giữa.

Ở trẻ em, vòi nhĩ hẹp hơn và nằm ngang hơn so với người lớn. Điều này khiến cho chúng khó dẫn lưu dịch và dễ bị tắc hơn. Vì vậy trẻ em thường bị viêm tai giữa hơn người lớn.

Vòi nhĩ nối thông tai giữa với họng
Vòi nhĩ nối thông tai giữa với họng

3.2 Vai trò của VA vòm trong viêm tai giữa

VA là một cấu trúc nằm tại thành sau của họng. VA đóng vai trò trong hoạt động của hệ miễn dịch.

Vì VA nằm gần lỗ mở của vòi nhĩ, nên khi VA bị viêm, sưng nề có thể che lấp lỗ này. Khi đó, dịch tích tụ trong tai giữa không thoát ra được và cuối cùng gây viêm tai giữa. Viêm VA đóng vai trò trong viêm tai giữa ở trẻ em nhiều hơn là người lớn. Điều này là do VA ở trẻ em tương đối lớn hơn. Theo dõi chi tiết qua video sau:

4. Viêm tai giữa có những triệu chứng nào?

Các triệu chứng của bệnh thường khởi phát nhanh.

4.1. Triệu chứng ở trẻ em

Dấu hiệu viêm tai giữa ở trẻ em bao gồm:

  • Đau tai, đặc biệt khi nằm xuống.
  • Trẻ thường tự kéo mạnh tai.
  • Khó ngủ.
  • Khóc nhiều hơn bình thường.
  • Quấy, kích thích nhiều hơn.
  • Nghe kèm đi hay giảm đáp ứng với tiếng động, trẻ không quay đầu về phía có âm thanh.
  • Mất thăng bằng, dễ ngã.
  • Sốt từ 38 độ C trở lên.
  • Chảy dịch hay mủ từ tai.
  • Đau đầu.
  • Chán ăn.
Tự kéo tai có thể là dấu hiệu viêm tai giữa ở trẻ
Tự kéo tai có thể là dấu hiệu viêm tai giữa ở trẻ

4.2. Triệu chứng ở người lớn

Triệu chứng viêm tai giữa ở người lớn có thể là:

  • Đau tai.
  • Chảy dịch hay mủ tai.
  • Ù tai, nghe kém.
  • Hiếm gặp chóng mặt, méo mặt.
  • Người bệnh có thể sốt, chán ăn.

5. Khi nào cần đưa trẻ đến khám bác sĩ

Dấu hiệu và triệu chứng của viêm tai giữa có thể dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác của tai. Điều quan trọng là phải chẩn đoán chính xác bệnh và điều trị kịp thời. Bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay nếu:

  • Triệu chứng bệnh kéo dài hơn 1 ngày.

  • Triệu chứng xuất hiện ở trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi.

  • Trẻ bị đau tai dữ dội.

  • Trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ bị khó ngủ hay kích thích sau khi cảm cúm.

  • Bạn thấy chảy mủ, dịch hay máu từ tai của trẻ.

Bạn nên đưa trẻ đến khám bác sĩ nếu chảy mủ, dịch từ tai
Bạn nên đưa trẻ đến khám bác sĩ nếu chảy mủ, dịch từ tai

6. Có những loại viêm tai giữa nào?

Có các loại viêm tai giữa sau đây tùy theo thời gian xuất hiện và tính chất của chúng:

  • Viêm tai giữa cấp. Là tình trạng viêm niêm mạc tai giữa xảy ra trong khoảng 3 tuần.
  • Viêm tai giữa mạn. Là tình trạng viêm niêm mạc tai giữa kéo dài trên 12 tuần.
  • Viêm tai giữa thanh dịch. Viêm phù nề và tích tụ dịch trong tai giữa mà không có sự phát triển của virut hay vi khuẩn. Điều này có thể là do dịch vẫn tồn đọng dai dẳng trong tai giữa sau khi viêm tai giữa đã được điều trị. Tình trạng này cũng có thể gây ra do rối loạn chức năng hay tắc nghẽn vòi nhĩ.
  • Viêm tai giữa mạn tính mủ. Tình trạng nhiễm trùng với hình thành mủ trong tai giữa. Có thể dẫn tới thủng màng nhĩ. Thường không khỏi với những điều trị thông thường.
Viêm tai giữa thanh dịch
Viêm tai giữa thanh dịch

7. Điều gì khiến bạn dễ mắc bệnh viêm tai giữa hơn?

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm tai giữa bao gồm:

  • Tuổi: Trẻ em từ 6 tháng tới 2 tuổi dễ mắc viêm tai giữa nhất. Lý do là vì vòi nhĩ ngắn và nằm ngang. Đồng thời do hệ miễn dịch của trẻ vẫn chưa hoàn chỉnh.
  • Những bé đi nhà trẻ. Ở những nơi như nhà trẻ, bé sẽ tiếp xúc với nhiều bé khác. Khi đó, lây lan các bệnh như cúm hay viêm tai sẽ dễ dàng hơn.
  • Cho trẻ bú bình. Những bé bú bình ở tư thế nằm thường có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn so với trẻ được cho bú mẹ.
  • Yếu tố thời tiết. Viêm tai giữa thường xuất hiện vào mùa thu hoặc mùa đông. Những người dị ứng với sự thay đổi thời tiết có nguy cơ cao hơn. Mùa lạnh dễ cảm cúm làm tăng nguy cơ viêm tai giữa.
  • Khói thuốc lá hay không khí ô nhiễm. Tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá hay không khí ô nhiễm có thể làm tăng nguy cơ viêm tai giữa ở trẻ.
  • Dị tật chẻ vòm (hở vòm). Sự thay đổi cấu trúc xương và cơ ở trẻ bị chẻ vòm khiến cho vòi nhĩ khó thực hiện chức năng thoát lưu dịch hơn.
  • Trẻ em suy dinh dưỡng, người lớn bị suy nhược cơ thể thì sức đề kháng bị giảm. Do đó dễ bị viêm tai giữa hơn.
Khói thuốc lá có thể tăng nguy cơ viêm tai giữa ở trẻ.
Khói thuốc lá có thể tăng nguy cơ viêm tai giữa ở trẻ.

Viêm tai giữa là một bệnh khá phổ biến. Thường xảy ra ở trẻ em hơn người lớn. Bệnh tuy có thể tự khỏi nhưng bạn cần theo dõi và đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời để tránh những biến chứng ảnh hưởng tới khả năng nghe của trẻ. Thực hiện những biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bạn và trẻ khỏi viêm tai giữa.

>> Xem thêm: Nghe kém ở trẻ em: Nguyên nhân, cách nhận biết và điều trị

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Ear infection (middle ear)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ear-infections/diagnosis-treatment/drc-20351622

    Ngày tham khảo: 18/12/2019

  2. Bài giảng Tai Mũi Họng. Trường Đại học Y Dược TPHCM.

  3. Bộ Y tế. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh tai mũi họng.

  4. Chole R. A., "Chronic Otitis Media, Mastoiditis, and Petrositis" in Cumming Otolaryngology 6th, Krause. C, MD, Elsevier.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người