Viêm tai giữa ở trẻ em: nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Nội dung bài viết
Viêm tai giữa cấp (AOM) là một vấn đề thường gặp ở trẻ em và là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến cha mẹ đưa trẻ đến khám. Triệu chứng của viêm tai giữa có thể khó nhận biết, hoặc dễ gây nhầm lẫn với các bệnh khác làm các bậc cha mẹ lo lắng về cách chăm sóc và theo dõi trẻ. Vậy làm thế nào để nhận ra trẻ đang có vấn đề ở tai? Khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ? Điều trị viêm tai giữa cụ thể như thế nào? Mời các bậc phụ huynh cùng tìm câu trả lời cho các câu hỏi nêu trên trong bài viết sau đây của Bác sĩ Hứa Nguyễn Anh Thư.
Tổng quan về viêm tai giữa ở trẻ em
Tai giữa là một khoang nằm giữa ống tai ngoài và tai trong, tiếp sát với màng nhĩ. Tai giữa bình thường được thông khí, màng nhĩ bình thường còn nguyên vẹn, khi soi tai có hình dạng hơi lồi, trong mờ và di động.
Nhiễm trùng tai giữa, được gọi một cách chính xác hơn là viêm tai giữa, xảy ra khi virus hoặc vi khuẩn làm cho khu vực phía sau màng nhĩ bị viêm. Viêm tai giữa xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là từ 6 đến 24 tháng tuổi và không thường xuyên xảy ra ở trẻ em trong độ tuổi đi học và thanh thiếu niên.
Trước hết chúng ta cùng điểm qua một số loại viêm tai giữa có thể xảy ra ở trẻ em:
- Viêm tai giữa cấp tính – Nhiễm khuẩn cấp tính của dịch tai giữa; còn gọi là viêm tai giữa cấp.
- Viêm tai giữa có tràn dịch – Có tình trạng ứ đọng dịch trong tai giữa nhưng không kèm nhiễm trùng; còn được gọi là viêm tai giữa huyết thanh, tiết dịch.
- Tràn dịch tai giữa – Tình trạng có ứ đọng dịch trong khoang tai giữa, có thể xảy ra ở cả viêm tai giữa cấp và viêm tai giữa có tràn dịch.
Như vậy, viêm tai giữa bao gồm viêm tai giữa cấp và viêm tai giữa có tràn dịch, là các tình trạng có liên quan mật thiết với nhau. Viêm tai giữa có tràn dịch thường đi trước sự xuất hiện của viêm tai giữa cấp, hoặc xuất hiện khi viêm tai giữa cấp vào giai đoạn hồi phục.1
Nguyên nhân viêm tai giữa ở trẻ em
Cơ chế gây bệnh
Cơ chế gây bệnh của viêm tai giữa ở trẻ em thường liên quan đến các quá trình sau:
- Trẻ thường có một đợt nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus trước, dẫn đến viêm phù nề niêm mạc đường hô hấp của mũi, vòm họng và ống Eustachian thông với ống tai giữa.
- Phù nề do viêm gây tắc nghẽn phần hẹp nhất của ống Eustachian, làm giảm thông khí trong ống tai và áp lực tai giữa. Điều này dẫn đến sự tích tụ các chất do niêm mạc tai giữa tiết ra.
- Virus và vi khuẩn cư trú ở đường hô hấp trên xâm nhập vào tai giữa.
- Sự phát triển của vi sinh vật trong chất tiết của tai giữa thường diễn tiến đến mức tạo mủ với các dấu hiệu lâm sàng của viêm tai giữa cấp (như phồng màng nhĩ, tràn dịch tai giữa, màng nhĩ viêm đỏ).
Nguy cơ tái phát
Trong quá trình này, tình trạng tràn dịch tai giữa có thể kéo dài hàng tuần đến hàng tháng sau khi viêm tai giữa đã khỏi. Trẻ có đợt viêm tai giữa cấp đầu tiên trước sáu tháng tuổi (tức là khởi phát sớm) có nguy cơ tái phát cao hơn. Trẻ em có ít hoặc không mắc AOM trước ba tuổi sẽ ít có khả năng bị tái phát tiếp theo.2
Đồng nhiễm vi khuẩn và virus rất thường gặp ở trẻ em bị tái phát. Tỷ lệ mắc viêm tai giữa cấp trong giai đoạn đầu đời có lẽ liên quan đến nhiều yếu tố, bao gồm do tai có cấu trúc chưa trưởng thành (ví dụ, ở trẻ sơ sinh, ống Eustachian ngắn hơn, mềm hơn và nằm ngang hơn ở người lớn, cho phép chất tiết ở mũi vào tai giữa dễ dàng hơn. ), do sinh lý, do hệ miễn dịch chưa toàn vẹn; và một số yếu tố đóng góp khác.2
Triệu chứng viêm tai giữa ở trẻ em
Triệu chứng viêm tai giữa ở trẻ phụ thuộc vào từng trường hợp:
Triệu chứng viêm tai giữa cấp ở trẻ3
Các triệu chứng của viêm tai giữa cấp ở trẻ em bao gồm:
- Đau tai, cảm giác xây xát tai, trẻ nhỏ chưa nói được có thể dùng ngón tay chỉ vào tai khi cảm thấy đau.
- Giảm thính lực và chảy dịch tai.
- Sốt xảy ra ở một đến hai phần ba số trẻ em có viêm tai giữa cấp.
Đau tai là triệu chứng phổ biến nhất và là dấu hiệu đặc trưng của viêm tai giữa cấp. Tuy nhiên, đau tai và các triệu chứng khác liên quan đến tai không phải lúc nào cũng xuất hiện.
Trẻ nhỏ mắc viêm tai giữa cấp, đặc biệt là trẻ sơ sinh, có thể có các triệu chứng và dấu hiệu không đặc hiệu (ví dụ: sốt, quấy khóc, rối loạn hoặc ngủ không yên giấc, bú kém / biếng ăn, nôn mửa, tiêu chảy).
Các triệu chứng của viêm tai giữa cấp có thể trùng lặp với các triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp trên mà không có viêm tai giữa cấp. Việc thiếu tính đặc trưng của các triệu chứng ở trẻ nhỏ làm cho việc chẩn đoán trở nên khó khăn và nhấn mạnh tầm quan trọng của soi tai nếu nghi ngờ có viêm tai giữa.
Triệu chứng viêm tai giữa có tràn dịch3
Tình trạng này được định nghĩa là tràn dịch tai giữa mà không kèm theo các triệu chứng cấp tính. Ở phần lớn trẻ, viêm tai giữa có tràn dịch chỉ là tình trạng thoáng qua, tự thoái lui và không cần điều trị thuốc.
Triệu chứng chủ yếu thường là nghe kém, thường gặp ở trẻ em mẫu giáo, ở độ tuổi này trẻ có thể nhận biết và nói với các bậc cha mẹ về việc bản thân bị mất thính giác.
Bệnh cũng có thể được phát hiện trong quá trình sàng lọc thính lực ở trẻ, sàng lọc thính lực học đường. Viêm tai giữa có tràn dịch cũng có thể được phát hiện khi tái khám sau đợt viêm tai giữa cấp tính.
Tràn dịch tai giữa thường kéo dài trong vài tuần sau khi hết các triệu chứng cấp tính. Các triệu chứng khác có thể xảy ra ở trẻ em bị viêm tai giữa có tràn dịch bao gồm:
- Cảm giác đầy tai, ù tai.
- Vấn đề về thăng bằng: trẻ nhỏ có vấn đề về thăng bằng có thể mất thăng bằng, không ổn định, ngã, vấp ngã hoặc vụng về.
Các triệu chứng này đều không đặc hiệu; do đó cần được thăm khám kĩ để xác định nguyên nhân cũng như xem xét và đánh giá.
Viêm tai giữa có tràn dịch thường tự khỏi. Khoảng 30 đến 40 phần trăm trẻ em có các đợt tái phát. Một số trẻ có viêm tai giữa có tràn dịch mãn tính, được định nghĩa là viêm tai giữa có tràn dịch tồn tại trong ba tháng hoặc lâu hơn. Tình trạng mãn tính có thể gặp các vấn đề liên quan đến mất thính giác.
Điều trị/Xử lý tại nhà
Điều trị giảm cơn đau là một trong những mục tiêu chính trong điều trị viêm tai giữa cấp ở trẻ em. Xử trí viêm tai giữa cấp tính nên bắt đầu bằng liều giảm đau đầy đủ. Đau là một đặc điểm chung của viêm tai giữa cấp và bệnh có thể gây những cơn đau nghiêm trọng ảnh hưởng tới trẻ. Sau đây là những cách phụ huynh có thể xử trí tại nhà khi trẻ bị viêm tai giữa:2
Các thuốc phổ biến như Ibuprofen hoặc Acetaminophen dùng đường uống đều có thể điều trị đau tai ở trẻ em mắc viêm tai giữa cấp. Với những cơn đau dữ dội không đáp ứng với Ibuprofen hoặc Acetaminophen đơn thuần, có thể cần kết hợp cả Ibuprofen và Acetaminophen.
Trẻ cần được khám trước để có chẩn đoán chắc chắn của viêm tai giữa, khi đó bác sĩ sẽ tư vấn cho phụ huynh về vấn đề dùng giảm đau tại nhà như thế nào
Đặc biệt ở các trẻ đang mắc viêm tai giữa cấp nhưng cần di chuyển bằng máy bay, việc giúp trẻ giảm đau khi máy bay cất cánh và hạ cánh có thể giúp trẻ dễ chịu hơn:
- Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ – Ngậm núm vú giả hoặc bình sữa; hút mũi bằng dụng cụ hút mũi.
- Đối với trẻ lớn hơn – Nhai kẹo cao su hoặc thức ăn; tự thổi hơi mạnh với miệng và mũi được bịt lại.
Các điều trị khác cần được quyết định dựa trên nguyên nhân của viêm tai giữa do bác sĩ thăm khám và hướng dẫn.
Trẻ cần được chăm sóc với chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, bổ sung các vi chất có lợi như vitamin C, khoáng chất từ rau quả, trái cây, và có chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý theo lứa tuổi.2
Khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ?
Trẻ em có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng nặng, biến chứng và / hoặc viêm tai giữa cấp tái phát. Những bệnh nhân có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng nặng, biến chứng và / hoặc tái phát bao gồm:
- Trẻ sơ sinh <6 tháng tuổi.
- Trẻ bị suy giảm miễn dịch.
- Trẻ có dấu hiệu nhiễm trùng nặng (đừ mệt, kém linh hoạt, bỏ ăn, sốt cao liên tục).
- Trẻ có các bất thường về vùng sọ mặt (ví dụ: hở hàm ếch).
Đối với những trẻ này, điều trị bằng kháng sinh ngay lập tức nên được ưu tiên hơn là theo dõi diễn tiến đơn thuần. Trẻ em có dấu hiệu tổn thương cấu trúc tai, mất thính giác hoặc chậm phát triển ngôn ngữ nên được chuyển đến bác sĩ tai mũi họng.
Ngoài ra, trẻ cần được đưa đến khám khi các triệu chứng nặng dần, không thuyên giảm sau khi bắt đầu điều trị, trẻ có các dấu hiệu nguy hiểm như biếng ăn, bỏ bú, nôn ói nhiều và liên tục, không uống được.
Chẩn đoán và điều trị viêm tai giữa ở trẻ em
Chẩn đoán bệnh
Chẩn đoán viêm tai giữa cấp dựa vào một hoặc nhiều điều sau:
Phồng màng nhĩ: Trẻ bị phồng màng nhĩ nghiêm trọng / rõ rệt, các trẻ có màng nhĩ càng viêm nhiều nên được điều trị kháng sinh do phồng màng nhĩ có nhiều khả năng liên quan đến vi khuẩn gây bệnh ở tai giữa.
Các dấu hiệu của viêm cấp tính (ví dụ như ban đỏ rõ rệt ở màng nhĩ và sốt hoặc đau tai) và tràn dịch tai giữa – Mặc dù các dấu hiệu của viêm cấp tính và tràn dịch tai giữa không phồng có thể là biểu hiện của viêm tai giữa cấp sớm, nhưng việc xác định vị trí đau là một thách thức đối với các trẻ nhỏ.
Thủng màng nhĩ kèm mủ tai cấp.
Chẩn đoán chính xác nhằm đảm bảo phương pháp điều trị thích hợp cho trẻ.
Những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra
Các biến chứng do viêm tai giữa hiếm gặp nhưng có thể xảy ra. Các biến chứng này bao gồm:
- Nhiễm trùng lan đến xương của tai (viêm xương chũm).
- Nhiễm trùng lan đến chất lỏng xung quanh não và tủy sống (viêm màng não).
- Mất thính giác, màng nhĩ bị vỡ.
Các xét nghiệm cần thực hiện
Khi trẻ có dấu hiệu nhiễm trùng, có thể trẻ cần được kiểm tra các xét nghiệm máu cơ bản để hỗ trợ chẩn đoán.
Phương pháp điều trị4
Điều trị kháng sinh được quyết định dựa trên tác nhân gây viêm tai giữa là vi khuẩn hay virus. Việc lựa chọn chiến lược phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, tuổi của trẻ, các điều kiện liên quan.
Điều trị kháng sinh đối với viêm tai giữa cấp
Liệu pháp kháng sinh có thể được hoãn lại ở trẻ em từ hai tuổi trở lên với các triệu chứng nhẹ. Sau 48-72 giờ chờ đợi thì bác sĩ sẽ cho tái khám để quyết định có cần thiết phải dùng kháng sinh hay không.
Kháng sinh thường được chọn là Amoxicillin để điều trị viêm tai giữa cấp tính ở những bệnh nhân không bị dị ứng với penicillin. Trẻ em có các triệu chứng dai dẳng mặc dù đã điều trị kháng sinh từ 48 đến 72 giờ nên được kiểm tra lại và nên sử dụng thuốc thứ hai, chẳng hạn như amoxicillin / clavulanate, nếu thích hợp.
Điều trị viêm tai giữa có tràn dịch
Viêm tai giữa có tràn dịch được định nghĩa là tình trạng tràn dịch tai giữa khi không có các triệu chứng cấp tính. Thuốc kháng sinh, thuốc thông mũi hoặc steroid nhỏ mũi không giúp đẩy nhanh quá trình thanh thải dịch tai giữa và không được khuyến khích trong viêm tai giữa có tràn dịch. Hầu hết các trường hợp viêm tai giữa có tràn dịch đều tự thoái lui. Trẻ cần được theo dõi và tái khám theo hẹn. Nếu tình trạng tràn dịch tai giữa kéo dài bất thường hoặc tái phát, trẻ cần được chuyển khám với chuyên khoa Tai Mũi Họng để xem xét các can thiệp phẫu thuật có khả năng mang lại sự kiểm soát tốt hơn.
Một đợt tái phát của viêm tai giữa cấp được xác định bằng sự xuất hiện của các dấu hiệu và triệu chứng của viêm tai giữa cấp sau khi hoàn thành điều trị, trong đó phồng màng nhĩ hoặc các dấu hiệu viêm khác là yếu tố quyết định chẩn đoán. Điều này giúp tránh việc sử dụng kháng sinh không cần thiết cho trẻ bị tràn dịch tai giữa kéo dài. Các hiệp hội Nhi khoa lớn trên thế giới đều khuyến cáo không sử dụng kháng sinh cho bệnh viêm tai giữa ở trẻ em từ 2 đến 12 tuổi với các triệu chứng không nghiêm trọng nếu trẻ có thể được theo dõi tình trạng diễn tiến. Việc điều trị là cần thiết nếu các triệu chứng kéo dài hơn 48 đến 72 giờ.4
Cách phòng ngừa viêm tai giữa ở trẻ em
Các thống kê tại Hoa Kỳ cho thấy tỷ lệ mắc viêm tai giữa cấp ở trẻ em giảm sau khi trẻ được tiêm chủng phổ cập với vắc-xin chống phế cầu khuẩn từ năm 2000 và tiếp tục giảm sau khi vắc-xin liên hợp phế cầu khuẩn ngày càng được cải tiến hơn.5
Do đó, việc tiêm chủng đầy đủ cho trẻ là một trong những phương pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa viêm tai giữa. Trong giai đoạn đại dịch COVID-19, việc giữ khoảng cách và các biện pháp khác để ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2 cũng được ghi nhận làm giảm tất cả các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, bao gồm cả viêm tai giữa cấp.6
Một số lưu ý để giảm nguy cơ bị viêm tai của con bạn:
- Rửa tay thường xuyên cho trẻ và cả gia đình.
- Nếu bạn cho trẻ bú bình, hãy luôn cầm bình sữa của trẻ và cho trẻ bú khi trẻ đang ngồi thẳng hoặc bán thẳng. Nên cho trẻ bú sữa mẹ, nếu có thể, vì bú mẹ có thể giúp giảm tỷ lệ viêm tai giữa. Nên bắt đầu tập cai sữa cho trẻ khi trẻ được 1 tuổi.
- Tránh môi trường khói bụi.7
- Luôn cập nhật lịch chủng ngừa của con bạn.1
Viêm tai giữa ở trẻ em là một trong những nguyên nhân thường gặp gây ra triệu chứng sốt, quấy khóc khó chịu, đau tai, chảy dịch tai. Bệnh lý viêm tai giữa ở trẻ em cần được thăm khám kịp thời bởi bác sĩ nhi khoa nhằm đưa ra chẩn đoán chính xác và hướng xử trí phù hợp với từng phân loại bệnh. Bên cạnh đó, chăm sóc tại nhà cho trẻ cũng góp phần quan trọng trong quá trình hồi phục của trẻ. Các bậc phụ huynh cần chú ý vấn đề về dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý, tuân thủ điều trị của bác sĩ và theo dõi trẻ theo hướng dẫn. Các biện pháp phòng ngừa viêm tai giữa thiết thực nhất và dễ áp dụng nhất bao gồm chủng ngừa đầy đủ, đảm bảo vệ sinh cá nhân và môi trường, tránh khói bụi và thuốc lá. Hy vọng các lưu ý trên có thể giúp các bậc phụ huynh chăm sóc cho trẻ tốt hơn trong đợt bệnh viêm tai giữa cấp.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Middle Ear Inflammation (Otitis Media)https://www.healthline.com/health/otitis
Ngày tham khảo: 22/08/2022
-
Ear Infections: Diagnosis and Treatmenthttps://www.webmd.com/cold-and-flu/ear-infection/understanding-otitis-media-treatment
Ngày tham khảo: 22/08/2022
-
Otitis Media Clinical Presentationhttps://emedicine.medscape.com/article/994656-clinical
Ngày tham khảo: 22/08/2022
-
Otitis Media: Diagnosis and Treatmenthttps://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2013/1001/p435.html#abstract
Ngày tham khảo: 22/08/2022
-
Trends in Otitis Media-related Health Care Utilization in the United States, 2001-2011hhttps://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2013/1001/p435.html#abstracthttps://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2013/1001/p435.html#abstracthttps://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2013/1001/p435.html#abstract
Ngày tham khảo: 22/08/2022
-
Coronavirus Disease 2019 Pandemic: Impact Caused by School Closure and National Lockdown on Pediatric Visits and Admissions for Viral and Nonviral Infections-a Time Series Analysishttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33501967/
Ngày tham khảo: 22/08/2022
-
Epidemiology of Acute Otitis Media in the Postpneumococcal Conjugate Vaccine Erahttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28784702/
Ngày tham khảo: 22/08/2022