YouMed

Virus HPV gây ung thư miệng: Những điều bạn cần biết

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Phan Lê Nam
Tác giả: ThS.BS Phan Lê Nam
Chuyên khoa: Sản phụ khoa

Ung thư miệng phát sinh khi các tế bào tăng sinh không kiểm soát. Thậm chí có thể di chuyển đến các cơ quan khác gây hại. Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng này. Trong đó có nhiễm virus gây u nhú ở người (HPV). Đây là virus lây lan qua tiếp xúc da hoặc đường tình dục, gây mụn cóc hoặc các bệnh lý khác. Một số ít chủng có khả năng dẫn đến ung thư; đặc biệt là HPV16. Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Phan Lê Nam (chuyên khoa Sản phụ khoa) sau đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về virus HPV gây ung thư miệng. 

Nguyên nhân nào gây ra ung thư miệng

Ung thư miệng là tình trạng xảy ra ngày càng phổ biến. Người mắc ung thư miệng có thể xuất hiện các khối u và vết loét không lành trong miệng. Ung thư miệng có thể xuất hiện ở các vị trí như: ung thư môi, lưỡi, má, sàn miệng, vòm miệng cứng và mềm, xoang và hầu (họng)…Tình trạng này có thể đe dọa tính mạng nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.

Miệng là nơi thông thương giữa môi trường bên trong và ngoài cơ thể. Đó chính là lý do góp phần khiến miệng là vị trí chịu nhiều tác động của môi trường bên ngoài; gây ra những biến đổi trong chu trình phát triển của tế bào dẫn đến ung thư. Khối u hình thành khi các tế bào trong miệng xảy ra biến đổi (đột biến) trong di truyền. Các DNA giúp hướng dẫn hoạt động sống của tế bào bị thay đổi; khiến các tế bào tiếp tục tăng trưởng và phân chia mà không chết đi như bình thường.

Để biết rõ nguyên nhân nào chính xác dẫn đến ung thư miệng là rất khó! Hiện các nghiên cứu chỉ đưa ra một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư miệng như sau:

Virus HPV là yếu tố nguy cơ gây ung thư miệng
Virus HPV là yếu tố nguy cơ gây ung thư miệng

Các yếu tố thông thường

Giới tính

Ung thư miệng ở nam giới phổ biến gấp đôi so với nữ giới. Sự khác biệt này có thể do nam giới thường sử dụng rượu và thuốc lá hơn. Đây cũng là một yếu tố nguy cơ chính gây ung thư miệng thường thấy ở nam giới.

Tuổi tác

Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, độ tuổi trung bình được chẩn đoán ung thư miệng là 62. Mặc dù tình trạng này thường gặp 2/3 là ở những người trên 55 tuổi, nhưng chúng ta vẫn có thể bắt gặp các trường hợp ở người trẻ tuổi.

Tia cực tím

Ung thư môi phổ biến ở những người làm việc ngoài trời và tiếp xúc lâu với ánh nắng.

Chế độ dinh dưỡng kém

Các nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên hệ giữa chế độ ăn ít trái cây và rau quả với việc tăng nguy cơ ung thư miệng.

Di truyền

Tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư. Một số đột biến gen di truyền gây ra các hội chứng khác nhau trong cơ thể. Trong số đó chúng ta có thể bắt gặp các hội chứng có nguy cơ cao bị ung thư miệng như:

Thiếu máu Fanconi

Đây là một tình trạng thiếu máu do bất thường di truyền ở một số gen. Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng thiếu máu khi còn nhỏ. Nguy cơ mắc ung thư miệng của những người mắc bệnh thiếu máu Fanconi cao gấp 500 lần so với dân số chung.

Dày sừng bẩm sinh

Chứng dày sừng bẩm sinh là một hội chứng có liên quan đến di truyền. Tình trạng này cũng có thể gây thiếu máu bất sản và có nguy cơ cao bị ung thư miệng ngay từ khi còn nhỏ.

Lối sống

Sử dụng thuốc lá

Thuốc lá là sản phẩm có chứa nhiều độc tố gây hại. Khoảng 80 phần trăm bệnh nhân ung thư miệng có liên quan với sử dụng thuốc lá dưới dạng: thuốc lá điếu, thuốc lá nhai hoặc thuốc lá hít. Nguy cơ xuất hiện ung thư miệng còn phụ thuộc vào thời gian và tần suất sử dụng thuốc lá. Một số các sản phẩm thuốc lá uống cũng có nguy cơ gây ra ung thư ở má, nướu và bề mặt bên trong của môi.

Rượu

Khoảng 70 phần trăm những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư miệng là những người nghiện rượu nặng. Nguy cơ này tăng cao đối với những người sử dụng đồng thời cả rượu và thuốc lá. Đối với những người hút thuốc và uống rượu nhiều, nguy cơ ung thư miệng có thể cao hơn lên đến gần 100% so với những người không hút thuốc hoặc uống rượu.

Trầu cau

Nhai trầu cau đã trở thành một trong những tập tục phổ biến ở nhiều quốc gia Đông Nam Á và một số nơi khác trên thế giới. Nhai gutka, một sự kết hợp giữa trầu cau và thuốc lá cũng là một phong tục rất phổ biến. Cả hai loại này đều làm tăng nguy cơ ung thư miệng.

Các yếu tố nguy cơ khác

Nhiễm vi rút gây u nhú ở người (HPV)

HPV bao gồm khoảng 200 chủng loại tương tự nhau. Tuy nhiên không phải tất cả chủng virus HPV gây ra ung thư miệng. HPV được coi là một yếu tố nguy cơ góp phần cao gây ung thư miệng. Những người bị ung thư miệng có liên quan đến HPV có xu hướng không hút thuốc/uống rượu và thường có tiên lượng tốt. Thông thường, nhiễm HPV ở miệng không gây ra triệu chứng; và chỉ một tỷ lệ nhỏ trong số này phát triển thành ung thư.

Hình 2: Chủng HPV 16 là chủng tham gia nhiều vào việc gây ung thư miệng, hầu họng, cổ tử cung
Chủng HPV 16 là chủng tham gia nhiều vào việc gây ung thư miệng, hầu họng, cổ tử cung

Ức chế hệ thống miễn dịch

Việc dùng các thuốc ức chế hệ thống miễn dịch (để ngăn chặn việc đào thải cơ quan cấy ghép hoặc điều trị một số bệnh miễn dịch) ; có thể làm tăng nguy cơ ung thư miệng.

Xem thêm: Thuốc kháng virus HPV là thuốc gì?

Lichen planus

Bệnh nhân mắc tình trạng này thường phát ban ngứa. Đôi khi xuất hiện các sang thương dạng đường trắng hoặc đốm trong miệng và cổ họng. Tình trạng này có thể có nguy cơ cao bị ung thư miệng. Lichen planus thường ảnh hưởng đến những người trung niên.

Tình trạng đào thải mô ghép

Tình trạng này có thể xảy ra sau khi cấy ghép tế bào gốc; tủy xương được thay thế hoặc điều trị ung thư. Các tế bào gốc mới có thể gây ra phản ứng miễn dịch tấn công các tế bào của chính bệnh nhân. Kết quả là các mô trong cơ thể có thể bị phá hủy. Tình trạng này cũng làm tăng khả năng mắc ung thư miệng.

Virus HPV gây ung thư miệng là gì? Virus HPV lây lan bằng cách nào?

Trong các yếu tố nguy cơ kể trên, có sự hiện diện của virus gây u nhú ở người (Human papilloma virus – HPV). HPV là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư miệng và hầu họng. Vị trí gây bệnh chủ yếu là ở: amidan, hốc amiđan, đáy lưỡi. Ngoài ra virus HPV cũng gây một số nhỏ ung thư ở vị trí phía trước miệng.

Virus HPV gây ung thư miệng và con đường lây truyền

Theo CDC, HPV là một trong những virus gây bệnh lây nhiễm qua đường tình dục phổ biến nhất (STI). Vi rút HPV lây truyền giữa người với người qua tiếp xúc da với da và qua đường tình dục.

HPV có thể ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục, miệng hoặc hầu họng. Hiện nay đã phát hiện gần 200 chủng HPV khác nhau. Hầu hết là vô hại và không gây ung thư. Trong số này, có 9 loại được biết là gây ung thư. 6 loại khác bị nghi ngờ gây ung thư ( thường được tìm thấy cùng với một trong số 9 loại gây ung thư).

Một số trường hợp nhiễm HPV sinh dục có thể không gây ra bất kỳ bệnh lý nào. Tuy nhiên, một số loại HPV có thể gây ra mụn cóc sinh dục. Thậm chí là ung thư cổ tử cung, hậu môn và miệng họng. Trong ung thư miệng, chủ yếu quan tâm đến vi rút HPV 16

Bạn có thể nhiễm HPV khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc đường miệng với người mang virus. Đối với ung thư miệng, nhiều nghiên cứu cho rằng: do lây lan qua quan hệ tình dục bằng miệng. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có bằng chứng xác thực.

HPV có thể lây truyền ngay cả khi người bị nhiễm không có triệu chứng. Bất kỳ ai đã từng hoạt động tình dục đều có thể bị nhiễm HPV; ngay cả khi bạn chỉ quan hệ tình dục với một người. Bạn cũng có thể phát triển các triệu chứng nhiều năm sau khi quan hệ tình dục với người bị nhiễm bệnh. Do đó rất khó để biết lần đầu tiên bị nhiễm bệnh.

Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng nhiễm HPV

Số lượng bạn tình

Số lượng bạn tình càng nhiều, bạn càng có nhiều khả năng bị nhiễm HPV sinh dục; đặc biệt nếu có quan hệ tình dục bằng miệng. Điều này làm tăng khả năng lây nhiễm trong các trường hợp nhiễm trùng miệng. Quan hệ tình dục với người có nhiều bạn tình cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Hệ thống miễn dịch suy yếu

Những người suy giảm miễn dịch có nguy cơ nhiễm HPV cao hơn. Hệ thống miễn dịch có thể bị suy yếu trong các trường hợp như:  nhiễm HIV / AIDS ;  dùng các loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch sau khi cấy ghép nội tạng.

Làm cách nào để giảm thấp nguy cơ nhiễm HPV gây ung thư miệng

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị triệt để cho HPV. Hầu hết, virus HPV sẽ tự biến mất trong vòng hai năm và không gây ra các vấn đề về sức khỏe. Chỉ khi HPV tồn tại trong cơ thể nhiều năm; thường là hàng chục năm, mới có thể gây ra các bệnh ung thư miệng.

Tuy nhiên chúng ta có thể giảm thấp nguy cơ nhiễm HPV gây ung thư miệng bằng cách:

Tiêm chủng phòng ngừa HPV

Vắc xin chủng ngừa HPV hoàn toàn an toàn và hiệu quả. Vắc xin có thể giúp bạn bảo vệ chống lại các bệnh (bao gồm cả ung thư) do HPV gây ra; khi được tiêm trong các nhóm tuổi được khuyến nghị. CDC khuyến cáo nên tiêm phòng HPV khi 11 hoặc 12 tuổi (hoặc có thể bắt đầu từ 9 tuổi). Vắc xin vẫn được sử dụng cho tất cả mọi người đến 26 tuổi, nếu chưa được chủng ngừa.

Vắc xin HPV góp phần ngăn ngừa khả năng nhiễm virus
Vắc xin HPV góp phần ngăn ngừa khả năng nhiễm virus

Tình dục an toàn

Nếu bạn đang hoạt động tình dục, việc sử dụng bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ có thể làm giảm khả năng nhiễm HPV. Tuy nhiên HPV hoàn toàn có thể lây nhiễm ở những vùng không được bảo vệ bởi bao cao su. Do đó, mối quan hệ chung thủy một vợ một chồng hoặc chỉ một bạn tình sẽ giúp giảm khả năng lây nhiễm loại virus này.

HPV là một trong những nguyên nhân góp phần gây ra ung thư miệng. Tuy nhiên nếu chúng ta tuân thủ tốt các biện pháp phòng ngừa như: tiêm chủng HPV, thực hiện tình dục an toàn… có thể góp phần ngăn chặn nguy cơ này. Đồng thời, việc duy trì lối sống và sức khỏe thể chất tốt cũng giúp bạn tăng cường khả năng phòng chống của hệ miễn dịch đối với virus HPV.

Hãy thường xuyên luyện tập thể thao, ăn uống lành mạnh, tránh hút thuốc, uống rượu và thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bất thường.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Mouth cancerhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/mouth-cancer/symptoms-causes/syc-20350997

    Ngày tham khảo: 08/04/2021

  2. Genital HPV Infection - Fact Sheethttps://www.cdc.gov/std/hpv/stdfact-hpv.htm

    Ngày tham khảo: 08/04/2021

  3. HPV/Oral Cancer Factshttps://oralcancerfoundation.org/understanding/hpv/hpv-oral-cancer-facts/

    Ngày tham khảo: 08/04/2021

  4. Oral HPV and Cancerhttps://www.webmd.com/oral-health/guide/oral-hpv-cancer#1

    Ngày tham khảo: 08/04/2021

  5. Risk factors for oral cancerhttps://www.cancercenter.com/cancer-types/oral-cancer/risk-factors

    Ngày tham khảo: 08/04/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người