YouMed

Ung thư miệng: Hiểm hoạ đến từ những thói quen hằng ngày

Bác sĩ NGUYỄN THỊ THANH NGỌC
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Ngọc
Chuyên khoa: Răng - Hàm - Mặt

Ung thư được định nghĩa là sự tăng trưởng không thể kiểm soát của các tế bào xâm lấn và gây tổn thương cho các mô xung quanh. Những ung thư ở khoang miệng có thể xuất hiện âm thầm chỉ như một vết loét trong miệng dai dẳng, không gây đau. Do đó, chúng dễ dàng lẩn trốn khỏi sự phát hiện của chúng ta. Ung thư miệng, bao gồm ung thư môi, lưỡi, má, sàn miệng, vòm miệng cứng và mềm, xoang và hầu họng (họng). Chúng có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.

1. Các triệu chứng của ung thư miệng là gì?

Một số triệu chứng báo hiệu ung thư miệng mà chúng ta nên lưu ý, bao gồm:

  • Một vết loét trong miệng lâu ngày không lành.
  • Vết đổi màu niêm mạc trong miệng lâu ngày.
  • Một nốt sưng hoặc dày lên trong má của bạn mà không biến mất.
  • Đau họng dai dẳng.
  • Thay đổi giọng nói.
  • Khó nhai hoặc nuốt.
  • Cử động hàm hay lưỡi khó khăn.
  • Răng lung lay.
  • Đột ngột tê ở lưỡi hoặc một phần khác của miệng.
  • Đau, kích thích quanh răng hoặc trong hàm không có nguyên nhân rõ ràng.
  • Giảm cân không giải thích được.
  • Khối sưng trong hàm của bạn.
  • Một nốt sưng hoặc khối sưng bất thường vùng cổ.
  • Cảm giác vướng ở cổ họng kéo dài hay lặp đi lặp lại.
Ung thư miệng có nhiều dấu hiệu cảnh báo
Ung thư miệng có nhiều dấu hiệu cảnh báo

Trên thực tế, hầu hết các triệu chứng này thường do các vấn đề y tế khác ít nghiêm trọng hơn, khiến chúng ta thường phớt lờ chúng. Tuy nhiên, nếu bất kỳ triệu chứng nào kéo dài trong hai tuần hoặc lâu hơn, hãy đi khám bác sĩ ngay.

2. Ai có nguy cơ mắc?

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, đàn ông phải đối mặt với nguy cơ mắc ung thư miệng cao gấp đôi so với phụ nữ. Và đàn ông trên 50 tuổi là những người phải đối mặt với nguy cơ cao nhất.

Các yếu tố nguy cơ cho sự phát triển của ung thư miệng bao gồm:

  • Hút thuốc. Những người hút thuốc lá, xì gà hoặc thuốc lào có nguy cơ mắc ung thư miệng cao gấp sáu lần so với những người không hút thuốc.
  • Người sử dụng thuốc lá không khói. Những người sử dụng các sản phẩm thuốc lá nhúng, hít hoặc nhai có nguy cơ mắc ung thư ở má, nướu và niêm mạc môi cao gấp 50 lần.
  • Tiêu thụ quá nhiều rượu. Ung thư miệng phổ biến hơn ở người uống rượu khoảng sáu lần so với người không uống.
  • Tiền sử gia đình có người bị ung thư.
  • Phơi nắng quá nhiều, đặc biệt là ở độ tuổi trẻ.
  • Thói quen nhai trầu, xỉa thuốc ở người lớn tuổi
  • Papillomavirus ở người (HPV). Một số chủng HPV là yếu tố nguy cơ nguyên nhân của ung thư biểu mô tế bào gai (OSCC).
  • Mặc dù nguy cơ rất thấp nhưng một số kích thích tồn tại lâu ngày trong miệng như: phục hình răng không đúng gây đè nén mô, răng mòn sắc cạnh gây loét lưỡi… cũng nên được lưu ý để xử lý kịp thời.
Thuốc lá không khói hay thuốc lá điện tử cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Thuốc lá không khói hay thuốc lá điện tử cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh

Điều quan trọng cần lưu ý là dù không có các yếu tố kể trên, bạn vẫn có thể mắc ung thư miệng. Nghiên cứu cho thấy có khoảng 25% các ca bệnh xảy ra ở những người không hút thuốc và thỉnh thoảng mới uống rượu. Do đó, việc khám răng miệng định kỳ để kịp thời phát hiện là rất quan trọng.

3. Khám và chẩn đoán

Là một phần của kiểm tra nha khoa thông thường, nha sĩ của bạn sẽ tiến hành kiểm tra sàng lọc ung thư miệng. Cụ thể hơn, bác sĩ sẽ kiểm tra toàn bộ mô cứng và mô mềm trong khoang miệng để phát hiện ngay nếu có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng bất thường nào như đã đề cập ở trên.

Nếu phát hiện khu vực đáng ngờ, sinh thiết mô sẽ được chỉ định. Có nhiều loại sinh thiết khác nhau và bác sĩ của bạn có thể xác định loại nào là tốt nhất. Có thể là đơn giản như sinh thiết chải, nạo, hay phức tạp hơn như sinh thiết cắt bằng dao mổ. Lựa chọn kiểu sinh thiết tuỳ thuộc vào vị trí cũng như loại sang thương mắc phải. Một số bác sĩ còn thực hiện các sinh thiết bằng laser.

>> Bạn có thể xem thêm: Ung thư lưỡi: Có thể chữa khỏi được không?

Nên đi nha sĩ để được kiểm tra
Nên đi nha sĩ để được kiểm tra

4. Ung thư miệng được điều trị như thế nào?

Tuỳ thuộc vào vị trí, loại, và quan trọng nhất là giai đoạn hay mức độ lan rộng của khối u, đã di căn sang các cơ quan khác hay di căn đến hạch lympho hay chưa mà sẽ có những phác đồ điều trị đặc thù phù hợp.

Về cơ bản, ung thư miệng được điều trị giống như nhiều bệnh ung thư khác. Có một số phương pháp chính đó là phẫu thuật loại bỏ khối u, xạ trị (điều trị bằng phóng xạ), hóa trị liệu (điều trị bằng thuốc).

5. Làm gì để ngăn ngừa ung thư miệng?

  • Không hút thuốc hoặc sử dụng bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào.
  • Hạn chế uống rượu và sử dụng đồ uống chứa cồn.
  • Chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh, nhiều rau củ quả.
  • Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tiếp xúc nhiều lần làm tăng nguy cơ ung thư trên môi, đặc biệt là môi dưới. Khi ở ngoài nắng, hãy sử dụng các loại kem chống nắng chống tia UV-A/B trên da, cũng như môi của bạn.

Mỗi người đều đóng vai trò tích cực trong việc phát hiện sớm ung thư miệng, bằng cách làm đơn giản như sau:

Tiến hành tự kiểm tra ít nhất mỗi tháng một lần. Soi gương, chiếu đèn, nhìn và cảm nhận đôi môi, mô nướu, niêm mạc má cũng như phần lưỡi của bạn. Nghiêng đầu ra sau để quan sát được vòm miệng và cổ họng…

Tích cực tự kiểm tra tình trạng răng miệng tại nhà để kịp thời phát hiện bất thường
Tích cực tự kiểm tra tình trạng răng miệng tại nhà để kịp thời phát hiện bất thường

Nếu thấy có bất cứ dấu hiệu bất thường nào, như một khối sưng, vết loét, niêm mạc đổi màu… hãy đến gặp bác sĩ ngay để được khám và tầm soát ung thư sớm.

Theo thống kê, phần lớn bệnh nhân ung thư miệng ở Việt Nam được phát hiện trong giai đoạn trễ. Khi đã có những biến chứng gây đau nhức, khó chịu, bệnh nhân mới đến gặp bác sĩ. Do đó, tiên lượng điều trị thường không cao. Chính vì vậy, việc thăm khám răng miệng định kỳ là cực kỳ quan trọng.

Hãy tạo cho mình thói quen đến khám và chăm sóc răng miệng định kỳ mỗi sáu tháng để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh trước khi quá muộn nhé. Chúc bạn luôn có một sức khoẻ răng miệng tuyệt vời.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người