Vú sữa: Thực hư công dụng kỳ diệu từ loại quả thơm ngon
Nội dung bài viết
Vú sữa là loại trái cây khá quen thuộc và phát triển rộng rãi khắp nước ta. Nhờ thành phần đa dạng và tác dụng dược lý hữu ích mà loại quả này vừa có giá trị dinh dưỡng cao lại rất tốt cho sức khỏe. Sau đây, hãy cùng YouMed hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của loại cây ăn trái này.
Vú sữa là gì?
- Tên khoa học: Chrysophyllum cainito L.
- Họ khoa học: Thuộc họ Hồng xiêm-Sapotaceae.
- Quả, rễ, lá – Fructus, Radix et Folium Chrysophylli.
Đặc điểm sinh trưởng và thu hái
Đặc điểm sinh trưởng
Theo một số tài liệu, vú sữa có nguồn gốc từ đảo Antilles thuộc Trung Mỹ, sau đó phân tán ở khắp nơi trên thế giới. Một số nước, loại thực vật này khá phổ biến như Thái Lan, Việt Nam, Singapore,…
Ở Việt Nam, cây phân bố rộng khắp từ các tỉnh miền trung như Quảng Ngãi, Quảng Nam… đến các khu vực miền Tây Nam Bộ như Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ…Trong đó, vú sữa Lò Rèn được cho là giống ngon nhất với đặc trưng vượt trội như thịt dày, vỏ mỏng, hương vị thơm ngon.
Thuộc nhóm cây ưa ánh sáng, phát triển và sinh trưởng tốt trong thời tiết nóng ẩm của khí hậu nhiệt đới. Nhiệt độ thích hợp trung bình khoảng 25 độ C.
Cây không kén đất, có thể chịu được các loại đất pha nếu được bón phân đầy đủ, đặc biệt là kali. Nên tưới tiêu hợp lí để vừa tránh làm cho cây thiếu nước, khô hạn, vừa tránh ngập úng, thối rễ cây.
Hạt là phương pháp nhân giống chủ yếu, gieo ươm trong vườn, khoảng 3-6 tuần sẽ nẩy mầm. Nên chọn những hạt chắc khỏe, không bị sâu mọt để có sức nẩy mầm lâu, mạnh mẽ. Ngoài ra, nhân dân còn nhân giống bằng phương pháp ghép cây.
Thu hái
Hầu hết các bộ phận của cây có thể thu hái quanh năm, dùng tươi thường gặp nhất.
Mùa vú sữa bắt đầu khoảng tháng 12 âm lịch hằng năm. Sau khi được thu hoạch, cây sẽ cho vụ tiếp theo vào khoảng 5 tháng sau đó. Mùa hoa khoảng tháng 9-10 hàng năm.
Mô tả cây vú sữa
Thuộc cây thân gỗ, to, chiều cao trung bình từ khoảng 15m, có nhựa mủ trắng. Thân hình trụ, cành mảnh dài, tán rậm, vỏ nứt nẻ. Vú sữa là cây ăn quả lâu năm, khá được ưa chuộng.
Lá mọc so le, hình bầu dục, thuôn, gốc tròn, đầu nhọn, mép nguyên. Mặt trên màu lục sẫm bóng, mặt dưới phủ lông dày, màu hung vàng rất mịn. Gân bên song song.
Cụm hoa màu trắng, mọc ở kẽ lá thành tán nhỏ, đài 5 răng, xếp lợp, tràng 5 cánh hình chuông. Nhị 5, đính trên ống tràng, bầu 5-10 ô, mỗi ô 1 noãn.
Quả tròn, mọng, to khoảng nắm tay, bóng láng, vỏ màu lục đỏ hay tím tía, hay xanh trắng. Bên trong, chứa phần thịt quanh hạt mềm mại vị hơi chát và chất dịch trắng trong, ngọt dịu như sữa. Hạt đen, dẹp, bóng, nhọn, khoảng 5-9 hạt tập trung ở lõi. Nhân hạt hợi đắng.
Thành phần hóa học của vú sữa
Theo nhiều tài liệu, vú sữa có thành phần hóa học khá đa dạng và phong phú:
- 100g quả chín chứa: protein 1g, carbohydrat 8g, chất béo 3.1g, phopho 45 mg, sắt 0.8 mg, canxi 18 mg,… và nhiều vitamin và khoáng chất như A, B, C, sắt, magie, acid malic…và chất chống oxy hóa khác như quercetin, epicatechin, acid gallic…Còn theo Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ-USDA thì trong 132g vú sữa chứa 40-60 kcal, 8.9g cacbohydrat, 5.3g đường, 1.4g protein, 3.7g chất xơ…
- Hạt có dầu béo 6,6%, chất đắng lucumin, saponin 0,19%, dextrose 2,4%…
- Lá chứa acid resinic và chất đắng vô định hình và một ít nhựa…
Bảo quản
Bảo quản, cất trữ quả nơi thoáng mát, nhiệt độ phòng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
Tác dụng Y học hiện đại
Giảm tốc độ lão hóa của cơ thể, tăng sức đề kháng
Do chứa acid malic cùng nhiều chất chống oxy hóa, mà vú sữa chống nám da, ngăn ngừa lão hóa. Ngoài ra, vitamin C có trong quả (34,7mg%) hỗ trợ duy trì sức khỏe làn da bằng cách hình thành collagen, tạo các mô liên kết, cung cấp độ ẩm, làm tăng độ đàn hồi cho da. Một công dụng khác của vitamin C, đó là giúp cơ thể tăng sức đề kháng, chống lại các tác nhân bên ngoài môi trường.
Thân thiện với người bệnh đái tháo đường, ngừa táo bón
Vú sữa thuộc loại trái cây, có lượng calo thấp, giàu chất xơ, làm chậm quá trình hấp thu các chất đường và chất béo trong cơ thể, tăng tiết insulin. Từ đó, quá trình này sẽ giữ cho đường huyết ổn định hơn, phù hợp với người có các tiền sử mắc bệnh đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thừa cân…
Bên cạnh đó, những chất xơ không hòa tan, làm chúng ta có cảm giác nhanh no, no lâu hơn. Cũng nhờ vậy mà giảm cảm giác thèm ăn, thúc đẩy nhu động ruột, kích thích tiêu hóa…Hàm lượng nước trong quả cũng hỗ trợ sự mất nước cũng như chất điện giải từ cơ thể.
Bảo vệ niêm mạc dạ dày
Chất xơ cũng như một số hoạt chất thiết yếu trong loại thực vật này, có khả năng bảo vệ niêm mạc dạ dày trước những tác động xấu của acid, hay những gốc tự do xấu, và cả những vi khuẩn bệnh đường ruột như E.coli, Samonella…). Nhờ đó mà hệ thống tiêu hóa cũng được hoạt động tốt hơn, ngăn ngừa được những cơn đau dạ dày cũng như ung thư dạ dày.
Hỗ trợ hệ tim mạch, giảm mỡ máu
Vú sữa là loại thực phẩm giàu kali, một ion có tác dụng ổn định nhịp tim và cả các chất oxy hóa giúp tim luôn khỏe mạnh, kiểm soát huyết áp. Bên cạnh đó, việc chứa nhiều flavonoid, kích thích chuyển hóa cholesterol xấu ở gan, cũng góp phần làm giảm các nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch như nhồi máu cơ tim, thiếu máu tim…
Tốt cho các mẹ bầu
Nhờ hàm lượng vitamin và các chất khoáng dồi dào trong quả, giúp cung cấp những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển não bộ của thai nhi, ngừa dị tật bẩm sinh, tăng khả năng nhận thức. Chính vì vậy, đây là thực phẩm vàng cho phụ nữ có thai trong các bữa ăn hàng ngày.
Thúc đẩy phát triển xương
Bởi vì vú sữa có nhiều khoáng chất như canxi, magie… cũng như các chất chống viêm, đóng vai trò chính trong sức khỏe xương khớp, duy trì hệ thống xương chắc khỏe hơn, giảm loãng xương, viêm khớp. Theo nghiên cứu được đăng lên Livestrong đã ghi nhận rằng, lượng canxi trong loại trái cây này có thể đáp ứng 10% nhu cầu chất này của một người mỗi ngày.
Tác dụng Y học cổ truyền
Tính vị
- Khi quả còn xanh có vị chát, còn lúc chín có vị ngọt, chát nhẹ.
- Nhân hạt vị đắng.
Công dụng
- Rễ và lá làm giảm đau, tan máu ứ, hoạt huyết, giảm sưng…
- Vỏ thân có tính kích thích và bổ dưỡng, bảo vệ dạ dày.
- Quả xanh làm săn chắc, còn quả chín thì có tác dụng bồi bổ cơ thể.
Cách sử dụng vú sữa
Tùy mục đích sử dụng có thể dùng loại cây này với nhiều cách và liều lượng khác nhau. Vú sữa có thể dùng dưới dạng thuốc sắc, dùng ngoài… Hoặc phần quả của dược liệu này có thể ăn tươi, làm sinh tố, sử dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm.
Để thưởng thức vị ngon hơn, ta dùng hai lòng bàn tay vừa ấn vừa xoa cho trái mềm ra. Làm như vậy chất dịch lỏng như sữa sẽ nhiều hơn.
Một số lưu ý khi sử dụng
Phần vỏ của quả có vị chát, nhiều nhựa nên nếu ăn phải dễ bị táo bón. Để không ăn phải phần vỏ, ta cắt theo chiều dọc hoặc ngang của quả, tránh dùng tay lột vỏ.
Chọn những trái chín, không sâu để ăn để đảm bảo được sự thơm ngọt của vú sữa. Quả chín tự nhiên là vỏ ngoài bóng nhẵn,sáng, còn núm, độ mềm vừa phải. Nếu nhũn bên dưới, thịt núm cứng, là quả bị chín ép, vị chát nhiều, không thơm ngon.
Bài thuốc từ vú sữa
Theo đông y, lá vú sữa, dưới dạng sắc sẽ trị chứng đau dạ dày, dùng 6-10g, mỗi ngày. Ngoài ra, dân gian còn dùng lá cây còn được giã nát đắp lên vết thương để mau lành.
Vú sữa là loài cây quen thuộc và gần gũi trong cuộc sống của chúng ta. Với sự đa dạng và phong phú về tác dụng mà dược liệu này được dùng nhiều để điều trị bệnh. Tuy nhiên, để có thể tận dụng hết giá trị của thực phẩm đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến người có chuyên môn, y bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.