YouMed

Vừng: Vị thuốc quý cho người nghèo

bác sĩ nguyễn thiên hương
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Thị Thiên Hương
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Từ xa xưa, Vừng hay còn gọi Mè đen, đã được biết đến như một vị thuốc quý, bổ dưỡng và dễ tìm đối với người dân Việt Nam. Vừng là thần dược bổ dưỡng với người bệnh lâu ngày, cho trẻ em gầy yếu, trị táo bón, ghẻ lở, lợi sữa. Cụ thể hơn, mời bạn cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Mô tả dược liệu

Vừng có tên khoa học Sesamum orientale L., thuộc họ Vừng (Pedaliaceae).

Còn gọi là Mè, Du tử miêu, Cự thắng tử, Chi ma, Bắc chi ma, Hồ ma.

Đây là loại cỏ nhỏ, thân nhiều lông, cao chừng 0,6m, sống hằng năm. Lá mọc đối, đơn, không có lá kèm, nguyên, có cuống.

Hoa trắng mọc đơn độc ở kẽ lá, lưỡng tính, không đều, có cuống ngắn. Đài hơi hợp ở gốc. Tràng hình ống loe ra thành hai môi. Môi dưới gồm 3 thùy, môi trên 2 thùy, 4 nhị, 2 to, 2 nhỏ, 2 lá noãn. Đầu nhụy có 2 núm, bầu có vách giả chia thành 4 ô, mỗi ô chứa một dãy dọc nhiều noãn.

Quả nang dài, 4 ô mở thành 4 mảnh. Nhiều hạt nhỏ màu vàng hay nâu đen. Lá mầm chứa nhiều dầu.

Vừng được trồng khắp nơi trong nước để lấy hạt và xuất cảng. Vào các tháng 7, 8, 9, người ta cắt toàn cây về phơi khô đập lấy hạt, loại bỏ tạp chất.

Vừng đen hay vàng đều dùng làm thuốc được, nhưng thường chỉ hay dùng Vừng đen làm thuốc. Còn dầu thì ép từ Vừng đen hay vàng đều dùng được.

>> Có nhiều loài cây vốn rất gần gũi trong cuộc sống cũng là dược liệu quý trong y học cổ truyền. Đọc thêm: Cây Ổi: Không chỉ là loại trái cây quen thuộc để ăn.

2. Thành phần hoá học

Hạt chứa 40 – 55% dầu, 5 – 6% nước, 20 – 22% chất protein, 5% trong đó có: 1,7mg đồng, 1% canxi oxalate, 6,3 – 8,8% chất không có nito, pentozan, lexitin, phytin, cholin.

Dầu Vừng chứa khoảng 12 – 16% acid đặc (7,7% acid panmitic; 4,6% acid stearic; 0,4% acid arachidic), 75 – 80% acid lỏng (trong đó có 48% acid oleic; 30% acid linoleic và 0,04% acid lignoxeric).

Trong dầu Vừng, Villelavecchia và Fabris còn phân tích được chất sesamin C20H18O6 với tỉ lệ chừng 0,25 – 1%. Ngoài ra còn khoảng 0,1% chất sesamol, một phenol có công thức C7H6O3.

Các bộ phận của cây Vừng
Các bộ phận của cây Vừng

3. Công dụng

  • Vừng vị ngọt, tính bình, không độc, quy kinh phế, tỳ, can, thận, có tác dụng ích can, bổ thận, bổ huyết, nhuận táo. Đây là thuốc tư dưỡng cường tráng, chủ trị thương phòng, hư nhược, bổ ngũ tạng, ích khí lực, đầy tuỷ não, bền gân cốt. Thuốc thường dùng cho người già hoặc trẻ em hay bệnh lâu ngày. Ngoài ra, người ta thường dùng nấu với muối chì và các vị thuốc khác làm thuốc cao dán nhọt. Vừng là vị thuốc bổ âm mạnh.
  • Lá có vị ngọt, tính lạnh, tác dụng ích khí, bổ não tuỷ, mạnh gân cốt, khỏi tê thấp.
  • Hoa Vừng ngâm vào nước đắp lên mắt làm mát mắt, dịu đau.
  • Nước sắc lá và rễ Vừng dùng làm thuốc mọc tóc và giữ cho tóc được đen lâu.
  • Dầu Mè còn gọi là Ma du, có tính lương huyết, trị ghẻ. Dùng nấu cao chữa ghẻ lở ngoài da làm mau lành vết thương.

4. Liều dùng

  • Liều: ngày uống 10 – 25ml làm thuốc bổ, muốn nhuận và tẩy, tăng liều lên tới 40 – 60g.
  • Vừng đen: ngày có thể dùng 12 – 25g dưới dạng thuốc viên, thuốc bột hay thuốc cao.
  • Chống chỉ định: tiêu lỏng không dùng.

5. Bài thuốc kinh nghiệm

5.1. Tăng huyết áp

Vừng đen, Hà thủ ô, Ngưu tất, các vị bằng nhau tán nhỏ, dùng mật vo thành viên bằng hạt ngô. Ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 10g.

5.2. Lợi sữa

Vừng đen sao qua, giã nhỏ cho thêm ít muối ăn hằng ngày.

Vừng đen sao dùng như thuốc lợi sữa
Vừng đen sao dùng như thuốc lợi sữa

5.3. Ghẻ chốc ngứa da

Hạt Mè 10g; Đương quy 6g; Thổ bối mẫu 4,5g; Liên kiều 4,5g. Rễ Thược dược thứ đỏ, củ Kim cương, Hà thủ ô, hoa Dây mối đều 10g. Mộc thông, Cam thảo 3g. Sắc uống.

5.4. Đại trường táo tiện không thông

Hạt Mè, Bạch truật mỗi thứ 10g, tán bột uống.

5.5. Trẻ con đi cầu nhầy máu lỵ

Dùng dầu Vừng 5g hay 10g tuỳ theo tuổi hoà với mật ong cho uống.

5.6. Người già gầy, suy nhược

Mè đen (10 – 100g), Đậu đen (10-20g), lá Dâu (10 – 20g), Cốc nha (10 – 50g), sắc uống. Cân nhắc làm hoàn mật uống lâu dài.

5.7. Bỏng nước sôi nhẹ

Mè đen giã nát đắp lên chỗ bỏng hoặc thoa một lớp mỏng dầu Mè lên vết bỏng.

5.8. Cháo vừng

Vừng đen 6g sao thơm để riêng, gạo tẻ 30g, cho vào nồi thêm nước nấu thành cháo. Khi cháo chín cho Vừng vào khuấy đều, thêm chút đường cho vừa khẩu vị. Dùng làm món ăn điểm tâm buổi sáng. Có tác dụng bổ ngũ tạng, mạnh gân cốt, nhuận tràng và bổ sung vitamin E cho cơ thể.

Cháo Vừng là món ăn bổ dưỡng cho sức khỏe
Cháo Vừng là món ăn bổ dưỡng cho sức khỏe

Vừng là vị thuốc quý cho người dân với đặc tính dễ tìm, giá thành rẻ. Quý độc giả có thể tham khảo món ăn bổ dưỡng cho người già và trẻ em từ Vừng trên đây. Tuy nhiên, về bài thuốc chữa bệnh từ Vừng, quý độc giả nên tham vấn ý kiến bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người