YouMed

Xơ cứng cột bên teo cơ: Cần lưu ý gì để cải thiện?

Bác sĩ TRẦN HOÀNG NHẬT LINH
Tác giả: Bác sĩ Trần Hoàng Nhật Linh
Chuyên khoa: Tim mạch

Bạn còn nhớ đến “Ice Bucket Challenge” (Thử thách với xô nước lạnh) được lan truyền gần đây. Đó là hoạt động gây quỹ cho hội chứng xơ cứng cột bên teo cơ. Bệnh lí này nguy hiểm như thế nào, điều trị và phục hồi chức năng ra sao? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Xơ cứng cột bên teo cơ: Cần lưu ý gì để cải thiện?

Xơ cứng cột bên teo cơ là căn bệnh quái ác thiên tài vật lý Stephen Hawking mắc phải

1. Thông tin chung về xơ cứng cột bên teo cơ

Xơ cứng cột bên teo cơ còn gọi là hội chứng ALS (Amyotrophic Lateral Sclerosis). ALS được Jean- Martin Charcot mô tả lần đầu tiên vào năm 1869 (còn gọi là bệnh Charcot). Bệnh lí này liên quan thần kinh, xảy ra khi tế bào nơron não và tủy sống dần chết đi.

Xơ cứng cột bên teo cơ: Cần lưu ý gì để cải thiện?
Xơ cứng cột bên teo cơ do tế bào thần kinh teo dần, chết đi

Tỉ lệ mắc xơ cứng cột bên teo cơ trên thế giới khoảng 1,4 – 3 người trên 100.000 dân. Bệnh xuất hiện rải rác. Nam giới nhiều gấp 2 lần nữ giới. Tuổi xuất hiện nhiều nhất ở khoảng từ 40 – 59, tuy nhiên bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Khoảng 5-10% trường hợp là do di truyền từ cha hay mẹ.

Bệnh xơ cột bên teo cơ cuối cùng dẫn đến tử vong do yếu liệt các cơ hô hấp, các biến chứng hô hấp (viêm phổi do hít…) hoặc các biến chứng khác do bất động. Tiến triển bệnh không thể đảo ngược. Dù vậy, phục hồi chức năng và điều trị sớm có thể kéo dài chất lượng cuộc sống có ích. Thế nên, việc chẩn đoán sớm cực kì quan trọng đối với bệnh nhân và gia đình.

2. Nguyên nhân hội chứng xơ cứng cột bên teo cơ

Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định rõ. Nhiều nhà chuyên môn cho rằng bệnh di truyền, hoặc do các bệnh nhiễm khuẩn, chấn thương, rối loạn chuyển hoá… cũng có thể gây bệnh.

Xơ cứng cột bên teo cơ: Cần lưu ý gì để cải thiện?
Nguyên nhân ALS vẫn chưa được biết rõ

Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng xơ cứng cột bên teo cơ có các cơ chế sinh học chung với bệnh Alzheimer, Parkinson và các bệnh thoái hoá thần kinh khác. Bệnh khiến cho các tế bào thần kinh vận động dần dần chết đi. Hệ thống tế bào thần kinh vận động kéo dài từ não đến tủy sống, đến các cơ dọc khắp cơ thể. Khi tế bào thần kinh vận động bị tổn thương, chúng sẽ chấm dứt quá trình dẫn truyền thông tin đến cơ bắp, vì vậy cơ bắp không thể hoạt động.

3. Triệu chứng của xơ cứng cột bên teo cơ

Bệnh bắt đầu bằng triệu chứng nhẹ, chưa đầy đủ. Sau đó xuất hiện dần các triệu chứng khác với mức độ ngày càng nặng. Lúc đầu biểu hiện yếu sức cơ và teo cơ ở một tay. Sau một vài tuần hoặc có thể một vài tháng chuyển sang tay bên kia. Đôi khi bệnh khởi phát cùng một lúc ở cả hai tay nhưng mức độ không đều nhau.

Khi bệnh tiến triển nặng, xuất hiện đầy đủ các triệu chứng bệnh lý như sau:

Bại cơ, teo cơ:
  • Bàn tay lõm
  • Đốt 1 các ngón tay thường ở tư thế duỗi.
  • Teo cơ ở cẳng tay, cánh tay rõ.
  • Ở chi dưới teo rõ các cơ ở trước cẳng chân, teo các cơ ở sau cẳng chân và các cơ đùi muộn hơn.
  • Khó khăn trong việc đi lại hoặc thực hiện các hoạt động bình thường hàng ngày
  • Thường xuyên bị vấp, ngã
  • Yếu ở chân, bàn chân hoặc mắt cá chân
  • Tay yếu và vụng về
Xơ cứng cột bên teo cơ: Cần lưu ý gì để cải thiện?
Biểu hiện teo cơ của ALS
Rung giật các bó sợi cơ:
  • Bệnh nhân tự cảm thấy rung giật tự phát các sợi cơ hoặc rung giật cả những bó cơ rất khó chịu, không thể tự kìm chế được
  • Rung giật xuất hiện rõ hơn khi có các kích thích vào cơ như khi gõ nhẹ vào cơ, khi duỗi cơ, khi kích thích lạnh…
Hội chứng hành não:
  • Nói ngọng, nuốt nghẹn
  • Lưỡi teo nhăn nhúm, vận động lưỡi rất hạn chế, không thè dài lưỡi ra ngoài được,
  • Nhai và nuốt vô cùng khó khăn, dễ bị sặc khi ăn. Teo cơ nhai, giảm sức nhai.
  • Miệng không ngậm kín được. Nước dãi luôn chảy ra và khi nhai rơi cả cơm ra ngoài.
  • Khó thở do yếu các cơ hô hấp (cơ ngực, cơ liên sườn và cơ hoành). Nhịp tim chậm, có thể ngất và ngừng thở, ngừng tim
Tâm – thần kinh:
  • Thay đổi cảm xúc, dễ khóc, cười vô cớ
  • Thay đổi nhận thức và hành vì
  • Giảm sút trí tuệ nặng

4. Biến chứng của xơ cứng cột bên teo cơ

Bệnh tiến triển nặng dần, khoảng 50% tử vong sau 3 năm, sau 6 năm tử vong khoảng 90%.

Hô hấp:

Theo thời gian, hội chứng xơ cứng teo cơ một bên làm tê liệt các cơ dùng để thở. Nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất của hội chứng ALS là suy hô hấp. Bệnh nhân cần được theo dõi sát hay đặt dụng cụ trợ thở ban đêm.

Ăn uống:

Bệnh nhân không nhai được, nuốt nghẹn. Lâu dần dẫn đến cơ thể không hấp thụ đủ dinh dưỡng. Hệ quả, người bệnh gầy nhom, teo đét, suy dinh dưỡng rồi suy kiệt nặng. Ngoài ra, ăn uống hay sặc khiến thức ăn có nguy cơ lạc vào trong phổi. Tử vong do viêm phổi hít là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Giao tiếp:

Hầu hết những người mắc hội chứng ALS đều gặp tình trạng khó nói chuyện. Ban đầu, triệu chứng này chỉ xảy ra thỉnh thoảng. Lâu dần sẽ nghiêm trọng hơn qua thời gian. Cuối cùng, người bệnh không thể giao tiếp một cách bình thường mà phải dựa vào công nghệ hỗ trợ để giao tiếp.

5. Bác sĩ đề nghị cận lâm sàng nào để chẩn đoán bệnh?

Không có xét nghiệm đặc hiệu nào giúp chẩn đoán xác định bệnh xơ cột bên teo cơ. Những xét nghiệm chủ yếu giúp loại trừ các bệnh khác.

5.1 Các xét nghiệm thường quy

  • Công thức máu, Điện giải đồ, Creatinin, Transaminase, Đường huyết…

Không thấy thay đổi gì rõ, có thể có biểu hiện rối loạn chuyển hoá pyruvat.

  • Xét nghiệm nước tiểu:

Có thể thấy tăng bài tiết creatinin và giảm creatinin trong nước tiểu.

5.2 Các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán

  • Dịch não tuỷ:

Trong hầu hết trường hợp xét nghiệm dịch não tủy thấy bình thường. Số ít trường hợp có biểu hiện tăng nhẹ protein.

  • Điện cơ (EMG):

Cung cấp bằng chứng xác định chẩn đoán và góp phần loại trừ các bệnh lý khác với các biểu hiện lâm sàng gần tương tự. Trong trường hợp không bằng chứng điện cơ rõ ràng, có thể lặp lại sau 6 tháng.

Ghi điện cơ giúp hỗ trợ chẩn đoán
Ghi điện cơ giúp hỗ trợ chẩn đoán

Biểu hiện trên điện cơ: mất phân bố thần kinh ít nhất ở 3 trong các vị trí vùng sọ, cổ, ngực, thắt lưng-cùng. Khi không co cơ, xuất hiện điện thế rung sợi cơ. Khi co cơ tối đa, điện cơ có biểu hiện giảm số lượng đơn vị vận động, tăng biên độ và kéo dài bước sóng điện thế đơn vị vận động.

Đo tốc độ dẫn truyền giúp ích để phân biệt một số bệnh lý khác biểu hiện gần tương tự như bệnh thần kinh cảm giác, bệnh thần kinh vận động đa ổ

  • Sinh thiết cơ:

Có hình ảnh teo các sợi cơ. Không có rối loạn đáng kể cấu trúc của sợi cơ. Không xen lẫn các tổ chức xơ và mỡ vào các cơ.

  • MRI

MRI góp phần loại trừ các bệnh lý gây tổn thương não hay tủy sống. Chụp MRI có thể thấy tăng tín hiệu ở tuỷ sống và thân não, teo thùy trán não.

6. Điều trị như thế nào?

Về điều trị, hiện nay chưa có thuốc đặc trị cho bệnh này. Bệnh do thoái hóa thần kinh được Bộ Y tế quy định thuộc nhóm bệnh cần chữa trị dài ngày. Các thuốc dùng thường là để điều trị các triệu chứng. Vì vậy, khi có những biểu hiện nghi ngờ, cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã phê duyệt hai loại thuốc để điều trị hội chứng ALS:

  • Riluzole (biệt dược Rilutek):

Dùng đường uống, đã được chứng minh là có khả năng làm tăng tuổi thọ từ 3 đến 6 tháng;

  • Edaravone (biệt dược Radicava):

Dùng đường tiêm truyền tĩnh mạch, đã được chứng minh là có thể làm giảm diễn tiến suy giảm chức năng.

7. Phục hồi chức năng cho người bệnh xơ cứng cột bên teo cơ

7.1 Vật lý trị liệu

  • Bệnh nhân được hướng dẫn các bài tập kéo giãn và tập theo tầm vận động hàng ngày.
  • Hướng dẫn bệnh nhân, người nhà các phương pháp di chuyển an toàn, hiệu quả và không tốn nhiều năng lượng
bệnh nhân xơ cứng cột bên teo cơ cần được hướng dẫn vận động phù hợp
Bệnh nhân xơ cứng cột bên teo cơ cần được hướng dẫn vận động phù hợp
  • Các bài tập tăng sức mạnh cơ và tăng sức bền cơ: thường chỉ định cho bệnh nhân tiến triển bệnh chậm. Bài tập cần thiết kế với cường độ vừa phải và chuyên biệt cho mỗi người
  • Bác sĩ, kĩ thuật viên sẽ chỉ định nẹp AFO, nẹp KAFO khi cần thiết.

7.2 Ngôn ngữ trị liệu

  • Kỹ thuật viên ngôn ngữ trị liệu dạy bệnh nhân bị tổn thương hành não cách nói chậm và nói để giúp người nhà hiểu. Người bệnh sẽ được hướng dẫn phát âm từng câu một, đặc biệt khi có suy hô hấp
  • Các bài tập làm mạnh lưỡi dưới hàm và các bài tập cơ hoành để giúp cải thiện phát âm và phát ra tiếng.
  • Khuyến khích thân nhân và bệnh nhân sử dụng ngôn ngữ cơ thể nếu họ thành thạo và dùng chúng hiệu quả trong giao tiếp hàng ngày.
  • Chỉ định các dụng cụ trợ giúp giao tiếp như bảng giao tiếp, chữ viết hoặc công nghệ trợ giúp vi tính.
Phục hồi đa chức năng cho bệnh nhân ALS
Phục hồi đa chức năng cho bệnh nhân ALS

7.3 Dinh dưỡng trị liệu

  • Đảm bảo bệnh nhân ăn các loại thực phẩm dễ nuốt. Đồng thời đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày, khuyến khích sử dụng các thực phẩm giàu calori.
  • Dùng thức ăn mềm. Nếu là những thức ăn đặc thì nên làm lỏng bằng cách bổ sung thêm nước trước khi nuốt.
  • Nội soi hầu họng là cần thiết để xác định các vấn để đặc biệt khi bệnh nhân mắc phải chứng khó nuốt
  • Kỹ thuật viên hướng dẫn tập nuốt, cách cảm nhận thay đổi độ rắn, mùi vị và nhiệt độ của thức ăn để cải thiện nuốt và phòng ngừa hít dị vật.
  • Khi loạn nuốt cần đặt sonde mũi-dạ dày nuôi ăn, xem xét mở nội soi dạ dày qua da khi tình trạng bệnh nhân rối loạn nuốt kéo dài.

7.4 Hô hấp trị liệu

Phần lớn bệnh nhân tử vong có liên quan đến tình trạng biến chứng trên hệ hô hấp do yếu cơ hô hấp hoặc cơ hầu họng trầm trọng

  • Mở khí quản,hút đờm dãi khi cần thiết.
  • Máy thở
  • Thở Oxy
  • Bệnh nhân cần đo dung tích sống khi thăm khám trong trường hợp yếu các cơ hô hấp

7.5 Tâm lí trị liệu

  • Việc nhận biết sớm chứng trầm cảm, lo âu và mất ngủ rất quan trọng.
  • Các thuốc chống trầm cảm nhóm ức chế chọn lọc tái hấp thu Serotonin (SSRIs) thường được sử dụng nhiều nhất. Thuốc chống trầm cảm 3 vòng được sử dụng như là lựa chọn thứ hai.
  • Các chuyên gia tâm lý học sẽ hỗ trợ bệnh nhân khắc phục các vấn đề về tâm lý và kết nối với xã hội.

Xơ cứng cột bên teo cơ không có phương pháp điều trị dứt điểm. Hơn nữa, bệnh diễn tiến nặng nề, gây tàn phế với tỉ lệ tử vong cao. Do đó, cần đi khám sớm khi có bất kì biểu hiện nghi ngờ nào. Người bệnh cũng cần tuân thủ điều trị, tái khám thường xuyên để duy trì thời gian cuộc sống có chất lượng.

>> Xem thêm các bệnh lý khác về thần kinh

Bại não là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa ra sao?

Hội chứng Guillain Barré

Bệnh Parkinson: Những thắc mắc thường gặp về căn bệnh gây run ở người cao tuổi

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • Thành viên, “phục hồi chức năng xơ cột bên teo cơ?”, ngày đăng nhập 16-11-2017, tại website http://www.benhviendktinhquangninh.vn/
  • Thành viên Vinmec, “Tìm hiểu bệnh xơ cứng teo cơ một bên?”, ngày đăng nhập 01-11-2019, tại website https://www.vinmec.com/vi/
  • Nguyễn Hải, “Bạn biết gì về bệnh xơ cột bên teo cơ??”, ngày đăng nhập 15-04-2015, tại website https://suckhoedoisong.vn/
  • Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người