Xoắn tinh hoàn: Hiểm hoạ vô sinh nam giới
Nội dung bài viết
Xoắn tinh hoàn là nguyên nhân khiên nam giới gặp phải tình trạng sưng, đau bùi. Nhồi máu tinh hoàn, vô sinh là những biến chứng cực kỳ nặng nề, dễ xảy ra và không thể khôi phục được của căn bệnh này. Do đó, việc nhận biết, chẩn đoán và xử lý nhanh chóng là điều bắt buộc. Bên cạnh đó, xoắn phần phụ tinh hoàn cũng là nguyên nhân thường gặp trong những bệnh nhân bị đau bìu. Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Minh Quang tìm hiểu về bệnh lý qua bài viết sau đây.
Đau bìu do xoắn tinh hoàn là gì?
Đau bìu không phải là một nguyên nhân thường gặp ngay cả trong khoa cấp cứu. Ở Mỹ, chỉ khoảng 0.5% trường hợp bệnh nhân nhập viện vì đau bìu.
Xoắn tinh hoàn, viêm mào tinh, xoắn phần phụ tinh hoàn là 3 nguyên nhân đau bìu thường gặp nhất. Trong đó, xoắn tinh hoàn có tỉ lệ mắc phải chỉ 1/4000 nam giới < 25 tuổi, nhưng 42% trong số đó phải trải qua phẩu thuật cắt tinh hoàn.
Bệnh thường gặp chủ yếu trong 2 nhóm đối tượng: Trẻ sơ sinh và 12 – 18 tuổi. Xoắn phần phụ tinh toàn thường gặp ở trẻ em ở độ tuổi 7 – 13 tuổi, chiếm khoảng 1/3 – ½ tổng số bệnh nhân vào viện vì đau bìu.
Cấu trúc của tinh hoàn
Trong đó, mào tinh hoàn nằm ở phía sau và phía trên so với tinh hoàn (cả 2 cấu trúc đều nằm trong bìu. Phía sau và phía dưới tinh hoàn bám vào da bìu bằng dây chằng bìu. Dây chằng này giúp cố định tinh hoàn, không để tinh hoàn di động.
Tinh hoàn bình thường sẽ nằm dọc (chiều cao từ trên xuống dưới dài hơn từ trái qua phải). Thừng tinh bao gồm: Ống dẫn tinh, hệ thống động mạch, tĩnh mạch nuôi tinh hoàn, mào tinh hoàn…
Xoắn tinh hoàn (Testicular torsion)
Là nguyên nhân đầu tiên cần nghĩ đến để chẩn đoán ở đối tượng đến khám vì sưng, đau bìu.
Nguyên nhân
Biến dạng quả lắc đồng hồ (bell clapper deformity): Là biến dạng mà trong đó, lớp tinh mạc bao phủ hoàn toàn, xung quanh tinh hoàn. Tinh hoàn lúc này không gắn vào mặt trong bìu được (qua dây chằng bìu). Lúc này, tinh hoàn dễ dàng di động trong tinh mạc trơn láng, tương tự, cũng dễ dàng xoắn lại. Biến dạng này gặp hơn 50% nam giới (17% 1 bên, 40% 2 bên). Loại biến dạng này là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh chủ yếu ở các đối tượng bệnh nhân trên 1 tháng tuổi. Hay còn gọi là xoắn trong bao.
Một trường hợp còn lại là lớp tinh mạc và dây chằng bìu của bệnh nhân bám vào mặt trong bìu một cách lỏng lẻo. Do đó tất cả các cấu trúc như tinh mạc, thừng tinh, tinh hoàn, mào tinh hoàn đều bị xoắn vặn. Trường hợp này gọi là xoắn ngoài bao.
Yếu tố khởi phát
- Tập luyện thể lực.
- Chấn thương vùng kín.
- Ngủ sai tư thế.
Triệu chứng
Đối với xoắn tinh hoàn trong bao: Đột ngột đau tinh hoàn rất nhiều, khám thấy bìu sưng. Ngoài ra bệnh nhân còn có thể than đau vùng bẹn (vị trí của thừng tinh khi ở ngoài bìu) thậm chí là đau bụng.
- Buồn nôn và nôn cũng là những triệu chứng thường gặp.
- Có đến 50% bệnh nhân đã từng bị đau vùng bìu nhưng tự khỏi nhiều lần trước đây.
- Tiểu khó, tiểu buốt, lắt nhắt là những triệu chứng không thường gặp.
- Khi thăm khám sẽ thấy bìu sưng và đỏ. Ấn vào sẽ thấy tinh hoàn sưng to, rất căng, đau.
Khi đến sớm, có thể khám thấy tinh hoàn nằm ngang (chiều cao từ trên xuống dưới ngắn hơn từ trái qua phải). Còn nếu đến trễ (hơn 24 tiếng) thì sẽ rất khó thăm khám các cấu trúc khác của tinh hoàn do các cấu trúc này đều sưng to, dịch viêm nhiều.
Phản xạ da bìu (Cremasteric reflex) của bệnh nhân bị bệnh gần như luôn âm tính. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng đặc hiệu để chẩn đoán bệnh do còn vài yếu điểm.
Phản xạ da bìu
Khi sờ vào da mặt trong của đùi một cách nhẹ nhàng (đoạn gần cơ quan sinh dục), bình thường bìu phía cùng bên sẽ co rút lại một chút. Gọi là âm tính khi bìu không co rút lên. Bìu bình thường sẽ xuống thấp hơn bên bìu bị sưng đỏ.
Xét nghiệm
Siêu âm doppler tinh hoàn không phải lúc nào cũng cần thiết do lệ thuộc nhiều vào người siêu âm, cũng như sẽ rất khó khảo sát trong trường hợp: Trẻ nhỏ (do các mạch máu vùng này chưa phát triển, khó khảo sát).
Siêu âm doppler tinh hoàn ghi nhận ứ máu ở bìu và không thấy hoặc giảm rõ rệt lượng máu tới nuôi tinh hoàn là những dấu hiệu của xoắn tinh hoàn. Không có một xét nghiệm có thể nhanh chóng thực hiện nào giúp xác định thời gian bị xoắn cũng như mức độ tinh hoàn bị thiếu máu của bệnh nhân.
Trường hợp đặc biệt
Bệnh nhân đau bìu rất nhiều nhưng tự khỏi khi trên đường đến bệnh viện hoặc tự khỏi ngay tại phòng cấp cứu. Lúc này bác sĩ phải nghĩ đến tình trạng xoắn tinh hoàn cơn (bệnh nhưng may mắn là phục hồi được). Bác sĩ sẽ tư vấn về khả năng xoắn hoàn toàn trong tương lai cũng như việc phẫu thuật để cố định tinh hoàn cho bệnh nhân.
Bệnh nhân sưng, đỏ, đau bìu là trẻ sơ sinh (trẻ mới sinh, < 1 tháng tuổi). Gần như là do xoắn ngoài bao. Chia thành 2 nhóm: xoắn trước sanh và sau sanh:
- Trước sanh, tinh hoàn bên xoắn sẽ lớn và cứng chắc. Bầm máu trên da bìu có thể xuất hiện nếu xoắn xảy ra trước sanh một thời gian ngắn. Nếu xoắn xảy ra trước sanh xảy ra thì tinh hoàn không thể sống sót.
- Sau sanh: có một vài phần khả năng bảo tồn được tinh hoàn bị xoắn.
Chẩn đoán
Bệnh nhân đau bìu một cách đột ngột, dữ dội kèm theo 3 yếu tố gợi ý:
- Ấn bìu/tinh hoàn đau nhiều.
- Tinh hoàn bị xoắn nằm cao hơn tinh hoàn còn lại.
- Mất phản xạ da bìu bên tổn thương.
Bác sĩ lập tức chẩn đoán bệnh. Việc mổ cấp cứu để chẩn đoán xác định và điều trị là vô cùng cần thiết. Siêu âm mang lại giá trị rất thay đổi, tuỳ thuộc vào tuổi bệnh nhân cũng như tay nghề của người siêu âm. Các trường hợp xoắn từng cơn hoặc xoắn không hoàn toàn thì siêu âm gần như không ghi nhận gì bất thường.
Một bảng điểm đánh giá được đưa ra ở đối tượng < 18 tuổi để đánh giá các trường hợp đau bìu cấp (đau bìu < 1 tuần):
Dấu hiệu lâm sàng | Điểm |
Bìu sưng to | 2 |
Tinh hoàn cứng khi sờ | 2 |
Buồn nôn hoặc nôn | 1 |
Tinh hoàn nghi xoắn nằm cao hơn | 1 |
Mất phản xạ da bìu | 1 |
Ở đối tượng 0 -2 điểm thì gần như không mắc bệnh.Ghi chú:
- 3 – 4 điểm nên được siêu âm đánh giá thêm.
- 5 – 7 điểm nên được phẫu thuật để chẩn đoán xác định và điều trị sớm.
Điều trị
Cấp cứu
Tháo xoắn tinh hoàn. Đây là một thủ thuật gây đau nhiều, tuy nhiên nếu tháo xoắn thành công thì có thể trì hoãn được cuộc mổ, giúp bác sĩ có thời gian chuẩn bị tốt hơn cũng như giảm đau tuyệt đối cho bệnh nhân.
Tháo xoắn tinh hoàn như lật từng trang sách, từ từ và chậm rãi. 2/3 trường hợp bệnh là xoắn từ phía ngoài vào phía trong. Nên khi tháo xoắn ta sẽ tháo xoắn từ trong ra ngoài.
Theo chiều kim đồng hồ đối với tinh hoàn bên trái. Ngược chiều kim đồng hồ đối với tinh hoàn bên phải. Nếu sau khi tháo xoắn 1,5 vòng, bệnh nhân giảm đau ta thực hiện siêu âm doppler đánh giá lại dòng máu nuôi tinh hoàn. Việc tăng thể tích máu đến tinh hoàn là một dấu hiệu tháo xoắn thành công. Khi đang tháo xoắn mà bệnh nhân than đau nhiều hơn, có nghĩa là ta xoay sai hướng. Xoay hướng ngược lại là điều cần làm ngay lúc này.
Phẫu thuật xoắn tinh hoàn
Mở bìu ra, tháo xoắn khi thấy rõ cách xoắn của tinh hoàn, và đánh giá khả năng sống của tinh hoàn. Nếu tinh hoàn đã bị hoại tử, ta cần cắt bỏ. Trong trường hợp tinh hoàn còn sống, bác sĩ sẽ cố định chặt lại tinh hoàn, ngăn ngừa xoắn xảy ra.
Khả năng hồi phục tinh hoàn phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm điều trị tính từ lúc bắt đầu đầu
- 4 tiếng: 100% hồi phục.
- 8 – 12 tiếng: 20% hồi phục.
- 24 tiếng: Gần như tinh hoàn đã hoại tử.
Nếu xoắn ngoài bao ở trẻ trước sinh
- Chắc chắn tinh hoàn đã hoại tử.
- Việc cắt bỏ tinh hoàn hư và mổ cố định tinh hoàn còn lại là vô cùng cần thiết.
Xoắn phần phụ tinh hoàn
Một cấu trúc rất nhỏ nằm phía đầu trên của tinh hoàn. Cấu trúc này xuất hiện ở hầu như 90% nam giới. Khi cấu trúc nhỏ này dài, có cuống thì khả năng bị xoắn của nó là hoàn toàn có thể. Chức năng sinh lý của phần phụ tinh hoàn chưa được hiểu rõ.
Xoắn phần phụ tinh hoàn thường gặp ở trẻ nam chưa phát dục (9 -11 tuổi). Ở độ tuổi này, khả năng xoắn phần phụ tinh hoàn cao gấp 2 lần và có triệu chứng không khác nhiều so với xoắn tinh hoàn. Tuy nhiên, buồn nôn và nôn là những triệu chứng không thường gặp. Cũng như phản xạ da bìu thường dương tính.
Nếu bệnh nhân đến sớm, có thể sờ được phần đau của bìu tập trung ở phần phía trên của tinh hoàn, đôi khi là mào tinh (phía sau, trên). Vị trí của tinh hoàn vẫn là nằm dọc (chiều dài trên xuống dưới lớn hơn chiều ngang). Một dấu hiệu điển hình của xoắn phần phụ tinh hoàn là “nốt màu xanh” (blue dot sign) nằm trên bìu. Tuy nhiên dấu này chỉ gặp ở 20% trường hợp.
Siêu âm doppler để xác định lượng máu lưu thông đến tinh hoàn là cần thiết. Nếu thể tích máu nuôi tinh hoàn đầy đủ thì phẩu thuật là không cần thiết. Bệnh sẽ tự lui trong vòng 3 – 5 ngày, điều trị chủ yếu là giảm đau, nằm nghỉ tại giường và mặt quần lót bó sát.
Bảng triệu chứng của 3 bệnh lý gây đau bìu thường gặp
Sự khác biệt giữa các bệnh lý gây đau bìu cấp |
|||
|
Xoắn tinh hoàn |
Viêm mào tinh |
Xoắn phần phụ |
Hỏi bệnh |
|||
Đối tượng |
Sơ sinh, trẻ vị thành niên |
Độ tuổi hoạt động sinh dục |
Chưa phát dục |
Yếu tố nguy cơ |
Tinh hoàn chưa xuống bìu (thai). Bìu dễ xoay chuyển trong bụng. Tinh hoàn tăng kích thước nhanh (vị thành niên). Đã từng cố định bìu trong phẩu thuật nhưng thất bại. |
Hoạt động tình dục không bao cao su. Dị dạng đường tiểu, sinh dục. Thủ thuật y khoa trên đường tiểu |
Có phần phụ tinh hoàn (90% nam giới) |
Khởi phát đau |
Đột ngột, dữ dội |
Tăng dần dần |
Có thể tăng dần dần hoặc đột ngột |
Buồn nôn/nôn |
Thường gặp |
Ít gặp |
Không thường gặp |
Tiểu khó, đau |
Ít gặp |
Thường gặp |
Hiếm |
Khám |
|||
Sốt |
Ít gặp |
Thường gặp, đặc biệt là khi đến trễ |
Giống xoắn tinh hoàn |
Vị trí sưng trong bìu |
Cả 1 bên tinh hoàn |
Nếu đến sớm, chỉ sưng đau ở phía sau, trên tinh hoàn, sau đó lan dần ra cả tinh hoàn |
Chỉ khu trú ở phía đầu tinh hoàn hoặc mào tinh hoàn. |
Phản xạ da bìu |
Âm tính |
Có thể dương hoặc âm |
Có thể dương hoặc âm |
Vị trí tinh hoàn |
Nằm cao hơn bên bình thường. Tinh hoàn nằm ngang. |
Nằm dọc. Ở vị trí bình thường. |
Giống viêm mào tinh |
Kết luận
Xoắn tinh hoàn là vấn đề rất nguy hiểm, cần được can thiệp sớm nhất có thể. Vì chỉ cần chậm trễ thì bệnh nhân có nguy cơ phải cắt bỏ tinh hoàn. Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ chủ yếu dựa vào hỏi bệnh và thăm khám. Siêu âm chỉ trong những trường hợp nghi ngờ chẩn đoán. Vai trò của siêu âm doppler tinh hoàn bị hạn chế do vài vấn đề. Khi bạn bị sưng đau bìu hoặc phát hiện bệnh nhi bị sưng to bìu, lập tức hãy đến khoa cấp cứu của bệnh viện gần nhất để được chẩn đoán và điều trị sớm nhất có thể.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Chapter 93: Male genital problems, Tintinalli’s Emergency Medicine A Comprehensive Study Guide 9th Edition 2020
- Emergency Department Approach to Testicular Torsion: Two Illustrative Cases, Cureus 11(10): e5967. DOI 10.7759/cureus.5967
- Review article: Scrotal pain: Evaluation and management, Korean J Urol 2015;56:3-11
- Common Scrotal and Testicular Problems, Prim Care Clin Office Pract 37 (2010) 613–626
- Chapter 21: Acute and Chronic Scrotal Swelling NELSON PEDIATRIC SYMPTOM-BASED DIAGNOSIS 2018
- Development and Initial Validation of a Scoring System to Diagnose Testicular Torsion in Children. THE JOURNAL OF UROLOGY® Vol. 189, 1859-1864, May 2013