Vôi hóa tinh hoàn có nguy hiểm không?
Nội dung bài viết
Vôi hóa tinh hoàn là bệnh lý nguy hiểm ở nam giới, có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng. Điều này khiến nam giới gặp khó khăn trong việc muốn có con. Vì vậy, nhận biết sớm tình trạng này để điều trị kịp thời là việc rất quan trọng đối với phái mạnh. Tuy nhiên, tình trạng này khá khó nhận thấy và hiếm khi có triệu chứng. Bài viết sau đây của ThS.BS Trần Quốc Phong sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin hữu ích liên quan đến vôi hoá tinh hoàn. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!
Vôi hóa tinh hoàn là bệnh gì?
Vôi hoá tinh hoàn là một tình trạng không phổ biến. Tình trạng này được chẩn đoán khi siêu âm tinh hoàn. Hình ảnh siêu âm cho thấy các đám canxi nhỏ hình thành trong tinh hoàn. Tình trạng này thường không có triệu chứng, không gây đau và khó để tự nhận biết.
Một số nghiên cứu cho thấy mối quan hệ giữa bệnh vôi hoá tinh hoàn và ung thư tinh hoàn. Hầu hết đàn ông phát hiện tình trạng này khi thực hiện siêu âm tinh hoàn vì một số lý do khác, chẳng hạn như sưng, đau tinh hoàn hoặc vô sinh. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu bệnh vôi hoá tinh hoàn có phải là một yếu tố nguy cơ độc lập của ung thư tinh hoàn hay không.
Triệu chứng của vôi hoá tinh hoàn là tinh hoàn mất độ đàn hồi bình thường. Bên cạnh đó, nó có cảm giác cứng và rắn hơn. Một vài bệnh nhân có cảm giác đau ở bìu. Nhưng cảm giác đau không quá rõ rệt, và nhiều người sẽ bỏ sót nó. Chỉ đến khi tinh hoàn nặng và đau hơn, biểu hiện xơ cứng thì khi đó bệnh đã chuyển nặng. Khi đó, việc điều trị gặp nhiều khó khăn và phức tạp hơn.
Nguyên nhân của vôi hóa tinh hoàn?
Sỏi nhỏ tinh hoàn
Sỏi nhỏ tinh hoàn gặp ở 0,6% bệnh nhân siêu âm tinh hoàn. Một vài báo cáo ghi nhận có thể 5,6% dân số chung tuổi từ 17 đến 35 gặp tình trạng này.
Sau khi siêu âm thấy vôi hoá tinh hoàn, bệnh nhân cần làm thêm các xét nghiệm để kiểm tra. Tuỳ vào nguyên nhân và tình trạng bệnh từng người, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị.
Tràn dịch màng tinh hoàn
Tinh hoàn bình thường nằm trong lớp màng bảo vệ gọi là tinh mạc. Trong lớp màng có chứa dịch giúp tinh hoàn trượt lên trượt xuống trong bìu dễ dàng. Tràn dịch màng tinh hoàn xảy ra khi lượng dịch trong lớp màng này nhiều hơn đáng kể so với mức bình thường. Tình trạng này có thể xảy ra khi chấn thương tinh hoàn, giãn tĩnh mạch thừng tinh, viêm mào tinh hoàn, viêm tinh hoàn,… Những trường hợp này có thể gây đau tức vùng bìu. Khi màng tinh hoàn bị tràn dịch kéo dài và không chữa trị, có thể dẫn đến vôi hoá tinh hoàn.
Viêm nhiễm tinh hoàn
Viêm nhiễm tinh hoàn xảy ra khi tinh hoàn bị vi khuẩn hoặc virus xâm nhập. Viêm nhiễm tinh hoàn không điều trị dứt điểm cũng có thể dẫn đến vôi hoá tinh hoàn.
Theo tổ chức ESUR, khi bị vôi hoá tinh hoàn, bệnh nhân cần được siêu âm theo dõi thường xuyên đến năm 55 tuổi nếu có các yếu tố nguy cơ sau:
- Tinh hoàn ẩn.
- Phẫu thuật tinh hoàn ẩn.
- Teo tinh hoàn.
- Tiền căn u tế bào mầm.
- Tiền căn gia đình mắc u tế bào mầm.
Xem thêm: Viêm tinh hoàn nên kiêng gì để tăng hiệu quả điều trị
Vôi hóa tinh hoàn có nguy hiểm không?
Chức năng sinh sản
Tinh hoàn là nơi sản sinh ra tinh trùng và hormone testosterone. Vì vậy, tinh hoàn đóng vai trò quan trọng đối với khả năng sinh sản nam giới. Mọi bất thường ở đây đều có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của người đàn ông.
Tinh hoàn bị vôi hoá sẽ cản trở các hoạt động của mô và tế bào bên trong. Do đó, hoạt động sản xuất và dự trữ tinh trùng của người nam cũng bị tác động. Thường thấy nhất là sự thay đổi về chất lượng và số lượng tinh trùng. Song, nếu nốt vôi hoá nhỏ thì thường không ảnh hưởng nhiều, ít đau và chất lượng tinh trùng vẫn đảm bảo để thụ thai tự nhiên.
Tuy nhiên, nếu tinh hoàn bị vôi hoá diện rộng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến những tế bào đảm nhận chức năng sinh tinh. Tinh trùng khuyết tật, tinh trùng di chuyển kém, giảm thiểu số lượng tinh trùng,… là những biến chứng thường xảy ra. Khi đó, nam giới sẽ gặp khó khăn khi thụ thai với đối tác.
Nếu tình trạng này diễn biến nghiêm trọng hơn, nam giới có thể bị vô sinh, hiếm muộn. Muốn biết vôi hoá tinh hoàn ảnh hưởng thế nào đến tinh trùng, cần kiểm tra vị trí vôi hoá và xét nghiệm tinh dịch đồ.
Ngoài ra, chức năng của tinh hoàn là tiết hormone testosterone. Sự vôi hóa cũng có thể làm suy giảm hormone này. Khi testosterone suy giảm, nam giới sẽ giảm ham muốn tình dục và khó đạt khoái cảm. Do đó, khả năng có con cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
Ung thư
Một số nhà nghiên cứu cho rằng vôi hoá tinh hoàn không có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư tinh hoàn ở người khoẻ mạnh. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa hai bệnh này chưa được hiểu rõ và vẫn còn đang gây tranh cãi. Nếu bị vôi hóa tinh hoàn, bạn cần được xem xét các yếu tố nguy cơ khác liên quan đến ung thư. Ví dụ, nếu tình trạng này kèm theo tinh hoàn biến dạng, bạn có thể cần được theo dõi sát sao hàng năm bằng siêu âm. Tuy nhiên, nếu bạn khoẻ mạnh và không có triệu chứng hoặc yếu tố nguy cơ ung thư, bạn có thể tự kiểm tra tinh hoàn thường xuyên tại nhà. Bạn cũng có thể hẹn lịch khám nếu phát hiện thấy bất kỳ cục u bất thường nào.
Cách điều trị vôi hóa tinh hoàn
Sử dụng thuốc
Như đã đề cập ở trên, điều trị vôi hoá tinh hoàn phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nó. Nếu nam giới có tình trạng viêm nhiễm tinh hoàn dẫn đến vôi hoá; bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc kháng sinh đặc trị nhằm tiêu diệt, loại bỏ vi khuẩn virus gây hại. Ngoài ra kèm theo thuốc kháng viêm và thuốc giảm đau nếu người bệnh xuất hiện cơn đau khó chịu. Bệnh nhân không tự ý sử dụng các loại thuốc trôi nổi trên thị trường để tự chữa tại nhà.
Xem thêm: Viêm tinh hoàn có quan hệ được không và câu trả lời từ bác sĩ
Phẫu thuật
Khi điều trị bằng thuốc quá 3 tháng mà tình trạng vôi hoá tinh hoàn không cải thiện; bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật. Nếu nguyên nhân là do tràn dịch màng tinh hoàn, bạn sẽ cần được phẫu thuật để khắc phục tình trạng tràn dịch màng tinh. Phẫu thuật giúp ngăn chặn bệnh diễn tiến nặng hơn, tránh ảnh hưởng đến khả năng sinh sản nam giới.
Có một số vấn đề mà bệnh nhân cần lưu ý khi bắt đầu điều trị vôi hoá tinh hoàn:
- Tránh quan hệ tình dục trong quá trình điều trị.
- Vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ.
- Đảm bảo chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý.
- Tránh làm việc quá sức, không mang vác nặng gây áp lực lên tinh hoàn.
- Tránh rượu bia và đồ uống có cồn, thực phẩm cay nóng vì sẽ làm cho bệnh lâu khỏi hơn.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh lý vôi hóa tinh hoàn. Đây là bệnh tương đối hiếm gặp. Tuy nhiên, bệnh này không chỉ gặp ở nam giới trưởng thành mà một số trẻ em nam cũng có thể mắc phải. Bệnh lý này thường khó nhận biết và được phát hiện khi siêu âm tinh hoàn. Nếu có các yếu tố nguy cơ, nam giới cần được kiểm tra tầm soát ung thư thường xuyên. Điều này giúp phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Testicular microlithiasis
https://www.urologynews.uk.com/features/uro-radiology-focus/post/testicular-microlithiasis
Ngày tham khảo: 28/08/2021
-
Testicular microlithiasis: Is it linked with testicular cancer?https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/testicular-cancer-care/expert-answers/microlithiasis/faq-20058074
Ngày tham khảo: 28/08/2021