YouMed

Xương quay: cấu tạo, giải phẫu và bệnh lý liên quan

Bác sĩ NGUYỄN HUỲNH THANH THIÊN
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Huỳnh Thanh Thiên
Chuyên khoa: Cơ xương khớp

Xương quay là một trong hai xương tạo nên cẳng tay, xương còn lại là xương trụ. Ở tư thế giải phẫu (tức là hai tay buông thẳng xuống thân mình, lòng bàn tay hướng ra phía trước), nó nằm phía ngoài và song song với xương trụ. Ở tư thế nghỉ (tức là bàn tay ở tư thế gõ bàn phím), đầu xa của nó nằm chéo và chồng lên trên xương trụ. Xương quay nằm giữa hàng xương cổ tay ở phía dưới và xương cánh tay ở phía trên. Bài viết sau đây của Bác sĩ Nguyễn Huỳnh Thanh Thiên sẽ cho chúng ta biết những khái niệm cơ bản về xương quay, các cấu trúc liên quan và tình trạng bệnh hay gặp của nó.

Tổng quan

Xương quay là một xương dài, một trong bốn loại xương trong cơ thể. Xương dài là một xương đặc, chắc khỏe, chiều dài lớn hơn chiều rộng. Thân xương rỗng, với không gian bên trong gọi là khoang tủy, khoang tủy có chứa tủy xương.

Xương quay thường được coi là lớn hơn trong số hai xương ở cẳng tay. Nó dày hơn ở cổ tay, nhưng mỏng hơn ở khuỷu tay và ngắn hơn xương trụ khoảng 1 inch ở hầu hết mọi người. Tuy nhiên, độ dài của chúng thì khác nhau đáng kể.

Xương quay dài từ 20 cm đến 26 cm ở người trưởng thành. Trung bình là 24 cm ở nam và 22 cm ở nữ. Đầu xa trung bình rộng khoảng 2.5 cm. Đầu gần rộng bằng khoảng một nửa đầu xa.

Như đã mô tả ở trên, xương quay là một loại xương dài điển hình với xương cứng, chắc dọc thân xương. Đầu xương có xương xốp, cứng dần theo tuổi. Hình dạng của nó ở 1/5 phía trên thẳng, 4/5 phía dưới cong lõm ra trước.

Xương quay
Vị trí xương quay

Giải phẫu xương quay

Định hướng

Khi đặt xương thẳng đứng:

  • Đầu lớn ở phía dưới
  • Mấu nhọn đầu lớn ở ngoài và mặt có nhiều rãnh ra phía sau.

Mô tả

Xương quay được chia làm ba phần: thân xương, đầu trên và đầu dưới.

Thân xương

Có ba mặt: mặt trước, mặt sau và mặt ngoài.

Mặt trước bắt đầu từ lồi củ quay, xuống dưới rộng dần, khoảng giữa có lỗ nuôi xương.

Hai mặt trước và sau hơi lõm, mặt ngoài lồi.

Có ba bờ: bờ trước, bờ sau và bờ gian cốt. Bờ gian cốt sắc hướng vào trong.

Đầu trên

đầu trên xương quay

Đầu trên gồm chỏm, cổ và lồi củ.

  • Chỏm xương quay có dạng hình trụ, mặt lõm hướng lên trên, khớp với chỏm con xương cánh tay. Một diện khớp vòng (vành quay) sẽ tiếp khớp với khuyết quay của xương trụ. Chỏm của nó xoay quanh xương trụ trong dây chằng vòng tạo nên khả năng sấp ngửa của cẳng tay. Ở xương tươi, các diện khớp này đều có sụn bọc che phủ.
  • Cổ xương dài khoảng 10-12 mm, có dạng hình ống.
  • Lồi củ quay là nơi bám của cơ nhị đầu.

Từ phần trên lồi củ quay, trục xương đứng thẳng. Từ phần dưới, thân xương hơi uốn cong.

Giữa cổ xương và thân xương hợp thành một góc mở ra ngoài gọi là góc cổ thân. Nhờ góc này nên nó có thể quay quanh xương trụ làm cho bàn tay sấp ngửa được. Khi gãy xương có thể bị gập góc hoặc hai khúc gãy chồng lên nhau làm cho cử động sấp ngửa bị giảm hoặc mất.

Đầu dưới

đầu dưới xương quay

Thân xương có ba mặt. Khi tới đầu dưới sẽ là năm mặt.

  • Mặt trong do bờ gian cốt chia đôi tạo nên. Mặt trong hình tam giác, ở dưới có một diện khớp nhỏ gọi là khuyết trụ xương quay.
  • Mặt ngoài và mặt sau có nhiều rãnh cho gân các cơ duỗi đi xuống bàn tay. Mặt ngoài mở rộng xuống tạo thành mỏm trâm quay. Mặt sau lồi và có chứa một gờ nổi lên được gọi là lồi củ Lister.
  • Mặt trước trơn láng, tạo nên một gờ rõ rệt.
  • Mặt dưới là mặt khớp với các xương cổ tay, có diện khớp cổ tay. Mặt dưới hình tam giác, đỉnh ở ngoài. Ở nơi đây có một mấu nhô xuống dưới gọi là mỏm trâm. Mỏm trâm ở ngay dưới da cổ tay.

Nó có thể bị gãy ở chỏm, cổ, thân, nhất là ở giữa đầu dưới và thân xương. Vì đầu dưới ở ngay dưới da nên khi gãy, di lệch nhìn thấy rất rõ ràng.

Đặc điểm của xương quay người Việt Nam: Chiều dài xương là 23.25 cm, chu vi là 3.8 cm (đo ở chỗ nhỏ nhất, ở dưới lồi củ nhị đầu). Chỉ số khỏe là 17.1. Thân xương đo được 15 mm ở chỗ rộng nhất và dầy 10 mm (ở chỗ đó). Góc cổ thân trung bình 162°5 (157° – 170°).

Xương quay và xương trụ được kết nối bởi một dải mô sợi dày được gọi là dây chằng gian cốt hay màng gian cốt. Một dây chằng nhỏ hơn liên kết giữa đầu gần xương quay và xương trụ được gọi là thừng chéo. Các thớ sợi của nó chạy theo hướng ngược lại với màng gian cốt.

Các biến thể giải phẫu

Trong một số trường hợp, xương quay có thể ngắn, kém phát triển, hoặc không có. Một biến thể được nhìn thấy trong giải phẫu của nó là viêm bao hoạt dịch khớp quay trụ trên. Nơi này xương quay và xương trụ được hợp nhất, thường ở 1/3 trên. Tình trạng này có thể là bẩm sinh, nhưng hiếm khi xảy ra sau khi chấn thương, như trật khớp.

Các cơ vùng cẳng tay

Các cơ vùng cẳng tay gồm 20 cơ

Nhóm cơ vùng cẳng tay trước bao gồm 8 cơ, chia làm 3 lớp:

  • Lớp nông (có 4 cơ): cơ sấp tròn, cơ gấp cổ tay quay, cơ gan tay dài và cơ gấp cổ tay trụ
  • Lớp giữa (có 1 cơ): cơ gấp các ngón nông
  • Lớp sâu (có 3 cơ): cơ gấp các ngón sâu, cơ gấp ngón cái dài và cơ sấp vuông.

Nhóm cơ vùng cẳng tay sau bao gồm 12 cơ, chia làm 2 lớp nông và sâu:

  • Lớp nông bên ngoài (có 3 cơ): cơ cánh tay quay, cơ duỗi cổ tay quay dài, cơ duỗi cổ tay quay ngắn. Lớp nông phía sau (có 4 cơ): cơ duỗi các ngón, cơ duỗi ngón út, cơ duỗi cổ tay trụ, cơ khuỷu.
  • Lớp sâu (có 5 cơ): cơ dạng ngón cái dài, cơ duỗi ngón cái ngắn, cơ duỗi ngón cái dài, cơ duỗi ngón trỏ, cơ ngửa.

Các cơ bám vào xương quay (9 cơ)

  • Cơ sấp tròn: Bám vào giữa mặt ngoài của xương. Chức năng: sấp bàn tay và gấp cẳng tay.
  • Cơ gấp các ngón nông: Có nguyên ủy bám vào nửa trên bờ trước của xương. Chức năng: gấp các khớp gian đốt gần các ngón 2,3,4,5 và gấp cổ tay.
  • Cơ gấp ngón cái dài: Nguyên ủy: bám ở giữa mặt trước của xương. Chức năng: Gấp ngón tay cái.
  • Cơ sấp vuông: Bám tận: mặt trước của xương (1/4 xa). Chức năng sấp cẳng tay và bàn tay.
  • Cơ cánh tay quay: bám tận ở nền mỏm trâm quay. Chức năng: gấp cẳng tay, sấp cẳng tay nếu cẳng tay đang ngửa, và ngửa cẳng tay nếu cẳng tay đang sấp.
  • Cơ dạng ngón cái dài: Nguyên ủy: bám vào mặt sau thân xương. Chức năng dạng ngón cái và bàn tay.
  • Cơ duỗi ngón cái ngắn: Nguyên ủy: bám vào mặt sau thân xương. Chức năng duỗi đốt gần ngón cái và dạng bàn tay.
  • Cơ ngửa: Bám tận mặt ngoài và bờ sau xương quay. Chức năng: ngửa cẳng tay và bàn tay.
  • Ngoài ra còn có cơ nhị đầu ở vùng cánh tay bám vào lồi củ xương quay.

Các cơ bám vào xương quay (9 cơ)

Các khớp tạo nên bởi xương quay

  • Khớp quay trụ trên: là khớp giữa chỏm xương quay và khuyết quay xương trụ. Qua đó nó có thể xoay quanh xương trụ, bên trong dây chằng vòng. Nhờ đó mà cẳng tay có thể sấp ngửa được.
  • Khớp cánh tay quay: là khớp giữa chỏm xương quay và chỏm con của xương cánh tay.
  • Khớp quay trụ dưới: là khớp giữa đầu dưới xương trụ với khuyết trụ xương quay. Qua đó xương nó có thể xoay quanh xương trụ, giúp cẳng tay có thể sấp ngửa.
  • Khớp quay cổ tay: là khớp giữa mặt dưới xương quay và hàng xương cổ tay đầu tiên. Chủ yếu khớp với xương thuyền ở phía ngoài, xương nguyệt ở phía trong. Xương tháp chỉ tiếp xúc không liên tục với xương quay khi nghiêng trụ cổ tay. Khớp quay cổ tay là một khớp hình ellip. Trong đó, các xương thuyền, nguyệt, tháp lồi khớp với mặt lõm của xương quay.

Chức năng của xương quay

Chức năng chính là khớp với các xương xung quanh để tạo nên các vận động cần thiết. Khớp với xương trụ ở khớp quay trụ trên và quay trụ dưới tạo nên vận động sấp ngửa của cẳng tay. Khớp với xương cánh tay ở khớp cánh tay quay để tạo nên vận động gấp duỗi khuỷu. Khớp với xương thuyền, nguyệt để tạo nên các vận động của cổ tay bao gồm: gấp, duỗi, nghiêng quay, nghiêng trụ.

Các tình trạng bệnh liên quan

Tình trạng bệnh lý phổ biến nhất của xương quay là gãy xương. Trong số 2 xương cẳng tay, xương quay thường dễ gãy hơn xương trụ. Ở trẻ em, hơn 50% trường hợp gãy xương cẳng tay chỉ liên quan đến xương quay, 6% chỉ liên quan đến xương trụ và 44% liên quan đến cả hai xương. Gãy xương quay cũng rất phổ biến ở người lớn. Tỷ lệ là như nhau giữa nam và nữ, tuy nhiên, đến giữa những năm 40 của lứa tuổi thì gãy xương xảy ra thường xuyên hơn ở nữ giới.

Khi bệnh nhân té chống tay xuống đất hầu hết áp lực đặt lên xương quay. Nó có thể chỉ gãy đơn thuần xương quay, chỉ gãy đơn thuần xương trụ, hoặc gãy cả 2 xương.

Gãy đầu dưới xương quay là loại phổ biến nhất. Bệnh nhân lớn tuổi và bệnh nhi là những người có nguy cơ nhiều hơn những bệnh nhân trưởng thành trẻ tuổi khi té chống tay cổ tay duỗi. Bệnh nhân lớn tuổi có nguy cơ gãy chỏm xương quay.

Bệnh nhi có nhiều khả năng gãy xương không hoàn toàn, thường được gọi là gãy cành tươi, do bản chất linh hoạt của mô xương chưa trưởng thành. Bệnh nhân trước tuổi vị thành niên cũng có nguy cơ làm phá hủy sụn tiếp hợp. Tổn thương sụn tiếp hợp có thể dẫn đến những biến dạng lâu dài.

Đau là triệu chứng phổ biến nhất khi gãy xương. Sau khi té chống tay với cổ tay duỗi có thể dẫn đến đau ở cổ tay, cẳng tay, hoặc khuỷu tay. Tất cả các dấu hiệu đó chỉ điểm cho khả năng gãy xương.

Các dấu hiệu khác có thể có hoặc không có bao gồm: biến dạng, nhạy cảm, lạo xạo xương, sưng, bầm tím và giảm hoặc mất cơ năng hoặc cảm giác.

Phục hồi chức năng

Điều trị và phục hồi chức năng sau gãy xương quay phụ thuộc vào vị trí và mức độ trầm trọng của tổn thương. Điều trị bắt đầu bằng cách bất động tại vị trí gãy. Các mảnh xương gãy phải được đặt trở lại đúng vị trí giải phẫu để thúc đẩy quá trình lành xương chính xác. Nếu xương không được đặt vào đúng vị trí, sự phát triển can xương có thể dẫn đến biến dạng vĩnh viễn, được gọi là can lệch.

Loại nắn và bất động cần thiết dựa vào loại gãy và vị trí gãy xương. Gãy xương nặng có thể cần phẫu thuật để bất động, trong khi gãy nhẹ có thể được bất động thông qua các thao tác nắn và nẹp bột.

Sau khi bất động, quá trình phục hồi chức năng dài hạn bao gồm vật lý trị liệu. Bác sĩ chuyên về vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bệnh nhân các bài tập căng dãn và tăng sức mạnh. Giúp cải thiện sức mạnh và phạm vi chuyển động của khuỷu tay và cổ tay. Cũng cần chú ý đến vật lý trị liệu vùng vai, vì khi bất động cẳng tay, vai cũng không được vật động nhiều.

Các gãy xương quay nặng có thể cần nhiều lần phẫu thuật để chữa lành hoàn toàn tổn thương. Cũng cần phải tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật. Có thể mất từ hai đến ba tháng để hồi phục hoàn toàn chức năng như trước khi chấn thương. Điều quan trọng là tuân thủ các phương thức điều trị và các bài tập phục hồi chức năng. Việc không tuân thủ có thể cản trở việc chữa lành hoặc thậm chí dẫn đến chấn thương lặp lại.

Xương quay là một xương quan trọng của cơ thể. Nó tham gia vào nhiều hoạt động chức năng quan trọng của đời sống con người. Khi té ngã chống tay rất dễ gặp trường hợp gãy xương và nhất là gãy đầu dưới xương quay ở mọi lứa tuổi. Hiểu được cấu trúc giải phẫu, các cấu trúc và bệnh lý liên quan là rất quan trọng. Khi có bất kỳ triệu chứng nào gợi ý gãy xương quay hay bất thường cấu trúc giải phẫu, cần đến ngay các cơ sở y tế để bác sĩ chuyên khoa tư vấn và đưa ra các biện pháp điều trị, phòng ngừa chính xác nhất.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Nguyễn Quang Quyền (2011), Bài giảng giải phẫu học. Nhà xuất bản Y học, Hồ Chí Minh, tập 1, tr. 36-102.

  2. Frank H. Netter (2007). Atlas giải phẫu người. Nhà xuất bản Y học, Hồ Chí Minh, tr. 436-451.

  3. Radiushttps://www.physio-pedia.com/Radius#cite_note-:2-3

    Ngày tham khảo: 19/12/2020

  4. The anatomy of radiushttps://www.verywellhealth.com/radius-anatomy-4587596

    Ngày tham khảo: 19/12/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người