Y học thường thức: Chấn thương đầu
Nội dung bài viết
Trong đời sống hằng ngày, rất hay gặp những tình huống chấn thương đầu, loại chấn thương tìm ẩn những nguy hiểm, gây ra bối rối trong việc xử trí cũng như lo lắng trong điều trị và theo dõi. Hãy cùng làm rõ những vấn đề cơ bản về loại chấn thương này trong bài viết dưới đây!
1. Thế nào là chấn thương đầu?
Chấn thương đầu kín xảy ra khi bệnh nhân va chạm đầu với một vật cứng, mà vết thương không xuyên thấu vào xương sọ. Mặc dù không để lại vết thương xuyên thấu vào sọ nhưng những thành phần sọ não vẫn có thể bị tổn thương. Chấn thương đầu kín hay còn gọi là chấn thương đầu (phân biệt với vết thương) có thể nặng và là một chấn thương sọ não khi kèm theo :
- Tổn thương xương sọ-mặt
- Tổn thương não bộ
- Chảy máu nội sọ
Nguyên nhân thường gặp nhất của chấn thương đầu là tai nạn giao thông, ngã cao, ẩu đả,…
Chấn thương đầu có thể biểu hiện từ nhẹ như chấn động não đến rất nặng và đe dọa tính mạng người bệnh như trong chấn thương sọ não.
2. Triệu chứng của chấn thương đầu là gì?
Triệu chứng thường đa dạng và phụ thuộc vào loại thương tổn mà người bệnh gặp phải, và độ nặng của các thương tổn đó. Bệnh nhân chấn thương đầu mức độ nhẹ thường chỉ có triệu chứng đau đầu và không biểu hiện thêm các triệu chứng nguy hiểm nào khác.
Tuy nhiên cũng có những bệnh nhân chấn thương đầu biểu hiện bằng ngất, mất tri giác. Nếu bệnh nhân không tự hồi tỉnh ngay sau đó hoặc mất hàng giờ để hồi tỉnh sau chấn thương, điều đó có thể liên quan đến tình trạng chấn thương sọ não khi xuất hiện chảy máu nội sọ. Những bệnh nhân như vậy cần được đưa đến cấp cứu.
Những triệu chứng có thể gặp ở một bệnh nhân chấn thương đầu gồm có:
- Đau đầu
- Buồn nôn hoặc nôn
- Sưng nề, chảy máu da đầu
- Chóng mặt
- Lẫn lộn hoặc quên các sự việc
- Cảm thấy mệt mỏi
- Thay đổi cảm xúc hành vi
- Gặp khó khăn trong đi lại
- Động kinh – Động kinh là tình trạng phóng điện bất thường trong não bộ gây ra hiện tượng ngất, hoặc co giật không kiểm soát
- Một tình trạng chấn thương đầu có thể tổn thương xương sọ hoặc xương hàm mặt thường gây ra
- Các vết bầm xung quanh mặt hoặc sau tai
- Chảy máu hoặc dịch trong từ mũi hoặc miệng
Các triệu chứng có thể xuất hiện ngay sau chấn thương, nhưng cũng có thể xuất hiện sau vài giờ hoặc vài ngày. Những triệu chứng này thường xuất hiện và kéo dài trong thời gian ngắn, nhưng cũng có những trường hợp gây ra những triệu chứng và vấn đề sức khỏe kéo dài
3. Bệnh nhân cần thực hiện các cận lâm sàng (xét nghiêm, ct, mri,…) nào?
Điều này phụ thuộc vào loại thương tổn và triệu chứng gợi ý của bệnh nhân. Bác sĩ có thể bắt đầu bằng việc hỏi và thăm khám các triệu chứng của bệnh nhân để lựa chọn các cận lâm sàng cần thiết.
Nếu bác sĩ nghi ngờ mức độ nặng của chấn thương là nghiêm trọng, việc chụp phim để khảo sát não bộ có thể được chỉ định ( lúc này có thể chụp CTs hoặc đôi khi cần MRI ) Những phương tiện này cung cấp những hình ảnh về não bộ, xương sọ giúp xác định tổn thương nếu có.
4. Chấn thương đầu được điều trị như thế nào?
Những loại tổn thương và mức độ nặng khác nhau có sự lựa chọn khác nhau về phương pháp điều trị.
Thông thường đối với các trường hợp chấn thương đầu mức độ nhẹ thường có thể theo dõi tại nhà mà không cần điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên bác sĩ sẽ cần yêu cầu bệnh nhân có người thân chăm sóc và theo dõi bệnh trong ít nhất 24 giờ sau chấn thương. Người thân được hướng dẫn có thể giúp phát hiện những triệu chứng của người bệnh xuất hiện mới hoặc nặng lên để có thể quay lại bệnh viện ngay khi cần thiết.
Đối với những trường hợp nặng, việc nằm viện điều trị là bắt buộc. chấn thương đầu có thể được điều trị
- Nội khoa – bằng thuốc , những thuốc giúp ngăn ngừa tổn thương não, phù não hoặc chống động kinh được sử dụng
- Phẫu thuật : nếu có chảy máu nội sọ, phù não mức độ nhiều có thể cần đến can thiệp phẫu thuật
5. Bệnh nhân chấn thương đầu khi nào cần đi cấp cứu?
Sau chấn thương, bệnh nhân cần được đưa đến các cơ sở y tế khi có các triệu chứng:
- Đau đầu tăng lên
- Nôn
- Thay đổi suy nghĩ hoặc cảm xúc
- Không thể đi lại bình thường
- Động kinh
Thêm vào đó, người thân cũng cần gọi cấp cứu khi không thể đánh thức được người bệnh.
6. Sau chấn thương đầu liệu có ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường hay chơi thể thao?
Bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ về việc chơi thể thao hoặc các hoạt động thường nhật khác. Việc quay lại có thể phù thuộc vào mức độ nặng hoặc tổn thương của lần chấn thương đầu trước.
7. Làm thế nào có thể giảm bớt nguy cơ chấn thương đầu?
Để giảm bớt nguy chơ chấn thương đầu, bạn nên tuân thủ luật giao thông, đặc biệt là đội nón bảo hiểm khi lái xe máy, không sử dụng thức uống có cồn khi tham gia giao thông, đội mũ bảo hộ khi làm việc hoặc các hoạt động có nguy cơ té ngã cao. Khi ngồi xe ô tô luôn nhớ thắt dây an toàn.
Trên đây là những kiến thức bước đầu tìm hiểu về chấn thương đầu. Một chấn thương rất thường gặp trong đời sống,có thể nặng đến mức chấn thương sọ não tước đi mạng sống cũng như làm tàn phế nhiều trường hợp thương tâm, hãy cố gắng phòng tránh bệnh lý nguy hiểm này.
>> Chấn thương đầu có thể gây ra nhiều biến chứng, cần nhanh chóng gọi điện cho cơ sở y tế khi xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm. Tham khảo một số lưu ý khi khám tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Tp.HCM qua bài viết sau: Một số lưu ý khi đi khám bệnh ở Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP. HCM
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Patient education: closed head injury (The Basics), Written by the doctors and editors at UpToDate, This topic retrieved from UpToDate on: Aug 21, 2019.