YouMed

Bạn đã biết: Uống bia rượu ở mức độ nào là vừa phải?

bác sĩ nguyễn trung nghĩa
Tác giả: ThS.BS Nguyễn Trung Nghĩa
Chuyên khoa: Tâm thần

Câu chuyện trên bàn nhậu vốn đã quá quen thuộc với người Việt. Đôi khi bạn uống vì vui, đôi khi bạn uống vì buồn, đôi khi không vui không buồn nhưng phải uống vì đối tác. Một chút đôi khi lặp đi lặp lại không biết lúc nào có thể trở thành thói quen. Có khi nào bạn chợt giật mình tự hỏi “Mình có nên dừng lại ở đây?”. Chủ đề này sẽ giải thích làm thế nào các nhân viên y tế xác định nếu một người có vấn đề uống rượu bia, đồng thời cũng cung cấp một số công cụ đánh giá mà chính bạn có thể sử dụng cho bản thân, người thân hoặc bạn bè và các tác hại của việc uống rượu bia quá mức. 

Làm thế nào để bạn biết uống bao nhiêu là quá nhiều? Nhìn chung, uống rượu bia được coi là quá nhiều trong 2 trường hợp: khi nó bắt đầu ảnh hưởng xấu đến cuộc sống cá nhân, nghề nghiệp của bạn, hoặc khi bạn mất kiểm soát đối với việc uống rượu bia của mình.

1. MỨC ĐỘ NGHIỆN RƯỢU BIA

Những người nghiện rượu bia có thể được chia thành 3 mức độ (nghiện, nghiện vừa và nghiện nặng) dựa trên tần suất uốngsố lượng uống mỗi lần.

Một đơn vị chuẩn là gì?  –  một đơn vị chuẩn là một phần thức uống có 10 gram cồn “nguyên chất”. Ở Việt Nam, một đơn vị chuẩn tương đương với:

  • 1 lon bia/chai bia
  • 1 ly rượu vang/rượu nhẹ 100ml
  • Hoặc 1 chén/ly loại 30ml

2. UỐNG BIA RƯỢU THẾ NÀO LÀ Ở MỨC VỪA PHẢI?

Mức khuyến cáo dùng rượu bia phù hợp với thể trạng của người Việt Nam (Bộ Y tế):

  • Bia chai/bia lon: không quá 2 chai/lon loại 330ml/ngày hoặc không quá 14 chai/lon/tuần đối với nam giới; không quá 1 chai/lon/ngày hoặc không quá 7 chai/lon/tuần đối với nữ giới.
  • Rượu vang/rượu nhẹ: không quá 2 ly loại 120ml/ngày hoặc không quá14 ly/tuần đối với nam giới; không quá 1 ly/ngày hoặc không quá 7 ly/tuần đối với nữ giới.
  • Rượu mạnh, rượu tự nấu: không quá 2 chén/ly loại 30ml/ngày hoặc không quá 14 ly/tuần đối với nam giới; không quá 1 ly/ngày hoặc không quá 7 ly/tuần đối với nữ giới.

Thực tế là một thức uống hỗn hợp có thể tương đương với hai hoặc nhiều đồ uống tiêu chuẩn, tùy thuộc vào công thức. Ngoài ra, còn tùy thuộc vào nồng độ cồn của các loại bia rượu khác nhau.

Lưu ý: Những người uống trong giới hạn cho phép vẫn có thể gặp vấn đề nếu họ uống quá nhanh, có vấn đề về sức khỏe hoặc đang dùng một số loại thuốc theo toa. Ngay cả lượng rượu bia vừa phải cũng có thể tác động đến sự cân bằng, khả năng phán đoán và khả năng lái xe. Vì vậy, đã uổng rượu bia thì không lái xe!

3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ BÁC SĨ BIẾT RẰNG BẠN CÓ NGHIỆN BIA RƯỢU THẬT SỰ?

Khi cố gắng xác định xem một người có vấn đề với rượu bia, các bác sĩ tập trung vào ba điều chính:

  • Bạn đã mất kiểm soát đối với việc uống rượu bia?
  • Bạn đã tăng sự dung nạp với rượu bia hoặc có các dấu hiệu nghiện khác?
  • Rượu bia có góp phần vào các vấn đề như mất việc, rắc rối pháp lý hoặc các vấn đề trong các mối quan hệ của bạn không?

Tuy nhiên, cần hiểu rất rõ rằng để  phân biệt uống bình thường với uống có vấn đề đòi hỏi người được thăm khám phải chia sẻ thông tin về việc uống rượu bia và ảnh hưởng của rượu bia đối với họ.

3.1. Bảng câu hỏi sàng lọc

Các  bác sĩ đôi khi sử dụng một trong một số bảng câu hỏi thiết kế sẵn để xác định những người có vấn đề về uống rượu bia. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn cần thăm khám trực tiếp để xác định chính xác rượu bia có phải là vấn đề đối với họ hay không và liệu họ có cần điều trị hay không.

Một số công cụ sàng lọc hoạt động tốt hơn những công cụ khác trong các nhóm đối tượng cụ thể. Một trong những công cụ phổ biến hơn được mô tả dưới đây. Các công cụ khác đã được thiết kế bao gồm các bộ câu hỏi dành riêng cho sinh viên đại học, phụ nữ và phụ nữ mang thai, vv…

3.2. Thang điểm Kiểm tra xác định Rối loạn sử dụng rượu bia

Thang điểm Kiểm tra xác định Rối loạn sử dụng rượu bia (AUDIT) hỏi về lượng rượu bia bạn tiêu thụ, cũng như kinh nghiệm của bạn khi sử dụng rượu bia.

Một phiên bản mẫu của bảng câu hỏi AUDIT:

câu chuyện rượu bia 2

câu chuyện rượu bia 2
Nguồn: uptodate.com

4. NHỮNG NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO THÌ CÓ NGUY CƠ NGHIỆN BIA RƯỢU CAO HƠN NGƯỜI KHÁC?

Các chuyên gia vẫn chưa xác định lý do tại sao một số người dễ gặp vấn đề với rượu bia, nhưng họ biết rằng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ của một người. Ví dụ:

  • Rối loạn sử dụng rượu bia có tính chất di truyền. Trên thực tế, những người có anh chị em, cha mẹ hoặc con lạm dụng rượu bia có nguy cơ mắc các rối loạn sử dụng rượu bia cao gấp 3 – 4 lần.
  • Việc uống rượu bia phổ biến ở nam giới và nhất là ở những người từ 18 đến 25 tuổi. Tuy nhiên, phụ nữ nhạy cảm với bia rượu hơn nam giới. Nếu một người đàn ông và một người phụ nữ có cùng trọng lượng uống cùng một lượng rượu bia, người phụ nữ đó sẽ có nồng độ cồn trong máu cao hơn, khiến cô ta có nguy cơ bị tổn hại cao hơn.

uống rượu bia 1

  • Lạm dụng rượu bia khá phổ biến ở những người trên 65 tuổi và điều này có thể đặc biệt nguy hiểm. Rượu bia có thể tương tác với thuốc gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm, làm  giảm hiệu quả điều trị của thuốc và làm nhiều người chấn thương do té ngã.
  • Những người bắt đầu uống rượu bia khi còn nhỏ có nguy cơ mắc chứng nghiện rượu bia cao gấp 4 lần so với những người bắt đầu uống rượu bia sau 20 tuổi.
  • Các vấn đề sức khỏe tâm thần khác chẳng hạn như lo âu nghiêm trọng, trầm cảm hoặc rối loạn nhân cách làm tăng nguy cơ lạm dụng rượu bia. Theo một số ước tính, 37% những người có vấn đề về uống rượu bia đồng thời có sức khỏe tâm thần kém. Điều đó quan trọng bởi vì điều trị những vấn đề này thường là một phần không thể thiếu trong việc khắc phục chứng nghiện rượu bia.

5. CÁC VẤN ĐỀ XẢY RA KHI SỬ DỤNG RƯỢU BIA

Bác sĩ của bạn có thể sử dụng nhiều từ ngữ để mô tả các loại vấn đề uống khác nhau. Bên dưới là các từ thường gặp nhất: ngộ độc rượu bia, rối loạn sử dụng rượu bia, uống có vấn đề và uống say.

5.1. Nhiễm độc rượu bia

Nhiễm độc rượu bia xảy ra khi uống rượu bia quá mức dẫn đến hành vi không phù hợp và suy giảm khả năng phán đoán. Bị say có thể gây ra nói chậm, mất khả năng phối hợp (tay chân luýnh quýnh, hậu đậu, rớt ly rớt chén rớt đũa trên bàn nhậu), đi hoặc chạy không ổn định (đi lạng quạng), khó chú ý hoặc ghi nhớ, nhầm lẫn hoặc thậm chí hôn mê.

câu chuyện rượu bia

5.2. Rối loạn sử dụng rượu bia

Rối loạn sử dụng rượu bia là từ ngữ y học để mô tả tình trạng nghiện rượu bia mà mọi người thường biết tới. Những người bị rối loạn có các vấn đề sau đây:

  • Uống nhiều hơn hoặc họ uống lâu hơn họ dự định.
  • Mong muốn có thể cắt giảm rượu bia, nhưng không thể.
  • Dành nhiều thời gian để uống rượu bia, nhiều thời gian bị say xỉn hoặc phục hồi sau khi say xỉn.
  • Có khao khát hoặc ham muốn mạnh mẽ đối với việc uống rượu bia.
  • Vì sử dụng rượu bia ảnh hưởng đến việc đi làm hoặc đi học, ghi nhớ các sự kiện kỷ niệm trong gia đình.
  • Tiếp tục uống ngay cả khi điều đó gây ra hoặc làm xấu đi các mối quan hệ với người khác.
  • Từ bỏ hoặc cắt giảm các hoạt động xã hội, công việc hoặc vui chơi quan trọng mà họ từng làm.
  • Tiếp tục uống ngay cả trong những tình huống nguy hiểm khi làm như vậy (chẳng hạn như trước và trong khi lái xe).
  • Họ tiếp tục uống ngay cả khi họ biết rằng có thể gây ra các bệnh lý như bệnh gan, bị đột quỵ, bị sa sút trí tuệ).
  • Trường hợp bị “lờn”, phải “tăng đô” lên, lúc trước uống 2 lon đã say, nay có thể uống tới 6 lon vẫn chưa say. Điều đáng buồn là đa số “đàn ông” lại chúc mừng nhau vì đã ĐƯỢC lên tửu lượng. Hoặc một cách khác để đánh giá điều này: với cùng một số tiền bỏ ra để mua bia rượu nhưng trước đây có thể say, nay không say nữa. Điều này được gọi là sự dung nạp (“lờn” với bia rượu).
  • triệu chứng cai nếu họ đột ngột ngừng uống rượu bia sau khi đã quen uống trong một thời gian dài. Ví dụ: trong 3 năm nay, ngày nào ông Năm cũng uống 4 xị rượu. Hôm nay bị sốt cao, ho nhiều, ông uống không nổi nữa. Sau một ngày không uống rượu, ông bắt đầu có các triệu chứng cai.

Xem thêm: Cách bấm huyệt chữa say rượu tại nhà cực hiệu quả

Các triệu chứng cai được mô tả như sau:
  • Đổ mồ hôi hoặc tim đập nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực
  • Run rẩy tay chân
  • Mất ngủ, khó ngủ
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Nhìn thấy, cảm thấy hoặc nghe thấy những điều không thực sự ở đó (ảo giác). Ví dụ: nhìn thấy có người cầm dao dọa giết mình, nghe có tiếng người đã chết mắng chửi mình.
  • Bồn chồn, bứt rứt
  • Lo lắng
  • Co giật

6. HẬU QUẢ KHI NGHIỆN RƯỢU BIA

  • Có đến 70% đàn ông Việt vẫn có thói quen sử dụng bia rượu trong các dịp gặp mặt. Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam luôn nằm trong top các nước có tỷ lệ tiêu thụ rượu bia cao nhất thế giới. Theo đó, nước ta đứng thứ 2 ở Đông Nam Á, đứng thứ 10 ở châu Á và đứng thứ 29 trên thế giới.
  • Cũng theo tổ chức phi chính phủ HealthBridge tại Việt Nam cho thấy mỗi năm cả nước ta tiêu thụ khoảng 3 tỷ lít bia, 200 triệu lít rượu. Đáng lưu ý khi cứ trong 4 người thì có 1 người sử dụng rượu, bia ở mức độ có hại.
  • Thanh thiếu niên và thanh niên thường có nguy cơ đặc biệt là say rượu bia do hậu quả của áp lực ngang hàng. (Ví dụ, lên bàn nhậu ở Việt Nam, không khó gì để có thể nghe thấy những câu khích nhau kiểu như “chú không uống ly này là không nể anh”, “nhìn vậy mà thằng này yếu nhỉ?”)

Một số hậu quả nghiêm trọng của việc uống rượu bia quá mức

  • Tiêu thụ rượu bia quá mức là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu có thể phòng ngừa được ở Hoa Kỳ.
  • Uống rượu bia làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông, tự tử, đuối nước và các thương tích nghiêm trọng khác.
  • Nguyên nhân hàng đầu gây thương tích được điều trị tại các trung tâm chấn thương và khoa cấp cứu.
  • Bệnh gan liên quan đến rượu bia có thể dẫn đến bệnh gan giai đoạn cuối (xơ gan) và tử vong.
  • Rượu bia làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư thực quản, cổ họng, gan và vú.
  • Những hậu quả khác của việc tiêu thụ rượu bia nặng, bao gồm suy tim và một số loại sa sút trí tuệ, đa phần trong đó là không thể phục hồi.

câu chuyện rượu bia 2

7. ĐIỀU TRỊ CÁC VẤN ĐỀ SỬ DỤNG RƯỢU BIA

Những người gặp vấn đề về uống rượu bia có một số lựa chọn điều trị theo ý của họ, bao gồm điều trị tâm lý (tư vấn) và sử dụng thuốc.

  • Tư vấn thường liên quan đến việc gặp gỡ với nhà trị liệu, tư vấn viên hoặc bác sĩ để nói chuyện. Đối với một số người, các can thiệp ngắn đã được chứng minh là rất thành công, đặc biệt là khi kết hợp với thuốc.
  • Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn sử dụng rượu bia giúp giảm cơn thèm rượu bia, cải thiện các triệu chứng cai và như vậy hỗ trợ rất tốt cho việc điều trị tâm lý.
  • Ngoài việc điều trị chính thức, nhiều nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khuyên bạn nên tham gia các nhóm hỗ trợ xã hội. Đáng tiếc, tại Việt Nam, ở thời điểm của bài viết này (tháng 8.2019) vẫn chưa có nhóm trị liệu nào hoạt động công khai và hiệu quả.

Tôi có thể tự cai rượu bia được không? – Nhiều người có thể tự khắc phục thành công vấn đề uống rượu bia. Tuy nhiên, những người nghiện rượu bia không nên cố gắng ngừng uống rượu bia mà không có sự trợ giúp của các chuyên gia tư vấn. Giảm đột ngột lượng rượu bia có thể gây ra các triệu chứng cai đe dọa tính mạng. Giám sát y tế là một phần thiết yếu của sự phục hồi an toàn trong nhóm này.

Uống rượu bia sẽ là vấn đề nếu nó dẫn đến hậu quả tiêu cực trong cuộc sống. Nếu không được kiểm soát, vấn đề uống rượu bia có thể dẫn đến bệnh tật, tổn hại cơ thể và thậm chí tử vong. Điều may mắn là phương pháp điều trị hiệu quả có sẵn. Nhưng trên thực tế, tại Việt Nam vẫn chưa có cộng đồng hỗ trợ hiệu quả việc điều trị cai nghiện rượu bia.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa

YouMed là ứng dụng hỗ trợ tìm kiếm bác sĩ và đặt lịch khám các bác sĩ uy tín trên toàn TP.HCM. Bạn có thể tìm cho mình bác sĩ phù hợp và đặt lịch khám trên 4 nền tảng: hotline (1900-2805), fanpage YouMed VN, website, app YouMed (iOS/Android).

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

Substance Abuse and Mental Health Services Administration, Results from the 2012 National Survey on Drug Use and Health: Summary of National Findings, NSDUH Series H-46, HHS Publication No. (SMA) 13-4795. Rockville, MD: Substance Abuse and Mental Health Services Administration, 2013.

NIAAA (2009). Rethinking Drinking: Alcohol and your health. NIH Publication No. 09-3770. National Institutes of Health, U. S. Department of Health and Human Services. Available at www.RethinkingDrinking.niaaa.nih.gov/.

Gentilello LM. Alcohol interventions in trauma centers: the opportunity and the challenge. J Trauma 2005; 59:S18.

Morse RM, Flavin DK. The definition of alcoholism. The Joint Committee of the National Council on Alcoholism and Drug Dependence and the American Society of Addiction Medicine to Study the Definition and Criteria for the Diagnosis of Alcoholism. JAMA 1992; 268:1012.

Maier RV. Controlling alcohol problems among hospitalized trauma patients. J Trauma 2005; 59:S1.

Uptodate, Patient education: Alcohol use — when is drinking a problem? (Beyond the Basics), https://www.uptodate.com/contents/alcohol-use-when-is-drinking-a-problem-beyond-the-basics?source=history_widget, accessed on 17 August 2019

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người