Antanazol là thuốc gì? Công dụng, cách dùng và lưu ý khi dùng
Nội dung bài viết
Thuốc Antanazol là thuốc gì, Antanazol có công dụng gì? Thuốc Antanazol được chỉ định trên đối tượng nào? Khi dùng thuốc này bạn cần lưu ý những vấn đề gì? Trong bài viết sau, Dược sĩ Trần Việt Linh sẽ cung cấp cho bạn những thông tin chi tiết nhất.
Hoạt chất trong X: Ketoconazole.
Thuốc chứa thành phần tương tự: Ketoconazole, Dezor, Nizoral, Comozol…
Antanazol là thuốc gì?
Thuốc Antanazol là một tuýp kem bôi ngoài da. Đây là sản phẩm thuộc công ty TNHH Dược phẩm Shinpoong Daewoo. Thuốc Antanazol là thuốc kháng nấm, mỗi tuýp 10 g có chứa 200 mg ketoconazole.1
Thành phần
Mỗi tuýp 10 g có chứa 200 mg ketoconazole và lượng tá dược vừa đủ.
Công dụng của thành phần
Ketoconazole là hoạt chất có tác dụng kháng nấm thuộc nhóm imidazole. Nó là chất kháng nấm phổ rộng và nhạy cảm với nhiều loại vi nấm. Nhất là các loại vi nấm gây bệnh trên da, niêm mạc và nội tạng. Ketoconazole cũng nhạy cảm với một số vi khuẩn Gram dương. Nhờ đó, thuốc Antanazol có tác dụng ức chế quá trình sinh tổng hợp ergosterol và biến đổi lipid ở màng tế bào. Nhằm ức chế và tiêu diệt vi nấm.2
Phổ kháng nấm của Ketoconazol rộng, bao gồm các chủng: Coecidioides immitis, Blastomyces dermatitidis, Candida spp., Histoplasma capsulatum, Epidermophyton floccosum, Malassezia spp., Microsporum canis, Paracoccidioides brasiliensis, Trichophyton mentagrophytes và T. rubrum. Một số chủng Aspergillus spp., Sporothrixschenckii và Cryptococcus neoformans nhạy cảm.2
Tác dụng Antanazol
Antanazol được chỉ định dùng trong các trường hợp:
- Các bệnh nhiễm nấm ngoài da. Ví dụ: nấm thân (lác, hắc lào), nấm bẹn, nấm bàn tay, nấm bàn chân do các chủng Trichophyton spp., Epidermophyton spp., Microsporon spp. gây ra.
- Nhiễm nấm Candida ngoài da (kể cả trong bệnh lý viêm âm hộ), lang ben.
- Viêm da tiết bã do Malassezia (trước đây là Pityrosporum spp.)
Ngoài ra, có một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt. Nhưng một số bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc Antanazol tùy tình trạng bệnh. Vì vậy, trước khi sử dụng thuốc cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ.
Cách dùng và liều dùng Antanazol
Cách dùng
Antanazol được bào chế dưới dạng kem bôi ngoài da. Cách sử dụng thuốc như sau:
- Làm sạch và lau khô vùng da cần điều trị.
- Lấy một lượng thuốc vừa đủ tương ứng với phạm vi vùng da cần điều trị.
- Thoa thuốc nhẹ nhàng lên vùng da cần điều trị và đợi thuốc thẩm thấu hoàn toàn.
- Rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi bôi thuốc.
- Hạn chế để vùng da bôi thuốc tiếp xúc với da của người khác.
- Nếu vùng da điều trị được che phủ bởi quần áo, nên mặc đồ rộng rãi thoải mái để tránh ma sát, trầy xước.
Để sử dụng thuốc an toàn, bạn cần tuân theo đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Sử dụng thuốc Antanazol thường xuyên để có được nhiều lợi ích nhất. Có thể ngưng dùng thuốc nếu thấy bất cứ dấu hiệu bất thường nào mới xuất hiện. Hoặc tình trạng bệnh không giảm sau 7 ngày dùng thuốc. Sau đó hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn về tình trạng bệnh.
Liều dùng
Liều dùng thuốc sẽ dựa trên tình trạng bệnh, mức độ triệu chứng và phản ứng của cơ thể, với liều dùng đầu tiên như:
- Điều trị nấm Candida ở da với liều dùng: 1 lần/ngày, trong 2 – 4 tuần.
- Điều trị viêm da tiết bã với liều: 2 lần/ngày trong 2 – 4 tuần hoặc cho đến khi khỏi bệnh. Vì viêm da tiết bã là bệnh mãn tính, có nguy cơ tái nhiễm cao.
Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể tùy thuộc vào từng đối tượng và mức độ bệnh. Để biết chính xác liều dùng phù hợp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Antanazol giá bao nhiêu?
Giá bán Antanazol sẽ khác nhau ở các nhà thuốc, phòng khám, bệnh viện. Giá bán kê khai theo Bộ Y tế là 11.550đ/Tuýp1. Hiện trên thị trường tuýp 10 g có giá dao động khoảng 12.000 – 20.000 đồng.
Tác dụng phụ của Antanazol
Khi sử dụng Antanazol, bạn có thể gặp một số tác dụng không mong muốn:
- Thường gặp nhất là cảm giác bỏng rát da, nổi ban đỏ hoặc ngứa chỗ bôi thuốc.
- Phản ứng hiếm gặp hơn là quá mẫn, nổi mụn nước, bong da, da nhớp dính, chỗ bôi thuốc bị chảy máu, viêm nhiễm, kích ứng, dị cảm hay phản ứng da.
Khi gặp tác dụng phụ của thuốc, cần ngưng sử dụng thuốc ngay và thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ. Hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Tương tác thuốc
Hiện chưa có nghiên cứu về tương tác thuốc khi bôi ketoconazole ngoài da. Nhưng bạn nên chủ động phòng ngừa bằng cách thông báo với bác sĩ các loại thuốc đang sử dụng. Nếu nhận thấy có tương tác phát sinh, bác sĩ có thể yêu cầu ngưng, thay thế hoặc điều chỉnh liều lượng và tần suất sử dụng.
Đối tượng chống chỉ định dùng Antanazol
Antanazol chống chỉ định trong trường hợp quá mẫn với ketoconazole hoặc với bất kì thành phần nào của thuốc. Nếu bạn từng có tiền sử mẫn cảm với hoạt chất kháng nấm nhóm azole, cần chủ động thông báo với bác sĩ hoặc dược sĩ để được cân nhắc việc dùng loại thuốc này.
Phụ nữ có thai và mẹ cho con bú có uống được Antanazol?
Hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ về việc dùng ketoconazole dạng bôi ngoài da trên phụ nữ có thai. Ketoconazole dạng bôi ngoài da được ghi nhận không gây tác dụng phụ nguy hiểm nào trên phụ nữ có thai, bào thai hay trẻ sơ sinh.
Tương tự, cũng chưa có nghiên cứu đầy đủ và chưa có nguy cơ nào liên quan đến việc dùng ketoconazole dạng bôi ngoài da ở phụ nữ cho con bú.
Đối tượng thận trọng khi dùng Antanazol
- Không bôi thuốc lên vùng da nhạy cảm như mắt, niêm mạc, vùng da trầy xước.
- Thận trọng khi sử dụng thuốc ở phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú. Trao đổi với bác sĩ về lợi ích và nguy cơ của thuốc trước khi quyết định sử dụng.
Xử lý khi quá liều Antanazol
Ketoconazole dạng bôi ngoài da nếu bôi quá nhiều có thể gây nổi ban, phù nề và cảm giác bỏng rát. Các triệu chứng hầu hết sẽ biến mất khi ngưng thuốc.
Nếu nuốt phải thuốc, cần tiến hành điều trị triệu chứng và các biện pháp hỗ trợ.
Trường hợp quên liều Antanazol
Bổ sung liều đã quên ngay khi nhớ ra. Nhưng nếu thời gian giãn cách với liều tiếp theo quá ngắn thì bỏ qua liều đã quên và tiếp tục dùng liều tiếp theo. Lưu ý, không dùng liều gấp đôi để bù cho liều đã quên.
Lưu ý gì khi sử dụng
- Thông báo tiền sử dị ứng với Antanazol, phản ứng quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc cho nhân viên y tế.
- Hạn chế để vùng da bôi thuốc tiếp xúc trực tiếp với da của người khác. Vì thuốc có thể gây tổn thương lên tế bào da khỏe mạnh.
- Không bôi thuốc lên vùng da nhạy cảm như niêm mạc, mắt, các vùng da bị trầy xước.
- Phụ nữ có thai và cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.
Cách bảo quản
- Đóng chặt nắp sau khi sử dụng.
- Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, tránh ánh nắng trực tiếp và nơi có nhiều độ ẩm.
- Để xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.
- Khi bạn không còn ý định sử dụng, nên xử lý thuốc theo hướng dẫn được in trên bao bì.
Trên đây là các thông tin chi tiết về công dụng, cách dùng và tác dụng phụ của thuốc Antanazol. Nếu bạn còn thắc mắc, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn sớm nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Antanazolhttps://drugbank.vn/thuoc/Antanazol&VD-21074-14
Ngày tham khảo: 16/09/2022
-
Hướng dẫn sử dụng thuốc kem Antanazol Shinpoong Deawoo điều trị nấm da, nấm Candida (10g)https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/09/Huong-dan-su-dung-Thuoc-kem-Antanazol-Shinpoong-Deawoo.jpg
Ngày tham khảo: 16/09/2022