YouMed

Atiliver là thuốc gì? Công dụng, cách dùng và lưu ý khi dùng

Dược sĩ Trần Việt Linh
Tác giả: Dược sĩ Trần Việt Linh
Chuyên khoa: Dược

Atiliver là thuốc được dùng hỗ trợ trong bệnh lý gan. Thuốc có những thành phần nào? Công dụng của từng thành phần là gì? Chỉ định dùng thuốc ra sao? Liều dùng thuốc thế nào là thích hợp? Tất cả sẽ được Dược sĩ Trần Việt Linh giải đáp trong bài viết sau đây.

Hoạt chất trong Atiliver: Diệp hạ châu đắng, Xuyên tâm liên, Bồ công anh, Cỏ mực.

Thuốc chứa thành phần tương tự: chưa ghi nhận.

Atiliver là thuốc gì?

Thuốc được bào chế ở dạng viên nang cứng do Công ty cổ phần dược phẩm Khang Minh sản xuất và phân phối. Thuốc được sử dụng hỗ trợ điều trị các bệnh lý tại gan.

Atiliver
Atiliver được điều chế dưới dạng viên nang cứng

Thành phần

Thành phần có trong thuốc bao gồm:

  • Diệp hạ châu đắng: 800 mg.
  • Xuyên tâm liên: 200 mg.
  • Bồ công anh: 200 mg.
  • Cỏ mực 200: mg.

Công dụng của từng thành phần

Diệp hạ châu1

Diệp hạ châu chiếm hàm lượng cao nhất trong thuốc. Những hoạt chất có trong diệp hạ châu bao gồm flavonoid, tannin, triterpen, acid hữu cơ… Trong dân gian, Diệp hạ châu còn được gọi là chó đẻ, cam kiềm. Vị thuốc ngọt đắng, tính quân bình. Dược lực của thuốc được ghi nhận cụ thể là:

  • Giúp giảm độc, thanh can lợi mật, thông huyết, lợi tiểu.
  • Hỗ trợ điều trị viêm gan hoàng đản, viêm da thần kinh, mụn nhọt, viêm họng, viêm thận.
  • Phù thủng, sốt rét, viêm ruột tiêu chảy.
Atiliver
Diệp hạ châu có trong thuốc có tác dụng thanh can, giải độc

Xuyên tâm liên2

Theo Đông Y, Xuyên tâm liên được gọi là khổ đởm thảo, nhất kiến hỷ. Bài thuốc có vị đắng – tính hàn. Vị thuốc tác dụng vào 3 kinh phế, can, tỳ. Vì thế, thuốc nổi bật với công dụng chỉ khái, thanh phế, tiêu trừ các bệnh sinh ở hầu họng. Thuốc phù hợp hỗ trợ các bệnh nhân bị viêm họng, viêm amiđan. Ngoài ra, khổ đởm thảo còn dùng trong các trường hợp ho gà, ho lao, viêm đường tiết niệu.

Bồ công anh3

Trong y học cổ truyền, Bồ công anh được mệnh danh là Hoàng hoa địa đinh, cây mũi mác. Đặc biệt, vị thuốc ngọt, đắng và có tính hàn. Thuốc tác động hiệu quả vào nhiều kinh như: tỳ, vị, thận, đại tràng, tiểu tràng, bàng quang, can đởm.

Với kinh nghiệm dân gian, người ta dùng lá thuốc này làm bài thuốc bổ cho phụ nữ tắc tia sữa, sưng đau vú. Bên cạnh đó, thuốc giúp thanh nhiệt, tán nhiệt kết, trị chứng ủng tắc, giải độc, tiêu viêm. Đồng thời, thuốc còn được sắc uống khi bị viêm bàng quang, viêm túi mật không do sỏi, quai bị,…

Cỏ mực4

Theo tên khoa học, Cỏ mực được gọi là Eclipta alba Hassk thuộc họ Cúc Asteraceae. Khi vò nát thuốc sẽ có nước chảy ra như mực đen nên gọi là “cỏ mực”. Không như những vị thuốc kể trên, cỏ mực có vị vừa ngọt vừa chua. Bài thuốc có tính hàn với màu đen tuyền quý hiếm.

Thuốc phát huy công dụng trong những bệnh cảnh xuất huyết cụ thể là: xuất huyết dạ dày, tiêu máu, tiểu máu, thổ huyết do lao, rong kinh,… Thuốc có thể cầm máu cực kỳ hiệu quả. Thuốc còn có khả năng nhuận huyết, làm đen râu tóc.

Tác dụng Atiliver

Thuốc được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Hạ thấp các chỉ số men gan của bệnh gan, tuỵ.
  • Phối hợp điều trị trong bệnh viêm gan.

Cách dùng và liều dùng Atiliver

Cách dùng

Nuốt cả viên thuốc kèm với nước lọc, sau bữa ăn.

Liều dùng cho từng đối tượng

Tuỳ theo độ tuổi mà liều dùng cụ thể như sau:

  • Trẻ em từ 6 – 12 tuổi : uống 1 – 2 viên/lần, uống 3 lần mỗi ngày.
  • Trẻ em trên 12 – 15 tuổi : uống 2 – 4 viên/lần, uống 2 lần mỗi ngày.
  • Trẻ em trên 15 tuổi và người lớn : uống 2 – 4 viên/lần, uống 3 lần mỗi ngày.

Liều thuốc và thời gian điều trị có thể thay đổi tuỳ theo sự chỉ định của thầy thuốc.

Tác dụng phụ của Atiliver

Chưa ghi nhận các phản ứng có hại hoặc bất thường khi sử dụng thuốc. Tuy nhiên, khi có tác dụng ngoài mong muốn, liên hệ bác sĩ, dược sĩ để được tư vấn, xử trí càng sớm càng tốt.

Tương tác thuốc

Chưa có báo cáo cụ thể. Nên liệt kê các loại thuốc đang sử dụng kể cả thuốc kê đơn (OTC) cho bác sĩ, điều này sẽ hạn chế tối đa tương tác khi sử dụng thuốc cho bạn.

Đối tượng chống chỉ định dùng Atiliver

Chống chỉ định

Những đối tượng nhạy cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Phụ nữ có thai và mẹ cho con bú có uống được Atiliver?

Thận trọng với những phụ nữ mang thai và cho con bú. Vị thuốc này chỉ được sử dụng dưới sự chỉ định của chuyên gia y tế.

Đối tượng thận trọng khi dùng Atiliver

Thận trọng với phụ nữ mang thai và cho con bú. Đồng thời, khi xuất hiện những triệu chứng bất thường, bạn cần ngưng thuốc và đến cơ sở y tế gần nhất.

Xử lý khi quá liều Atiliver

Không có dữ liệu về sử dụng thuốc quá liều. Tuy nhiên, người thân cần theo dõi tình trạng bệnh nhân chặt chẽ nếu dùng quá liều chỉ định của thuốc để xử trí nhanh chóng khi có diễn biến xấu xảy ra.

Trường hợp quên liều Atiliver

Uống liều đã quên ngay khi nhớ ra. Trong tình huống, đã gần tới thời điểm uống liều kế tiếp, bạn nên uống liều tiếp theo mà không cần bổ sung. Tuyệt đối không dùng cùng lúc 2 liều thuốc.

Lưu ý gì khi sử dụng

Đọc kĩ hướng dẫn sử dụng thuốc Atiliver trước khi dùng. Khi có những dấu hiệu bất thường, cần đến Trung tâm cấp cứu 115 hoặc cơ sở y tế gần nhất để chữa trị.

Cách bảo quản

Bạn nên để thuốc trong lọ, hộp đậy kín. Tránh ẩm, mốc mọt. Để thuốc tránh xa tầm tay trẻ nhỏ.

Thời gian sử dụng thuốc là trong vòng 3 năm kể từ ngày sản xuất. Không sử dụng thuốc quá thời hạn trên.

Atiliver giá bao nhiêu?

Thuốc có 2 dạng đóng gói: lọ 60 viên và hộp 10 vỉ x 10 viên. Tuỳ theo nhà phân phối, giá thuốc dao động khoảng 1.950 đến 2.335 VNĐ/ viên.

Atiliver là thuốc có tác dụng hạ men gan và hỗ trợ điều trị viêm gan. Thành phần của thuốc là diệp hạ châu, xuyên tâm liên, bồ công anh và cỏ mực. Thuốc có thể dùng cho cả trẻ nhỏ và người lớn. Dùng thuốc theo chỉ định của chuyên gia y tế sẽ tối ưu hóa hiệu quả của thuốc cho bạn!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Đỗ Huy Bích và cộng sự (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Tập 1. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội. Trang 438.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/cay-thuoc-va-dong-vat-lam-thuoc-o-viet-nam-tap1.pdf#page=437

    Ngày tham khảo: 23/09/2022

  2. Đỗ Huy Bích và cộng sự (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Tập 2. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội. Trang 1138.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/cay-thuoc-va-dong-vat-lam-thuoc-o-viet-nam-tap2.pdf#page=1136

    Ngày tham khảo: 23/09/2022

  3. Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học. Trang 72.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/04/nhung-cay-thuoc-va-vi-thuoc-viet-nam-2006.pdf#page=88

    Ngày tham khảo: 23/09/2022

  4. Đỗ Huy Bích và cộng sự (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Tập 2. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội. Trang 463.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/cay-thuoc-va-dong-vat-lam-thuoc-o-viet-nam-tap2.pdf#page=462

    Ngày tham khảo: 23/09/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người