Xuất huyết dạ dày: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nội dung bài viết
Xuất huyết dạ dày là một trong những bệnh lý rất nguy hiểm thuộc hệ tiêu hóa. Bệnh lý này có thể xuất hiện từ mức độ nhẹ đến nặng. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng xuất huyết ở dạ dày. Vậy thì đối với bệnh này, chúng ta cần phải xử trí thế nào cho phù hợp? Liệu rằng có phương pháp nào để phòng bệnh hiệu quả hay không? Tất cả sẽ được Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Việt Nguyên giải đáp qua bài viết sau đây.
Xuất huyết dạ dày là bệnh lý như thế nào?
Xuất huyết dạ dày là tình trạng chảy máu ở dạ dày, do niêm mạc dạ dày bị tổn thương và chưa được chữa trị kịp thời. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Thậm chí đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.
Tỷ lệ người mắc bệnh xuất huyết dạ dày ngày càng tăng lên qua các năm. Nguyên nhân là vì cuộc sống, sinh hoạt, công việc bận rộn khiến mọi người vội vã. Vì thế, nhiều lúc họ quên mất mình đang có những thói quen xấu ảnh hưởng đến dạ dày và tăng nguy cơ gây chảy máu ở dạ dày.
Tình hình mắc bệnh hiện nay
Nam giới có tỷ lệ mắc bệnh xuất huyết dạ dày cao hơn ở nữ giới. Nguyên nhân chủ yếu là vì nam giới thường uống rượu bia nhiều hơn so với nữ giới.
Độ tuổi thường xảy ra tình trạng xuất huyết ở dạ dày là từ 20 đến 50 tuổi. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ em, nguyên nhân gây xuất huyết bao tử thường là do vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể và gây nên bệnh.
Theo thống kê của nhiều nghiên cứu, trên 80% các trường hợp xuất huyết sẽ tự cầm. Còn lại 20% các trường hợp xuất huyết cần thiết phải điều trị bằng phương pháp nội soi. Sau khi nội soi điều trị, tỷ lệ tái xuất huyết là 5 đến 20 %.
>> Đó là tên Việt hóa của một hội chứng viết tắt ARFID (Avoidant/Restrictive Food Intake Disorder). Một cái tên khá xa lạ với cộng đồng người Việt nói chung. Tuy nhiên, đây là một rối loạn tâm lý thường gặp, đôi khi cần phải điều trị.
Mặc dù y học có rất nhiều tiến bộ về các phương pháp điều trị nhưng tỷ lệ tử vong do xuất huyết dạ dày vẫn còn 10 %. Phần lớn các trường hợp tử vong là do bệnh nhân cao tuổi. Hoặc có bệnh lý mạn tính kèm theo như đái tháo đường, suy thận mạn, suy gan,…
Các yếu tố nguy cơ tiên lượng xấu bao gồm:
- Có sốc kèm theo
- Xuất huyết lượng máu nhiều.
- Tuổi trên 60.
- Có bệnh nặng kèm theo.
- Xuất huyết do ổ loét dạ dày to.
- Chảy máu dạ dày trong lúc nằm viện.
- Có tình trạng xuất huyết tái phát.
Những nguyên nhân gây xuất huyết dạ dày
Việc nắm bắt được nguyên nhân gây ra bệnh sẽ giúp tìm được những phương pháp giúp phòng bệnh xuất huyết dạ dày. Đồng thời hạn chế tình trạng xuất huyết ồ ạt. Sau đây là một số nguyên nhân gây bệnh phổ biến:
Loét dạ dày tá tràng
Loét dạ dày tá tràng gây chảy máu hầu hết là do loét ăn sâu vào mạch máu. Các ổ loét nông thường gây xuất huyết mao mạch. Thế nên số lượng máu thường ít và tự cầm.
Các ổ loét sâu thường gặp trong loét xơ chai, loét vào các động mạch. Trong mức độ loét này, khả năng co mạch bị giảm sút nhiều nên thường gây nên tình trạng chảy máu ồ ạt và rất khó tự cầm.
Theo thống kê chung, có đến 40% các trường hợp dạ dày bị xuất huyết là những trường hợp có tiền sử đau vùng thượng vị. Hoặc đã từng được chẩn đoán bị viêm loét dạ dày tá tràng trước đó.
Ung thư dạ dày (hay K dạ dày)
Ung thư dạ dày gây loét và chảy máu từ các mạch máu tân sinh. Vì vậy nên tình trạng chảy máu thường dai dẳng và đôi khi xuất huyết ổ ạt rất khó cầm. Đặc biệt, ung thư dạ dày thể loét có thể gây chảy máu nặng hơn những thể khác.
Viêm dạ dày
Nguyên nhân thường gặp nhất gây viêm dạ dày là do thuốc (Aspirin, kháng viêm Corticoids, kháng viêm Non Steroide). Những thuốc này gây viêm loét trực tiếp hoặc gián tiếp do sự giảm yếu tố bảo vệ dạ dày.
Viêm dạ dày cấp do rượu: Rượu làm tổn thương trực tiếp lên niêm mạc dạ dày, dẫn đến tình trạng viêm phù nề và xuất huyết. Viêm dạ dày trong hội chứng Urê máu cao: do viêm niêm mạc dạ dày bị viêm và tăng tính thấm thành mạch.
Dạ dày bị viêm loét cấp tính do stress. Hiện nay, các bác sĩ nhận thấy rằng trong tất cả những trường hợp stress nặng thì có 20 – 30% gây chảy máu ở dạ dày. Trong đó, 10% các trường hợp là chảy máu mức độ nặng do tăng tiết axit dạ dày và giảm yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Ngoài ra còn có viêm dạ dày cấp do bệnh lý cúm ác tính và viêm dạ dày do mắc hội chứng Sholein- Henoch.
Các bệnh về máu (tình trạng rối loạn đông cầm máu)
Một số bệnh lý liên quan đến rối loạn đông cầm máu có thể gây xuất huyết dạ dày. Chẳng hạn như:
- Sốt xuất huyết
- Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch.
- Bệnh thiếu các yếu tố đông máu (như Hemophilia A, B).
- Bệnh Von Willebrand.
- Mắc bệnh ung thư máu dòng bạch cầu (như bạch cầu cấp, bạch cầu mạn).
- Ung thư máu dòng tiểu cầu.
- Suy gan nặng.
- Dùng các thuốc chống đông máu như Heparin, thuốc kháng Vitamin K.
- Nhiễm trùng nặng dẫn đến tình trạng đông máu nội mạch lan tỏa.
Một số bệnh lý khác
Một vài bệnh lý ít phổ biến khác cũng có thể gây chảy máu ở dạ dày như:
- Tăng áp tĩnh mạch cửa.
- Polyp dạ dày tá tràng.
- Thoát vị hoành.
- Hội chứng Mallory Weiss.
- Chảy máu dạ dày do chấn thương.
- Thủng dạ dày.
Triệu chứng của bệnh lý xuất huyết dạ dày
Những triệu chứng thường gặp trong bệnh cảnh chảy máu dạ dày bao gồm:
Nôn ra máu
Nôn ra máu là triệu chứng rất phổ biến mà mọi người thường gặp phải. Bệnh nhân thường cảm thấy mùi máu tanh trong miệng, đầy bụng, khó tiêu. Kế đến là buồn nôn, nôn ra máu có lẫn với thức ăn. Người bệnh có thể nôn ra máu tươi hoặc máu đen tùy vào mức độ và tình trạng bệnh.
Đi ngoài ra máu
Đi ngoài phân đen, có mùi khắm là dấu hiệu điển hình của bệnh lý xuất huyết dạ dày. Tuy nhiên, trong những trường hợp máu chảy nhiều thì người bệnh có thể đi cầu phân máu. Màu sắc đen hoặc có máu trong phân chứng tỏ người bệnh đang bị xuất huyết ở dạ dày.
Đau vùng thượng vị
Cơn đau đôi khi dữ dội, xuất hiện ở vùng bụng trên rốn khiến người bệnh vã mồ hôi, tái nhợt. Khi thấy dấu hiệu này, bệnh nhân cần đi đến cơ sở y tế ngay lập tức để được cấp cứu kịp thời.
Thiếu máu
Người bệnh bị chảy máu ở dạ dày sẽ có nguy cơ mất máu cấp tính cũng như mãn tính. Khi ấy, bệnh nhân sẽ có những triệu chứng đặc trưng của tình trạng thiếu máu. Chẳng hạn như: hoa mắt, xây xẩm, chóng mặt, kép tập trung, tim đập nhanh, móng tay nhợt nhạt,…
Những triệu chứng khác kèm theo
Tùy theo từng bệnh lý cụ thể mà bên cạnh triệu chứng chảy máu ở dạ dày còn có thể xuất hiện những triệu chứng khác như:
- Gầy ốm, sụt cân, xanh xao.
- Xuất huyết ở những nơi khác như: đi tiểu ra máu, chảy máu nướu răng.
- Nhiễm trùng tái đi tái lại. Với các triệu chứng như: sốt, môi khô, lưỡi dơ, có thể kèm theo ớn lạnh.
- Xuất huyết da niêm.
- Mệt mỏi, ăn uống kém.
- Dấu sao mạch, lòng bàn tay son, vàng da niêm,…
Bệnh lý xuất huyết ở dạ dày có nguy hiểm không?
Tùy theo mức độ bệnh và nguyên nhân gây ra bệnh mà xuất huyết ở dạ dày có mức độ nguy hiểm từ ít đến nhiều. Có thể bệnh lý này chỉ khiến cho người bệnh chán ăn, mệt mỏi. Nhưng đôi khi cũng có thể gây mất máu cấp tính. Thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.
Chính vì vậy, mọi người không nên chủ quan khi phát hiện mình bị chảy máu ở dạ dày. Tốt nhất, các bạn nên đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Nội tiêu hóa. Tại đây, các bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân gây nên bệnh và có hướng xử trí kịp thời.
Điều trị bệnh như thế nào?
Tùy vào từng bệnh cảnh cụ thể gây xuất huyết mà bệnh lý chảy máu ở dạ dày sẽ có hướng điều trị khác nhau:
Điều trị Nội khoa
Viêm loét dạ dày tá tràng: Ưu tiên điều trị Nội khoa ngoại trú trong những trường hợp nhẹ. Các thuốc có thể được chỉ định bao gồm: Thuốc kháng acid, thuốc ức chế bơm proton, thuốc tăng cường chất nhẩy bảo vệ niêm mạc dạ dày. Trong trường hợp người bệnh được xác định bị nhiễm Helicobacter Pylori thì thuốc kháng sinh sẽ được chỉ định.
Trong những trường hợp xuất huyết ổ ạt, người bệnh phải được điều trị cấp cứu. Khi ấy, các bác sĩ sẽ nội soi cầm máu. Kết hợp với đặt sonde Blackmore hoặc bơm thuốc cầm máu vào dạ dày.
Điều trị chuyên khoa Ung bướu
Nếu người bệnh bị chảy máu dạ dày do ung thư dạ dày, các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để cắt bỏ khối u. Ngoài ra, tùy vào tình trạng và giai đoạn bệnh ung thư mà các phương pháp hóa trị và xạ trị có thể được kết hợp. Nếu tình trạng xuất huyết dạ dày do bệnh lý ung thư máu thì người bệnh sẽ được chỉ định hóa trị và xạ trị kết hợp.
Điều trị Ngoại khoa
Nếu dạ dày bị chảy máu do thủng, do chấn thương thì bắt buộc phải điều trị bằng phương pháp ngoại khoa. Khi ấy, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật để cầm máu và khâu lại dạ dày bị tổn thương.
Những hướng điều trị khác
Nếu tình trạng chảy máu ở dạ dày do những nguyên nhân ít phổ biến khác thì sẽ có hướng điều trị tùy vào từng bệnh cảnh cụ thể. Chẳng hạn như dùng thuốc ức chế miễn dịch, truyền yếu tố đông máu, truyền tiểu cầu,…
Những biện pháp phòng bệnh
Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh xuất huyết ở dạ dày, những biện pháp phòng bệnh sau được khuyến khích áp dụng:
- Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, hạn chế stress, căng thẳng quá mức.
- Thường xuyên tập thể dục, chơi thể thao để tăng cường sức khỏe.
- Không nên lạm dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm.
- Hạn chế sử dụng nước ngọt có ga, bia rượu hoặc các thức uống có cồn.
- Hạn chế ăn thức ăn cay nóng.
- Sinh hoạt hợp lý, không nên ăn quá no hoặc để tình trạng quá đói bụng.
- Không nằm hoặc ngủ ngay sau khi ăn.
- Đến cơ sở y tế ngay khi có những triệu chứng như: đau thượng vị, ợ nóng, ợ chua, đi cầu phân đen, nôn ra máu.
- Tầm soát bệnh ung thư từ tuổi 40 trở đi. Đặc biệt là những người có tiền sử gia đình bị ung thư dạ dày.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về bệnh lý xuất huyết dạ dày. Từ đó, các bạn sẽ có lối sống khoa học, lành mạnh hơn. Hạn chế nguy cơ chảy máu dạ dày. Cũng như có hướng xử trí phù hợp, kịp thời khi phát hiện mình bị bệnh.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.