YouMed

Atorhasan là thuốc gì? Công dụng, cách dùng và lưu ý khi dùng

Dược sĩ Trần Việt Linh
Tác giả: Dược sĩ Trần Việt Linh
Chuyên khoa: Dược

Atorhasan là thuốc gì, công dụng thuốc là gì? Atorhasan 20 mg được chỉ định sử dụng trên những đối tượng nào? Khi sử dụng thuốc Atorhasan 20 bạn cần lưu ý điều gì? Trong bài viết sau, Dược sĩ Trần Việt Linh sẽ giải đáp cho bạn những thông tin chi tiết.

Hoạt chất trong Atorhasan: Atorvastatin.

Thuốc chứa thành phần tương tự: Lipitor, Lipvar, Lipistad…

Atorhasan là thuốc gì?

Atorhasan 20 mg được sản xuất bởi Công ty Hasan tại Việt Nam. Atorhasan thuộc danh mục thuốc điều trị rối loạn lipid máu. Thành phần chính của thuốc Atorhasan 20 là hoạt chất Atorvastatin. Atorhasan được bào chế dạng viên nén bao phim. Quy cách đóng gói là hộp 3 vỉ x 10 viên.

Atorhasan
Atorhasan được dùng trong điều trị rối loạn mỡ máu

Thành phần của Atorhasan

Atorvastatin (dưới dạng Atorvastatin calci trihydrat) 20 mg.1

Công dụng của thành phần

Atorvastatin thuộc nhóm thuốc statin có tác dụng điều hòa lipid máu. Các statin hoạt động bằng cơ chế ức chế HMG-CoA reductase. Vì chúng ức chế cạnh tranh với HMG-CoA reductase – enzym xúc tác chuyển đổi HMG-CoA thành acid mevalonic (tiền thân sớm của cholesterol). Các tác dụng của Atorvastatin được biết đến là:2

  • Giảm tổng hợp cholesterol trong gan và làm giảm nồng độ cholesterol trong tế bào. Điều này kích thích làm tăng các thụ thể LDC-cholesterol (LDL-c) trên màng tế bào gan. Do đó tăng thải LDL ra khỏi tuần hoàn.
  • Tác dụng chống xơ vữa động mạch. Cơ chế tác dụng hiện nay chưa được biết đầy đủ. Tác dụng này có thể độc lập đối với tác dụng điều hòa lipid máu.
  • Tác dụng hạ huyết áp.
  • Tác dụng kháng viêm ở người có tăng cholesterol máu kèm hoặc không kèm bệnh động mạch vành.
  • Tác dụng đối với xương: Statin có thể làm tăng mật độ xương

Tác dụng của Atorhasan 20

Atorhasan 20 được sử dụng trong điều trị với các tác dụng:

Điều trị rối loạn lipid máu.

Hỗ trợ liệu pháp ăn uống ở người lớn và trẻ em >10 tuổi bị tăng cholesterol máu nguyên phát và rối loạn lipid máu hỗn hợp; tăng cholesterol huyết có tính chất gia đình dị hợp tử và tăng triglycerid máu.

Giảm cholesterol toàn phần và LDL-c ở người lớn bị tăng cholesterol máu gia đình đồng hợp tử.

Hỗ trợ cho các phương pháp điều trị hạ lipid máu khác.

Dự phòng biến cố tim mạch trên các đối tượng:

  • Người lớn chưa có biểu hiện của bệnh mạch vành nhưng có nhiều yếu tố nguy cơ. Bao gồm: hút thuốc lá, tăng huyết áp, tiểu đường
  • Bệnh nhân đái tháo đường type 2 chưa có biểu hiện lâm sàng của bệnh mạch vành nhưng đã có dấu hiệu của biến chứng. Ví dụ như mắc bệnh võng mạc, albumin niệu, hút thuốc lá, tăng huyết áp…
  • Bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng của bệnh mạch vành.

Cách dùng Atorhasan

Atorhasan 20 dùng bằng đường uống. Thuốc có thể dùng bất cứ lúc nào trong ngày, không ảnh hưởng đến bữa ăn.

Liều dùng cho từng đối tượng

Liều dùng cho người tăng cholesterol máu (có tính gia đình dị hợp tử và không có tính gia đình) và rối loạn lipid máu hỗn hợp3

  • Liều khởi đầu: 10 – 20 mg uống 1 lần/ngày.
  • Có thể bắt đầu bằng liều 40 mg uống 1 lần/ngày ở những bệnh nhân cần giảm LDL-c nhiều (trên 45%).
  • Liều duy trì: 10 – 40 mg/ngày.
  • Nếu cần có thể tăng liều, nhưng không > 80 mg/ngày.

Liều dùng cho người tăng cholesterol máu có tính chất gia đình đồng hợp tử3

  • Liều khởi đầu: 10 mg uống 1 lần/ngày.
  • Điều chỉnh liều: mỗi 4 tuần.
  • Liều duy trì 10 – 40 mg/ngày.
  • Nếu cần có thể tăng liều, nhưng không > 80 mg/ngày.
  • Cần phối hợp với những phương pháp hạ lipid máu khác.

Liều điều trị phối hợp3

  • Phối hợp fosamprenavir và ritonavir, phối hợp darunavir và ritonavir, phối hợp saquinavir và ritonavir: Không dùng > 20 mg atorvastatin/ngày.
  • Phối hợp với nelfinavir: Không dùng > 40 mg atorvastatin/ngày.

Liều dùng ở người bệnh thận

Đối với người bệnh thận không cần chỉnh liều.

Lưu ý, các liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo. Để biết liều dùng chính xác, bạn cần đến gặp bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được kê đơn thuốc.

Atorhasan giá bao nhiêu?

Giá bán Atorhasan sẽ khác nhau ở các nhà thuốc, phòng khám, bệnh viện. Giá bán kê khai theo Bộ Y tế là 2,000/viên.1 Hiện trên thị trường hộp 3 vỉ x 10 viên nén có giá dao động khoảng 90.000 – 100.000 VNĐ.

Tác dụng phụ của Atorhasan

Khi sử dụng thuốc Atorhasan 20 có thể gặp một số tác dụng không mong muốn.

Tác dụng phụ thường gặp là:

  • Tiêu chảy, táo bón, buồn nôn, đầy hơi, khó tiêu, đau bụng.
  • Đau đầu, chóng mặt, nhìn mờ, suy nhược, mất ngủ.
  • Đau cơ, đau khớp.
  • Tăng men gan. Đa số không có triệu chứng lâm sàng và hồi phục khi ngừng thuốc.

Tác dụng phụ ít gặp:

  • Bệnh cơ (kết hợp yếu cơ và tăng creatin phosphokinase huyết tương).
  • Phát ban da.
  • Viêm mũi, viêm họng, viêm xoang.

Tác dụng phụ hiếm gặp: tiêu cơ vân, viêm cơ, dẫn đến suy thận cấp thứ phát do myoglobin niệu.

Khi gặp tác dụng phụ của thuốc, bạn hãy ngưng sử dụng Atorhasan ngay. Trong trường hợp khẩn cấp, hãy gọi Trung tâm cấp cứu và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Thuốc được sử dụng trong trường hợp tiêu chảy, viêm ruột, rối loạn tiêu hoá,...
Các tác dụng phụ trên đường tiêu hóa là thường gặp nhất

Tương tác thuốc

  • Sử dụng Atorvastatin đồng thời với các thuốc sau có thể tăng nguy cơ tổn thương cơ . Các thuốc đó là: Gemfibrozil, các thuốc hạ cholesterol máu nhóm fibrat khác, niacin liều cao (> 1 g/ngày), colchicin, erythromycin, clarithromycin, cyclosporin, và các thuốc kháng nấm nhóm azol.
  • Atorvastatin sử dụng cùng lúc với các thuốc ức chế protease của HIV và viêm gan siêu vi C (HCV) có thể làm tăng nguy cơ gây tổn thương cơ. Tác dụng phụ nghiêm trọng nhất là tiêu cơ vân, thận hư dẫn đến suy thận và có thể gây tử vong.
  • Thuốc antacid dùng cùng lúc với atorvastatin trong huyền dịch antacid đường uống có chứa magnesium và aluminium hydroxide sẽ làm giảm nồng độ atorvastatin trong huyết tương khoảng 35%. Tuy nhiên tác dụng của thuốc trong việc giảm LDL-c không bị thay đổi.
  • Atorvastatin không có ảnh hưởng lên dược động học của antipyrine. Do đó không có sự tương tác với những thuốc được chuyển hóa qua cùng cytochrome isozymes.
  • Nồng độ atorvastatin trong huyết tương giảm khi dùng chung với cholestyramine. Nhưng hiệu quả điều trị hạ lipid máu khi dùng đồng thời 2 thuốc này cao hơn khi dùng 1 trong 2 thuốc đơn lẻ.
  • Atorvastatin phối hợp digoxin làm tăng nồng độ digoxin huyết tương. Cần theo dõi một cách thích hợp ở những bệnh nhân đang dùng digoxin.
  • Dùng đồng thời Atorvastatin với thuốc viên ngừa thai uống có chứa norethindrone và ethinyl estradiol làm tăng AUC của norethindrone và của ethinyl estradiol gần 20%.
  • Tương tác của Atorvastatin với Cimetidin không có ý nghĩa nào về mặt lâm sàng.
  • Statin có thể làm tăng tác dụng của warfarin.
  • Tương tác với các thuốc khác: khi dùng đồng thời atorvastatin với các thuốc hạ áp và liệu pháp thay thế estrogen thì không ghi nhận bằng chứng tương tác thuốc bất lợi có ý nghĩa trên lâm sàng.

Đối tượng chống chỉ định dùng Atorhasan

Thuốc Atorhasan 20 bị chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Quá mẫn với các chất ức chế HMG – CoA reductase.
  • Quá mẫn hoặc có tiền sử quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Bệnh nhân bệnh gan đang tiến triển hoặc tăng men gan liên tục mà không rõ nguyên nhân.
  • Phụ nữ có thai và cho con bú.

Phụ nữ có thai và mẹ cho con bú có uống được Atorhasan?

  • Atorvastatin chống chỉ định trên phụ nữ mang thai. Chưa ghi nhận dữ liệu an toàn trên phụ nữ mang thai. Hiếm gặp các ca báo cáo dị tật bẩm sinh do tử cung phơi nhiễm với statin.
  • Atorvastatin và chất chuyển hóa của nó có thải trừ qua sữa mẹ không chưa được biết rõ. Do những tác dụng không mong muốn nghiêm trọng có thể xảy ra, atorvastatin chống chỉ định với phụ nữ đang cho con bú.

Đối tượng thận trọng khi dùng Atorhasan

  • Thận trọng ở những bệnh nhân rối loạn chức năng gan.
  • Thận trọng khi dùng ở bệnh nhân uống rượu nhiều.
  • Thận trọng ở bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận, nhược giáp, tiền sử bản thân hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh cơ di truyền.
  • Bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh cơ do dùng thuốc statin hay fibrat.
  • Bệnh nhân tuổi cao (>70 tuổi).

Xử lý khi quá liều Atorhasan

Không có thuốc điều trị đặc hiệu khi quá liều atorvastatin. Nếu quá liều, điều trị triệu chứng và các biện pháp nâng đỡ tổng trạng là cần thiết.

Trường hợp quên liều Atorhasan

Bổ sung liều đã quên ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp thì bỏ qua liều đã quên và tiếp tục lịch dùng thuốc. Không dùng liều gấp đôi để bù cho liều đã bị bỏ lỡ để tránh quá liều.

Lưu ý gì khi sử dụng

  • Sử dụng thuốc theo đúng toa, đúng liều lượng của bác sĩ.
  • Để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em và thú nuôi trong nhà.
  • Không dùng thuốc nếu quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Phụ nữ có thai và đang cho con bú không sử dụng thuốc. Trong trường hợp bắt buộc phải dùng, cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn.

Cách bảo quản

Nơi khô ráo, thoáng mát (dưới 30°C), tránh ánh sáng trực tiếp.

Trên đây là bài viết về công dụng, cách dùng và tác dụng phụ của thuốc Atorhasan. Nếu còn thắc mắc, hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp sớm nhất.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Atorhasan 20https://drugbank.vn/thuoc/Atorhasan-20&VD-22659-15

    Ngày tham khảo: 21/09/2022

  2. Bộ Y tế (2018). Dược Thư Quốc Gia Việt Nam. NXB Y học Hà Nội. Trang 286.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/03/Duoc-thu-quoc-gia-2018.pdf#page=286

    Ngày tham khảo: 21/09/2022

  3. Hướng dẫn sử dụng thuốc Atorhasanhttps://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/09/Atorhasan.pdf

    Ngày tham khảo: 21/09/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người