Bà bầu có uống được men tiêu hoá không? Các lưu ý khi sử dụng
Nội dung bài viết
Rối loạn tiêu hoá và một tình trạng phổ biến trong quá trình mang thai. Các triệu chứng mẹ bầu thường trải qua như buồn nôn, khó tiêu, đầy hơi, táo bón,… Vậy làm thế nào để phụ nữ mang thai tránh được tình trạng trên? Men tiêu hoá sử dụng cho đối tượng này có thực sự an toàn và hiệu quả? Cùng YouMed giải đáp các thắc mắc này ngay nhé!
Hiểu đúng về men tiêu hóa
Men tiêu hóa là gì?
Men tiêu hoá, còn được gọi là enzym tiêu hoá, là các protein có vai trò phân huỷ thức ăn thành các phân tử nhỏ hơn có thể hấp thụ vào cơ thể. Hầu hết các men tiêu hóa được tạo ra bởi tuyến tụy, ngoài ra một số ít được tạo ra bởi miệng, dạ dày và ruột non.1
Các loại men tiêu hoá chính là:1
- Amylase: Enzyme này phân hủy carbohydrate, hoặc tinh bột, thành các phân tử đường. Thiếu amylase có thể dẫn đến tiêu chảy.
- Lipase: Enzyme này hoạt động cùng với gan mật để phân huỷ chất béo. Nếu thiếu lipase sẽ dẫn đến thiếu các vitamin tan trong chất béo như A, D, E và K.
- Protease: Enzyme này phân hủy protein thành các acid amin. Đồng thời giúp ngăn vi khuẩn, nấm men và động vật nguyên sinh phát triển trong đường ruột. Sự thiếu hụt protease có thể dẫn đến dị ứng hoặc nhiễm độc trong ruột.
Men tiêu hóa có tác dụng gì?
Khi tuyến tụy không tiết ra enzym tiêu hóa một cách tự nhiên, khả năng phân hủy thức ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng. Điều này có thể dẫn đến suy dinh dưỡng cũng như các triệu chứng như đầy hơi và tiêu chảy.1
Các men tiêu hóa thay thế các enzym tự nhiên, giúp phân hủy carbohydrate, chất béo và protein từ thực phẩm. Sau đó, các chất dinh dưỡng được hấp thụ vào cơ thể thông qua thành ruột non và phân phối qua máu.1
Do đó, bổ sung các men tiêu hóa giúp ngăn ngừa chứng kém hấp thu và các chứng khó chịu liên quan đến tiêu hóa.1
Một số tác dụng của men tiêu hoá:2
- Hỗ trợ tiêu hóa khỏe mạnh.
- Tối ưu hóa sự chuyển hoá chất béo, carbohydrate và protein.
- Thúc đẩy sự hấp thụ chất dinh dưỡng tối ưu.
- Giảm cảm giác đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, táo bón sau bữa ăn.
- Giúp cơ thể phân huỷ những loại thức ăn khó tiêu hóa.
- Hỗ trợ sức khoẻ ruột kết.
Bà bầu bị rối loạn tiêu hóa có nguy hiểm không?
Rối loạn tiêu hoá là tình trạng thường gặp trong quá trình mang thai. Nồng độ hormone tăng cao, chẳng hạn như progesterone, góp phần làm chậm quá trình làm rộng dạ dày. Độ acid trong dạ dày cũng tăng lên do nhau thai sản xuất gastrin nhiều hơn. Những điều này gây ra chứng rối loạn tiêu hoá như buồn nôn, trào ngược dạ dày, táo bón,….
Rối loạn tiêu hoá không là vấn đề đáng lo ngại nhưng đôi khi sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp dinh dưỡng cho cả mẹ và bé. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến mẹ bầu mệt mỏi, chán ăn. Nó sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ và tinh thần. Vì vậy phòng ngừa và làm giảm những triệu chứng do rối loạn tiêu hoá gây ra là thực sự cần thiết.
Bà bầu có uống được men tiêu hoá không?
Những đối tượng bị rối loạn hoạt động tiết men tiêu hoá hay phải trải qua những triệu chứng khó chịu do rối loạn tiêu hoá gây ra, việc bổ sung men tiêu hoá là cần thiết. Vì vậy, phụ nữ mang thai có thể sử dụng men tiêu hoá khi cần thiết và cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Không nên sử dụng men tiêu hoá lúc đói và không dùng trong thời gian dài. Lạm dụng men tiêu hoá sẽ gây ức chế khả năng sản xuất men tiêu hoá tự nhiên của cơ thể. Từ đó mẹ bầu bị lệ thuộc vào men tiêu hoá thì mới ổn định được tình trạng đường tiêu hoá.
Bà bầu nên làm gì khi rối loạn tiêu hóa?
Bên cạnh việc dùng men tiêu hoá, mẹ bầu cũng có thể tham khảo một số gợi ý sau:3
Chế độ ăn uống lành mạnh
Dinh dưỡng trong quá trình mang thai có thể giúp kiểm soát các vấn đề gây ra do rối loạn tiêu hoá. Mẹ bầu nên bổ sung các thực phẩm như chuối, táo, đu đủ chín chứa pectin giúp hỗ trợ đường ruột, giảm hiện tượng đầy hơi, khó tiêu.
Hạn chế sử dụng thực phẩm và đồ uống chứa caffein, hay các thức ăn cay nóng gây cản trở sự hấp thu của ruột. Bữa ăn giàu chất béo, dầu mỡ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn tiêu hoá. Thực phẩm sinh khí bao gồm các loại đậu hay nho khô, bắp cải, súp lơ có liên quan đến đầy hơi và giữ lại khí.
Mẹ bầu có thể tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn phù hợp với mình nhất.
Uống nhiều chất lỏng
Ưu tiên các món ăn dễ nuốt như súp, canh hay nước hoa quả, nước lọc. Điều này giúp giữ đường tiêu hoá hoạt động thường xuyên nhưng lại không phải hoạt động quá sức. Ngoài ra bổ sung chất lỏng giúp cơ thể tránh được những vấn đề sức khoẻ do việc mất nước gây ra.
Tập thể dục
Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày giúp tăng cường lưu thông máu đến các cơ quan. Giúp chúng vận động hiệu quả và trơn tru. Các bài tập như yoga, thái cực quyền, thiện định vừa giúp thư giãn mà lại tốt cho sức khoẻ của cả mẹ và bé. Thảo luận với bác sĩ để tìm ra bài tập phù hợp, đem lại hiệu quả tốt nhất và an toàn cho mẹ bầu.
Xem thêm: Yoga là gì? Những điều bạn nên biết về yoga
Thói quen hằng ngày
- Tập thói quen ăn chậm nhai kỹ giúp hỗ trợ và cải thiện hoạt động của hệ tiêu hoá, giúp các chất dinh dưỡng được hấp thu tốt hơn.
- Phụ nữ mang thai nên đứng dậy đi lại sau khi ăn để tăng nhu động ruột và tránh bị trào ngược acid.
- Giữ tinh thần thoải mái, giảm căng thẳng cũng giúp cho tình trạng đường ruột cải thiện hơn.
YouMed hi vọng bài viết trên thực sự giúp ích cho các mẹ bầu trong quá trình mang thai. Bên cạnh việc bổ sung men tiêu hoá, các mẹ cần lưu ý các biện pháp hỗ trợ để hạn chế sự khó chịu do rối loạn tiêu hoá gây ra.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What Are Digestive Enzymes and How Do They Work?https://www.healthline.com/health/exocrine-pancreatic-insufficiency/the-role-of-digestive-enzymes-in-gi-disorders#types
Ngày tham khảo: 06/03/2022
-
Can Digestive Enzyme Supplements Treat IBS?https://www.healthline.com/health/digestive-health/digestive-enzymes-for-ibs#potential-benefits
Ngày tham khảo: 06/03/2022
-
Tránh xa một số thực phẩm gây rối loạn tiêu hóa cho thai phụ ngày Tếthttps://suckhoedoisong.vn/tranh-xa-mot-so-thuc-pham-gay-roi-loan-tieu-hoa-cho-thai-phu-ngay-tet-169220125000633327.htm
Ngày tham khảo: 06/03/2022