Bạch cầu mạn dòng lympho: bạn cần lưu ý những gì?
Nội dung bài viết
Bạch cầu mạn dòng lympho là dạng ung thư, là tình trạng tế bào gốc phát triển thành những tế bào lympho bất thường. Bệnh bạch cầu mạn dòng lympho xuất hiện nhiều nhất ở người lớn tuổi. Hiện nay đã có những phương pháp điều trị giúp kiểm soát căn bệnh này. Hãy cùng YouMed tìm hiểu căn bệnh nguy hiểm này qua bài viết dưới đây.
1. Bệnh bạch cầu mạn dòng lympho là gì?
Bệnh bạch cầu mạn dòng lympho (CLL) là một dạng ung thư máu và tuỷ xương. Tuỷ xương là những mô xốp bên trong xương và là nơi tế bào máu được tạo ra. Thuật ngữ “mạn” trong tên bệnh xuất phát từ tính chất của bệnh vì bệnh này tiến triển chậm hơn so với những loại bệnh bạch cầu khác. “Dòng lympho” trong tên bệnh xuất phát từ các tế bào bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này. Đó là một nhóm các tế bào bạch cầu được gọi là tế bào lympho. Bình thường, các tế bào đó có tác dụng chống lại các tác nhân nhiễm trùng.
2. Bệnh bạch cầu mạn dòng lympho có những triệu chứng gì?
Nhiều người mắc bệnh này không biểu hiện các triệu chứng sớm. Nếu có, các triệu chứng thường là:
- Hạch bạch huyết phì đại nhưng không đau
- Mệt mỏi
- Sốt
- Đau bụng ở phần trên bên trái, có thể do lách sưng to
- Đổ mồ hôi đêm
- Giảm cân
- Thường xuyên bị các bệnh nhiễm trùng
3. Nguyên nhân gây ra bệnh bạch cầu mạn dòng lympho là gì?
Hiện tại, các bác sĩ vẫn chưa chắc chắn nguyên nhân khởi phát quá trình bệnh. Có thể do một tác nhân nào đó gây ra đột biến gen trong DNA của các tế bào tạo máu. Đột biến này tạo ra các tế bào lympho bất thường và kém chức năng.
Dù chức năng các tế bào lympho này bị suy giảm, chúng vẫn tiếp tục tồn tại và nhân lên kể cả khi các tế bào lympho bình thường chết đi. Những tế bào lympho bất thường này tích luỹ trong máu, trong các cơ quan của cơ thể và gây ra các biến chứng. Chúng lấn át các tế bào khoẻ mạnh ra khỏi tuỷ xương và cản trở quá trình sản xuất tế bào máu bình thường.
Các bác sĩ và nhà nghiên cứu hiện đang cố gắng để hiểu rõ cơ chế gây ra bệnh.
4. Những ai dễ mắc bệnh bạch cầu mạn dòng lympho?
Những yếu tố nguy cơ cho căn bệnh này bao gồm:
- Tuổi tác: Căn bệnh này thường xuất hiện ở những người lớn tuổi. Tuổi trung bình khi chẩn đoán bệnh là khoảng 70 tuổi.
- Chủng tộc: Người da trắng có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu mạn dòng lympho cao hơn những chủng tộc khác.
- Tiền căn gia đình bị bệnh ung thư tuỷ xương và ung thư máu: Nếu có thành viên trong gia đình mắc những bệnh này, nguy cơ mắc bệnh bạch cầu mạn dòng lympho của bạn cao hơn.
- Tiếp xúc với hoá chất: Một số loại thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu, bao gồm cả chất độc màu da cam được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu mạn dòng lympho.
5. Những biến chứng nào có thể xảy ra khi bạn mắc bệnh bạch cầu mạn dòng lympho?
Căn bệnh này có thể gây ra những biến chứng như:
- Thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng: Những người mắc bệnh bạch mạn dòng lympho có thể bị nhiễm trùng tái đi tái lại. Đa phần các trường hợp là nhiễm trùng đường hô hấp trên và dưới. Đôi khi có thể xuất hiện những bệnh nhiễm trùng nguy hiểm và nặng nề hơn.
- Chuyển sang một dạng ung thư các tiến triển nhanh hơn: Một số ít bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu mạn dòng lympho có thể xuất hiện một dạng ung thư tiến triển nhanh. Dạng đó được gọi là u lympho tế bào B lớn lan toả. Các bác sĩ đôi khi gọi đây là hội chứng Richter.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác: Những bệnh nhân mắc bạch cầu mạn dòng lympho có nguy cơ mắc các loại ung thư khác như ung thư da (ung thư tế bào sắc tố), ung thư phổi và ung thư đường tiêu hoá.
- Rối loạn hệ thống miễn dịch: Một số ít bệnh nhân xuất hiện rối loạn hệ thống miễn dịch khiến các tế bào chống lại bệnh tật tấn công nhầm vào các tế bào hồng cầu hoặc tiểu cầu.
5. Cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán bệnh này?
Xét nghiệm máu
- Đếm số tế bào máu trong mẫu máu: Xét nghiệm công thức máu có thể được dùng để đếm số tế bào lympho trong mẫu máu. Có thể nghi ngờ mắc bệnh bạch cầu mạn dòng lympho nếu thấy số lượng tế bào B cao.
- Phân tích các tế bào lympho để tìm bất thường về mặt di truyền: Xét nghiệm FISH kiểm tra các nhiễm sắc thể bên trong các tế bào lympho bất thường. Bác sĩ đôi khi sẽ sử dụng những thông tin từ xét nghiệm này để tiên lượng. FISH còn giúp lựa chọn phương pháp điều trị.
Các xét nghiệm khác
- Tuỷ đồ và sinh thiết tuỷ
- Xét nghiệm hình ảnh học như CT-scan hay PET
>> Ung thư máu: bật mí kinh nghiệm khi đi khám bệnh
6. Những phương pháp điều trị
Sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ xác định giai đoạn bệnh. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh hiện tại cũng như nhiều yếu tố khác như các triệu chứng, tổng trạng và mong muốn của bệnh nhân.
Nếu ở giai đoạn sớm, điều trị có thể chưa cần thiết
Bệnh nhân ở giai đoạn sớm của bệnh có thể chưa cần điều trị. Khi đó, bác sĩ sẽ theo dõi sát tình trạng của bệnh nhân và làm xét nghiệm theo dõi. Các nghiên cứu cho thấy điều trị trong giai đoạn sớm của bệnh không kéo dài thời gian sống còn của bệnh nhân.
Điều trị cho giai đoạn trung gian và giai đoạn tiến triển
Bác sĩ sẽ dựa vào nhiều yếu tố khác nhau để cân nhắc phương pháp điều trị. Các yếu tố gồm giai đoạn bệnh, kết quả xét nghiệm máu và tình trạng sức khoẻ hiện tại. Các phương pháp điều trị hiện nay:
- Hoá trị: giúp tiêu diệt các tế bào tăng sinh nhanh chóng kể cả các tế bào ung thư. Hoá trị có thể qua đường tĩnh mạch hoặc qua đường uống. Có thể dùng một loại thuốc hoá trị hay kết hợp các loại khác nhau.
- Liệu pháp điều trị trúng đích: Các thuốc được tạo ra để tác động chuyên biệt vào vị trí dễ tổn thương của các tế bào ung thư. Bạn sẽ được xét nghiệm trước để chọn loại thuốc phù hợp.
- Liệu pháp miễn dịch: Sử dụng chính hệ thống miễn dịch của cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư. Liệu pháp này giúp hệ thống miễn dịch của bạn nhận diện và tấn công các tế bào bất thường.
- Ghép tuỷ xương: còn được gọi là ghép tế bào gốc. Đầu tiên, phương pháp này sử dụng các thuốc hoá trị mạnh để tiêu diệt các tế bào gốc bất thường. Sau đó, các tế bào gốc tạo máu từ một người hiến tặng được truyền vào máu của bạn. Chúng sẽ di chuyển đến tuỷ xương và bắt đầu tạo ra các tế bào máu bình thường. Hiện nay nhờ kết hợp thuốc hiệu quả, ghép tuỷ xương dần trở nên ít phổ biến hơn trong điều trị bệnh bạch cầu mạn dòng lympho.
Bác sĩ có thể sẽ cân nhắc kết hợp các phương pháp điều trị trên để đạt hiệu quả mong muốn.
Chăm sóc hỗ trợ
Bạn cần tái khám thường xuyên để có thể phát hiện các biến chứng nếu có. Điều trị chăm sóc hỗ trợ có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm các triệu chứng bên cạnh các phương pháp điều trị chính:
- Tầm soát ung thư: Bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ mắc các loại ung thư khác và có thể đề nghị xét nghiệm sàng lọc các bệnh đó. Chẳng hạn, bác sĩ sẽ đề nghị bạn kiểm tra da mỗi một hoặc hai năm để tìm triệu chứng của ung thư da.
- Tiêm vắc xin phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng: Bạn có thể cần phải tiêm chủng một số loại vắc xin phòng các bệnh như viêm phổi hay cúm.
- Theo dõi các vấn đề sức khoẻ khác: Bạn cần tái khám thường xuyên để bác sĩ theo dõi sức khoẻ của bạn trong và sau khi điều trị bệnh bạch cầu mạn dòng lympho.
>> U lympho tế bào T ở da là một loại ung thư hiếm gặp. Cùng tìm hiêu rngay những dấu hiệu và triệu chứng bất thường để có phương pháp đề phòng kịp thời.
Bệnh bạch cầu mạn dòng lympho thường gặp ở người lớn tuổi và hiện nay đã có nhiều phương pháp điều trị giúp kiểm soát bệnh. Do đó, nếu có các triệu chứng kéo dài và khiến bạn lo lắng đừng ngần ngại đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị phù hợp. Hy vọng bạn đã có được những thông tin hữu ích từ bài viết trên về bệnh bạch cầu mạn dòng lympho.
Bác sĩ Đào Thị Thu Hương
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chronic-lymphocytic-leukemia/symptoms-causes/syc-20352428