Bấm huyệt chữa rối loạn tiền đình: huyệt bấm và cách thực hiện
Nội dung bài viết
Rối loạn tiền đình là căn bệnh thường gặp ở nhiều người. Không chỉ gây cảm giác chóng mặt khó chịu mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Có nhiều phương pháp điều trị giúp cải thiện bệnh. Trong đó, bấm huyệt chữa rối loạn tiền đình đang được nhiều người quan tâm. Cùng Bác sĩ Y học cổ truyền Nguyễn Thị Lệ Quyên tìm hiểu về phương pháp điều trị bệnh không dùng thuốc này thông qua bài viết dưới đây.
Rối loạn tiền đình là gì?
Tiền đình là bộ phận nằm ở phía sau ốc tai. Tiền đình có vai trò trong duy trì trạng thái thăng bằng của hoạt động cơ thể. Các hoạt động đó gồm: di chuyển, đứng, nằm, cúi xuống.
Rối loạn tiền đình là những rối loạn liên quan đến thăng bằng, xuất phát từ dây thần kinh số 8.
Dây thần kinh 8 là dây thần kinh cảm giác, gồm 2 phần:
- Thần kinh tiền đình: liên quan đến cảm giác thăng bằng
- Thần kinh ốc tai: liên quan đến cảm giác thính giác.
Vì vậy, khi bộ phận này bị tổn thương sẽ làm thông tin dẫn truyền bị sai lệch. Từ đó, dẫn đến các triệu chứng như: mất thăng bằng, hoa mắt, chóng mặt, ù tai…
Triệu chứng của rối loạn tiền đình thường gặp là gì?
Cảm giác chao đảo, mất thăng bằng, quay cuồng mỗi khi thay đổi tư thế.
- Hoa mắt.
- Chóng mặt.
- Ù tai, buồn nôn, nôn ói…
Những triệu chứng này khiến cơ thể mệt mỏi, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và giảm tuổi thọ nếu không được điều trị.
Nguyên nhân thường gặp của rối loạn tiền đình
Rối loạn cơ quan tiền đình ngoại biên do các nguyên nhân như: Viêm thần kinh tiền đình do siêu vi, bệnh meniere, viêm mê nhĩ, rò ngoại dịch, u dây thần kinh 8, dị vật ống tai ngoài, viêm tai giữa cấp.
Nguyên nhân gây ra hội chứng tiền đình trung ương thường gặp nhất là: Migraine, nhiễm trùng não, xuất huyết não, nhồi máu não, chấn thương, u não, xơ cứng rải rác.
Tác dụng của bấm huyệt chữa rối loạn tiền đình
Theo y học cổ truyền: Huyễn nghĩa là hoa mắt, trước mắt tối sầm, không nhìn thấy vật gì. Vựng nghĩa là choáng váng, cảm giác mọi thứ xung quanh quay cuồng, mất thăng bằng và không thể đứng vững. Hiện tượng chóng mặt thường xảy ra đột ngột, khiến người bệnh mặt mày xây xẩm. Huyễn và vựng thường xuất hiện cùng với nhau nên Đông y thường gọi chung là huyễn vựng.
Các nghiên cứu cho thấy, khi tác động một lực nhất định vào các huyệt có liên kết với não bộ sẽ cải thiện hiệu quả lưu lượng tuần hoàn não. Đồng thời sẽ giúp tăng cường nuôi dưỡng tế bào não, giúp chúng hoạt động ổn định. Điều này được thể hiện thông qua việc đo chỉ số lưu huyết não đồ. Thể tích máu qua não trong 1 phút sẽ tăng lên khi thực hiện bấm huyệt đúng kỹ thuật.
Việc nhận diện đúng các huyệt cơ bản, kết hợp với xoa bóp – bấm huyệt sẽ tác động trực tiếp đến thần kinh. Từ đó tăng cường tuần hoàn máu, giúp:
- Giảm căng thẳng, mệt mỏi
- Thư giãn đầu óc
- Giảm triệu chứng chóng mặt, hoa mắt, đau đầu, buồn nôn.
Ngoài ra, xoa bóp – bấm huyệt giúp giảm co cứng cơ vùng đầu cổ. Từ đó, giúp máu lưu thông hiệu quả, tăng cường vi tuần hoàn máu đến các vùng bị ảnh hưởng giúp giảm triệu chứng của rối loạn tiền đình.
Cách bấm huyệt chữa rối loạn tiền đình
Chỉ định và chống chỉ định – kiêng kị của phương pháp bấm huyệt chữa rối loạn tiền đình
Người bệnh có các triệu chứng của hội chứng rối loạn tiền đình đều có thể tự áp dụng phương pháp bấm huyệt chữa bệnh tại nhà hoặc các cơ sở y tế uy tín. Ngoại trừ các trường hợp sau cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện:
- Người bệnh đang có khối u vùng đầu mặt.
- Người bệnh đang có tổn thương da vùng đầu mặt.
- Người bệnh mắc bệnh lý rối loạn đông máu .
- Người bệnh đang có sốt cao.
- Người bệnh đang mắc các bệnh truyền nhiễm cấp.
Các huyệt có thể sử dụng để bấm huyệt chữa rối loạn tiền đình
Bách hội | Thượng tinh | Phong trì |
Phong phủ | Thiên trụ | Thái dương |
Giác tôn | Hợp cốc | Nội quan |
Tam âm giao | Thái xung |
Các huyệt trên đều có tác dụng giảm đau đầu, chóng mặt, ù tai… là các triệu chứng của rối loạn tiền đình.
Lưu ý khi áp dụng phương pháp bấm huyệt chữa rối loạn tiền đình
Nếu bấm huyệt không giúp cải thiện tình trạng rối loạn tiền đình. Người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra, chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị. Hiện nay, có nhiều phương pháp như: sử dụng thuốc kết hợp với vật lý trị liệu và phục hồi chức năng… giúp hỗ trợ làm giảm triệu chứng rối loạn tiền đình, ngăn ngừa các cơn rối loạn tiền đình tái phát và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm do rối loạn tiền đình gây ra.
Nếu tự thực hiện, phải làm đúng các thao tác xoa bóp, bấm huyệt. Vì vậy để đảm bảo hơn, người bệnh nên lựa chọn các cơ sở có uy tín để thực hiện, đặc biệt là các trường hợp chống chỉ định (không được xoa bóp bấm huyệt) để đảm bảo sức khỏe, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Xoa bóp – bấm huyệt 30 phút/lần/ngày. Một liệu trình điều trị từ 15 – 30 ngày, tùy theo mức độ và diễn biến của bệnh, có thể điều trị nhiều liệu trình.
Khi tự thực hiện bấm huyệt tại nhà, nếu người bệnh cảm thấy:
- Hoa mắt, chóng mặt.
- Vã mồ hôi, mạch nhanh, sắc mặt nhợt nhạt.
Cần dừng xoa bóp bấm huyệt, lau mồ hôi, ủ ấm, uống nước chè đường nóng, nằm nghỉ tại chỗ. Nếu không thuyên giảm, cần liên hệ cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.
Những phương pháp Đông y khác giúp chữa rối loạn tiền đình
Ngoài phương pháp bấm huyệt chữa rối loạn tiền đình. Người bệnh có thể sử dụng các phương pháp không dùng thuốc khác như: châm cứu chữa rối loạn tiền đình, dưỡng sinh, cấy chỉ, thủy châm… cũng cho hiệu quả tương tự. Các phương pháp này có thể phối hợp với nhau và với các điều trị khác như dùng thuốc.
Bấm huyệt chữa rối loạn tiền đình là phương pháp an toàn, hiệu quả. Người bệnh có thể thể tự áp dụng tại nhà nếu đảm bảo được thao tác kĩ thuật. Hy vọng bài viết cung cấp thêm thông tin hữu ích cho người bệnh để cải thiện triệu chứng của rối loạn tiền đình.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Quyết định về việc ban hành Hướng dẫn Quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành Châm cứuhttps://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2023/01/Quyet-dinh-ve-viec-ban-hanh-Huong-dan-Quy-trinh-ky-thuat-kham-benh-chua-benh-chuyen-nganh-Cham-cuu.pdf
Ngày tham khảo: 27/09/2021