Bật mí cách bấm huyệt chữa rong kinh hiệu quả cho bạn
Nội dung bài viết
Rong kinh là tình trạng nhạy cảm, gây nhiều khó chịu đối với nữ giới. Hiện nay, nhiều hướng điều trị rối loạn kinh nguyệt ra đời kết hợp cả tây y lẫn đông y, mang lại kết quả khả quan. Trong đó, thủ thuật bấm huyệt dần được công chúng đón nhận và áp dụng rộng rãi. Bài viết sau đây của bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai sẽ bật mí cách bấm huyệt chữa rong kinh hiệu quả cho bạn. Nào chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
Nguyên nhân khiến bạn bị rong kinh
Theo tây y
Rong kinh được xem là rối loạn xảy ra khi ngày hành kinh kéo dài hơn 7 ngày. Lúc này, lượng máu kinh ra nhiều hơn bình thường, nếu kéo dài dễ dẫn đến thiếu máu. Ở một số trường hợp sẽ đi kèm với cơn đau bụng kinh, đau lưng khó chịu…
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do:
- Do cơ năng: Rối loạn nội tiết tố, hoạt động buồng trứng chưa ổn định thường gặp ở đối tượng mới xuất hiện kinh nguyệt, sử dụng các thuốc hormone bừa bãi…1
- Do nguyên nhân thực thể: Tổn thương tử cung, buồng trứng do bệnh u xơ, viêm nhiễm, sau đặt vòng…
Theo đông y
Theo Y học cổ truyền, rối loạn kinh nguyệt nói chung và rong kinh nói riêng có liên quan đến các yếu tố như:
- Rối loạn chức năng tạng phủ Can, Tỳ, Thận đều ảnh hưởng đến kinh nguyệt như Thận sinh tinh, Can chứa huyết, Tỳ sinh và thống huyết…2
- Mạch Nhâm và Xung không điều hòa.
- Do nhiễm lạnh khi hành kinh hoặc căng thẳng thần kinh, uất ức tích tụ lâu ngày…
Vì sao bấm huyệt có thể chữa rong kinh?
Từ những nguyên nhân trên có thể thấy rằng, muốn khắc phục tình trạng rong kinh thì liệu pháp chữa trị phải đáp ứng được các yêu cầu sau:
- Kích thích tuần hoàn, bổ khí huyết, hành khí hoạt huyết, thông kinh hoạt lạc,…2
- Tăng cường chức năng tạng phủ, đặc biệt là Can, Thận, Tỳ, điều hòa mạch Xung và Nhâm.3
- Thư giãn tinh thần, giải tỏa mệt mỏi, hỗ trợ tình trạng căng cứng cơ…
Thực tế, đã có nhiều nghiên cứu ghi nhận các lợi ích trên từ phương pháp bấm huyệt. Hơn nữa, các thao tác bấm huyệt chữa rong kinh còn góp phần hỗ trợ rối loạn kinh nguyệt khác như đau bụng kinh, bế kinh,…
Xem thêm: Bấm huyệt chữa đau bụng kinh một cách khoa học
Cách bấm huyệt chữa rong kinh
Chỉ định, chống chỉ định
Hầu hết phụ nữ gặp vấn đề kinh nguyệt bất thường như rong kinh, đau bụng kinh,… đều có thể áp dụng liệu pháp này. Ngoài ra, nếu nghi ngờ đối tượng có nguyên nhân cụ thể; cần phải được thăm khám, chẩn đoán kỹ càng từ thầy thuốc cũng như phối hợp với cách thức trị liệu khác triệt để hơn.
Tuy nhiên, ở một vài trường hợp không nên thực hiện bấm huyệt, mà nên ưu tiên cho các trị liệu khẩn cấp khác như:
- Lượng máu chảy quá nhiều, ồ ạt, người mệt mỏi, xanh xao, khó thở…
- Đau bụng dữ dội không giảm, nghĩ nhiều do vấn đề ngoại khoa, cần đến cơ sở y tế sớm.4
- Có dấu hiện tình trạng tri giác không tỉnh táo, chóng mặt nhiều, ngất xỉu…
Tương tự như kỹ thuật bấm huyệt chung, nên tránh bấm huyệt chữa rong kinh khi vùng da thao tác không lành lặn, có sang thương lở loét, u bướu…
Quy trình bấm huyệt điều trị rong kinh
Thông thường, quy trình bấm huyệt sẽ kết hợp với xoa bóp, mỗi ngày tiến hành khoảng 30 phút, cho đến khi tình trạng ổn định. Một số huyệt đạo được lựa chọn sử dụng như:
- Huyệt tại chỗ vùng bụng: A thị huyệt, Thần khuyết, Thiên khu, Hoang du, Âm giao, Khí hải, Thạch môn, Quan nguyên, Trung cực,…1
- Bổ tạng Thận: Mệnh môn, Thận du, Thái khê…
- Bổ tạng Can: Can du, Thái xung…
- Bổ trung khí, kiện Tỳ: Tỳ du, Túc tam lý…
- Điều hòa mạch Xung, bổ khí huyết, dưỡng huyết âm: Khí hải, Huyết hải, Tam âm giao…2
Vị trí của các huyệt thông dụng thường dùng
A thị huyệt: Còn gọi là áp thống điểm, không có vị trí cố định. Vị trí được xác định bằng cách khi ấn ở vùng nào mà người bệnh kêu đau, tức, khó chịu, kêu “a”…
Thần khuyết: Ngay lỗ rốn, thuộc mạch Nhâm, nơi tập trung của khí…
Hoang du: Cách lỗ rốn (Thần khuyết) 0.5 thốn về hai bên, điều hòa mạch Xung.
Thiên khu (Thiên xu): Cách lỗ rốn (Thần khuyết) 2 thốn về hai bên.
Âm giao: Thẳng dưới Thần khuyết 01 thốn, là huyệt hội của kinh mạch âm như Nhâm, Xung, Thận.
Khí hải: Thẳng dưới lỗ rốn 1.5 thốn, là “biển của nguyên khí”.
Thạch môn: Dưới lỗ rốn 2 thốn, nằm trên đường trắng – mạch Nhâm.
Quan nguyên: Thẳng dưới rốn 3 thốn, được xem là nơi chứa cả bầu trời nguyên khí của cơ thể.
Trung cực: Thẳng dưới rốn 4 thốn hoặc từ bờ trên phần xương mu đo thẳng lên 1 thốn.
Lưu ý khi điều trị rong kinh bằng bấm huyệt
Áp lực từ bàn tay nên linh hoạt ở các đối tượng khác nhau; nhẹ nhàng nhưng không hời hợt, hoặc quá thô bạo. Thông thường, khi ấn đúng vị trí huyệt người bệnh sẽ thấy căng tức nhẹ.
Quả thực, bấm huyệt góp phần điều hòa tuần hoàn, tạo cảm giác dễ chịu hơn cho đối tượng. Nhưng tùy vào cơ địa mà cảm nhận được tác dụng của thủ thuật ngay từ lần đầu tiên hoặc lâu hơn.
Mặt khác, phương pháp này hầu như không khắc phục được nguyên nhân thực thể (nếu có) hay triệu chứng quá nặng nề. Lúc này, cần phải sử dụng các trị liệu chuyên sâu hơn tại cơ sở y tế. Thầy thuốc sẽ phối hợp với các liệu pháp khác như thuốc điều hòa hormone, phẫu thuật khối u…4
Trong thời gian điều trị, cần tuân thủ chế độ sinh hoạt khoa học như:
- Hạn chế ăn đồ sống lạnh, cay nóng, uống rượu bia… hoặc để cơ thể nhiễm lạnh.
- Nên giữ tinh thần lạc quan, ngủ đủ giấc và đảm bảo uống đủ nước cho cơ thể.
- Bổ sung thực phẩm giàu chất sắt giúp giảm nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt. Chất này thường có mặt trong thịt bò, gan, các loại đậu…
- Có thể kết hợp xoa dầu nóng, chườm ấm vùng bụng… nếu do yếu tố lạnh gây bệnh.
Những phương pháp đông y khác chữa rong kinh
Xoa bóp
Nên thực hiện thao tác xoa bóp cùng với bấm huyệt chữa rong kinh để tăng hiệu quả điều trị qua các bước sau đây:
- Xoa ấm 2 lòng bàn tay, rồi áp vào bụng lần lượt tiến hành động tác xoa, xát, day… theo chiều kim đồng hồ khoảng 2 phút. Lúc này những nơi ở bụng như vùng thượng vị, quanh rốn, bụng dưới sẽ ấm dần lên (có thể kết hợp dầu nóng).3
- Sau đó, thao tác nhẹ nhàng dọc theo đường thẳng bụng.
- Xoa bóp 2 bên thắt lưng nhằm giãn cơ, tăng lưu thông khí huyết, giảm đau lưng.
- Bấm huyệt theo từng vùng tương ứng bụng, lưng như đã trình bày ở trên.
Châm cứu
Thay vì dùng bàn tay, đông y còn đem đến phương pháp kích thích huyệt thông qua kim châm. Liệu pháp này mang lại lợi ích tương tự như bấm huyệt. Thế nhưng, để tránh những rủi ro, sai sót ảnh hưởng đến đối tượng; thì cần phải được chỉ định và thao tác bởi người có chuyên môn, người bệnh không nên tự ý thực hiện.
Bên cạnh đó, nếu nguyên nhân do nhiễm lạnh hoặc triệu chứng nặng hơn với yếu tố lạnh; thầy thuốc có thể chỉ định kỹ thuật “cứu” ấm huyệt. Ví dụ như ở Quan nguyên, Túc tam lý, Thận du, Ẩn bạch… Nhằm hạn chế lượng máu chảy ra, ôn bổ hạ nguyên, ích khí.1 2
Xem thêm: Phương pháp cứu ngải và những điều bạn chưa biết
Dược liệu
Với đông y, bên cạnh các liệu pháp không dùng thuốc, dược liệu cũng góp phần cải thiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt phụ nữ. Các vị thuốc thường dùng để hoạt huyết, điều kinh như: Ích mẫu, Ngải cứu, Hương phụ, Đào nhân hoặc bài thuốc “Tứ vật đào hồng”… đều đang được ứng dụng hiệu quả.
Rong kinh có thể là triệu chứng xảy ra trong thời gian ngắn hoặc kéo dài mãn tính. Chính vì vậy, bạn có thể áp dụng bấm huyệt chữa rong kinh theo chỉ dẫn của người có chuyên môn đều đặn khi có rối loạn kinh nguyệt. Ngoài ra, phụ nữ cũng nên thường xuyên theo dõi sức khỏe sinh sản của bản thân để kịp thời xử lý những bất thường gây khó chịu. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về phương pháp này. Nếu các bạn có thắc mắc hay câu hỏi cần tư vấn thì hãy liên hệ với chúng tôi nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Trường Đại học Y Hà Nội (2005). Bài giảng Y học cổ truyền. NXB Y học, Hà Nội.
Ngày tham khảo: 12/11/2021
-
Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam (2011). Giáo trình châm cứu
Ngày tham khảo: 12/11/2021
-
Xoa bóp bấm huyệt chữa bệnh tiền mãn kinhhttps://khoahocdoisong.vn/xoa-bop-bam-huyet-chua-benh-tien-man-kinh-117752.html
Ngày tham khảo: 12/11/2021
-
What Is Menorrhagia and Is It Dangerous?https://www.healthline.com/health/menstruation/menorrhagia
Ngày tham khảo: 12/11/2021