YouMed

Liệu bạn đã biết về bấm huyệt chữa sa tử cung?

Bác sĩ PHẠM LÊ PHƯƠNG MAI
Tác giả: Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Sa tử cung là mối đe dọa, gây nhiều phiền toái khó chịu đến sức khỏe của người phụ nữ. Hiện nay, phương pháp điều trị bệnh lý này khá đa dạng có thể kết hợp cả đông y và tây y. Trong đó, liệu pháp bấm huyệt đóng góp nhiều ưu điểm và lợi ích để cải thiện triệu chứng sa sinh dục. Sau đây, mời quý độc giả cùng bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai tìm hiểu về phương pháp bấm huyệt chữa sa tử cung nhé.

Sa tử cung là gì?

Theo y học hiện đại

Sa tử cung hay sa sinh dục là bệnh gặp ở phụ nữ. Do các bộ phận của bộ máy sinh dục tụt xuống thấp khỏi vị trí ban đầu, có thể còn ở bên trong, thập thò hay sa ra ngoài âm đạo.1 2

Một số đối tượng có nguy cơ cao bị sa tử cung:

  • Phụ nữ chưa sinh đẻ nhưng có thể trạng yếu, dây chằng mỏng, yếu. Vì vậy mà tử cung có thể bị áp lực mạnh trong ổ bụng đẩy, sa dần xuống.1
  • Phụ nữ đã sinh đẻ nhiều lần, các dây chằng yếu, tầng sinh môn giãn mỏng hoặc rách. Dưới áp lực của ổ bụng, thành âm đạo có thể bị sa và kéo theo tử cung.1 3
  • Phụ nữ sau sinh không kiêng cữ, vận động, mang vác vật nặng. Bởi điều này sẽ khiến đáy bụng co bóp nhiều, tổn thương và dẫn đến sa tử cung.3
  • Phụ nữ sinh con có thai nhi lớn, sinh đôi, đa thai hoặc thời gian chuyển dạ kéo dài, tổn thương sinh dục…3
  • Cùng nhiều các yếu tố khác dẫn đến suy yếu dây chằng, cơ vùng chậu.3

Xem thêm: Sa tử cung khi mang thai phải điều trị như thế nào?

Theo y học cổ truyền

Đông y mô tả sa tử cung trong phạm vi chứng “Tỳ hư hạ hãm” hay âm đỉnh, âm thoát,…1 Nguyên nhân có thể do:

  • Cơ thể suy nhược, sau khi sinh nở khí huyết chưa khôi phục, lao động quá sức gây khí hư. Do đó, khí không đủ sức giữ cho dạ con ở đúng vị trí của nó.2
  • Tạng Tỳ chủ về cơ nhục và tứ chi, nên khi Tỳ khí hư sẽ gây ra các chứng sa, trong đó có sa tử cung.1
  • Ngoài ra, tình trạng nhiễm trùng kèm thêm thấp nhiệt cũng có thể gây nên chứng này.4

Bên cạnh biểu hiện chính, bệnh này còn có thể kèm theo triệu chứng như tức nặng bụng dưới, đau mỏi lưng, ăn uống kém, tinh thần mệt mỏi, lưỡi nhợt…2

Tình trạng sa tử cung có thể gây nhiều triệu chứng khó chịu cho chị em phụ nữ
Tình trạng sa tử cung có thể gây nhiều triệu chứng khó chịu cho chị em phụ nữ

Vì sao bấm huyệt có thể chữa sa tử cung?

Thừa hưởng từ những lợi ích của bấm huyệt nói chung, mà bấm huyệt chữa sa tử cung có thể hỗ trợ giảm thiểu các triệu chứng khó chịu của bệnh, nhất là trong giai đoạn đầu. Thông qua các ưu điểm tăng cường lưu thông khí huyết, bổ khí, điều hòa mạch xung nhâm, hỗ trợ đưa dương khí lên góp phần thúc đẩy tử cung dần co lên. Ngoài ra, thủ thuật cũng đóng góp cân bằng rối loạn tạng phủ, thông huyệt đạo, phục hồi sức khỏe… Hơn thế, đây còn là liệu pháp không xâm lấn, dễ thực hiện và ít rủi ro.

Bấm huyệt chữa sa tử cung có thể hỗ trợ làm giảm các triệu chứng hiệu quả
Bấm huyệt chữa sa tử cung có thể hỗ trợ làm giảm các triệu chứng hiệu quả

Cách bấm huyệt chữa sa tử cung

Chỉ định, chống chỉ định

Chỉ định cho các đối tượng bị sa tử cung các mức độ.1

Không nên sử dụng phương pháp này trong các trường hợp như:

  • Sa tử cung kèm theo nhiễm trùng tại chỗ.1
  • Tình trạng cấp cứu, tri giác bất thường, bệnh lý da liễu tại chỗ nơi cần bấm huyệt…

Các huyệt đạo thường được lựa chọn trong bấm huyệt chữa sa tử cung

Tùy thuộc vào cấp độ bệnh mà biểu hiện, cũng như sự phục hồi ở mỗi người sẽ có sự khác nhau đáng kể. Do đó, liệu trình và phương huyệt của bệnh nhân sẽ được thầy thuốc linh hoạt cân nhắc. Sau đây là một số huyệt đạo thường dùng xen kẽ:

  • Thiên khu, Tử cung, Giáp tích L4 – L5, Quan nguyên, Khí hải, Thái khê, Tam âm giao, Túc tam lý.1
  • Hoặc Bách hội, Trung quản, Trung cực, Đới mạch, Trường cường, Khí hải.2

Đối tượng nên thoải mái, thư giãn, tập trung hơi thở sâu trong quá trình thao tác. Thời gian tiến hành khoảng 30 phút/ngày, thực hiện đến khi có cảm giác ấm, căng tức nhẹ là đủ. Sau một liệu trình kéo dài 15 – 20 ngày, thầy thuốc sẽ đánh giá lại tình trạng của bệnh nhân, rồi đưa ra các chỉ định tiếp theo.

Vị trí một số huyệt trong bấm huyệt chữa sa tử cung

Thiên khu: từ vị trí rốn đo sang ngang 2 bên, mỗi bên 2 thốn.

Tử cung: thuộc giao điểm của đường dọc giữa xương ức với đường ngang qua giữa 2 khớp ức – sườn 4.

Quan nguyên: nằm trên đường giữa bụng, từ rốn đo thẳng xuống 3 thốn.

Khí hải: lỗ rốn thẳng xuống 1,5 thốn, bồi bổ khí.

Trung cực: nằm trên đường giữa bụng, từ rốn đo xuống 4 thốn. Hoặc từ bờ trên xương mu đo lên 1 thốn để xác định huyệt.

Đới mạch: thuộc trung điểm của đầu xương sườn thứ 11 và 12, ngang với rốn.

Trường cường: nằm sau hậu môn và ở đằng trước xương cụt cách khoảng 0,3 thốn.

Tam âm giao: xác định từ đỉnh cao của mắt cá trong 2 bên đo lên 3 thốn, nằm ở bờ sau trong xương chày.

Túc tam lý: là hõm dưới ngoài xương bánh chè đo xuống 3 thốn, cách mào chày 1 thốn.

Lưu ý khi bấm huyệt chữa sa tử cung

Bấm huyệt gần như chỉ là một trong phương pháp bổ trợ điều trị sa tử cung và cần kiên trì để đạt được kết quả mong muốn. Do đó, cần có sự tham khảo và theo dõi của thầy thuốc trong quá trình thực hiện liệu pháp. Bên cạnh đó, người bệnh nên kết hợp với chế độ sinh hoạt lành mạnh, bao gồm:3

  • Không nên hoạt động quá sức, khiêng vác vật nặng, tăng áp lực ổ bụng…
  • Chú trọng nghỉ ngơi hợp lý, tinh thần thoải mái, đồng thời bổ sung dinh dưỡng cân bằng tránh béo phì, táo bón
  • Nên thực hiện các động hỗ trợ nâng, săn chắc cơ vùng sinh dục. Trong đó phổ biến và đơn giản là bài tập Kegel.
Bài tập Kegel mang lại nhiều lợi ích trong trị liệu tình trạng sa tử cung
Bài tập Kegel mang lại nhiều lợi ích trong trị liệu tình trạng sa tử cung

Những phương pháp đông y khác điều trị sa tử cung

Xoa bóp

Xoa bóp là thủ thuật nên kết hợp cùng thao tác bấm huyệt chữa sa tử cung để tăng lợi ích trị liệu. Các động tác cơ bản nhẹ nhàng ở tại chỗ vùng bụng, lưng như xát, xoa, miết,…

Châm cứu

Châm cứu là liệu pháp y học cổ truyền hỗ trợ những trường hợp sa tử cung thông qua kích huyệt đạo bằng kim châm. Với phương huyệt tương tự như bấm huyệt, bao gồm:1

  • Châm tả: Thiên khu, Tử cung, Giáp tích L4 – L5.
  • Châm bổ: Quan nguyên, Khí hải, Thái khê, Tam âm giao, Túc tam lý, Thái bạc.

Thời gian 20 – 30 phút cho một lần điện châm, ôn châm, hoặc hào châm kết hợp cứu,… tùy tình trạng bệnh.

Hoặc nhĩ châm các vùng trên tai tương ứng với vùng bị bệnh như tử cung, thận, tuyến nội tiết, vùng dưới vỏ.4

Châm cứu là một phương pháp đông y có thể hỗ trợ làm giảm các triệu chứng sa tử cung
Châm cứu là một phương pháp đông y có thể hỗ trợ làm giảm các triệu chứng sa tử cung

Dược liệu

Ưu tiên lựa chọn các loại thảo dược và bài thuốc có tác dụng bổ ích khí, thăng dương như Bổ trung ích khí thang gia giảm…

Xem thêm: Những điều cần biết về Kegel: Bài tập luyện cơ vùng chậu cải thiện tiểu không kiểm soát

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về phương pháp bấm huyệt chữa sa tử cung. Có thể thấy, liệu pháp này có thể mang lại nhiều hiệu quả. Song, trước khi thực hiện bấm huyệt, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn liệu trình điều trị phù hợp để đạt kết quả tốt nhất nhé.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Bộ Y tế (2013). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành y học cổ truyền

  2. Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam (2011). Giáo trình châm cứu

  3. Bệnh Sa Tử Cung, 7 thắc mắc chị em cần biếthttps://suckhoedoisong.vn/benh-sa-tu-cung-7-thac-mac-chi-em-can-biet-169141694.htm

    Ngày tham khảo: 24/12/2021

  4. Trường Đại học Y Hà Nội (2005). Bài giảng Y học cổ truyền. NXB Y học, Hà Nội.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người