YouMed

Cách bấm huyệt chữa táo bón như thế nào?

Bác sĩ PHẠM LÊ PHƯƠNG MAI
Tác giả: Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Táo bón có nguyên nhân bệnh lý hoặc do lối sống, vận động, dinh dưỡng…không điều độ. Thực tế, triệu chứng này thường gây khó chịu đối với bệnh nhân. Chính vì vậy, những phương pháp nhuận tràng, thông tiện, kích thích nhu động ruột…ngày càng được quan tâm hơn. Trong đó, bấm huyệt trị táo bón dần được nhân dân ghi nhận và ứng dụng phổ biến. Sau đây, bài viết của Bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai sẽ gửi đến độc giả cách bấm huyệt chữa táo bón đơn giản mà vẫn hiệu quả.

Tổng quan về táo bón

Theo Y học hiện đại

Theo y văn, một đối tượng được coi là táo bón khi có các dấu hiệu như: đi cầu ít hơn 3 lần/tuần, hoặc tính chất phân khô, to, cứng, phải rặn khó khăn,… có thể kèm theo đau vùng bụng dưới.1

Thường do một số nguyên nhân:

  • Lối sống: ăn thiếu chất xơ, uống ít nước, thói quen “nhịn” đi vệ sinh, ít vận động,…
  • Phụ nữ có thai hay sau sinh, lớn tuổi, người sau chấn thương tủy sống, tai biến mạch máu não…
  • Tác dụng phụ của thuốc (thuốc nhuận tràng, thuốc bảo vệ dạ dày chứa nhôm, thuốc chứa sắt)…
  • Bệnh lý: rối loạn thần kinh dạ dày-ruột, thần kinh trung ương, tổn thương chuyển hóa nội tiết,…

Theo Y học cổ truyền

Theo Đông y, táo bón thường do nguyên nhân:

  • Khí hư: thường gặp ở phụ nữ sau sinh nhiều lần, người già…lúc này cơ nhão, trương lực cơ giảm. Hoặc bệnh lâu ngày, Tỳ Vị vận hành kém mà sinh bệnh.
  • Khí trệ: thường do nghề nghiệp, thói quen ít vận động hay đổi tư thế,…
  • Huyết hư: thiếu máu làm tân dịch giảm, khó khăn khi đi cầu.2
Bấm huyệt chữa táo bón được ghi nhận mang đến nhiều lợi ích.
Theo đông y, bệnh táo bón do nhiều nguyên nhân gây ra

Hướng điều trị chung

  • Cải thiện lối sống, dinh dưỡng: uống đủ nước và bổ sung chất xơ (20-35g/ngày) từ rau quả, ngũ cốc,…đồng thời hạn chế sử dụng chất kích thích và đồ ăn nhiều gia vị…
  • Vận động và tập thể dục hợp lý, cố gắng tạo thói quen và phản xạ đi cầu đúng giờ.
  • Thuốc nhuận tràng gồm: thuốc tăng tạo khối lượng phân, thuốc tăng thẩm thấu nước, kích thích nhu động ruột, bơm hậu môn bằng chất bôi trơn…
  • Áp dụng các trị liệu y học cổ truyền giúp nhuận tràng, thông tiện, kiện Tỳ, ích khí, hành khí… như dưỡng sinh, châm cứu, nhĩ châm, xoa bóp bấm huyệt trị táo bón

Đặc biệt, ta nên phối hợp nhiều phương pháp điều trị táo bón với nhau để tăng lợi ích cần đạt, dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc.

Bổ sung đủ chất xơ và nước là cách phòng ngừa, cũng như điều trị táo bón hiệu quả.
Bổ sung đủ chất xơ và nước là cách phòng ngừa, cũng như điều trị táo bón hiệu quả

Hiệu quả của bấm huyệt chữa táo bón

Ngày xưa, nhân dân xem bấm huyệt là cách thức để hỗ trợ khí huyết vận hành thông suốt, giải ứ trệ kinh lạc, phá kết, thanh nhiệt, nhuận tràng, thông tiện. Ngoài ra, liệu pháp còn giúp Tỳ vị vận hóa và hấp thu tinh khí từ thức ăn tốt hơn, duy trì chức năng của tạng phủ trong cơ thể.

Hiện nay, nhiều nghiên cứu đã ghi nhận lợi ích của bấm huyệt trị táo bón ở nhiều lứa tuổi. Đặc biệt là táo bón kéo dài kinh niên, khi điều trị, ngoài hướng dùng thuốc, bác sĩ sẽ chỉ dẫn người bệnh thêm về liệu pháp xoa bóp bấm huyệt. Kỹ thuật này tạo áp lực từ tay lên vùng bụng thúc đẩy tiêu hóa, kích thích nhu động ruột, cải thiện khả năng co bóp của ruột, tăng tuần hoàn nuôi dưỡng các cơ quan, thư giãn thần kinh, chống viêm…Từ đó, phân được tạo thành và di chuyển thuận lợi, cảm giác đi cầu cũng dễ chịu hơn. Ngoài ra, các động tác này còn hỗ trợ tiêu hóa, giảm các triệu chứng như ăn kém, đầy bụng, ợ hơi, khó tiêu…

Cách bấm huyệt chữa táo bón

Chỉ định, chống chỉ định bấm huyệt

Chỉ định: Hầu hết các trường hợp gặp vấn đề về táo bón do nhiều nguyên nhân như cơ địa, khí huyết lưu thông kém, nghề nghiệp, lối sống…2

Chống chỉ định:

  • Táo bón có nguyên nhân do bệnh lý ngoại khoa như tắc ruột…2 hay tình trạng cấp cứu ảnh hưởng đến tính mạng như xuất huyết nhiều, chấn thương nặng, lơ mơ, không tỉnh táo…
  • Vùng da cơ thể thực hiện kỹ thuật có vết thương hở, lở loét, u, mụn nhọt… hay người bệnh đang trong trạng thái say xỉn, no căng bụng, đói mệt mỏi….
  • Phụ nữ đang mang thai không nên bấm huyệt vùng bụng, cần được bác sĩ tư vấn kỹ càng.

Huyệt đạo trong bấm huyệt chữa táo bón

Sau đây là vài vị trí huyệt hỗ trợ tiêu hóa, đặc biệt thích hợp để bấm huyệt chữa táo bón, nhuận tràng, thông tiện, kích thích vận khí huyết ở ruột…

  • Huyệt Thiên khu: đo ngang ra 2 bên rốn, mỗi bên 2 thốn (hay khoảng 3 cm).3
  • Huyệt Khí hải nằm trên đường thẳng dọc đi ngang qua rốn, dưới rốn 1,5 thốn (khoảng 2 cm).3
  • Huyệt Thần khuyết được xác định nằm ngay vùng rốn.
  • Huyệt Trung quản: từ rốn đo thẳng lên trên 4 thốn.
  • Huyệt Túc tam lý: từ lõm ngoài xương đầu gối đo xuống dưới 3 thốn, cách mào xương chày về phía ngoài 1 khoát ngón tay.

Ngoài ra, tùy theo thể bệnh mà thầy thuốc có thể gia thêm một số huyệt đạo như:

  • Bổ Tỳ Vị: Tỳ du, Vị du, Đại trường du…
  • Bổ dương khí kém: Quan nguyên, Quy lai…4
  • Bổ âm, bổ huyết: Tam âm giao, Thái khê, Cách du, Cao hoang…4
Một số huyệt đạo giúp nhuận tràng, thông tiện, kích thích tiêu hóa...
Một số huyệt đạo giúp nhuận tràng, thông tiện, kích thích tiêu hóa…

Quy trình điều trị trong bao lâu?

Với các huyệt đạo kể trên, thầy thuốc hoặc người bệnh có thể tự mình tiến hành bằng cách:

  • Đầu tiên, người bệnh thả lỏng vùng bụng, cũng như cơ thể, thư giãn tinh thần, không nên căng thẳng.
  • Xoa bàn tay ấm dần lên, có thể sử dụng tinh dầu để ấm bụng, giảm ma sát…
  • Sau đó, dùng lực từ ngón tay (thường là ngón cái) để tiến hành thao tác day, ấn,…tại từng huyệt đạo.
  • Nên kết hợp với xoa bóp vùng bụng theo chiều kim đồng hồ, để lợi ích đạt được nhiều hơn.

Theo khuyến cáo, từng huyệt có thể day ấn mỗi lần khoảng 1-2 phút, rồi đổi qua huyệt khác. Sau đó, lặp lại các vị trí, với tổng thời gian 15-20 phút. Nếu chưa đạt kết quả mong muốn có thể làm thêm 2-3 lần/ngày hoặc kéo dài liệu trình lên 20 ngày. Ngoài ra, đối với táo bón mạn tính, thầy thuốc có thể chỉ định thêm 2-3 đợt điều trị nữa.

Lưu ý, kiêng kỵ khi bấm huyệt

Trong quá trình thao tác, nên dùng lực nhẹ nhàng, tăng dần, không nên thô bạo, dùng sức quá mạnh đột ngột. Điều này có thể dẫn đến tổn thương vùng da hay các cơ quan bên trong. Ngoài ra, ta cũng cần cố gắng xác định huyệt đạo chính xác để tránh rủi ro không mong muốn.

Chú ý theo dõi phản ứng và trạng thái của người bệnh, kịp thời điều chỉnh động tác phù hợp.

Cần phối hợp với hô hấp đều đặn, hít thở nhịp nhàng.

Những phương pháp đông y khác điều trị táo bón

Châm cứu, nhĩ châm

Từ lâu, phương pháp dùng kim châm vào huyệt đạo được ghi nhận hỗ trợ điều trị táo bón. Lựa chọn huyệt tương tự như trên, mỗi ngày khoảng 30 phút, kéo dài 15-20 ngày. Ngoài ra, thầy thuốc có thể chỉ định liệu pháp nhĩ châm, tùy theo thể bệnh:

Táo bón lâu ngày kèm triệu chứng tân dịch giảm (miệng họng khô khát, lở miệng, lưỡi đỏ…):

  • Châm tả: Tâm bào, Thần kinh thực vật…
  • Châm bổ: Thần môn, Tỳ, Can…

Táo bón do huyết hư:

  • Châm tả: Đại trường, Tiểu trường
  • Châm bổ : Tỳ Can

Táo bón do khí hư kèm triệu chứng cơ nhão, ăn kém, đầy bụng, chậm tiêu…

  • Châm tả: Đại trường, vùng bụng
  • Châm bổ: Giao cảm2

Xem thêm: Liệu bạn đã biết vì sao châm cứu có thể chữa bệnh?

Xoa bóp

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra lợi ích khi kết hợp xoa bóp cùng với bấm huyệt chữa táo bón. Hơn nữa, đối tượng có thể tự mình thực hiện những động tác đơn giản này. Đầu tiên, người bệnh chọn tư thế thoải mái nhất (ngồi, nằm ngửa,…) thả lỏng. Tiếp theo, sát 2 bàn tay cho ấm dần lên rồi xoa vùng bụng theo chiều kim đồng hồ. Điều này sẽ tác động vào thượng vị, quanh rốn, bụng dưới…trong khoảng 5 phút. Để tăng hiệu quả, ta nên dùng dầu nóng để xoa bóp vừa giảm sự ma sát vừa khiến vùng bụng ấm lên, cơ mềm ra, lợi hệ tiêu hóa…5

Kết hợp xoa bóp với bấm huyệt trị táo bón mang lại hiệu quả cao hơn.
Kết hợp xoa bóp với bấm huyệt trị táo bón mang lại hiệu quả cao hơn.

Dược liệu

Xung quanh chúng ta có nhiều vị thuốc hỗ trợ điều trị táo bón được nhân dân ứng dụng lâu đời như rau mồng tơi, đu đủ, vừng đen, lá muồng trâu, đại hoàng

Quả thực, liệu pháp bấm huyệt trị táo bón mang đến nhiều ưu điểm và lợi ích cho con người. Thế nhưng, vì bấm huyệt hầu như chỉ hỗ trợ giảm triệu chứng nên với bệnh lý nặng, kéo dài, thầy thuốc sẽ kết hợp thêm nhiều phương pháp khác, cũng như điều trị nguyên nhân nếu có.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. What You Should Know About Constipationhttps://www.healthline.com/health/constipation

    Ngày tham khảo: 26/10/2021

  2. Bộ Y tế (2013). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Y học cổ truyền

  3. Xoa bóp, bấm huyệt trị táo bónhttps://suckhoedoisong.vn/xoa-bop-bam-huyet-tri-tao-bon-169143717.htm

    Ngày tham khảo: 26/10/2021

  4. Trường Đại học Y Hà Nội (2005). Bài giảng Y học cổ truyền tập 2. NXB Y học, Hà Nội.

  5. Chữa táo bón bằng xoa bóp bấm huyệthttps://khoahocdoisong.vn/chua-tao-bon-bang-xoa-bop-bam-huyet-136318.html

    Ngày tham khảo: 26/10/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người