Cách bấm huyệt đau khớp ngón tay an toàn
Nội dung bài viết
Đau khớp ngón tay là triệu chứng do nhiều nguyên nhân gây ra. Đau làm hạn chế vận động của bàn tay khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc cầm nắm hoặc thao tác hàng ngày. Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị giúp giảm đau nhanh, từ dùng thuốc đến không dùng thuốc. Trong đó, bấm huyệt đau khớp ngón tay cho thấy có khả năng giảm đau tốt. Vì thế, bài viết sau đây của bác sĩ Y học cổ truyền Nguyễn Thị Lệ Quyên sẽ giúp bạn hiểu thêm về phương pháp bấm huyệt này. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé.
Nguyên nhân gây đau khớp ngón tay
Có thể xếp các nguyên nhân gây đau khớp ngón tay thành 4 nhóm chính như sau:
Chấn thương
Đây là một trong những nguyên nhân thường gặp gây ra đau nhức các khớp ngón tay. Các dạng chấn thương ngón tay bao gồm:
- Căng kéo: Sự giãn hoặc rách các cơ – gân cơ.
- Bong gân: Là sự giãn hay rách các dây chằng.
- Khớp ngón tay bị gãy hoặc nứt: Do sự đụng giập hoặc vật nặng đè vài các ngón tay.
- Trật khớp: Tình trạng khớp ngón tay bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu.
Viêm khớp
Có thể gặp trong bệnh cảnh viêm khớp dạng thấp hoặc thoái hóa khớp. Các bệnh lý này gây mất sụn và thay đổi ở xương. Bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như:
- Sưng nhiều khớp ngón tay.
- Đau khi cử động, cứng khớp buổi sáng sau khi thức dậy.
- Giảm tính linh hoạt và tầm vận động của khớp.
- Yếu cơ quanh khớp.
Xem thêm: Làm cách nào để giảm đau nhức xương khớp khi trời trở lạnh?
Nang bao hoạt dịch
Đây là tình trạng các cấu trúc tròn chứa đầy dịch thường xuất hiện ở các ngón tay. Nang có thể gây cảm giác đau và nhạy cảm khi chạm vào.
Đau khớp ngón tay trong các bệnh cảnh toàn thân như: viêm đa cơ, lupus, xơ cứng bì, đa xơ cứng.1
Hiệu quả của bấm huyệt trong chữa đau khớp ngón tay
Bấm huyệt chữa đau khớp ngón tay là phương pháp khá an toàn và hiệu quả trong điều trị đau khớp ngón tay. Theo Y học cổ truyền, các động tác day, bấm huyệt vị giúp kích thích khí huyết lưu thông đến các vùng kinh lạc bị thiếu nuôi dưỡng.
Bấm huyệt còn giải quyết những tắc nghẽn do khí trệ huyết ứ gây ra. Từ đó, giúp kinh mạch được thông suốt, tạo thuận lợi cho khí huyết lưu thông đến cung cấp dinh dưỡng cho vùng cơ nhục, quan tiết.
Theo y học hiện đại, các tác động của bấm huyệt giúp thư giãn các cơ quanh khớp, giảm tình trạng co cứng. Từ đó giúp giảm đau.
Việc bấm huyệt còn giúp tăng sản xuất các serotonin, dopamine. Ngoài việc giảm đau còn giúp thư giãn, thoải mái, tạo cảm giác an thần. Đây cũng là một trong những lợi điểm của bấm huyệt so với các trị liệu khác.2
Cách bấm huyệt đau khớp ngón tay
Chỉ định của bấm huyệt chữa đau khớp ngón tay
Tất cả các trường hợp đau khớp ngón tay như: thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp… mà không liên quan đến chấn thương đều có thể sử dụng phương pháp bấm huyệt.
Chống chỉ định của bấm huyệt đau khớp ngón tay
Những vùng da lở loét hoặc bệnh ngoài da vùng cần bấm huyệt.
Các bệnh lí nhiễm trùng hoặc bệnh cấp tính cần ưu tiên điều trị các bệnh lí này trước khi thực hiện bấm huyệt.
Chấn thương nứt, gãy xương, ung thư xương…
Công thức huyệt có thể sử dụng trong bấm huyệt đau khớp ngón tay
Huyệt Lao cung
Vị trí: Huyệt nằm trên đường văn tim của gan bàn tay, nơi khe của ngón giữa và ngón ngón 4 chạm vào đường văn này. Hoặc gấp các ngón tay vào lòng bàn tay, đầu ngón tay giữa chạm vào đường nếp gấp giữa lòng bàn tay tại vị trí nào thì đó là huyệt.
Tác dụng: Thanh tâm hoả, an thần, trừ thấp nhiệt, chỉ thống.
Huyệt Hợp cốc
Vị trí: Huyệt được xác định bằng cách khép ngón trỏ và ngón cái của bàn tay vào nhau. Vị trí huyệt nằm ở điểm cao nhất của phần cơ nối giữa ngón trỏ và ngón cái.
Tác dụng: Theo y học cổ truyền huyệt có tác dụng trấn thống, phát biểu, khu phong, thanh nhiệt.
Huyệt Bát tà
Vị trí: Bát Tà là một nhóm huyệt gồm 8 huyệt con, ở chi trên. Huyệt nằm ở kẽ 5 ngón tay, trên đường tiếp giáp của da gan và mu tay, ngang với khe khớp xương bàn với ngón tay.
Tác dụng: Huyệt thường được sử dụng trong các trường hợp đau nhức khớp bàn tay hoặc tê bàn tay.
Ngoài ra, còn có thể bấm các A thị huyệt. Đây là những điểm bệnh nhân đau nhói khi nhấn vào.3
Quy trình điều trị trong bao lâu?
Người bệnh có thể áp dụng phương pháp bấm huyệt chữa đau khớp ngón tay hàng ngày. Phương pháp này đòi hỏi sự kiên trì và thực hiện trong thời gian dài mới đem lại hiệu quả cao.
Lưu ý – kiêng kị khi bấm huyệt đau khớp ngón tay
Việc thực hiện bấm huyệt, người bệnh cần lưu ý các vấn đề sau:
- Không bấm huyệt khi đang trong trạng thái mỏi mệt, hạ huyết áp, hạ đường huyết.
- Cắt ngắn móng tay và rửa sạch tay trước khi bấm huyệt. Tránh tác động lên vùng huyệt có vết thương hay bị sưng viêm hoặc bầm tím.
- Phụ nữ có thai không nên tự ý thực hiện bấm huyệt tại nhà, mà nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn điều trị.
- Không bấm huyệt trong trường hợp chấn thương gãy xương ngón tay.
Các phương pháp đông y khác chữa đau khớp ngón tay
Ngoài bấm huyệt là phương pháp điều trị cho thấy hiệu quả. Người bệnh có thể an tâm phối hợp các phương pháp đông y khác như: Dùng thuốc y học cổ truyền, châm cứu (điện châm, thủy châm,…), xoa bóp, cấy chỉ, hay các bài tập vận động khớp bàn – ngón tay.
Các biện pháp phòng ngừa tránh đau các khớp ngón tay
Luôn giữ tư thế đúng khi sử dụng công cụ, bàn phím hoặc các thiết bị để tránh dẫn đến chấn thương bàn tay hoặc cổ tay.
Mỗi ngày để các khớp ngón tay nghỉ ngơi từ 30-60 phút sau khi làm việc xong.
Thường xuyên thực hiện các bài tập vận động khớp ngón tay.
Cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt tốt, ăn nhiều thực phẩm giàu canxi, vitamin và khoáng chất trong thực đơn ăn uống hàng ngày.
Tập thể dục thường xuyên, uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để giúp cơ thể khỏe mạnh cũng như tăng sức đề kháng.
Xem thêm: Viêm khớp ngón tay: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Có thể thấy, đau khớp ngón tay là triệu chứng gây khó chịu và làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Khớp bàn tay là bộ phận thường xuyên phải sử dụng để duy trì trạng thái sinh hoạt hàng ngày. Do đó, cần có biện pháp bảo vệ và phòng ngừa đau khớp ngón tay tái diễn. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về phương pháp bấm huyệt đau khớp ngón tay. Từ đó có thể áp dụng và làm giảm các triệu chứng do tình trạng này gây ra.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Các nguyên nhân gây ra đau khớp ngón tayhttps://bvnguyentriphuong.com.vn/co-xuong-khop/cac-nguyen-nhan-gay-ra-dau-khop-ngon-tay
Ngày tham khảo: 18/12/2021
-
Acupressure: Pain Relief at Your Fingertipshttps://www.proquest.com/openview/7cd8072975fc91fadc860128152f586a/1?pq-origsite=gscholar&cbl=32235
Ngày tham khảo: 18/12/2021
-
Quyết định Về việc ban hành Hướng dẫn Quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành Châm cứuhttps://kcb.vn/wp-content/uploads/2015/07/Ch%C3%A2m-c%E1%BB%A9u.pdf
Ngày tham khảo: 18/12/2021