Dopamine: Không chỉ đơn giản là hormone hạnh phúc?
Nội dung bài viết
Dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh cực kỳ quan trọng đối với hoạt động trong não của bạn. Bất cứ khi nào bạn muốn tìm hiểu bất cứ điều gì về khoa học thần kinh, dopamine luôn xuất hiện trong cuộc thảo luận. Hóa chất này là một trong những thành phần trung tâm cho mọi hoạt động của não bộ. Không chỉ đơn giản là hormone hạnh phúc, nếu không có dopamine, bạn sẽ mất hầu hết các hành động của của con người và mối quan hệ giữa các cá nhân. Sau đây, mời bạn cùng Bác sĩ Đào Thị Thu Hương tìm hiểu về dopamine qua bài viết sau nhé.
Dopamine là gì?
Dopamine là một loại chất dẫn truyền thần kinh. Cơ thể bạn tạo ra nó để hệ thống thần kinh sử dụng. Mục đích là để gửi tín hiệu giữa các tế bào thần kinh. Đó là lý do tại sao nó đôi khi được gọi với tên “chất truyền tin hóa học”.
Giống như hầu hết các hormone khác trong cơ thể, bạn không thể nhận biết nó cho đến khi có vấn đề. Quá nhiều hoặc quá ít dopamine có thể dẫn đến nhiều tình trạng sức khỏe, một số bệnh nghiêm trọng như bệnh Parkinson.
Dopamine được tạo ra như thế nào?
Hormone dopamine được tạo ra trong não thông qua 2 quá trình. Đầu tiên, axit amin tyrosine được chuyển hóa thành một chất gọi là Levodopa (L-Dopa), một tiền chất của dopamine. Sau đó sẽ tạo thành dopamine.
Dopamine rất quan trọng vì có thể ảnh hưởng đến nhiều phần hành vi hằng ngày và hoạt động thể chất của bạn. Ví dụ, nó đóng vai trò tác động đến cách chúng ta di chuyển, cũng như những gì chúng ta ăn, cách chúng ta học và thậm chí liệu chúng ta có nghiện thuốc hay không. Tóm lại, các tác dụng có thể bao gồm:
- Học tập.
- Tinh thần tạo động lực, tập trung, vui vẻ.
- Nhịp tim, mạch máu.
- Chức năng thận.
- Tiết sữa.
- Ngủ.
- Kiểm soát buồn nôn và nôn.
- Xử lý đau.
- Chuyển động.
Dopamine ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể?
Chuyển động
Có 2 vùng não rất mỏng và nhỏ chịu trách nhiệm sản xuất dopamine. Nhưng đặc điểm chung là dopamine được tạo ra đều truyền tín hiệu đến khắp não bộ. Dopamine từ vùng thứ thứ nhất giúp chúng ta bắt đầu chuyển động và nói. Khi các tế bào não tạo ra dopamine trong khu vực này bắt đầu tổn thương, cụ thể hơn là thoái hóa, bạn có thể gặp khó khăn khi bắt đầu chuyển động. Đây chỉ là một trong nhiều triệu chứng ảnh hưởng tới những người mắc bệnh Parkinson. Nó là một bệnh lý được biết đến nhiều nhất với chứng run không thể kiểm soát.
Xem thêm: Cortisol: Hormone giảm stress và những điều nên biết.
Trạng thái được nhận phần thưởng
Dopamine từ vùng não thứ hai thường không giúp chúng ta di chuyển. Thay vào đó, khu vực này thường sản xuất dopamine khi động vật (bao gồm cả con người) mong đợi hoặc nhận được phần thưởng. Phần thưởng đó có thể là một tô cơm ngon lành hoặc bài hát yêu thích. Sự giải phóng dopamine này cho não biết rằng bất cứ điều gì nó vừa trải qua đều đáng được hưởng thụ nhiều hơn. Và điều đó sẽ giúp động vật và cả con người thay đổi hành vi theo cách giúp bản thân đạt được nhiều phần thưởng hoặc kinh nghiệm bổ ích hơn.
Dopamine cũng giúp củng cố – thúc đẩy con người lặp lại một việc gì đó. Một nghiên cứu cho thấy dopamine là chất khiến động vật thí nghiệm nhấn liên tục vào đòn bẩy để có được những mẩu thức ăn ngon. Và đó là một phần lý do tại sao con người tìm đến một tô cơm ngon khác. Phần thưởng và sự lặp lại hành vi giúp chúng ta biết nơi để tìm những thứ quan trọng như thức ăn hoặc nước uống.
Dopamine thậm chí còn ảnh hưởng đến tâm trạng. Những điều bổ ích có xu hướng khiến chúng ta cảm thấy tốt đẹp. Giảm dopamine có thể khiến con người mất đi niềm vui trong các hoạt động hằng ngày như ăn uống, vui chơi.
Nhờ vai trò này, dopamine cũng giúp con người tập trung vào mọi thứ bổ ích. Do đó, nó giúp bạn học tập hay làm việc hiệu quả hơn.
Gây nghiện
Nhưng dopamine có điểm bất lợi. Các loại thuốc gây nghiện như cocaine, nicotine và heroin làm tăng lượng dopamine rất nhiều. Cảm giác “phê” của mọi người khi họ sử dụng ma túy một phần đến từ lượng dopamine tăng đột ngột nhanh chóng. Điều này thúc đẩy mọi người tìm kiếm những loại thuốc đó thêm nhiều lần hơn nữa. Mặc dù chúng có hại.
Vai trò của dopamine trong sức khỏe tâm thần
Thật khó để xác định một nguyên nhân duy nhất của hầu hết các rối loạn về sức khỏe tâm thần. Nhưng chúng thường liên quan đến quá nhiều hoặc quá ít dopamine trong các vùng của não. Nếu quá ít phân tử dopamine được giải phóng vào thời điểm không đúng, bệnh Parkinson có thể tiến triển. Trong khi lượng dư thừa có thể khiến những việc nhỏ nhặt trở nên rắc rối do dễ bị hưng phấn hay ảo giác. Một số rối loạn thường gặp bao gồm:
Tâm thần phân liệt
Từ nhiều thập kỷ trước, các nhà nghiên cứu đã tin rằng các triệu chứng bắt nguồn từ một hệ thống hoạt động tiết quá nhiều dopamine. Bây giờ, một trong số những nguyên nhân của bệnh tâm thần phân liệt là do quá nhiều hormone này trong một số bộ phận của não. Điều này sẽ dẫn đến ảo giác và hoang tưởng. Ngược lại, nếu thiếu dopamine ở các vùng não khác có thể gây ra những dấu hiệu khác nhau như thiếu động lực và cố gắng.
Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)
Không ai biết chính xác nguyên nhân gây ra bệnh này. Một số nghiên cứu cho thấy nó có thể là do sự thiếu hụt dopamine liên quan đến gen. Đây là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ có những hành vi hiếu động quá mức đi kèm sự suy giảm khả năng chú ý. Căn bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập và gây khó khăn trong quan hệ với mọi người. Thuốc điều trị ADHD có tác dụng bổ sung thêm dopamine cho cơ thể.
Lạm dụng hay nghiện thuốc
Các loại dược phẩm có chứa cocaine có thể gây ra sự gia tăng nhanh chóng dopamine trong não của bạn. Điều đó sẽ khiến bản thân bạn cảm thấy thỏa mãn về cuộc sống một cách đáng kể. Nhưng việc sử dụng những loại thuốc có cocaine nhiều lần cũng làm tăng ngưỡng cho loại khoái cảm này. Có nghĩa là bạn cần phải sử dụng lượng ngày càng nhiều hơn để đạt được mức cảm xúc tương tự. Trong khi đó, thuốc sẽ làm cho cơ thể bạn giảm khả năng tổng hợp dopamine một cách tự nhiên. Dẫn đến tinh thần sẽ suy giảm khi bạn tỉnh táo.
Sự liên quan của dopamine trong các bệnh khác
Bệnh Parkinson
Dopamine cho phép các tế bào thần kinh trong não của bạn truyền đạt và kiểm soát tín hiệu chuyển động. Trong bệnh Parkinson, một loại tế bào thần kinh bị thoái hóa dần dần. Do đó, nó không có gửi tín hiệu nữa. Lúc này, cơ thể phản ứng lại bằng cách tạo ra ít dopamine hơn. Sự mất cân bằng lượng dopamine trong cơ thể gây ra các triệu chứng thể chất. Chúng bao gồm run, co cứng, chậm vận động tự ý, khả năng giữ thăng bằng và phối hợp kém.
Các triệu chứng này có thể giảm bằng cách sử dụng một vài loại thuốc làm tăng nồng độ hormone này. Để di chuyển bình thường, bệnh nhân Parkinson sử dụng một số loại thuốc cho phép họ tạo ra nhiều dopamine hơn. Một phương pháp điều trị khác là cấy ghép dụng cụ kích thích các vùng sâu bên trong não.
Béo phì
Hầu hết mọi lúc, nếu bạn nạp nhiều calo hơn mức cần thiết, cơ thể sẽ tăng cân. Vậy có khi bạn đặt câu hỏi: Tại sao những người béo phì không thể đơn giản là ăn ít hơn thì sẽ gầy đi? Câu trả lời không hề đơn giản.
Họ có thể gặp phải những trở ngại mà những người khác không có. Họ có thể gặp vấn đề với quá trình tạo ra cảm xúc hài lòng tự nhiên của cơ thể. Điều này có thể ảnh hưởng đến lượng thức ăn họ ăn trước khi cảm thấy hài lòng. Các tài liệu hình ảnh cho thấy ở những người bị tình trạng này, cơ thể có thể không giải phóng đủ dopamine và một loại hormone tạo cảm xúc tích cực khác là serotonin.
Dopamine có thể cứu mạng
Hormone này bình thường có thể chỉ đóng một vai trò thứ yếu trong cơ thể. Nhưng trong một số tình huống, nó thật sự là một chiếc phao cứu sinh. Các bác sĩ sử dụng dopamine để điều trị những tình huống sau:
- Huyết áp thấp.
- Tim không bơm đủ máu ra ngoài.
- Giảm máu đến các cơ quan quan trọng, nhất là não.
- Một số trường hợp sốc nhiễm trùng.
Vẫn có thể xảy ra các biến chứng khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Ngay cả khi được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế. Những tác dụng phụ liên quan đến dopamine bao gồm:
- Nhịp tim không đều hoặc đập nhanh hơn.
- Khó thở.
- Đau ngực.
- Buồn nôn và nôn.
- Đau đầu.
Có nhiều loại thuốc tương tác lẫn nhau. Điều quan trọng là bác sĩ phải biết tất cả các loại thuốc bạn dùng để tư vấn thích hợp.
Các hoạt động có thể làm tăng dopamine một cách tự nhiên
Âm nhạc mang lại cho chúng ta năng lượng và sự tích cực
Âm nhạc có sức mạnh giúp chúng ta cảm thấy tốt hơn rất nhiều. Tất cả những gì bạn phải làm là tìm kiếm một bản nhạc lạc quan mà mình thích, ngồi xuống và tận thưởng.
Nhảy và khiêu vũ
Khiêu vũ giúp chúng ta kết nối với tâm hồn của mình. Nó cũng giúp bạn tăng trí nhớ và tất nhiên là giảm cân. Khiêu vũ sẽ giảm bớt căng thẳng và giúp chúng ta tăng tính linh hoạt, sức đề kháng và sức bền với các hoạt động thể lực.
Mát-xa
Mát-xa giúp chúng ta giải tỏa căng thẳng và cũng làm tăng dopamine trong cơ thể. Hãy thử các liệu pháp thư giãn hoặc mát-xa toàn thân sau một tuần làm việc, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều.
Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục thường xuyên được chứng minh là một cách cung cấp dopamine tốt tự nhiên. Các hoạt động như chạy, bơi lội hoặc chơi những môn thể thao đồng đội sẽ giúp chúng ta tạo ra dopamine và hình thành một lối sống lành mạnh.
Khi não tiết ra dopamine để phản ứng với các kích thích tự nhiên, niềm hạnh phúc mà chúng ta cảm thấy là có thật. Ngược lại, khi nó là sản phẩm của sự kích hoạt bởi một loại thuốc, đây được xem như “hạnh phúc” nhân tạo. Dopamine là chất liên quan nhiều nhất đến cảm giác sung sướng và động lực để tìm kiếm niềm vui đó. Không chỉ vậy, dopamine cũng đóng vai trò quan trọng đối với nhiều hoạt động khác của cơ thể.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What Is Dopamine?https://www.webmd.com/mental-health/wha2020t-is-dopamine#2
Ngày tham khảo: 14/08/2020
-
Explainer: What is dopamine?https://www.sciencenewsforstudents.org/article/explainer-what-dopamine
Ngày tham khảo: 14/08/2020
-
Dopamine: Far more than just the 'happy hormone'https://www.sciencedaily.com/releases/2016/08/160831085320.htm
Ngày tham khảo: 14/08/2020