YouMed

Bấm huyệt dễ ngủ và những lưu ý khi thực hiện

Bác sĩ Nguyễn Thị Lệ Quyên
Tác giả: ThS.BS Nguyễn Thị Lệ Quyên
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Mất ngủ là triệu chứng thường gặp ở nhiều người. Đặc biệt, ngày nay tình trạng này xuất hiện sau nhiễm COVID-19 khá nhiều. Mất ngủ khiến cơ thể mệt mỏi và làm giảm năng suất lao động cũng như chất lượng cuộc sống. Bấm huyệt là phương pháp không dùng thuốc của y học cổ truyền đã được sử dụng từ lâu đời. Bấm huyệt cho thấy hiệu quả tích cực trong việc cải thiện tình trạng mất ngủ. Cùng ThS.BS Nguyễn Thị Lệ Quyên tìm hiểu về phương pháp bấm huyệt dễ ngủ qua bài viết dưới đây.

Mất ngủ là gì?

Mất ngủ là rối loạn giấc ngủ phổ biến có thể bao gồm:

  • Ngủ không sâu giấc.
  • Khó đi vào giấc ngủ, phải nằm lâu mới ngủ được.
  • Thức dậy quá sớm, không thể quay lại giấc ngủ, cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy.

Mất ngủ gây tình trạng mệt mỏi khó chịu ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu suất làm việc và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Thiếu ngủ mãn tính có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh bao gồm béo phì, tim mạch, trầm cảm và đái tháo đường. Mệt mỏi do mất ngủ gây ra có thể làm tăng khả năng bị thương, như khi lái xe buồn ngủ hoặc vận hành máy móc nặng mà không có sự tập trung.

Mất ngủ là tình trạng khá phổ biến ở nhiều người
Mất ngủ là tình trạng khá phổ biến ở nhiều người

Nguyên nhân mất ngủ

Áp lực trong cuộc sống khiến não bộ hoạt động nhiều về đêm, gây khó ngủ. Các vấn đề căng thẳng trong cuộc sống hoặc chấn thương tâm lí hoặc các vấn đề liên quan đến giấc ngủ như:

  • Lịch đi ngủ không đúng.
  • Hoạt động quá sức trước khi ngủ.
  • Môi trường ngủ không thoải mái.
  • Hoặc sử dụng giường là nơi làm việc, ăn hoặc xem TV trên giường.
  • Sử dụng máy tính, trò chơi video, điện thoại thông minh hoặc màn hình khác trước khi đi ngủ có thể cản trở chu kỳ giấc ngủ.

Ăn quá no vào buổi tối cũng gây khó ngủ. Hoặc tình trạng ợ nóng, ợ trớ ở một số người gây mất ngủ kéo dài.

Rối loạn nhịp sinh học của cơ thể bao gồm sống hoặc di chuyển qua các múi giờ khác nhau, làm việc muộn hay sớm quá hoặc thay đổi giờ giấc thường xuyên cũng khiến giấc ngủ của bạn bị rối loạn.

Hiệu quả của bấm huyệt trong việc giúp ngủ ngon

Bấm huyệt có tác dụng kích hoạt lưu lượng máu động mạch và tĩnh mạch trong hệ thống bạch huyết, trong mô liên kết và cơ. Từ đó, giúp cơ bắp được thư giãn và làm tăng tác dụng an thần. Động tác bấm kích thích các cơ quan thụ cảm về xúc giác, áp lực, nhiệt, rung, đau và được dẫn truyền qua hệ thống thần kinh tự động và ngoại vi đến hệ thống thần kinh trung ương (tủy sống và não).2

Sự kích thích này có tác dụng điều chỉnh các rối loạn liên quan. Từ đó, tạo ra các tác dụng như: thư giãn, cải thiện giấc ngủ, giảm nhịp tim, nhịp thở và phục hồi cân bằng nội môi. Nhờ vậy, khiến cơ thể đi vào giấc ngủ nhanh hơn.2

Bấm huyệt dễ ngủ là phương thức trị liệu an toàn
Bấm huyệt dễ ngủ là phương thức trị liệu an toàn

Các huyệt bấm giúp ngủ ngon

Huyệt An miên

Đây là một trong những huyệt cơ bản để điều trị chứng mất ngủ. Ngoài ra huyệt này cũng sử dụng để giảm lo lắng, chóng mặt và đau đầu.

Huyệt nằm ngay bên cổ. Huyệt được xác định bằng cách đặt một ngón tay sau mỗi dái tai và di chuyển ngón tay ngay sau phần nhô ra của xương.

Một số nghiên cứu cho thấy huyệt này khi phối hợp với các huyệt khác như: thần môn, nội quan, tam âm giao giúp cải thiện đáng kể tình trạng mất ngủ do trầm cảm.3

Huyệt Thần môn

Huyệt Thần môn nằm ở bờ trong cổ tay, trên đường lằn cổ tay, tại chỗ lõm phía ngoài gân cơ trụ trước và góc ngoài bờ trên xương trụ.

Một nghiên cứu năm 2010, cho thấy kết quả khả quan khi sử dụng huyệt Thần môn để giúp giảm chứng mất ngủ. Nghiên cứu thực hiện trên 50 người lớn tuổi đã trải qua chứng rối loạn giấc ngủ. Một nhóm được bấm huyệt Thần môn trên hai cổ tay trong 5 tuần. Một nhóm khác chỉ nhận được một sự chạm nhẹ ở cùng vị trí. Kết quả cho thấy nhóm được bấm huyệt có điểm số giấc ngủ tốt hơn đáng kể, không chỉ trong thời gian thử nghiệm mà còn 2 tuần sau đó.4

Một nghiên cứu khác, liên quan đến những người trưởng thành mắc bệnh Alzheimer và rối loạn giấc ngủ. Nghiên cứu cho thấy việc bấm huyệt mỗi ngày vào huyệt Thần môn đã cải thiện độ dài và chất lượng của giấc ngủ. Đồng thời, còn làm giảm các triệu chứng rối loạn giấc ngủ.5

Bấm huyệt Thần môn cho thấy hiệu quả trong việc giúp ngủ ngon
Bấm huyệt Thần môn cho thấy hiệu quả trong việc giúp ngủ ngon

Huyệt Tam âm giao

Huyệt này nằm ở sát bờ sau – trong xương chày, bờ trước cơ gấp dài các ngón chân và cơ cẳng chân sau. Hoặc đo từ đỉnh cao của mắt cá chân trong đo lên 3 thốn.

Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy tác dụng tích cực của bấm huyệt Tam âm giao đối với tình trạng mệt mỏi và chất lượng giấc ngủ ở người hậu ung thư vú. Thói quen bấm huyệt này đã cải thiện giấc ngủ và chất lượng cuộc sống của những người tham gia so với các liệu trình bấm huyệt và chăm sóc thông thường khác.6

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, phụ nữ mang thai nên tránh sử dụng huyệt Tam âm giao.7

Huyệt Thái xung

Huyệt nằm ở khe giữa ở ngón chân cái và ngón thứ 2. Từ vị trí khe giữa đo lên 1.5 thốn là vị trí của huyệt Thái xung.

Các nghiên cứu cho thấy tình trạng mệt mỏi và chất lượng giấc ngủ cải thiện rõ ở những người sống sót sau ung thư vú khi bấm huyệt này trong 3 phút.6

Huyệt Thái khê

Huyệt nằm ngay sau mắt cá chân trong, tại vùng lõm gần với gót chân.

Năm 2014, nghiên cứu về việc sử dụng Thái khê và Thần môn cho thấy bấm vào những huyệt này đã cải thiện chất lượng giấc ngủ ở người trung niên và lớn tuổi bị tăng huyết áp . Nó cũng có hiệu quả trong việc giảm huyết áp.8

Huyệt Ấn đường

Huyệt này ở chính giữa hai đầu lông mày, ngay trên mũi. Ấn huyệt này có thể giúp giảm chứng mất ngủ và các vấn đề khác, bao gồm :

  • Nỗi sợ hãi.
  • Sự kích động.
  • Bồn chồn.

Lưu ý khi sử dụng bấm huyệt dễ ngủ

Phương pháp bấm huyệt giúp ngủ ngon khá an toàn với người bệnh. Thường được chỉ định trong các trường hợp mất ngủ không thực tổn.

Để việc chữa mất ngủ được hiệu quả. Bên cạnh việc bấm huyệt chữa mất ngủ người bệnh cần lưu ý tránh các nguyên nhân gây căng thẳng tinh thần gây mất ngủ. Đồng thời hạn chế sử dụng các chất kích thích như trà, cà phê, rượu bia, thuốc lá,..

Không ăn no trước khi ngủ. Ngâm chân nước ấm có pha chút muối và gừng trước khi ngủ cũng giúp thúc đẩy lưu thông máu, thư giãn giúp ngon, sâu giấc hơn.

Người bệnh muốn việc điều trị mất ngủ có hiệu quả, có thể kết hợp với các phương pháp khác của y học cổ truyền như:

  • Thuốc Y học cổ truyền: Tùy thuộc vào triệu chứng bệnh, thầy thuốc sẽ xác định thể bệnh và cho ra một phương thang thích hợp.
  • Các phương pháp không dùng thuốc khác như: châm cứu, nhĩ châm, cấy chỉ, dưỡng sinh

Bấm huyệt dễ ngủ là một trong những cách trị liệu được sử dụng phổ biến và cho thấy hiệu quả. Trước khi thực hiện, người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ để xác định rõ nguyên nhân. Đặc biệt ở phụ nữ có thai và trẻ em nên thận trọng khi áp dụng để tránh những tác hại không mong muốn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Sleep Deprivation and Deficiencyhttps://www.nhlbi.nih.gov/health-topics/sleep-deprivation-and-deficiency

    Ngày tham khảo: 27/02/2022

  2. The beneficial effects of massage therapy for insomnia in postmenopausal womenhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4521661/

    Ngày tham khảo: 27/02/2022

  3. Effects of acupuncture treatment on depression insomnia: a study protocol of a multicenter randomized controlled trialhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3575360/

    Ngày tham khảo: 27/02/2022

  4. Effectiveness of acupressure for residents of long-term care facilities with insomnia: a randomized controlled trialhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/20056221/

    Ngày tham khảo: 27/02/2022

  5. Acupressure in insomnia and other sleep disorders in elderly institutionalized patients suffering from Alzheimer's diseasehttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24878886/

    Ngày tham khảo: 27/02/2022

  6. Investigation of 2 Types of Self-administered Acupressure for Persistent Cancer-Related Fatigue in Breast Cancer Survivors. A Randomized Clinical Trialhttps://jamanetwork.com/journals/jamaoncology/fullarticle/2532352

    Ngày tham khảo: 27/02/2022

  7. Contemporary acupressure therapy: Adroit cure for painless recovery of therapeutic ailmentshttps://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S222541101630044X

    Ngày tham khảo: 27/02/2022

  8. Effect of acupressure on sleep quality of middle-aged and elderly patients with hypertensionhttps://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2352013214001057

    Ngày tham khảo: 27/02/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người