YouMed

Bật mí cách bấm huyệt lưu thông khí huyết hiệu quả cho bạn

Bác sĩ PHẠM LÊ PHƯƠNG MAI
Tác giả: Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Từ xa xưa, vai trò của khí huyết trong điều trị đông y chiếm tầm quan trọng rất lớn. Một vài nhận định còn cho rằng, sự rối loạn yếu tố này dường như là nguyên nhân của hầu hết các bệnh lý. Vì vậy, các phương pháp hỗ trợ tăng cường khí huyết đã ra đời và mang đến nhiều lợi ích. Trong đó, bấm huyệt lưu thông khí huyết ngày càng nhận được sự tin tưởng và phổ biến rộng rãi hơn. Sau đây, mời bạn tham khảo bài viết của Bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai để có thêm nhiều thông tin về liệu pháp này nhé!

Tổng quan về tình trạng lưu thông khí huyết

Khái niệm

Theo đông y, “khí” là khái niệm để nói đến năng lượng vật chất trong cơ thể. Chúng vận động liên tục, có vai trò điều tiết sự trao đổi chất và các chuyển hóa để duy trì sự sống… Còn “huyết” mang hàm ý là máu, sản sinh ra từ thức ăn, đồ uống được chuyển hóa, nuôi dưỡng toàn cơ thể. Mối liên hệ giữa khí huyết rất chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau; khí huyết cùng lưu hành thông suốt thì con người mới khỏe mạnh.1

Biểu hiện của lưu thông khí huyết kém

Tùy theo vị trí bệnh mà sẽ có các biểu hiện không giống nhau, một số triệu chứng chung như:

  • Khí huyết hư nhược: Người mệt mỏi, thiếu sức sống, hụt hơi, tiếng nói nhỏ, da niêm móng nhợt nhạt, hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ, rối loạn kinh nguyệt… Nguyên nhân thường do ăn uống kém, bệnh lâu ngày không khỏi, già yếu…
  • Khí huyết ứ trệ: Là sự lưu hành bị ngưng đọng, đình trệ. Tổn thương ở vị trí nào thì nơi đó sẽ có cảm giác đau, tê mỏi, sưng, viêm… Nguyên nhân thường do chấn thương, vận động sai tư thế, ngoại tà xâm nhập,…

Xem thêm: Huyết lình: Thực hư về công dụng của vị thuốc lạ

Khí huyết không thông thường gây những mệt mỏi và khó chịu cho người bệnh
Khí huyết không thông thường gây những mệt mỏi và khó chịu cho người bệnh

Tác dụng của bấm huyệt lưu thông khí huyết

Khái niệm về bấm huyệt

“Huyệt” được đông y mô tả là vị trí hội tụ kinh lạc, khí huyết lưu thông trong cơ thể. Nơi này có sự liên kết với tạng phủ, có thể dựa vào để chẩn đoán và điều trị bệnh.2

“Bấm” là thao tác dùng tay (ngón tay, bàn tay, khuỷu tay…) tạo áp lực lên trị trí cụ thể. Ngoài ra, thầy thuốc còn có thể ấn, day tròn, điểm huyệt… tùy theo vùng da và mục đích điều trị.2

Như vậy, thủ thuật “bấm huyệt” giúp kích thích huyệt đạo, từ đó tăng lưu thông mạch máu, thần kinh… Tác động lên cả bộ phận hay toàn bộ cơ thể.

Tác dụng của bấm huyệt lưu thông khí huyết

Tăng lượng máu lưu thông đến các cơ quan, tạng phủ, giảm đau đầu, chóng mặt… do tuần hoàn kém.3

Tăng tuần hoàn tại chỗ, tạo điều kiện nhanh phục hồi cơ quan bị tổn thương như yếu liệt chi do tai biến, tổn thương thần kinh…

Thư giãn cơ, giảm đau nhức, tê, mỏi cơ xương khớp, căng thẳng mệt mỏi, phù nề… Do phương pháp có thể đánh tan sự ứ trệ, tắc nghẽn của khí huyết; đồng thời thúc đẩy sản sinh hormone thần kinh giảm đau như endorphin3

Phòng ngừa nguy cơ và cải thiện rối loạn cơ quan, nội tạng như tim, não, thận, tiêu hóa, tiết niệu, hô hấp… Bởi bấm huyệt sẽ kích thích máu vận hành khắp cơ thể, tránh ứ đọng hay huyết khối…

Thúc đẩy quá trình chuyển hóa năng lượng và oxy, tăng tốc độ hấp thu dưỡng chất cũng như thải độc tố, chất cặn bã…

Săn chắc cơ mặt, tạo độ đàn hồi, thúc đẩy tạo collagen, làm chậm sự lão hóa, da dẻ mịn màng, hồng hào…3

Ngoài ra, theo Y học cổ truyền, bấm huyệt lưu thông khí huyết còn được ứng dụng nhằm thông kinh hoạt lạc, cân bằng âm dương, trừ ngoại tà…

Bấm huyệt lưu thông khí huyết có thể giúp phòng ngừa và cải thiện sức khỏe
Bấm huyệt lưu thông khí huyết có thể giúp phòng ngừa và cải thiện sức khỏe

Cách bấm huyệt lưu thông khí huyết

Theo tài liệu, hầu hết các bệnh lý đều có thể lựa chọn bấm huyệt như là phương pháp trị liệu. Chính vì vậy, thầy thuốc có thể chỉ định liệu pháp cho đối tượng có các biểu hiện của việc lưu thông khí huyết kém (đã được trình bày ở trên).

Lưu ý, mỗi huyệt đạo nên được thao tác khoảng 1 – 2 phút/lần và lặp lại 2 – 3 lần/ngày. Thông thường, liệu trình bấm huyệt kéo dài khoảng 10 – 20 ngày, nếu chưa đạt được kết quả mong muốn có thể lặp lại liệu trình này 2 – 3 lần, tùy theo bệnh. Đặc biệt, cần dựa vào tình trạng cụ thể trực tiếp, để linh hoạt chọn công thức huyệt phù hợp.

Ưu tiên lựa chọn A thị huyệt, huyệt tại chỗ và huyệt theo đường kinh, ở vị trí mà người bệnh khó chịu.3

Khí trệ ở tạng Phế:

  • Gây ho: Phế du, Liệt khuyết, Thái uyên, Xích trạch…
  • Hen: Phế du, Chiên trung, Thiên đột, Phong long…

Khí trệ ở tạng Tỳ:

  • Nôn mửa: Trung quản, Nội quan, Túc tam lý, Công tôn
  • Nấc: Cách du, Nội quan, Túc tam lý…
  • Đầy bụng: Tỳ du, Túc tam lý, Thái bạch.

Ngoài ra, muốn bổ khí huyết thì có thể chọn huyệt: Quan nguyên, Đản trung, Khí hải, Trung quản, Túc tam lý, Tam âm giao, Cách du, Can du, Tỳ du, Phế du, Thận du, Cao hoang, Huyết hải…5

Một số vị trí huyệt đạo lưu thông khí huyết thường dùng

A thị huyệt: Thường biểu hiệu khí huyết không thông, ứ trệ. Xác định bằng các ấn tại vùng nào người bệnh kêu “a”, đau, tức, khó chịu…

Quan nguyên: Từ lỗ rốn đo thẳng xuống 3 thốn, huyệt nằm trên đường thẳng giữa bụng.

Đản trung: Là huyệt giao điểm của khoang liên sườn 4 – 5 với đường thẳng giữa ngực.

Khí hải: Từ lỗ rốn đo thẳng xuống 1,5 thốn, được xem là “biển của nguyên khí”, cung cấp năng lượng dồi dào cho sự sống.

Trung quản: Nằm trên đường thẳng dọc giữa bụng, từ rốn đo thẳng lên 4 thốn.

Túc tam lý: Từ hõm dưới ngoài khớp gối đo xuống 3 thốn, cách mào chày 1 thốn phía ngoài.

Tam âm giao: Từ mắt đỉnh mắt cá trong, đo lên 3 thốn.

Huyết hải: Điểm giữa bờ trên xương bánh chè, đo lên 1 thốn rồi vào trong 2 thốn, ở mặt trong đùi.

Một số vị trí huyệt hỗ trợ lưu thông khí huyết hiệu quả
Một số vị trí huyệt hỗ trợ lưu thông khí huyết hiệu quả

Lưu ý khi bấm huyệt lưu thông khí huyết

Có thể tự bấm huyệt tại nhà không?

Bấm huyệt lưu thông khí huyết dù với mục đích trị bệnh hay nâng cao sức khỏe cũng cần phải được thực hiện dưới sự hiểu biết nhất định về y học. Để đạt được kết quả khả quan đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức, trình độ nhằm xác định huyệt đạo và vận dụng lực tay chính xác. Vì vậy, dù tiến hành phương pháp này ở đâu cũng cần tham khảo kỹ lưỡng ý kiến từ người có chuyên môn.

Kiêng cử khi bấm huyệt

Đầu tiên, thầy thuốc cần phải đưa ra nhận định, chẩn đoán về tình trạng bệnh nhân. Bởi không phải đối tượng nào cũng có thể thực hiện cách trị liệu này, cụ thể như:

  • Những người đang trong tình trạng cấp cứu, phải được xử lý ngay như chấn thương nặng, chảy máu nhiều, không tỉnh táo, bệnh lý ngoại khoa, khó thở nặng…2
  • Trên vùng da bấm huyệt đang có những tổn thương như mụn nhọt, lở loét, u hạch,…2
  • Người đang lơ mơ, say xỉn, quá đói, quá no…2

Trong quá trình thực hiện phải theo dõi và quan sát phản ứng của đối tượng. Thông thường, nếu bấm đúng huyệt, người bệnh sẽ có cảm giác tê nặng, căng tức… nhưng dễ chịu, thoải mái. Chú ý, nên dừng ngay lập tức nếu xuất hiện những khó chịu, đau đớn nào bất thường.

Cần phải định vị tương đối chính xác vị trí huyệt cũng như hiểu rõ công dụng của chúng. Ngoài ra, lực tay tác động cần vừa phải, không nên quá mạnh dễ gây bầm tím, đau… Cũng không nên quá nhẹ, bởi sẽ không có tác dụng.

Tùy vào trạng thái bệnh mà lợi ích của bấm huyệt lưu thông khí huyết thường không đến tức thì mà cần phải có thời gian kiên trì, nhẫn nại áp dụng.

Những phương pháp đông y khác giúp khí huyết lưu thông

Dược liệu

Trong y học cổ truyền, có những dược liệu, bài thuốc mang đến tác dụng bổ khí huyết hay hỗ trợ tuần hoàn vận hành mạnh mẽ. Có thể kể đến như:

Châm cứu và xoa bóp

Từ lâu, châm cứu và xoa bóp cũng được xem là tinh hoa, cốt lõi của Y học cổ truyền. Tại vị trí cụ thể, châm là sử dụng kim châm; cứu là dùng nhiệt độ, sức nóng của điếu ngải cứu nhằm kích thích phản ứng cơ thể.6

Bên cạnh đó, xoa bóp là dùng lực bàn tay với kỹ thuật như bấm huyệt nhưng vùng tác động rộng hơn…

Những thủ thuật này cũng có ảnh hưởng lên huyệt đạo, da cơ, xương khớp… Từ đó mà cải thiện lưu thông khí huyết, thông kinh lạc, bồi dưỡng tạng phủ, điều hòa âm dương… với phác đồ huyệt thường tương tự như bấm huyệt.6

Châm cứu cũng là phương pháp đông y giúp lưu thông khí huyết thông kinh hoạt lạc
Châm cứu cũng là phương pháp đông y giúp lưu thông khí huyết thông kinh hoạt lạc

Yoga, dưỡng sinh

Dưỡng sinh, yoga, khí công… là kỹ thuật vận dụng kết hợp giữa động tác toàn thân và hơi thở. Với mục đích giúp tuần hoàn lưu chuyển thông suốt, nhờ đó mà phòng và điều trị bệnh hiệu quả.1

Xem thêm: Bài tập yoga cho người huyết áp thấp an toàn, hiệu quả cao

Hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bạn những thông tin hữu ích về bấm huyệt lưu thông khí huyết. Quả thực, đây là phương pháp mang lại nhiều lợi ích, rủi ro thấp, không xâm lấn hay gây đau đớn. Song, bạn cũng cần tham khảo ý kiến từ các chuyên gia có chuyên môn và uy tín để có được hiệu quả điều trị như mong muốn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Quan niệm và giải pháp cải thiện bệnh lý về khí huyết theo y học cổ truyềnhttps://suckhoedoisong.vn/quan-niem-va-giai-phap-cai-thien-benh-ly-ve-khi-huyet-theo-y-hoc-co-truyen-169164929.htm

    Ngày tham khảo: 14/10/2021

  2. Trường đại học Y Hà Nội (2004). Xoa bóp bấm huyệt, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.

  3. Lợi ích từ phương pháp châm cứu, bấm huyệthttps://suckhoedoisong.vn/loi-ich-tu-phuong-phap-cham-cuu-bam-huyet-169142931.htm

    Ngày tham khảo: 14/10/2021

  4. Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam (2011). Giáo trình châm cứu

  5. Day ấn huyệt bổ khí huyết, cường tráng cơ thểhttps://khoahocdoisong.vn/day-an-huyet-bo-khi-huyet-cuong-trang-co-the-144948.html

    Ngày tham khảo: 14/10/2021

  6. Trường Đại học Y Hà Nội (2005). Bài giảng Y học cổ truyền. NXB Y học, Hà Nội.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người