YouMed

Bấm huyệt chữa viêm amidan có hiệu quả như thế nào?

Bác sĩ PHẠM LÊ PHƯƠNG MAI
Tác giả: Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Amidan là cơ quan góp phần hình thành hệ miễn dịch của cơ thể trước các tác nhân bất lợi. Hiện nay, tình trạng amidan bị tổn thương dần xuất hiện phổ biến và ảnh hưởng sinh hoạt người bệnh. Cùng với tây y, đông y đã đóng góp nhiều phương pháp hỗ trợ, làm giảm sự khó chịu này. Trong đó, bấm huyệt chữa viêm amidan được ghi nhận với nhiều lợi ích và dễ thực hiện. Vậy, liệu pháp này có thực sự hiệu quả? Cách thực hiện đúng là gì? Mời bạn cùng bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Bệnh viêm amidan dưới góc nhìn Y học cổ truyền

Khái niệm

Theo Y học cổ truyền, viêm amidan cấp được mô tả trong chứng “hầu nga”, “phong nhiệt nhũ nga”. Bệnh này có thể là đợt cấp trong vài ngày hoặc tái phát nhiều lần dẫn đến mạn tính, gọi là “hư hỏa nhũ nga”.1

Phân biệt amidan bình thường và amidan khi bị viêm
Phân biệt amidan bình thường và amidan khi bị viêm

Nguyên nhân

Ngoại tà (phong nhiệt, phong hàn) thừa cơ xâm nhập, làm tắc trở kinh lạc, uất kết vùng hầu họng. Lúc này, tân dịch sẽ bị nhiệt thiêu đốt thành đàm. Thể bệnh này gồm các triệu chứng nhẹ khác kèm theo như khô họng, nuốt đau, nuốt khó, sốt, mệt mỏi, đau đầu…

Do nhiệt độc ở Phế Vị thịnh, hỏa bốc lên trên. Thể bệnh này thường nặng hơn do sốt cao, amidan sưng to, có thể loét hoặc tụ mủ, ăn uống khó khăn, nổi hạch…2

Ẩm thực không điều độ (rượu bia, đồ ngọt, dầu mỡ nhiều…) tích tụ nhiệt độc gây bệnh vùng hầu họng.

Cơ địa hư, bệnh lâu ngày, tái phát nhiều lần… khiến tạng phủ (Phế khí và Phế âm) tổn thương tạo ra hư hỏa mà gây bệnh. Lúc này, dấu hiệu có thể gồm sốt nhẹ, ho khan, ảnh hưởng đến chức năng nuốt, ngủ ngáy2

Như vậy, dựa vào các nguyên nhân trên, phương hướng điều trị của bệnh lý này sẽ chú trọng vào sơ phong, thanh nhiệt, tiêu sưng, lợi yết, tiêu thủng, bổ phế, giải biểu…1 2

Vì sao bấm huyệt có thể chữa bệnh viêm amidan?

Các tài liệu đã ghi nhận được nhiều kết quả khả quan của các phương pháp đông y; đặc biệt là điều trị không dùng thuốc như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt chữa viêm amidan… Trong đó, thao tác dùng tay tác động vào huyệt đạo tại vùng hầu họng nói riêng và cơ thể nói chung mang đến nhiều lợi ích như:

  • Thúc đẩy tuần hoàn lưu thông, tăng nuôi dưỡng cơ quan.
  • Lợi yết hầu, dịu cổ họng, loãng đờm, tăng hoạt động nhu mô phổi giúp thông khí dễ dàng hơn…
  • Kích thích điều tiết hormone giảm đau và thư giãn thần kinh như endorphin, serotonin…
  • Điều hòa hệ nội tiết và miễn dịch, hỗ trợ tăng sức đề kháng.
  • Thanh nhiệt, cân bằng các rối loạn tạng phủ, loại trừ tà khí ra ngoài…

Xem thêm: Bấm huyệt chữa viêm họng hạt có hiệu quả như thế nào?

Bấm huyệt có thể làm giảm các triệu chứng khó chịu của viêm amidan
Bấm huyệt có thể làm giảm các triệu chứng khó chịu của viêm amidan

Cách bấm huyệt chữa viêm amidan

 Chỉ định và chống chỉ định

Theo các tài liệu, các trường hợp viêm amidan cấp và quá phát đều có thể áp dụng liệu pháp bấm huyệt điều trị viêm amidan.3

Ngược lại, một số trường hợp không nên lựa chọn thủ thuật này để điều trị như:

  • Viêm amidan hốc mủ, đã có biến chứng nhiễm khuẩn đường hô hấp…3
  • Các bệnh lý cấp cứu, vùng da nơi tiến hành kỹ thuật không lành lặn, lở loét…

Quy trình bấm huyệt chữa viêm amidan

Thao tác dùng ngón tay thực hiện thủ thuật ấn, day… các huyệt, sao cho từng vị trí ấm dần lên trong khoảng 2 phút. Mỗi ngày, tổng thời gian thực hiện trên các huyệt đạo từ 20 – 30 phút. Tùy tình trạng bệnh nhân mà liệu trình kéo dài 5 – 7 ngày, hoặc cho đến khi bệnh ổn định.

Những huyệt đạo thường được thầy thuốc lựa chọn trong bấm huyệt chữa viêm amidan như:

Huyệt giảm sưng đau amidan, đau họng, lợi hầu họng

Giáp xa: Trên đường nối góc hàm với khóe miệng, cách góc hàm 01 thốn. Hoặc khi cắn chặt răng, huyệt nằm trên bờ cao nhất của cơ nhai, ấn vào cảm giác ê tức.2

Thiên dung: Sau góc xương hàm dưới 2 bên, bờ trước cơ ức đòn chũm, phía dưới của cơ hai thân.

Thiên đột: Ngay chỗ lõm của bờ trên xương ức.1

Thiếu thương: Nơi giao nhau giữa da gan và lưng bàn tay, ngay phía ngoài ngón cái và đường ngang qua gốc móng tay cái.4

Ngoại kim tân: Khi ngước đầu lên, huyệt trên cuống hầu 1 thốn, từ đường giữa ra 0,3 thốn về bên trái.3

Ngoại ngọc dịch: Khi ngước đầu lên, huyệt trên cuống hầu 1 thốn, từ đường giữa ra 0,3 thốn về bên phải.3

Thượng liêm tuyền: Khi ngước đầu lên, huyệt trên đường chỉ ngang chỗ cuống hầu 0,2 thốn, ngay chính giữa bờ trên sụn giáp.

Các vị trí huyệt đạo khác

Bên cạnh đó, nếu có các triệu chứng kèm theo, thầy thuốc sẽ linh hoạt gia thêm huyệt:

  • Hạ sốt, thanh nhiệt: Hợp cốc, Khúc trì, Đại chùy.1
  • Giảm ho, tăng thông khí: Liệt khuyết, Đản trung, Khổng tối, Dũng tuyền, Xích trạch…
  • Giảm đau đầu: Bách hội, Thái dương,…
Một số huyệt đạo thường dùng trong bấm huyệt chữa viêm amidan
Một số huyệt đạo thường dùng trong bấm huyệt chữa viêm amidan

Một số lưu ý khi bấm huyệt chữa viêm amidan

Trong quá trình thực hiện bấm huyệt

Người bệnh cần được thăm khám và tư vấn kỹ càng từ thầy thuốc; đặc biệt là phân biệt viêm amidan với bệnh lý khác như bệnh bạch hầu, viêm họng… để đưa ra chỉ định điều trị hợp lý.

Bấm huyệt chỉ nên được áp dụng như công cụ hỗ trợ giảm các triệu chứng khó chịu của viêm amidan, góp phần rút ngắn thời gian trị bệnh. Cần phối hợp với các phương pháp điều trị tận gốc nguyên nhân (nếu có) như kháng sinh, phẫu thuật…

Tại một số huyệt đạo ở vị trí nhạy cảm, để tránh tổn thương da và nội tạng ta chỉ nên dùng lực vừa đủ. Nghĩa là, bắt đầu với lực nhẹ nhàng rồi tăng dần đến khi người bệnh cảm thấy căng tức hoặc vùng huyết ấm nóng là được. Ví dụ như các huyệt Đản trung, Thiên đột, Thượng liêm tuyền…

Việc bấm sai vị trí huyệt sẽ dẫn đến nhiều rủi ro không đáng có. Chính vì vậy, khi gặp bất cứ khó khăn nào, người bệnh nên liên hệ với y bác sĩ có chuyên môn để được hướng dẫn chính xác, nhất là khi muốn tiến hành thủ thuật tại nhà.

Xem thêm: Cách điều trị viêm họng bằng kháng sinh và không cần dùng kháng sinh

Phòng ngừa

Điều quan trọng là xây dựng thói quen dinh dưỡng, vận động hợp lý nhằm tạo sức đề kháng cao. Điều này không chỉ giúp giảm triệu chứng mà còn ngăn ngừa bệnh xuất hiện và tái phát.

  • Ăn uống đầy đủ chất đặc biệt là vitamin, khoáng chất như vitamin A, C, kẽm,…
  • Không nên sử dụng đồ lạnh, nước đá thường xuyên.
  • Vệ sinh răng miệng, mũi họng đều đặn cũng như môi trường sống xung quanh.
  • Hạn chế hút thuốc lá, uống rượu bia và nên đeo khẩu trang tránh lây nhiễm.

Những phương pháp đông y khác điều trị viêm amidan

Xoa bóp

Kết hợp xoa bóp được ghi nhận sẽ đem đến nhiều hiệu quả mong đợi hơn. Thao tác này sẽ làm tăng khả năng và lợi ích của bấm huyệt chữa viêm amidan trong điều trị các triệu khó chịu vùng hầu họng như đau họng, ngứa họng, ho…5

Cách xoa bóp có thể được thực hiện như sau:

  • Dùng 2 ngón tay vuốt dọc hai bên cạnh vùng họng từ trên xuống khoảng 3 – 5 phút.
  • Nhẹ nhàng lấy ngón cái và ngón trỏ đặt lên 2 bên vùng yết hầu (xương sụn họng), di chuyển qua lại trái phải 20 – 30 lần.
  • Nên phối hợp với day ấn các huyệt đạo (đã trình bày ở trên) để có kết quả tốt nhất.
Xoa bóp kết hợp với bấm huyệt sẽ tăng hiệu quả điều trị viêm amidan
Xoa bóp kết hợp với bấm huyệt sẽ tăng hiệu quả điều trị viêm amidan

Châm cứu

Theo Bộ Y tế, châm cứu đem lại nhiều lợi ích đối với các triệu chứng của viêm amidan. Kỹ thuật giúp giảm sự phì đại và giảm đau amidan khi chúng ảnh hưởng đến lưu thông khí khi thở và nuốt khó. Phác đồ châm cứu hào châm, điện châm… gồm châm tả các huyệt Bách hội, Khúc trì, Đại chùy, Ngoại kim tân, Ngoại ngọc dịch, Thượng liêm tuyền, Nghinh hương, Ế phong, Nội quan…3

Thông thường, liệu trình châm cứu sẽ kéo dài 5 – 7 ngày, với thời gian 30 phút/ngày.

Dược liệu

Các dấu hiệu như đau họng, sốt, ho… khi viêm amidan sẽ nhanh chóng bị đẩy lùi khi kết hợp với thảo dược thiên nhiên. Với việc chứa lượng tinh dầu dồi dào, những loại dược liệu này giúp sát khuẩn, thông khí, dịu cổ họng, giải cảm. Chúng khá an toàn và dễ dàng tìm được quanh ta như gừng, bạc hà, kinh giới, húng chanh, tía tô, mật ong… Hoặc có thể kể đến các bài thuốc dùng phổ biến từ lâu như Ngân kiều tán, Thanh yên lợi cách thang gia giảm…1

Như vậy, bên cạnh lựa chọn các phương pháp tây y, đông y hay bấm huyệt chữa viêm amidan cũng nên được cân nhắc trong trị liệu. Dù đơn giản và không xâm lấn, nhưng đây thực sự là phương pháp mang đến nhiều lợi ích; nhận được sự tin tưởng và áp dụng rộng rãi. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về liệu pháp này. Nếu các bạn có bất kỳ thắc mắc hay câu hỏi cần tư vấn thì hãy liên hệ với chúng tôi nhé.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Trường Đại học Y Hà Nội (2005). Bài giảng Y học cổ truyền tập 2. NXB Y học, Hà Nội.

    Ngày tham khảo: 07/11/2021

  2. Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam (2011). Giáo trình châm cứu

    Ngày tham khảo: 07/11/2021

  3. Bộ Y tế (2013). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành y học cổ truyền

    Ngày tham khảo: 07/11/2021

  4. Bấm huyệt trị viêm amiđanhttps://khoahocdoisong.vn/bam-huyet-tri-viem-amidan-127115.html

    Ngày tham khảo: 07/11/2021

  5. Xoa bóp chữa bệnh viêm họng mạn tínhhttps://suckhoedoisong.vn/xoa-bop-chua-benh-viem-hong-man-tinh-16938413.htm

    Ngày tham khảo: 07/11/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người