YouMed

Hướng dẫn cách bấm huyệt trị bong gân

Bác sĩ Nguyễn Thị Lệ Quyên
Tác giả: ThS.BS Nguyễn Thị Lệ Quyên
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Bong gân là hiện tượng gân lệch ra khỏi vị trí bình thường vốn có. Bong gân có thể do chấn thương, té ngã hoặc sau một động tác mạnh, đột ngột sai tư thế gây ra. Các phương pháp điều trị chủ yếu là giảm đau, bất động vùng bong gân để bệnh nhanh phục hồi. Bấm huyệt trị bong gân là phương pháp không dùng thuốc được nhiều người nhắc đến. Tuy nhiên, hiệu quả và vai trò của nó như thế nào? Mời bạn cùng bác sĩ Y học cổ truyền Nguyễn Thị Lệ Quyên tìm hiểu về phương pháp này qua bài viết dưới đây.

Bong gân dưới góc nhìn của Y học cổ truyền

Bong gân là gì?

Y học cổ truyền xếp bong gân vào chứng thương cân. Đây là tình trạng tổn thương gân, cơ, dây chằng, bao khớp do lao động nặng, chơi thể thao hoặc do bước hụt gây trẹo chân… Khiến khớp xê dịch đột ngột gây tổn thương gân mạch. Sự tổn thương này làm khí huyết ứ trệ, vận hành không thông suốt sinh ra đau nhức.

Triệu chứng của bong gân

Các triệu chứng của bong gân đa dạng tùy thuộc vào mức độ tổn thương, có thể bao gồm:

  • Đau: Đau là một dấu hiệu luôn có khi xảy ra chấn thương gây bong gân. Đau có thể xuất hiện ngay sau khi chấn thương. Đau dữ dội và âm ỉ sau đó, đặc biệt tăng khi đứng tỳ chân, vận động khớp bị bong gân, hoặc ấn vào vùng khớp tổn thương.
  • Sưng: Đây là dấu hiệu cần thời gian khoảng vài giờ để biểu hiện rõ ràng. Vì vậy, nếu không để ý mà vẫn duy trì các hoạt động sau chấn thương khiến cho chấn thương càng nặng hơn.
  • Bầm tím: Là triệu chứng xuất hiện muộn nhất khi các thành phần gân, cơ, dây chằng bị chấn thương và chảy máu bên trong. Sau một khoảng thời gian, các thành phần thoái hóa trong máu ngấm tới da và biểu hiện dấu hiệu bầm tím.
  • Giảm vận động tại khớp bị tổn thương: Thường các triệu chứng như đau khiến người bệnh hạn chế vận động, lâu dần sẽ có cảm giác cứng khớp, phải rất nhẹ nhàng mới vận động lại được.1

Xem thêm: Bong gân mắt cá chân: Chấn thương thường gặp bạn cần lưu ý!

Bong gân gây ra các triệu chứng sưng đỏ và đau làm hạn chế khả năng vận động
Bong gân gây ra các triệu chứng sưng đỏ và đau làm hạn chế khả năng vận động

Hiệu quả của bấm huyệt trị bong gân

Khi bị bong gân. Các phương pháp đầu tiên nên áp dụng:

  • Nên dùng nước đá hoặc đá viên được bọc vào khăn bông rồi áp nhẹ lên bề mặt da vùng chấn thương (nếu không có xây xát da). Mục đích giúp làm giảm đau tại chỗ.
  • Nằm kê cao chân lên giúp máu lưu thông dễ dàng và làm tan máu bầm.
  • Cần lưu ý không dùng các phương pháp nóng tác động vào vùng bị tổn thương. Các chất có tính nóng chỉ nên dùng trong trường hợp gãy xương hoặc giai đoạn sau 24-48 giờ của bong gân. Sức nóng có thể gây tăng tiết dịch, dãn nở mạch máu, kích thích tuần hoàn máu làm nhanh liền xương.

Sau khi thực hiện các bước trên, có thể áp dụng phương pháp bấm huyệt để hỗ trợ giảm đau. Tuy nhiên, không nên bấm vào các huyệt ngay tại nơi tổn thương bong gân. Vì có thể gây tăng đau đớn cho bệnh nhân. Có thể chọn các huyệt ở vị trí xa nơi tổn thương để áp dụng.

Khi bấm vào các huyệt vị sẽ giúp tăng cường máu lưu thông đến nuôi dưỡng khu vực đau. Nhờ đó, dòng máu cũng mang đi những ứ trệ để đào thải ra ngoài. Bấm huyệt còn giúp thư giãn các cơ bắp, làm giảm sự co thắt cơ do đau gây ra. Từ đó tạo ra tác dụng giảm đau.

Bấm huyệt giúp hỗ trợ giảm triệu chứng đau hiệu quả trong điều trị bong gân
Bấm huyệt giúp hỗ trợ giảm triệu chứng đau hiệu quả trong điều trị bong gân

Cách bấm huyệt trị bong gân

Chỉ định của bấm huyệt điều trị bong gân

Những trường hợp bong gân nhẹ – dãn dây chằng mà không có gãy xương đều có thể áp dụng. Tuy nhiên, nên hạn chế bấm các huyệt ngay tại vị trí tổn thương.

Chống chỉ định của bấm huyệt trị bong gân

Bong gân kèm theo gãy xương, mất máu nhiều.

Vết thương hở da hoặc nhiễm trùng vùng chuẩn bị bấm huyệt cũng không nên áp dụng.

Các bệnh lí cấp tính, nặng kèm theo tổn thương bong gân nên ưu tiên xử trí các bệnh lí này trước.

Các trường hợp đứt hoặc rách dây chằng nên có sự hỗ trợ trước tiên của ngoại khoa hoặc bó bột cố định vùng bong gân trước. Bấm huyệt chỉ áp dụng trong giai đoạn sau để hỗ trợ sau khi tình trạng nặng hơn được giải quyết.

Các huyệt có thể sử dụng trong bấm huyệt trị bong gân ở chân

Huyệt Giải khê

Vị trí huyệt: Huyệt giải khê nằm ở chỗ lõm trên nếp gấp phía trước khớp cổ chân. Huyệt ở giữa 2 gân cơ cẳng chân trước và gân cơ duỗi dài ngón chân cái.

Tác dụng: Hóa thấp trệ, giúp điều trị tổ chức mềm quanh khớp cổ chân bị viêm.

Huyệt Khâu khư

Vị trí huyệt: Huyệt nằm phía trước và dưới mắt cá ngoài chân, nơi chỗ lõm của khe xương cạnh nhóm cơ duỗi dài các ngón chân. Hoặc từ ngón chân thứ 4 kéo thẳng lên về phía mắt cá gặp chỗ lõm. Ấn thấy tức nặng là vị trí của huyệt.

Tác dụng: Khu phong tà ở bán biểu bán lý và hóa thấp nhiệt. Chủ trị cẳng chân đau, khớp mắt cá chân đau.

Huyệt Chiếu hải

Vị trí: Huyệt ở chỗ lõm ngay dưới mắt cá trong, cách mắt cá trong 1 thốn. Huyệt nằm ở khe giữa gân cơ cẳng chân sau và cơ gấp các ngón chân.

Tác dụng: Chỉ thống. Giảm đau vùng cẳng chân.

Huyệt Thái khê

Vị trí: Huyệt nằm ở trung điểm giữa đường nối bờ sau mắt cá trong và mép trong gân gót. Hoặc thuộc khe giữa gân gót chân ở phía sau.

Tác dụng: Tư Thận Âm, tráng Dương, thanh nhiệt, kiện gân cốt.2

Lưu ý – Kiêng kị khi thực hiện bấm huyệt trị bong gân

Khi bong gân ở mức độ nặng như đứt – rách dây chằng cần tham khảo ý kiến bác sĩ và thăm khám cẩn thận. Không nên tự ý bấm huyệt.

Cắt ngắn móng tay và rửa sạch tay trước khi bấm. Tránh tác động lên vùng huyệt có vết thương hay bị sưng viêm – bầm tím.

Nếu bong gân ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể tự theo dõi và chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn của các bác sĩ và dây chằng có thể tự phục hồi. Có thể kết hợp với bấm huyệt cùng với chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, lành mạnh cho sức khỏe để phòng tránh chấn thương.

Các phương pháp đông y khác chữa bong gân

Ngoài bấm huyệt trị bong gân, người bệnh có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để được áp dụng kết hợp các phương pháp khác như:

  • Dùng thuốc Y học cổ truyền.
  • Bó thuốc.
  • Châm cứu: Điện châm, thủy châm,…
  • Cấy chỉ.

Xem thêm: Bác sĩ giải thích tại sao châm cứu không chảy máu

Châm cứu là một phương pháp đông được ứng dụng nhiều trong việc giảm đau ở bệnh nhân bong gân
Châm cứu là một phương pháp đông được ứng dụng nhiều trong việc giảm đau ở bệnh nhân bong gân

Qua bài viết trên, hi vọng bạn đã có thêm nhiều thông tin bổ ích về phương pháp bấm huyệt trị bong gân. Đây là phương pháp an toàn và được áp dụng phổ biến. Tuy nhiên, cần áp dụng đối với từng mức độ bong gân nhất định. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định thực hiện, tránh tự ý bấm huyệt làm tình trạng thêm trầm trọng.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. BONG GÂN: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊhttps://tamanhhospital.vn/bong-gan/

    Ngày tham khảo: 18/12/2021

  2. Xoa bóp trị bong gânhttps://suckhoedoisong.vn/xoa-bop-tri-bong-gan-169140850.htm

    Ngày tham khảo: 18/12/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người