YouMed

Mách bạn cách bấm huyệt trị đau bao tử

Thạc sĩ Bác sĩ Dư Thị Cẩm Quỳnh
Tác giả: ThS.BS Dư Thị Cẩm Quỳnh
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Ngày nay, viêm loét dạ dày tá tràng hay đau bao tử theo cách gọi dân gian là một bệnh lý ngày càng phổ biến. Bệnh lý này gây nên nhiều phiền toái, bất tiện trong cuộc sống của người bệnh. Vậy bấm huyệt trị đau bao tử có đem lại hiệu quả hay không và có những lưu ý gì, hãy theo dõi bài viết của Thạc sĩ Bác sĩ Y học cổ truyền Dư Thị Cẩm Quỳnh.

Đau bao tử dưới góc nhìn Đông y

Đau bao tử, hay đau dạ dày thường có biểu hiện đau ở vùng thượng vị, có thể kèm theo ợ hơi, ợ chua. Đau do tổn thương ở dạ dày và hành tá tràng gây nên. Đau dạ dày theo Y học cổ truyền được xét vào phạm vi chứng Vị quản thống, Vị thống.

Chứng bệnh đã được ghi nhận từ rất lâu trong các sách kinh điển của Y học cổ truyền như sách Nội kinh – Tố Vấn, sách Cảnh nhạc toàn thư,… Những nguyên nhân thường gặp gây ra chứng Vị quản thống theo Y học cổ truyền như dưới đây

  • Do Tỳ Vị hư hàn: Thể trạng cơ thể vốn hư yếu, bệnh lâu ngày tổn thương Tỳ Vị.
  • Do Vị âm bất túc: Bệnh lâu ngày, hoặc bị nóng sốt làm tổn thương Vị.
  • Do Can khí uất trệ: Do tâm lý không thoải mái, hay uất ức, stress làm tổn thương Vị.
  • Do ăn uống tích trệ, ăn uống quá nhiều, Vị bị “quá tải”.
  • Do Can hỏa hun đốt: Do Can khí uất trệ lâu ngày hóa hỏa làm tổn thương Vị.
  • Do huyết ứ tắc nghẽn: Do tâm lý không thoải mái, hay uất ức, stress lâu ngày gây nên.
  • Do hàn tà phạm Vị: Hàn tà từ bên ngoài xâm nhập vào, hay ăn đồ sống lạnh, hoặc trước đó nhiễm lạnh.

Xem thêm: Viêm dạ dày cấp là gì? Triệu chứng và cách điều trị như thế nào?

bấm huyệt trị đau bao tử
Đau dạ dày đã được ghi nhận từ lâu đời và có nhiều nguyên nhân gây bệnh

Vì sao bấm huyệt có thể chữa đau bao tử?

Theo Y học cổ truyền, con người có mối quan hệ mật thiết với học thuyết âm dương, ngũ hành. Các cơ quan trong cơ thể được chia thành ngũ tạng, lục phủ, hệ thống kinh lạc, tinh, khí, thần…

Cơ chế tác dụng của bấm huyệt theo Y học cổ truyền thông qua tác động vào huyệt vị, kinh lạc có thể trừ được các bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào (ngoại tà), điều hòa hoạt động của kinh lạc, khí huyết và chức năng tạng phủ.

Bấm huyệt có thể trị đau bao tử nhờ tác động lên hệ tiêu hóa, làm tăng lưu lượng máu đến các cơ quan tiêu hóa. Từ đó, tăng bài tiết dịch tiêu hóa, tăng nhu động ruột. Hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn.

Bấm huyệt trị đau bao tử có hiệu quả?

Nghiên cứu ở Đại học Cát Lâm, Đại học quốc gia ở Trường Xuân, Trung Quốc ghi nhận: Trong số 500 bệnh nhân đau dạ dày được điều trị bằng bấm huyệt, có 81% trường hợp có hiệu quả rõ rệt; 18% trường hợp có hiệu quả; 1% trường hợp không hiệu quả và cần đến các phương pháp điều trị khác; tổng tỷ lệ hiệu quả là 99%. Cho thấy phương pháp bấm huyệt trị đau dạ dày có hiệu quả tốt, giảm tác dụng phụ.

Cách bấm huyệt trị đau bao tử

Cách bấm huyệt điều trị bệnh đau bao tử theo hướng dẫn của Bộ Y tế năm 2013 trong quy trình khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành châm cứu như sau:

Bấm huyệt trị đau dạ dày cần có người tiến hành đã được đào tạo theo quy định.

  • Người bệnh nằm ngửa: Xoa, day, miết vùng bụng theo chiều kim đồng hồ. Day và ấn các huyệt Chương môn, Trung quản, Lương môn, Thiên khu, Hợp cốc, Thủ tam lý, Túc tam lý, Thái bạch, Lương khâu.
  • Sau đó, người bệnh nằm sấp: Xát, xoa vùng lưng từ đốt sống ngực từ đoạn D7 trở xuống. Day và ấn các huyệt vùng lưng Can du, Tỳ du, Vị du hai bên.

Huyệt Túc tam lý (chấm đỏ) hiệu quả trong trị đau dạ dày và một số bệnh khác
Huyệt Túc tam lý (chấm đỏ) hiệu quả trong trị đau dạ dày và một số bệnh khác

Chỉ định

Bấm huyệt trị đau bao tử chỉ định ở người bệnh đau dạ dày cơ năng, đau do viêm, loét dạ dày tá tràng.

Chống chỉ định

Người bệnh đau dạ dày có chỉ định điều trị ngoại khoa, do khối u dạ dày, đau dạ dày có hẹp môn vị nặng. Người bệnh đang mắc bệnh ngoài da vùng bụng, mắc bệnh ưa chảy máu, sốt cao.

Quy trình điều trị trong bao lâu?

Thông thường, xoa bóp bấm huyệt điều trị bệnh đau bao tử kéo dài khoảng 30 phút/lần trong ngày. Điều trị theo liệu trình từ 10 – 15 ngày. Tùy theo mức độ bệnh cấp hay mạn và đáp ứng điều trị của người bệnh có thể tiến hành từ 2 – 3 liệu trình.

Xem thêm: Điều trị viêm loét dạ dày – căn bệnh không của riêng ai

Lưu ý, kiêng kỵ

Đối với người bệnh đau dạ dày có chỉ định điều trị ngoại khoa, do khối u dạ dày, đau dạ dày có hẹp môn vị nặng, hoặc do vi khuẩn Hp cần điều trị triệt để các nguyên nhân gây đau dạ dày.

Người bệnh cần tuân thủ điều trị dùng thuốc (nếu có).

Người bệnh nên tránh dùng các chất kích thích, đồ ăn cay nóng. Người bệnh cần có chế độ thể dục thể thao, sinh hoạt hàng ngày phù hợp, tránh căng thẳng stress để điều trị đau dạ dày hiệu quả.

Trước khi đến bấm huyệt, người bệnh nên ăn nhẹ, tránh ăn quá no hoặc quá đói.

Bấm huyệt trị đau bao tử cần có sự giúp đỡ của người khác. Người giúp đỡ cần có kiến thức về bấm huyệt, vị trí huyệt, tác động phù hợp với thể trạng của người bệnh.

Khi bấm huyệt nếu có các triệu chứng người bệnh hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, mạch nhanh, sắc mặt nhợt nhạt nên dừng xoa bóp bấm huyệt. Tiến hành lau mồ hôi, ủ ấm, cho người bệnh uống nước chè đường nóng. Người bệnh nằm nghỉ ngơi tại chỗ. Theo dõi mạch, huyết áp người bệnh.

Bấm huyệt, dùng thuốc kết hợp chế độ sinh hoạt tăng hiệu quả điều trị
Bấm huyệt, dùng thuốc kết hợp chế độ sinh hoạt tăng hiệu quả điều trị

Những phương pháp đông y khác điều trị đau bao tử

Ngoài ra, theo Y học cổ truyền từ lâu đã có nhiều phương pháp điều trị đau bao tử khác. Người bệnh có thể tham khảo thêm như nhĩ châm – cài nhĩ hoàn ở loa tai, châm cứu – điện châm, thủy châm, cấy chỉ, sử dụng các bài thuốc tùy theo từng thể bệnh cụ thể và kết hợp tập dưỡng sinh, thái cực quyền… cho kết quả điều trị tốt.

Đau bao tử, đau dạ dày hay viêm loét dạ dày tá tràng là vấn đề hiện nay nhiều người mắc phải, có nhiều phương pháp điều trị khác nhau. Tuy nhiên, cần có bác sĩ chuyên gia hướng dẫn nếu muốn tự thực hành ở nhà. Nếu quý bạn đọc mong muốn điều trị bằng y học cổ truyền, hãy đến các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa được cấp phép.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Xoa bóp. Phạm Huy Hùng. 2015

  2. Chẩn đoán phân biệt chứng trạng trong Đông y. Viện nghiên cứu Trung y. 2007

  3. Quan sát lâm sàng 500 trường hợp đau dạ dày được điều trị bằng phương pháp bấm huyệt và can thiệp điều dưỡng toàn diện. Khoa y học cổ truyền Trung Quốc, Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật, Đại học Cát Lâm. 2008

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người