Bấm huyệt trị mụn: Liệu pháp điều trị vấn đề da hiệu quả
Nội dung bài viết
Mụn là vấn đề thường gặp của các bạn trẻ tuổi vị thành niên. Có nhiều phương pháp đang được sử dụng để trị mụn như thuốc bôi ngoài da, thuốc nội tiết,… Tuy nhiên, bấm huyệt trị mụn là một phương pháp lâu đời của Y học Phương Đông. Liệu nó có thật sự hiệu quả? Bạn đọc hãy cùng bác sĩ Y học cổ truyền Nguyễn Vũ Thu Thảo tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Mụn là gì? Vì sao da của bạn lại nổi mụn?
Mụn là tình trạng viêm da mạn, xuất hiện ở những vùng da có tuyến bã nhờn lớn và dày đặt như mặt, trước ngực và lưng trên.
Mụn xuất hiện khi lỗ chân lông bị tắc do dầu, tế bào chết và vi khuẩn. Mỗi lỗ chân lông là cửa mở của nang lông. Nang lông bao gồm lông và tuyến bã nhờn. Tuyến bã nhờn tiết dầu nhờn, chạy dọc theo lông và ra khỏi lỗ chân lông và xuất tiết ra da. Dầu giúp làn da mềm và mịn màng
Một hay nhiều vấn đề ảnh hưởng đến bài tiết chất nhờn có thể tạo ra mụn. Xảy ra khi:
- Nang lông sản xuất quá nhiều dầu.
- Tế bào da chết che lấp lỗ chân lông.
- Vi khuẩn tồn tại trong lỗ chân lông.
Những vấn đề trên gây nên nốt mụn – phức hợp vi khuẩn, dầu nhờn bị tắc lại trong lỗ chân lông.
Xem thêm: 8 nguyên nhân gây mụn lưng, ngực và mụn cơ thể bạn cần nắm rõ
Tổng quan về bấm huyệt trị mụn
Mục tiêu điều trị mụn nói chung là giảm mụn viêm, và ngăn ngừa sẹo do mụn. Ở Trung Quốc, ngoài sử dụng thuốc theo đơn, những phương pháp Đông Y cũng được sử dụng để trị mụn như bấm huyệt (châm và cứu, giác hơi,…).
Theo Đông Y, mụn được gây ra bởi một hoặc nhiều cơ chế bệnh sinh phối hợp. Bao gồm Phế Nhiệt, Vị Nhiệt, Đàm nhiệt, cùng với Huyết ứ và Khí trệ. Khi tình trạng kéo dài, nhiệt gây ra tổn thương mô da.
Cơ chế chính của bấm huyệt là loại bỏ Nhiệt độc, Đàm ẩm, điều hòa khí huyết và tăng cường chức năng miễn dịch. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng châm cứu có thể kích thích và cân bằng nồng độ androgen để ngăn việc tăng tiết quá mức tuyến nhầy.
Loại mụn nào có thể điều trị bằng bấm huyệt?
Mụn trứng cá
Trong một nghiên cứu 2018, chỉ ra rằng những bệnh nhân có mụn trứng cá được điều trị bằng châm cứu 30 phút/ lần, 3 lần 1 tuần giảm triệu chứng viêm và không tái lại trong 6 tháng sau điều trị.
Mụn do rối loạn hormon
Mụn nội tiết gây ra do sự mất cân bằng nội tiết tố trong các giai đoạn phát triển sinh lý như tuổi dậy thì, thời kỳ mang thai hoặc mãn kinh. Theo nghiên cứu 2018, bấm huyệt và châm cứu giúp mụn nội tiết vì nó giúp điều hòa các hormon trong cơ thể.
Cách bấm huyệt trị mụn?
Chỉ định bấm huyệt trị mụn
Nghiên cứu từ Bệnh viện Đại Hưng Bắc Kinh cho thấy một phương pháp điều trị châm cứu cụ thể tốt hơn liệu pháp điều trị bằng thuốc thông thường để điều trị mụn trứng cá. Kết quả của nghiên cứu này chỉ ra rằng châm cứu an toàn và hiệu quả để điều trị mụn trứng cá.
Chống chỉ định
Vết mụn hở, lở loét, thì không bấm trực tiếp lên chỗ mụn.
Các huyệt bấm
Theo Đông Y, mụn được xem là sự ứ đọng của thấp, nhiệt, nên pháp trị cũng là trừ thấp và thanh nhiệt. Theo một nghiên cứu lâm sàng, các huyệt dưới đây có tác dụng giảm mụn và làm lành mụn viêm (so sánh với nhóm chứng sử dụng metronidazol và tetracylin trong điều trị mụn)
Hợp cốc
Vị trí: Là huyệt thuộc đường kinh Đại trường, giữa xương bàn ngón hai, là điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ và ngón cái
Tác dụng: giảm đau, thanh phế khí (theo Đông Y, phế chủ bì mao, nên bấm huyệt Hợp cốc có tác dụng giảm mụn).
Khúc trì
Vị trí: đầu ngoài nếp gấp khuỷu tay. Khi co khuỷ tay vào ngực, huyệt ở đầu ngoài nếp gấp khuỷ tay. Là nơi bám của cơ ngửa dài, cơ ngửa ngắn khớp khủy và cơ quay.
Tác dụng: thanh nhiệt.
Huyết hải
Vị trí: Huyệt nằm ở mặt trước trong đùi. Từ xương bánh chè, đo lên 2 thốn, ngay khe lõm giữa cơ rộng trong và cơ may.
Tác dụng: thanh huyết nhiệt, điều huyết.
Thiên xu
Vị trí: Từ rốn đo ngang ra 2 thốn, nằm trên cơ thẳng bụng.
Tác dụng: hóa thấp, kiện tỳ.
Thái xung
LR3 (Taichong) nằm trên đường kinh can. Là một huyệt chứa đầy đủ khí và huyết.
- Vị trí: Huyệt nằm trên mu bàn chân, sau khe giữa ngón chân cái và ngón thứ 2.
- Tác dụng: Bình Can, lý huyết, trừ thấp nhiệt ở hạ tiêu, thanh Can Hoả
Ngoài ra, GV14 (Đại chùy), BL13 (Phế du) và BL17 (Đại trữ) có hiệu quả trong điều trị viêm. Và phương pháp giác hơi tại huyệt để lưu thông khí huyết, và loại trừ độc tính.
Những phương pháp đông y khác trị mụn
Dùng thảo dược
Thuốc thảo dược ngày càng phổ biến trong điều trị mụn với ít tác dụng phụ hơn và tương đối rẻ hơn.
Lô hội và tretinoin
Trong một thử nghiệm lâm sàng mù đôi ngẫu nhiên, sử dụng gel lô hội 50% với kem tretinoin tại chỗ trên 60 bệnh nhân bị mụn trứng cá nhẹ-trung bình thấy hiệu quả đáng kể hơn so với tretinoin.
Xem thêm: Mụn trứng cá: Nên sử dụng loại thuốc nào để loại bỏ?
Dầu cây trà
Dầu cây trà là một lựa chọn phổ biến để điều trị mụn trứng cá. Vì cây có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn. Ngoài ra, nó còn có tác dụng làm dịu vết mẩn đỏ, sưng tấy và viêm nhiễm. Nó thậm chí có thể giúp ngăn ngừa và giảm sẹo.
Xem thêm: Cách trị sẹo và ngăn ngừa sẹo sau mụn
Nước cám gạo
Trong Đông Y, nước cám gạo đã được sử dụng để làm mịn và mềm da. Thành phần của em này rất giàu Vitamin B và Vitamin E giúp trị thâm, mụn và lão hóa. Cám gạo làm sạch da, làm mịn da và giảm sự xuất hiện của các nếp nhăn và lỗ chân lông. Nó làm sáng da và cũng giúp làm mờ các vết thâm.
Xem thêm: Lợi ích khi rửa mặt bằng nước vo gạo
Ngoài ra, còn có các biện pháp như châm cứu, giác hơi để loại bỏ bớt bã nhờn và làm sạch da.
Châm cứu không thể chỉ điều chỉnh hệ thống kinh mạch. Châm tại chỗ giúp điều hòa hoạt động của nang trứng. Các nang sản xuất ít dầu hơn và tổn thương dễ hồi phục hơn.
Xem thêm: Liệu giác hơi trị mụn có thật sự hiệu quả?
Hiện nay vấn đề sử dụng Đông y trong thẩm mỹ nói chung và trị mụn nói riêng còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, vai trò cụ thể của y học cổ truyền trong điều trị mụn là không thể phũ nhận. Bạn muốn ứng dụng phương pháp bấm huyệt trị mụn, hãy đến những bệnh viện chuyên khoa uy tín để được thăm khám và điều trị đúng cách.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Acupoint Stimulation for Acne: A Systematic Review of Randomized Controlled Trialshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3689157/
Ngày tham khảo: 20/10/2021
-
Acupuncture Acne Treatment Protocol Found Effectivehttps://www.healthcmi.com/Acupuncture-Continuing-Education-News/1712-acupuncture-acne-found
Ngày tham khảo: 20/10/2021