Đột quỵ là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách phục hồi
Nội dung bài viết
Tai biến mạch máu não hay gọi là là đột quỵ ngày càng được cộng đồng quan tâm. Tỉ lệ bệnh ngày càng tăng. Không những vậy, bệnh còn có xu hướng trẻ hóa. Đột quỵ có thể gây tử vong nhanh, có tỷ lệ tử vong cao, đứng hàng đầu trong các bệnh thần kinh. Bệnh cũng để lại nhiều di chứng ở các mức độ khác nhau và dẫn đến tàn tật nhiều nhất.
Đột quỵ là gì?
Đột quỵ hay tai biến mạch máu não là bệnh lý tổn thương đột ngột một phần não do mạch máu não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ.
Máu mang oxy và chất dinh dưỡng lên nuôi não. Do đó, khi thiếu máu nuôi, não sẽ ngưng hoạt động rồi chết đi rất nhanh, chỉ trong vòng vài giây đến vài phút. Phần nào của não bị chết đi, thì phần cơ thể tương ứng do nó điều khiển sẽ không hoạt động được. Từ đó mà tiến triển thành những biến chứng và tàn tật.
Tai biến mạch máu não là loại bệnh lý thường gặp. Theo thống kê, mỗi năm có hơn 795,000 người Mỹ bị đột quỵ. Bệnh thường xảy ra ở người trên 45 tuổi trong đó 2/3 xảy ra ở tuổi trên 65, nam thường bị nhiều hơn nữ.
Diễn biến đột quỵ
Nhiều trường hợp có thể hồi phục một phần hoặc hoàn toàn, nếu được chăm sóc điều trị thích hợp. Khoảng thời gian để hồi phục kéo dài từ một vài ngày đến vài tháng, tùy theo mức độ bệnh. Thời gian hồi phục nhanh và nhiều nhất là ba tháng đầu tiên sau đột quỵ.
Trường hợp nặng có thể để lại di chứng tàn phế nặng nề, không thể tự sinh hoạt được. Các trường hợp nặng nhất sẽ tử vong, hầu hết tử vong xảy ra trong tuần đầu tiên.
Cứ 100 người bị đột quỵ thì có khoảng 10 đến 20 người chết, khoảng 25 người nằm liệt giường hoặc luôn cần người phụ giúp, chăm sóc, chỉ 20 người khoẻ mạnh lại hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn và làm việc trở lại được, còn lại là những người có hồi phục nhưng vẫn yếu hoặc liệt một phần.
Xem thêm: Những dấu hiệu cảnh báo sớm đột quỵ: Không nên bỏ qua!
Di chứng sau đột quỵ
Đột quỵ thường diễn tiến rất nhanh, và để lại nhiều di chứng trầm trọng. Tùy vào mức độ tổn thương não mà bạn sẽ có mức độ tàn tật khác nhau. Nhìn chung, người bị đột quỵ thường bị những di chứng, rối loạn sau:
- Vận động: liệt nửa người, liệt tứ chi, yếu tay hoặc chân. Đây là một trong những di chứng thường gặp nhất. Từ đó, bạn phải phụ thuộc vào sự chăm sóc của người thân gia đình, giảm chất lượng cuộc sống.
- Ngôn ngữ: khó nói, giọng nói bị méo mó, nói bập bẹ, không thể diễn đạt được ý mình muốn nói, nói những câu vô nghĩa, khả năng lặp lại câu nói của người khác kém. Những rối loạn ngôn ngữ rất thường gặp, khiến bạn khó khăn trong giao tiếp. Ngoài ra, nó khiến cho bạn trở nên tự ti, trầm cảm, sống khép kín.
- Rối loạn nuốt: bạn dễ bị hít sặc khi ăn, uống. Điều này cũng làm tăng tỉ lệ viêm phổi do hít sặc.
- Rối loạn cảm giác: có thể bạn sẽ mất cảm giác nóng lạnh, chạm, hay đau trên da. Điều này rất nguy hiểm. Ví dụ nếu không may bị nước sôi đổ lên vùng da mất cảm giác, thì việc không có cảm giác, không có phản xạ rụt lại thì da sẽ bị bỏng nặng hơn.
- Tiêu tiểu không tự chủ.
- Suy giảm trí nhớ.
- Suy giảm hoặc mất khả năng tư duy, logic.
- Suy giảm khả năng lên kế hoạch, giải quyết vấn đề.
Khi nào thì bắt đầu quá trình phục hồi chức năng sau đột quỵ
Phục hồi chức năng sau đột quỵ là một phần không thể thiếu, giúp bạn hòa nhập với cộng đồng, trở về cuộc sống của chính mình. Do đó, trang bị những kiến thức cơ bản về phục hồi chức năng sau đột quỵ là vô cùng quan trọng. Phục hồi chức năng sau đột quỵ càng sớm thì bạn càng lấy lại được nhiều những kĩ năng, chức năng bị mất.
Tuy nhiên, ưu tiên trước mắt của bác sĩ vẫn là:
- Ổn định tình trạng sức khỏe của bạn trước.
- Kiểm soát các tình trạng đe dọa tính mạng.
- Ngăn ngừa đột quỵ tái phát.
- Hạn chế mọi biến chứng liên quan đến đột quỵ.
Hiện nay, chương trình phục hồi chức năng cho bạn đột quỵ thường bắt đầu sớm trong vòng 24 – 48 giờ sau đột quỵ. Tức là bắt đầu từ khi bạn đang nằm viện.
Phục hồi chức năng sau đột quỵ kéo dài bao lâu?
Thời gian phục hồi chức năng sau đột quỵ phụ thuộc vào mức độ nặng của đột quỵ và những biến chứng nào gặp phải. Một vài người phục hồi rất nhanh. Song, hầu hết đều cần một khoảng thời gian dài, có thể kéo dài vài tháng đến vài năm sau đột quỵ.
Kế hoạch phục hồi chức năng sau đột quỵ sẽ thay đổi trong quá trình phục hồi, khi bạn học lại những kĩ năng và nhu cầu của bạn cũng thay đổi. Khi luyện tập liên tục, bạn có thể rút ngắn thời gian cho mình.
Phục hồi chức năng sau đột quỵ diễn ra ở đâu?
Như đã nói, bạn đã có thể bắt đầu phục hồi chức năng ngay khi bạn đang nằm viện. Trước khi xuất viện, bạn và gia đình bạn sẽ làm việc với nhóm bác sĩ điều trị, kĩ thuật viên… để lên kế hoạch phục hồi phù hợp nhất. Những yếu tố cần cân nhắc bao gồm: nhu cầu hay mong muốn của chính bạn, của gia đình bạn, vấn đề chi trả bảo hiểm, những gì thuận tiện nhất cho bạn và gia đình của bạn.
- Các đơn vị phục hồi chức năng: Một số bệnh viện và phòng khám có đơn vị phục hồi chức năng. Nếu điều trị nội trú, bạn có thể ở lại đây trong vài tuần. Nếu được chăm sóc ngoại trú, bạn sẽ đến đây vào một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày để tập luyện.
- Tại nhà: bạn cũng có thể có chuyên gia đến tận nhà để giúp bạn phục hồi. Mặc dù điều này rất thoải mái và thuận tiện cho bạn hơn, nhưng việc tập luyện tại nhà còn hạn chế. Một phần là do nhân lực còn thiếu nhiều. Ngoài ra, khi bạn đến khám tại các trung tâm, chuyên gia có thể hướng dẫn cho bạn và gia đình về nhà cách tập luyện thêm.
Hãy thảo luận với bác sĩ và gia đình về mong muốn của bạn.
Xem thêm: Thuốc bổ não cho người bị tai biến
Ai sẽ tham gia và điều trị phục hồi chức năng sau đột quỵ?
Chương trình phục hồi chức năng đột quỵ liên quan đến một loạt các chuyên gia. Các chuyên gia cần ngồi lại với nhau, làm việc nhóm để có chương trình điều trị ưu việt nhất.
- Bác sĩ: Bác sĩ chăm sóc sức khỏe chính cho bạn, cũng như các bác sĩ chuyên khoa thần kinh, bác sĩ phục hồi chức năng.
- Điều dưỡng phục hồi chức năng.
- Vật lí trị liệu: Đội ngũ này giúp bạn học lại cách vận đông như đi lại, giữ thăng bằng.
- Hoạt động trị liệu: Đội ngũ này giúp bạn học lại những kĩ năng hàng ngày như: tắm rửa, ăn uống…
- Ngôn ngữ trị liệu.
- Đội ngũ này giúp bạn cải thiện kĩ năng ngôn ngữ, khả năng nuốt.
- Chuyên gia về tâm thần.
- Nhân viên xã hội.
Chương trình phục hồi chức năng sau đột quỵ bao gồm những gì?
Hiện nay, có rất nhiều cách tiếp cận để phục hồi chức năng sau đột quỵ. Kế hoạh của bạn sẽ phụ thuộc mức độ bị ảnh hưởng bởi đột quỵ và mong muốn của bạn là gì. Nhìn chung, chương trình phục hồi chức năng sẽ tập trung vào một số vấn đề sau:
1. Hoạt động thể chất
- Những bài tập kĩ năng vận động: những bài tập này giúp cải thiện sức mạnh cơ bắp, sự phối hợp các động tác. Bạn cũng có thể phải tập luyện để làm mạnh cơ nuốt.
- Huấn luyện di chuyển: Bạn sẽ phải học cách di chuyển với những dụng cụ trợ giúp, như xe lăn, nạng, xe đẩy, nẹp cổ chân… Nẹp cổ chân có thể cố định và làm mạnh cổ chân của bạn. Mục đích là để hỗ trợ sức nặng cơ thể trong khi bạn học cách đi trở lại.
- Liệu pháp sử dụng bắt buộc: Bạn sẽ phải học cách sử dụng chi (tay, chân) bị yếu liệt tỏng sinh hoạt, trong khi chi không bị yếu liệt sẽ được yêu cầu không thực hiện.
- Duy trì tầm vận động: Một số bài tập và phương pháp điều trị có thể làm giảm sự co cứng cơ và giúp bạn lấy lại tầm vận động của khớp.
Một số kĩ thuật hỗ trợ cho hoạt động thể chất, như là:
- Kích thích điện chức năng: Dòng điện được áp dụng cho những cơ bị yếu, giúp cơ co. Vì vậy, kích thích điện có thể giúp phòng ngừa teo cơ, yếu cơ.
- Công nghệ robot: Các thiết bị robot có thể hỗ trợ tay, chân bị yếu thực hiện các chuyển động lặp đi lặp lại. Giúp chi bị yếu liệt lấy lại sức mạnh và chức năng.
- Thực tế ảo: Việc sử dụng những trò chơi video và những trị liệu dựa trên máy tính khác liên quan đến việc tương tác giữa bạn và môi trường mô phỏng.
2. Những hoạt động về nhận thức và cảm xúc
- Nhận thức: Hoạt động trị liệu và âm ngữ trị liệu có thể giúp bạn lấy lại những khả năng nhận thức bị mất. Ví dụ: trí nhớ, kĩ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng xã hội, kĩ năng đánh giá, nhận biết về sự an toàn.
- Giao tiếp: âm ngữ trị liệu có thể giúp bạn lấy lại những khả năng bị mất, như: nói, nghe, viết và sự hiểu.
- Điều trị và đánh giá tâm thần: Sự điều chỉnh cảm xúc của bạn cần được khám, đánh giá.
- Thuốc: bạn có thể được kê thuốc chống trầm cảm, thuốc ảnh hưởng đến sự tỉnh táo, kích động hoặc vận động.
3. Một số điều trị khác đang được nghiên cứu
- Các liệu pháp sinh học, tế bào gốc đang được nghiên cứu.
- Các phương pháp điều trị như xoa bóp, trị liệu bằng thảo dược, châm cứu, liệu pháp oxy đang được đánh giá.
Phục hồi chức năng sau đột quỵ có phải luôn thành công?
Sự thành công của phục hồi chức năng phụ thuộc nhiều yếu tố:
- Mức độ ảnh hưởng của đột quỵ.
- Phục hồi bắt đầu khi nào.
- Tuổi.
- Động lực và mức độ luyện tập.
- Những vấn đề sức khỏe nền tảng.
- Các thành viên trong gia đình và bạn bè bạn cũng có thể giúp cải thiện bạn phục hồi bằng cách động viên và hỗ trợ.
Phục hồi chức năng là một phần không thể thiếu trong phác đồ điều trị đột quỵ. Hơn nữa, phục hôi chức năng sớm làm tăng tỉ lệ quay lại cuộc sống, hòa nhập với xã hội. Hy vọng bài viết “Đột quỵ là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách phục hồi” đã cung cấp được những thông tin cơ bản về chương trình phục hồi chức năng sau đột quỵ.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Những điều cần biết về tai biến mạch máu não (đột quỵ)http://hoidotquyvietnam.com/tin-tuc/nhung-dieu-can-biet-ve-tai-bien-mach-mau-nao-dot-quy-17.html
Ngày tham khảo: 21/02/2020
-
Stroke Recovery: What to Expecthttps://www.healthline.com/health/stroke/recovery
Ngày tham khảo: 21/02/2020
-
Stroke rehabilitation: What to expect as you recoverhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/stroke/in-depth/stroke-rehabilitation/art-20045172
Ngày tham khảo: 21/02/2020