YouMed

Bầu đất: Thanh nhiệt giải độc và nhiều công dụng khác

Bác sĩ LÊ NGỌC BẢO
Tác giả: Bác sĩ Lê Ngọc Bảo
Chuyên khoa: Phục hồi chức năng, Y học cổ truyền

Bầu đất là một loại cây thông dụng, thường được người dân nước ta dùng như rau bổ, mát. Ngoài ra, loại cây này cũng là một vị thuốc điều trị nhiều loại bệnh. Cây rau này có công dụng gì, những nghiên cứu gần đây đã chứng minh hiệu quả điều trị của vị thuốc ra sao? Hãy cũng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Giới thiệu cây Bầu đất

Cây Bầu đất còn có tên khác là Kim thất, Rau lúi, Thiên hắc địa hồng, Dây chua lè, Rau bầu đất. Đây là một loại cây thuộc họ Cúc.

1.1. Nhận dạng cây thuốc

Đây là một loại cỏ có nhiều cành, thân mọng nước. Lá dày, giòn, thuôn, hình trứng tròn hay tù ở đáy lá, có răng nhỏ ở mép. Lá có màu xanh lợt ở mặt dưới, hơi tía ở mặt trên và xanh ở các gân, cuống dài cỡ 1cm. Cụm hoa ở ngọn cây, gồm nhiều đầu màu tía. Các hoa trong đầu hoa hình ống, màu vàng da cam. Cây ra hoa kết quả vào mùa xuân – hè.

Bầu đất là một cây thân cỏ, lá mọng nước
Bầu đất là một cây thân cỏ, lá mọng nước

1.2. Nơi sống, thu hái, bộ phận dùng

Hầu hết phân bố ở nhiều nước châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam. Ở nước ta, cây thuốc này thường mọc hoang dại, phân bố từ Nam ra Bắc. Cây cũng được trồng làm rau ăn và làm thuốc. Người ta thu hái vào mùa hạ, dùng toàn cây tươi, có thể phơi khô.

2. Thành phần hóa học

Nhiều nghiên cứu cho thấy trong Bầu đất có các thành phần như: axit caffeoylquinic, glucoside phytosteryl, glycoglycerolipid…

3. Công dụng và cách dùng

Bầu đất có vị đắng thơm, tính mát. Theo y học cổ truyền, dược liệu này có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, tiêu viêm.

Người dân thường dùng nó như một loại rau. Cành lá, ngọn non được chần qua nước sôi, xào hoặc nấu canh cua. Cũng có thể dùng làm rau trộn dầu giấm.

>> Rất nhiều loại dược liệu vừa là rau nhưng cũng có công dụng chữa bệnh rất tốt. Đọc thêm: Chút chít: Vừa là món rau, vừa là vị thuốc.

bầu đất là một cây thuốc dễ trồng
Đây là một cây thuốc dễ trồng

Trong điều trị bệnh, dùng thân và lá, mỗi ngày khoảng 30 – 40g, dưới dạng thuốc sắc. Thường dùng phối hợp nhiều vị thuốc khác để trị sốt, kinh nguyệt không đều, thiếu máu, các bệnh đường tiết niệu, đau mắt đ.

Ở Campuchia, thân và cây lá Bầu đất phối hợp với những loài cây khác dùng để hạ nhiệt trong các chứng sốt phát ban như các bệnh sởi, sốt tinh hồng nhiệt.

Ở Malaysia, người ta dùng lá trộn với dầu, giấm ăn để trị lỵ. Còn ở Java (Indonesia), người ta dùng để trị đau thận.

4. Một số kinh nghiệm sử dụng Bầu đất trị bệnh

4.1. Chữa đau mắt

Lá rửa sạch, thêm vài hạt muối, giã nhỏ đắp lên mắt đau.

4.2. Chữa tiểu són, tiểu buốt

Bầu đất tươi 80g, sắc nước uống.

Hoặc phối hợp 30g Bầu đất, 20g Mã đề, 20g râu Ngô, sắc nước uống, ngày 1 thang.

4.3. Chữa phụ nữ viêm bàng quang, khí hư, bạch đới

Bầu đất sắc nước uống với bột Thổ tam thất và Ý dĩ sao với liều bằng nhau, mỗi lần 10 – 15g. Ngày uống 2 lần.

4.4. Chữa bầm tím phần mềm do chấn thương

Bầu đất tươi, thêm vài hạt tiêu, giã nát đắp vào vùng bầm tím. Đắp mỗi ngày 1 lần, lượng thuốc tùy vùng cần đắp.

4.5. Chữa trẻ em tiểu dầm

Bầu đất nấu canh ăn hằng ngày, lượng vừa đủ dùng, nên ăn vào buổi trưa

bầu đất có thể được nấu canh ăn để trị bệnh
Vị thuốc có thể được nấu canh ăn để trị bệnh

5. Các nghiên cứu gần đây về tác dụng của Bầu đất

Thành phần flavonoid trong dược liệu mang lại tác dụng chống viêm. Nghiên cứu gần đây cho thấy chiết xuất của nó có hiệu quả trong hỗ trợ điều trị viêm da do vi rút Herpes, giúp nhanh lành, giảm đau, giảm ngứa.

Các nghiên cứu khác cho thấy dịch chiết lá Bầu đất có khả năng ức chế sự phát triển vi khuẩn Escherichia coli (thường gây nhiễm trùng đường ruột, tiết niệu), Staphylococcus aureus (thường gây nhiễm trùng da, mô mềm…) và Candida albicans (vi nấm gây nấm ngoài da, nấm sinh dục…). Dịch chiết Bầu đất còn tác động ức chế một số vi khuẩn khác như Bacillus subtilis, B.pumalis, Pseudomonas aeruginosa…

Nghiên cứu còn cho thấy dịch chiết lá Bầu đất có hoạt tính ức chế α-glucosidase. Tác dụng này tương tự một thuốc trị đái tháo đường đang được sử dụng là Acarbose. Từ đó cho thấy tiềm năng hỗ trợ điều trị đái tháo đường của dược liệu này.

Bầu đất là một loại rau thông dụng, thường được dùng nấu canh. Nó có tác dụng điều trị viêm, nhiễm trùng ngoài da, đau mắt đỏ, viêm đường tiết niệu… Các nghiên cứu hiện đại đã chứng minh tác dụng kháng khuẩn, kháng vi rút của Bầu đất, cũng như tiềm năng hỗ trợ điều trị đái tháo đường của cây thuốc này.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Võ Văn Chi (1998). Cây rau làm thuốc. NXB Tổng hợp Đồng Tháp

  2. Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. NXB Y học, Hà Nội

  3. Siripen Jarikasem, Somyot Charuwichitratana, et al (2013), “Antiherpetic Effects of Gynura procumbens”, Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine, Volume 2013, Article ID 394865

  4. Normah Haron, Hanapi Mat Jusoh (2019), “Antimicrobial properties of Gynura procumbens (Sambung Nyawa) leaves in methanolic and acidic extracts”, International Journal of Allied Health Sciences, Volume 3 (2), pp.605-615

  5. Tun Tun , Ei Ei Swe ( 2020), “Study on Morphology, Histology and antimicrobial activities on the leaf of Gynura procumbens (Lour.) Merr.”, 3 rd Myanmar Korea Conference Research Journal, Volume 3, No. 3, pp.1059-1066

  6. Le, Q., Nguyen, Q., Dang, P., Nguyen, N., & Tran, Q. (2020), “Chemical constituents and bioactivity of Gynura procumbens (Lour.) Merr”, Science and Technology Development Journal, volume 22(4), pp.391-399

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người