Bé đổ mồ hôi đầu có đáng lo và câu trả lời từ bác sĩ
Nội dung bài viết
Đổ mồ hôi đầu xảy ra ở ở 2 – 3% dân số thế giới. Trẻ em cũng không ngoại lệ. Trường hợp bé đổ mồ hôi đầu rất phổ biến. Đặc biệt là ở trẻ sơ sinh. Vậy tình trạng này có đáng lo ngại không? Đa số các trường hợp này là bình thường nhưng đây cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn. Cha mẹ hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Chí Hiếu tìm hiểu chủ đề này trong bài viết sau.
Nguyên nhân bé đổ mồ hôi đầu nhiều
Thông thường các trẻ lớn và trẻ thanh thiếu niên sẽ gặp vấn đề đổ mồ hôi nhiều ở đầu. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh hoặc người lớn cũng có thể gặp vấn đề này.
Tình trạng đổ mồ hôi đầu cũng có thể đi kèm với đổ mồ hôi ở lòng bàn tay, bàn chân. Một số người cũng có thể đổ mồ hôi vùng nách.
Một số nguyên nhân phổ biến của tình trạng bé đổ mồ hôi đầu là:
Thay đổi hormone
Nếu trẻ đổ mồ hôi đầu nhiều khi ở tuổi dậy thì thì rất có thể tuổi dậy thì chính là nguyên nhân. Cụ thể là sự thay đổi các nội tiết tố trong cơ thể khiến việc điều hòa bài tiết mồ hôi bị rối loạn.
Cường giáp ở trẻ em
Bé đổ mồ hôi đầu có thể là một triệu chứng của bệnh cường giáp. Cường giáp ở trẻ thường đi kèm với các triệu chứng khác như:
- Mệt mỏi.
- Hành vi cáu kỉnh và bồn chồn.
- Trẻ sụt cân, chậm lớn.
Trẻ đổ mồ hôi đầu vì bệnh tiểu đường
Đổ mồ hôi nhiều ở đầu có thể là triệu chứng của một tình trạng sức khỏe như bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, khởi phát của bệnh tiểu đường thường được đánh dấu bằng các triệu chứng khác. Chủ yếu là khát nước, mệt mỏi, đi tiểu thường xuyên và đói nhiều.
Tiểu đường ở trẻ nhỏ thường là loại tiểu đường type 1 có liên quan đến gen di truyền và môi trường sống.
Trẻ bị đổ mồ hôi đầu do bệnh tim
Đổ mồ đầu nhất là trong lúc ngủ có thể là dấu hiệu của bệnh tim. Đây là một trường hợp hiếm xảy ra. Nhưng dù sao nó cũng có thể là một nguyên nhân.
Cách bệnh lý tim mạch thường sẽ đi kèm với các triệu chứng khác như khó thở, giảm cân quá mức và ho. Các chuyên gia cho rằng đổ mồ hôi vào ban đêm ở trẻ là một nguyên nhân đáng lo ngại và cần báo ngay cho bác sĩ.
Bé bị đổ mồ hôi đầu do hội chứng ngưng thở khi ngủ
Hội chứng ngưng thở khi ngủ cũng là một lý do khiến cho bé đổ mồ hôi đầu nhiều. Tình trạng này xảy ra phổ biến ở các bé sinh non. Dấu hiệu đi kèm như màu da hơi xanh, thở khò khè, ngưng thở đến 20 giây trong lúc ngủ khiến trẻ cảm thấy rất khó chịu.
Cách tốt nhất để tìm ra nguyên nhân chính xác là hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa. Bác sĩ có thể tiến hành một loạt các xét nghiệm (chủ yếu để kiểm tra chức năng của tuyến nội tiết) để tìm ra nguyên nhân chính xác của tình trạng bé bị đổ mồ hôi.
Bé đổ mồ hôi đầu nhiều có đáng lo?
Đổ mồ hôi đầu là một hiện tượng bình thường trong quá trình phát triển của trẻ. Tình trạng này có thể sẽ thuyên giảm bằng các biện pháp tại nhà để giảm thiểu sự tích tụ nhiệt trong cơ thể bé.
Tuy nhiên, bé đổ mồ hôi đầu quá nhiều cũng có thể là triệu chứng của nhiễm trùng hoặc một số bệnh lý hiếm gặp.
Điều quan trọng vẫn là cha mẹ nên tìm kiếm lời khuyên từ chuyên gia y tế. Nhất là khi bạn nghĩ chứng đổ mồ hôi đầu của trẻ nằm ngoài những hiện tượng bình thường.
Cách khắc phục tình trạng đổ mồ hôi đầu nhiều ở trẻ
Đối với tình trạng bé đổ mồ hôi đầu, bác sĩ chuyên khoa nhi gợi ý đến các bậc cha mẹ một số gợi ý như sau để khắc phục:
Bổ sung vitamin D cho bé
Cha mẹ có thể bổ sung vitamin D cho bé bằng cách tắm nắng. Vitamin D còn giúp con giảm nguy cơ mắc bệnh còi xương.
Thời điểm tắm nắng thích hợp là vào buổi sáng trước 10 giờ. Cho trẻ tắm trong khoảng thời gian từ 10 – 30 phút. Chú ý là khi tắm nắng cho trẻ, không để mắt trẻ tiếp xúc thẳng với ánh sáng mặt trời.
Đảm bảo cơ thể bé luôn mát mẻ
Trẻ nhỏ thường có thân nhiệt cao hơn người lớn. Do đó, cha mẹ cần đảm bảo phòng ngủ của con luôn được thoáng mát. Nhất là khi thời tiết nắng nóng, cha mẹ nên cho trẻ chơi đùa trong bóng râm. Tắm rửa sạch sẽ cho trẻ hàng ngày và bổ sung lượng nước cho con đầy đủ.
Chế độ dinh dưỡng phù hợp
Dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa trẻ em bị đổ mồ hôi đầu. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi nên cho trẻ bú hoàn toàn sữa mẹ để giúp tăng cường sức đề kháng. Với trẻ trên 6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu ăn dặm. Cha mẹ nên bổ sung nhiều loại rau củ quả có tính mát như bí đao, cải ngọt, cam, quýt, rau má,… trong khẩu phần ăn.
Dùng khăn mềm lau khô vùng ra mồ hôi
Nếu trẻ bị ra mồ hôi đầu thì cha mẹ sử dụng một chiếc khăn mềm có khả năng thấm hút để lau sạch mồ hôi cho trẻ. Điều này giúp cho mồ hôi không thể thấm ngược vào cơ thể. Ngoài ra còn có thể phòng ngừa triệu chứng sốt và cảm lạnh ở trẻ.
Đưa trẻ đi khám bác sĩ
Nếu em bé đổ mồ hôi đầu bất thường thì cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để được kiểm tra và điều trị kịp thời. Chẳng hạn như bé vừa đổ mồ hôi vừa mệt mỏi, tóc thưa, chậm mọc răng, chậm biết bò, chậm biết đi…
Hy vọng qua bài viết trên cha mẹ đã hiểu được tình trạng bé đổ mồ hôi đầu. Tuy nhiên bài viết này có mục đích truyền tải thông tin và không nên được sử dụng để thay thế cho lời khuyên của bác sĩ. Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám nếu trẻ đổ mồ hôi quá nhiều cách thường xuyên và bất thường.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Excessive Head Sweating in Children
https://healthhearty.com/excessive-head-sweating-in-children
Ngày tham khảo: 24/06/2021