YouMed

Bệnh bụi phổi: Phòng bệnh hơn chữa bệnh!

bác sĩ nguyễn lê vũ hoàng
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Lê Vũ Hoàng
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Bệnh bụi phổi là một loại bệnh về phổi gây ra do các phân tử bụi như hạt amiăng, bụi than hay silic. Khi hít phải, chúng đi vào trong đường thở hay phế nang và gây ra đáp ứng viêm. Cuối cùng, do phổi không thể loại bỏ hết những hạt bụi này nó sẽ bị sơ sẹo. Bệnh thường mất nhiều năm để tiến triển. Do nguyên nhân gây bệnh thường gặp ở công trường, nhà máy nên nó được xếp vào bệnh phổi nghề nghiệp. Triệu chứng phổ biến là khó thở, ho.

Tổng quan về căn bệnh

Bệnh bụi phổi là bất cứ bệnh phổi nào gây ra bởi các phân tử bụi gây tổn thương phổi.

Nó được phân loại theo từng nguyên nhân. Tuy nhiên, triệu chứng giữa các loại không khác biệt. Các loại bụi gây bệnh thường gặp là:

  • Bụi than ở những công nhân hầm mỏ. Chúng là nguyên nhân gây nên ‘bệnh phổi đen’.
  • Sợi amiăng trong tấm cách nhiệt, tấm lợp. Thuật ngữ ‘asbestosis’ thường nghe để chỉ bệnh phổi do nguyên nhân này.
  • Bụi cotton trong ngành công nghiệp dệt. Đây là nguyên nhân gây nên ‘bệnh phổi nâu’.
  • Bụi silic từ cát và đá.
  • Berily, là một kim loại nhẹ dùng trong công nghiệp điện và vũ trụ.
  • Ôxit nhôm, côban, bột talc…

Khi chúng ta hít phải những hạt này, chúng sẽ lắng đọng ở phổi. Sau đó, hệ miễn dịch tấn công những phân tử lạ này. Đầu tiên là đáp ứng viêm, sau đó gây nên mô xơ sẹo. Cuối cùng, khi mô xơ sẹo trở nên nghiêm trọng sẽ gây ra các triệu chứng của bệnh bụi phổi.

Bệnh phổi đen ở công nhân hầm mỏ là một dạng bệnh bụi phổi
Bệnh phổi đen ở công nhân hầm mỏ là một dạng bệnh bụi phổi

Triệu chứng của bệnh là gì?

Bệnh bụi phổi cần một thời gian dài để hình thành. Do đó các triệu chứng có thể không biểu hiện ngay khi tiếp xúc với bụi. Thậm chí người bệnh khi khởi phát không còn làm trong môi trường bụi bặm nữa. Đôi khi người bệnh không có bất cứ triệu chứng nào, đặc biệt ở giai đoạn sớm. Khi bệnh tiến triển, một số biểu hiện chúng ta cần lưu ý:

  • Khó thở, hoặc cảm giác hụt hơi khi vận động, như đi bộ hoặc leo cầu thang. Trường hợp nặng hơn người bệnh có thể khó thở cả khi nghỉ ngơi.
  • Ho, có thể có đàm.
  • Cảm giác nặng ngực.

Những biểu hiện này cũng thường gặp khi cảm lạnh hoặc nhiễm trùng hô hấp nói chung. Tuy nhiên ở bệnh bụi phổi chúng dai dẳng hơn và cần nên nghĩ tới khi người bệnh từng làm việc trong môi trường nhiều bụi.

Bệnh được chẩn đoán ra sao?

Các công nhân làm việc trong môi trường nhiều bụi thường được kiểm tra định kỳ bằng X-quang phổi hoặc đo chức năng hô hấp.

Nếu một người có triệu chứng, bác sĩ sẽ khám và hỏi bệnh sử, bao gồm có phơi nhiễm bụi không. Sau đó là đo chức năng hô hấp, X-quang và CT scan sẽ giúp ích. Trên X-quang và CT scan các hình ảnh liên quan tới chẩn đoán là các nốt hoặc khối mờ, vùng phổi bị viêm, dịch trong phổi hay màng phổi.

Thỉnh thoảng bác sĩ cần phải làm các cận lâm sàng xâm lấn hơn như sinh thiết. Khi đó, một ống nhỏ có camera được luồn qua miệng tới khí quản. Nhờ vậy bác sĩ có thể quan sát đường thở, lấy một mẫu dịch xét nghiệm vi trùng hay lấy một mẫu mô làm giải phẫu bệnh. Công việc này thường không cần thiết để chẩn đoán bệnh bụi phổi nhưng giúp loại trừ bệnh khác.

Bệnh bụi phổi điều trị được không?

Rất tiếc là hiện nay chưa có phương pháp điều trị triệt để cho bệnh bụi phổi. Do đó chủ yếu là điều trị triệu chứng và làm cho bệnh không trở nặng hơn.

Cần thiết phải giữ cho tim và phổi khỏe mạnh. Điều chúng ta nên làm là duy trì cân nặng thích hợp, không hút thuốc lá, ngủ nhiều hơn và tập thể dục thường xuyên. Tập phục hồi chức năng có thể cải thiện đáng kể vấn đề hô hấp.

Hàng năm người bệnh nên chích ngừa vắc-xin cúm. Ngoài ra có thể bổ sung thêm vắc-xin phế cầu để giảm nguy cơ viêm phổi.

Sử dụng các loại ống hít và liệu pháp oxi khi người bệnh bị giảm oxi máu để giúp duy trì chức năng phổi nhiều nhất có thể.

Cần tái khám đều đặn để nắm rõ tiến triển của bệnh.

Hiếm hơn, ở những trường hợp rất nặng, người bệnh có thể cần phải ghép phổi để sống sót.

Bệnh bụi phổi có thể gây ra một số biến chứng. Điển hình là suy hô hấp, lao và suy tim. Người bệnh cũng có nguy cơ đột quỵ cao hơn bình thường. Do đó, cần phải biết những triệu chứng của đột quỵ và tới cơ sở y tế khi cần.

Không hút thuốc lá, kể cả hình thức thụ động
Không hút thuốc lá, kể cả hình thức thụ động

Nên làm gì để phòng bệnh khi làm việc trong môi trường nhiều bụi bẩn?

Không phải ai làm việc trong môi trường bụi bẩn cũng sẽ mắc bệnh bụi phổi. Quan trọng là phải biết cách phòng bệnh. Một số việc nên làm giúp chúng ta giảm thiểu nguy cơ khi làm việc trong môi trường độc hại như:

  • Giữ mức độ bụi bẩn ở mức thấp nhất có thể.
  • Nơi làm việc cần được làm thông thoáng.
  • Đeo khẩu trang và mặc đồ bảo hộ khi làm việc liên quan tới bụi độc hại.
  • Rửa tay, mặt và những vùng cơ thể tiếp xúc với bụi sạch trước khi ăn uống.
  • Không hút thuốc lá.
  • Kiểm tra sức khỏe và chụp X quang định kỳ, khi có bất kỳ triệu chứng nào cần tới gặp bác sĩ sớm.
Kiểm tra sức khỏe và chụp X quang định kỳ rất nên thực hiện
Kiểm tra sức khỏe và chụp X quang định kỳ rất nên thực hiện

Bệnh bụi phổi là một bệnh nghề nghiệp, liên quan tới môi trường làm việc nhiều bụi bẩn độc hại. Biểu hiện khác nhau ở từng người. Các triệu chứng cũng có thể gây nhầm lẫn. Vì chưa có điều trị hiệu quả cho bệnh bụi phổi, việc phòng ngừa là quan trọng. Giữ nơi làm việc sạch sẽ, mang đồ bảo hộ, rửa tay thường xuyên là những việc nên làm.

Ngoài ra nên khám sức khỏe định kỳ để được đo chức năng phổi và chụp X quang. Điều này không chỉ giúp phát hiện sớm bệnh bụi phổi mà còn cả những biến chứng của nó và các bệnh khác đi kèm.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Pneumoconiosis: The risk of breathing in dusthttps://www.medicalnewstoday.com/articles/319644

    Ngày tham khảo: 25/12/2019

  2. Coal Worker’s Pneumoconiosis (Black Lung Disease)https://www.lung.org/lung-health-diseases/lung-disease-lookup/black-lung

    Ngày tham khảo: 25/12/2019

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người