YouMed

Bệnh cường giáp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

bác sĩ vũ thành đô
Tác giả: ThS.BS Vũ Thành Đô
Chuyên khoa: Tim - Thận - Khớp - Nội tiết

Bệnh cường giáp gây ra các biểu hiện như nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, hồi hộp, run tay, yếu cơ, mệt mỏi và còn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác. Vậy cường giáp là bệnh gì? Nguyên nhân nào gây ra cường giáp? Điều trị cường giáp như thế nào? Bài viết dưới đây của Bác sĩ Vũ Thành Đô sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc trên. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu nhé!

Bệnh cường giáp là gì?

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết có hình dạng cánh bướm nằm ở phía trước cổ. Chức năng chính là tiết ra các hormone tuyến giáp vào máu và vận chuyển đến các mô trong cơ thể.

Tuyến giáp sản xuất hai hormone chính là thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3). Các horhmone này tác động đến mọi tế bào trong cơ thể. Bao gồm, duy trì tốc độ cơ thể sử dụng chất béo và carbohydrate, giúp kiểm soát nhiệt độ cơ thể, tác động đến nhịp tim và sản xuất protein trong cơ thể.

Tóm lại, hormone tuyến giáp giúp cơ thể sử dụng năng lượng, giữ ấm và giữ cho não, tim, cơ và các cơ quan khác hoạt động bình thường. Nồng độ canxi trong máu cũng được điều chỉnh bởi hormone tuyến giáp. Tuyến giáp cũng sản xuất một loại hormone giúp điều chỉnh lượng canxi trong máu.

Tuyến giáp nằm ở phía trước cổ, có hình dạng cánh bướm
Tuyến giáp nằm ở phía trước cổ, có hình dạng cánh bướm

Bệnh cường giáp xảy ra khi tuyến giáp của bạn sản xuất quá nhiều hormone thyroxine. Cường giáp có thể đẩy nhanh quá trình trao đổi chất của cơ thể. Biểu hiện như giảm cân không chủ ý, tim đập nhanh, v.v. Mặc dù cường giáp có thể ảnh hưởng nghiêm trọng lên cơ thể. Tuy nhiên, hầu hết trường hợp đều đáp ứng tốt khi cường giáp được chẩn đoán và điều trị.

Xem thêm: Bệnh cường giáp có nguy hiểm không?

Nguyên nhân gây cường giáp

Bình thường, tuyến giáp tiết ra lượng hormone giáp phù hợp. Nhưng đôi khi vì lý do nào đó nó tạo ra quá nhiều thyroxine (T4). Tình trạng này có thể xảy ra vì một số lý do sau, bao gồm:

Bệnh Graves (bệnh bướu giáp lan tỏa) hay còn gọi là bệnh Basedow

Đây là một bệnh rối loạn tự miễn. Trong đó các kháng thể do hệ thống miễn dịch của bạn tác động lên tuyến giáp. Hậu quả làm sản xuất quá nhiều hormone thyroxine (T4). Bệnh Graves (bướu giáp lan tỏa) là nguyên nhân phổ biến nhất của hội chứng cường giáp.

Tăng chức năng tuyến giáp

Tăng chức năng tuyến giáp thường gặp trong tình trạng u độc tuyến giáp đơn nhân, u độc tuyến giáp đa nhân hoặc bệnh Plummer. Dạng cường giáp này xảy ra khi một hoặc nhiều u tuyến giáp sản xuất quá nhiều T4. U tuyến giáp là một phần của tuyến giáp tự tách ra khỏi phần còn lại của tuyến giáp. Khối u này lành tính, không phải ung thư.

Viêm tuyến giáp

Đôi khi, bạn có thể bị viêm tuyến giáp sau sinh, do tình trạng tự miễn hoặc không rõ lý do. Viêm giáp có thể làm cho lượng hormone tuyến giáp được lưu trữ trong tuyến rò rỉ vào máu. Một số loại viêm tuyến giáp có thể gây đau ở vùng cổ.

Những triệu chứng của cường giáp

Hormone tuyến giáp đóng vai trò quan trọng về tốc độ quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Nếu hormone tuyến giáp bị dư thừa, mọi chức năng của cơ thể có xu hướng phản ứng quá mức.

Một số triệu chứng phổ biến của bệnh cường giáp

  • Nhịp tim nhanh thường hơn 100 nhịp một phút.
  • Nhịp tim không đều.
  • Hồi hộp, đánh trống ngực.
  • Tăng tiết mồ hôi.
  • Run tay, thường là run nhẹ ở bàn tay và ngón tay.
  • Lo lắng, khó ngủ.
  • Yếu cơ. Đặc biệt là ở bắp tay và đùi.
  • Đi tiêu thường xuyên hơn.
  • Vẫn giảm cân dù ăn nhiều và rất ngon miệng.
  • Xuất hiện bướu cổ hoặc khối u ở cổ.
  • Mỏng da.
  • Tóc mỏng, dễ rụng.
  • Ở phụ nữ, lượng máu mất khi hành kinh có thể ít hơn bình thường hoặc thưa kinh.
Người mắc bệnh cường giáp thường hay xuất hiện bướu cổ
Người mắc bệnh cường giáp thường hay xuất hiện bướu cổ

Vì cường giáp làm tăng sự trao đổi chất, nhiều người ban đầu cảm thấy tràn đầy năng lượng. Tuy nhiên, khi tình trạng cường giáp tiếp tục diễn ra và kéo dài, cơ thể có xu hướng suy yếu dần. Vì thế tình trạng mệt mỏi, yếu ớt thường là biểu hiện rất phổ biến.

Ở người lớn tuổi có nhiều khả năng không có dấu hiệu hoặc có những dấu hiệu mờ nhạt. Chẳng hạn như nhịp tim tăng, chịu nóng kém và có xu hướng mệt mỏi khi hoạt động bình thường.

Triệu chứng khác của bệnh Graves (Basedow)

Trong bệnh Graves (hay còn gọi là bệnh Basedow), là dạng bệnh cường giáp phổ biến nhất. Tình trạng này có biểu hiện mắt lồi to ra vì mi trên bị kéo lên. Các dấu hiệu và triệu chứng khác về mắt trong bệnh Graves bao gồm:

  • Khô mắt.
  • Đỏ mắt hoặc sưng mắt.
  • Chảy nước mắt nhiều hoặc khó chịu ở một hoặc cả hai mắt.
  • Nhạy cảm với ánh sáng, mờ hoặc nhìn đôi, viêm hoặc giảm chuyển động của mắt.
Người mắc bệnh Basedow thường có mắt lồi to ra
Người mắc bệnh Basedow thường có mắt lồi to ra

Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh

Những đối tượng dễ có nguy cơ mắc bệnh cường giáp
Những đối tượng dễ có nguy cơ mắc bệnh cường giáp

Cách phòng ngừa và điều trị bệnh cường giáp

Trong hầu hết các trường hợp, cường giáp không thể ngăn ngừa được. Bệnh có thể di truyền qua huyết thống ví dụ như bệnh Graves (Basedow). Hoặc xuất hiện khi có sự gia tăng lượng hormone tuyến giáp ví dụ như trong hoặc sau khi mang thai. Nếu trong gia đình bạn có tiền sử người mắc bệnh Graves, bạn nên đến cơ sở y tế để tầm soát bệnh.

Đến nay không có phương pháp điều trị duy nhất nào là tốt nhất cho bệnh nhân cường giáp. Việc lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của bạn, loại cường giáp, mức độ nặng của bệnh cường giáp và các vấn đề sức khỏe khác mà bạn có. Việc điều trị sẽ cần có sự tham khảo ​​của bác sĩ nội tiết có kinh nghiệm trong điều trị bệnh cường giáp. Một số phương pháp điều trị cường giáp hiện nay, bao gồm:

Thuốc kháng giáp

Loại thuốc này giúp ngăn chặn khả năng tạo ra hormone tuyến giáp mới của tuyến giáp. Nó có tác dụng kiểm soát tốt tuyến giáp không hoạt động quá mức và không gây tổn thương vĩnh viễn cho tuyến giáp.

Trong khoảng 20% ​​đến 30% bệnh nhân mắc bệnh Graves, điều trị bằng thuốc kháng giáp trong thời gian từ 12 đến 18 tháng sẽ làm bệnh thuyên giảm lâu dài. Đối với những bệnh như u độc tuyến giáp đơn nhân hoặc u độc tuyến giáp đa nhân. Thuốc kháng giáp có thể được sử dụng để chuẩn bị cho điều trị bằng phẫu thuật hoặc liệu pháp iốt phóng xạ.

Iốt phóng xạ

Đây là một phương pháp khác để điều trị bệnh cường giáp. Iốt phóng xạ làm tổn thương hoặc phá hủy các tế bào tuyến giáp tạo ra hormone tuyến giáp. Vì những tế bào tuyến giáp cần iốt để tạo ra hormone tuyến giáp, chúng sẽ hấp thụ bất kỳ dạng iốt nào trong máu, cho dù nó có phóng xạ hay không.

Iốt phóng xạ được sử dụng bằng đường uống, thường là trong một viên nang nhỏ dùng một lần. Khi nuốt vào, iốt phóng xạ sẽ đi vào máu và nhanh chóng được các tế bào tuyến giáp hấp thu. Lúc này i-ốt phóng xạ phá hủy các tế bào đã hấp thu. Kết quả là tuyến giáp hoặc nhân giáp thu nhỏ kích thước, nồng độ hormone tuyến giáp trong máu trở lại bình thường. Đôi khi bệnh nhân vẫn bị cường giáp, nhưng thường ở mức độ nhẹ hơn trước.

Phẫu thuật

Bệnh cường giáp có thể được chữa khỏi hoàn toàn bằng cách phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hoặc hầu hết tuyến giáp. Phương pháp phẫu thuật này cần được thực hiện bởi bác sĩ phẫu thuật có kinh nghiệm về phẫu thuật tuyến giáp.

Xem thêm: Mổ bướu tuyến giáp có nguy hiểm không và cách hạn chế biến cố

Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp là phương pháp có thể chữa khỏi hoàn toàn cường giáp
Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp là phương pháp có thể chữa khỏi hoàn toàn cường giáp

Sau khi tuyến giáp được cắt bỏ, nguồn gốc tạo ra hormone tuyến giáp không còn nữa. à hình thành tình trạng suy giáp. Người bênh sẽ cần điều trị mỗi ngày với thuốc bổ sung hormone giáp để duy trì hoạt động bình thường của cơ thể.

Thuốc chẹn beta

Bất kể phương pháp điều trị nào trong số ba phương pháp trên, bác sĩ có thể sẽ kê đơn kèm theo một nhóm thuốc được gọi là thuốc chẹn beta hay còn gọi là B blocker. Hiệu quả của thuốc làm hạn chế các biểu hiện của cường giáp, ví dụ như làm chậm nhịp tim và giảm các triệu chứng đánh trống ngực, run tay, căng thẳng.

Hi vọng bài viết trên của Bác sĩ Vũ Thành Đô đã giúp bạn hiểu rõ thêm về bệnh cường giáp. Bệnh cường giáp là bệnh rối loạn hormone tuyến giáp. Nếu gia đình bạn từng có thành viên mắc bệnh Graves (Basedow) hoặc khi bạn có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ cường giáp. Hãy đến cơ sở y tế, đặc biệt chuyên khoa nội tiết để được tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Hyperthyroidism (Overactive)https://www.thyroid.org/hyperthyroidism/

    Ngày tham khảo: 17/09/2021

  2. Hyperthyroidism (overactive thyroid)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hyperthyroidism/symptoms-causes/syc-20373659

    Ngày tham khảo: 17/09/2021

  3. Hyperthyroidism (Overactive Thyroid)https://www.webmd.com/a-to-z-guides/overactive-thyroid-hyperthyroidism

    Ngày tham khảo: 17/09/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người