Bệnh cường giáp có lây không và câu trả lời từ bác sĩ
Nội dung bài viết
Một trong những bệnh lý về tuyến giáp phổ biến nhất hiện nay là bệnh cường giáp. Không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, bệnh có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, nhiều người thường thắc mắc “Liệu bệnh cường giáp có lây không?”. Hãy để ThS.BS Vũ Thành Đô giúp bạn trả lời câu hỏi trên qua bài viết dưới đây.
Tổng quan về bệnh cường giáp
Cường giáp là tình trạng xảy ra khi tuyến giáp hoạt động quá mức. Tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng, giữ vai trò tiết ra các hormone giúp điều hòa các hoạt động của cơ thể. Những hormone này có nhiệm vụ:
- Tăng cường hoạt động của tế bào và các chuyển hóa trong cơ thể như chuyển hóa glucid, lipid.
- Tăng nhịp tim, tăng lượng oxy đến các cơ quan.
- Tác động lên hoạt động hệ sinh dục và tuyến sữa.
- Duy trì lượng canxi trong máu.
Do đó, khi các hormone này được sản xuất quá mức, người bệnh sẽ gặp phải một số triệu chứng cường giáp lâm sàng như:
- Thường xuyên mệt mỏi, lo lắng, dễ bị kiệt sức.
- Đổ nhiều mồ hôi kể cả khi không vận động, mắc chứng sợ nóng.
- Có hiện tượng run cơ không kiểm soát, đặc biệt ở bàn tay.
- Tim đập nhanh, hồi hộp, có thể bị đánh trống ngực.
- Tăng số lần đại tiện, khi đi tiêu thường có phân lỏng.
- Sụt cân nhanh dù chế độ ăn vẫn giữ nguyên.
- Hay bị rối loạn giấc ngủ, giấc ngủ không sâu và ngắn.
- Có thể bị phù ở một số vùng trên cơ thể, phổ biến nhất là cổ.
Khi có những dấu hiệu trên, bạn nên liên hệ bác sĩ để được thực hiện các xét nghiệm cường giáp. Theo các bác sĩ, bệnh cường giáp nên được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt. Với những trường hợp có tiền sử bệnh lý về tuyến giáp, bạn nên xét nghiệm 6 tháng/lần để tầm soát bệnh.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc cường giáp
Trước khi trả lời câu hỏi “Bệnh cường giáp có lây không?”, hãy tìm hiểu về những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh. Cường giáp có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi và giới tính nào. Tuy nhiên, những đối tượng dưới đây có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Yếu tố di truyền
Nếu gia đình có người bị cường giáp, bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường.
Yếu tố biến đổi gen
Một số gen có khả năng tăng cường hệ miễn dịch để nhận dạng các protein của cơ thể với các protein ngoại lai. Nhờ đó, cơ thể có khả năng sản xuất được các kháng thể để chống lại những thành phần gây hại. Tuy nhiên, khi đột biến xảy ra, các gen này bị phá hủy cấu trúc nên người bệnh cũng dễ gặp phải các bệnh lý miễn dịch. Cường giáp là một trong những vấn đề thường hay gặp phải.
Những yếu tố khác
Một số yếu tố khác cũng cho thấy có mối liên quan đến bệnh cường giáp. Tuy cơ chế gây bệnh chưa rõ ràng, các bác sĩ vẫn cho rằng những yếu tố dưới đây làm tăng nguy cơ mắc bệnh cường giáp.
- Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus.
- Chế độ ăn dư thừa hoặc thiếu iod.
- Sự thay đổi nồng độ hormone sinh dục.
- Tác dụng phụ của thuốc điều trị.
- Thói quen hút thuốc lá.
- Các bệnh lý về mắt.
Nếu có những yếu tố trên, bạn nên xét nghiệm cường giáp 6 tháng/lần để được tầm soát bệnh.
Bệnh cường giáp có lây không?
Những triệu chứng cũng như tác hại của cường giáp làm khá nhiều người lo ngại. Do đó, nhiều người có thắc mắc: “Liệu bệnh cường giáp có lây không?” Để trả lời cho câu hỏi trên, bạn cần hiểu được nguyên nhân gây bệnh là gì.
Theo các bác sĩ, 70 – 80% trường hợp cường giáp bắt ngườn từ bệnh Graves hay còn gọi là bệnh bướu độc lan tỏa. Đây là một bệnh lý xảy ra do rối loạn hệ miễn dịch.
Thông thường, hệ miễn dịch sẽ sinh ra kháng thể để bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân lạ. Song khi mắc bệnh Graves, kháng thể bị nhầm lẫn giữa protein lạ và các thành phần của cơ thể. Do đó, chúng sẽ tấn công và kích thích tuyến giáp tạo ra nhiều T4, dẫn đến cường chức năng tuyến giáp.
Một số nguyên nhân cường giáp khác là do bệnh viêm tuyến giáp, u tuyến độc hay tần suất sử dụng thuốc tuyến giáp cao. Có thể thấy, bệnh cường giáp không liên quan đến virus, vi khuẩn, ký sinh trùng hay nấm. Do đó, hội chứng cường giáp hoàn toàn không lây nhiễm từ người bệnh sang người lành. Bạn cũng không cần lo lắng khi tiếp xúc với người bệnh.
Tuy nhiên, do cường giáp có thể hình thành bởi khiếm khuyết của các gen, bệnh lý này thường mang tính di truyền. Nếu gia đình có người bị rối loạn tuyến giáp, bạn có khả năng cao cũng mắc bệnh.
Cách phòng ngừa cường giáp hiệu quả
Đáp án cho câu hỏi “Bệnh cường giáp có lây không?” có thể xoa dịu sự lo lắng của nhiều người. Tuy nhiên , bạn không nên chủ quan mà cần tích cực phòng ngừa bệnh. Các chuyên gia y tế đưa ra một số lời khuyên như sau:
Tập thể dục thường xuyên
Hoạt động thể chất là cách tốt nhất để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Khi hệ miễn dịch khỏe mạnh, nguy cơ kháng thể nhận diện nhầm và tấn công tuyến giáp sẽ được hạn chế. Ngoài ra, nếu có sức khỏe tốt, mức độ nguy hiểm của các biến chứng cũng được giảm đi nhiều.
Bổ sung đầy đủ iod
Cung cấp quá nhiều hoặc quá ít iod đều có thể gây bệnh cường giáp. Do đó, bạn nên lưu ý bổ sung đầy đủ lượng iod trong khẩu phần ăn của mình. Với phụ nữ mang thai, bạn nên bổ sung thêm iod để tăng cường sức khỏe của mẹ và hỗ trợ sự phát triển của thai nhi. Bên cạnh đó, bệnh cường giáp có thai được không, bác sĩ khuyên bạn nên điều trị bệnh trước khi có thai.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Để phòng ngừa bệnh cường giáp, các bác sĩ khuyến khích nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất oxy hóa. Những loại thực phẩm được lựa chọn bao gồm:
- Các loại hoa quả như dâu tây, việt quất, cà chua, cam, quýt,…
- Các loại rau xanh như bắp cải, súp lơ,… có tác dụng điều hòa chức năng và làm giảm hoạt động của tuyến giáp.
Xây dựng lối sống lành mạnh
Lối sống lành mạnh giúp bạn phòng tránh được rất nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó có cường giáp. Do đó, bạn nên cố gắng ăn uống khoa học, chăm tập thể dục cũng như giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ để có được sức khỏe tốt.
Bài viết trên đã phần nào giúp bạn đọc giải đáp được thắc mắc “Bệnh cường giáp có lây không?”. Tuy nhiên, bạn không nên chủ quan mà cần chủ động xây dựng lối sống lành mạnh để phòng tránh bệnh. Nếu nhận thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường, bạn cần nhanh chóng liên hệ bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Hyperthyroidism (overactive thyroid)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hyperthyroidism/symptoms-causes/syc-20373659
- 10 Ways to Reduce Your Risk of Thyroid Diseasehttps://www.verywellhealth.com/ways-to-reduce-thyroid-disease-risk-3233225