YouMed

Bệnh điếc đột ngột: Có thể chữa khỏi không?

Bác sĩ SỬ NGỌC KIỀU CHINH
Tác giả: Bác sĩ Sử Ngọc Kiều Chinh
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Bạn đột ngột nghe kém hay ù tai không rõ nguyên nhân? Đó có thể là biểu hiện của bệnh điếc đột ngột. Điếc đột ngột là tình trạng nghe kém do rất nhiều nguyên nhân gây ra hoặc có thể vô căn (tức không có nguyên nhân rõ ràng). Điều quan trọng là bạn phải đến bệnh viện sớm để được chẩn đoán chính xác và loại trừ những nguyên nhân khác như khối u. Bên cạnh đó, khả năng phục hồi sức nghe sẽ cao hơn khi điếc đột ngột được điều trị sớm.

1. Bệnh điếc đột ngột là gì?

Điếc đột ngột là loại điếc tiếp nhận, nghĩa là nghe kém do bệnh lý ở tai trong (hình 1). Bệnh xảy ra trong vòng vài giờ hoặc vài ngày. Điếc có thể từ nhẹ, trung bình, nặng, hay điếc sâu (hoàn toàn không nghe thấy gì).

Các phần của tai người
Các phần của tai người

Bệnh điếc đột ngột thường xảy ra một bên nhưng cũng có thể bị cả 2 bên. Thường gặp trong độ tuổi 30-60, nam nữ bằng nhau. Tỉ lệ gặp khoảng 1/10.000 người/ năm. Bệnh có thể gây điếc vĩnh viễn hay tạm thời. Đôi khi có thể trở lại như bình thường hoặc gần bình thường. Khả năng tự phục hồi khoảng 80%.

2. Biểu hiện của bệnh điếc đột ngột

Bệnh điếc đột ngột có thể có các biểu hiện sau:

  • Nghe kém đột ngột 1 hoặc 2 tai
  • Ù tai (chiếm 70%). Âm ù tai có thể giống như tiếng gầm, tiếng sóng vỗ. 
  • Chóng mặt (chiếm 30-40%) từ nhẹ đến nặng. Nôn ói, nhức đầu.
  • Bệnh diễn tiến trong vài giờ hoặc vài ngày. Nếu nghe kém cả 2 bên, bạn sẽ phát hiện ngay lập tức. Nếu nghe kém 1 bên, có thể phát hiện muộn hơn.
Đột ngột nghe kém 1 hoặc 2 tai có thể là biểu hiện của bệnh điếc đột ngột
Đột ngột nghe kém 1 hoặc 2 tai có thể là biểu hiện của bệnh điếc đột ngột

3. Nguyên nhân gây ra bệnh điếc đột ngột

Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân gây điếc đột ngột. Các nhóm nguyên nhân chủ yếu bao gồm:

  • Do nhiễm virus: viêm ốc tai do virus (như quai bị, sởi, Rubella, zona, Cytomegalovirus…). Ốc tai là một bộ phận của tai trong có hình giống như vỏ ốc.
  • Do mạch máu, bệnh về máu: các bệnh lý có thể gây điếc đột ngột như cao huyết áp, bệnh tăng đông máu, đa hồng cầu, hồng cầu hình liềm,…
  • Chấn thương: Chấn thương sọ não kín, chấn thương ốc tai, chấn thương do âm thanh lớn, bị điện giật, xạ trị ung thư…
  • Nhiễm độc: thuốc kháng sinh Aminozid, do rượu, thuốc lá…
  • Bệnh lý tự miễn (rối loạn hệ thống miễn dịch của cơ thể)
  • Rối loạn chuyển hóa: suy thận, đái tháo đường, toan hóa máu, tăng lipid máu, suy giáp
  • Những nguyên nhân trong sọ não: u dây thần kinh số 7,8 (chiếm khoảng 1%), u não,..
Hút thuốc lá cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh điếc đột ngột
Hút thuốc lá cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh điếc đột ngột

4. Điếc đột ngột được chẩn đoán như thế nào?

Bệnh được chẩn đoán dựa trên biểu hiện, thăm khám và làm các xét nghiệm.

  • Thăm khám. Bác sĩ sẽ khám và hỏi bệnh để loại trừ nghe kém do các nguyên nhân khác, trước khi kết luận bạn bị điếc đột ngột. Bạn nên nhớ liệt kê về các bệnh đang mắc, hay các loại thuốc bạn đang sử dụng. Vì điều này có thể ảnh hưởng đến điều trị.
  • Khi khám, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn che một tai lại và nghe âm thanh ở các độ lớn khác nhau. Bác sĩ cũng có thể khám bằng âm thoa. Kiểm tra đơn giản bằng âm thoa có thể giúp bác sĩ phát hiện bệnh nhân nghe kém.
  • Đo thính lực. Bạn sẽ đeo tai nghe và nghe âm thanh hướng đến từng tai. Mỗi âm thanh sẽ được lặp lại ở mức âm lượng thấp hơn. Mục đích để tìm ra được mức âm lượng thấp nhất mà bạn có thể nghe thấy.
  • Chụp MRI có thể phát hiện được bất thường trong não và tai trong gây ảnh hưởng đến nghe. Ví dụ như u dây thần kinh 7,8.
Đo thính lực giúp chẩn đoán bệnh điếc đột ngột
Đo thính lực giúp chẩn đoán bệnh điếc đột ngột

Ngoài ra các xét nghiệm sau đây có thể được thực hiện để giúp xác định chẩn đoán và loại trừ nguyên nhân:

  • Nhĩ lượng đồ.
  • Phản xạ cơ bàn đạp.
  • Nội soi tai: để loại trừ tình trạng viêm tai giữa.
  • Đo ABR (điện thính giác thân não): thực hiện ngay từ đầu.
  • Xét nghiệm khác: công thức máu, chức năng gan, thận, bilan mỡ máu, đo điện tim, X-quang phổi…Các xét nghiệm này góp phần tìm nguyên nhân của bệnh cũng như chọn lựa điều trị phù hợp.
Nội soi tai để loại trừ nghe kém do các nguyên nhân khác
Nội soi tai để loại trừ nghe kém do các nguyên nhân khác

5. Điếc đột ngột được điều trị như thế nào?

Bệnh điếc đột ngột nếu được điều trị sớm có thể tăng khả năng hồi phục hoàn toàn. Bệnh nhân thường phải nhập viện để điều trị.

  • Corticoid là điều trị phổ biến nhất. Nó có thể làm giảm viêm và phù nề. Điều này đặc biệt giúp ích trong trường hợp những bệnh nhân điếc đột ngột do bệnh tự miễn. Corticoid có thể dùng đường tiêm tĩnh mạch hoặc chích trực tiếp xuyên màng nhĩ. Lựa chọn điều trị tùy thuộc từng bệnh nhân cụ thể. Tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị để có được sự điều trị phù hợp nhất.
  • Nếu phát hiện nhiễm trùng, bác sĩ có thể sử dụng kháng sinh.
  • Nếu điếc đột ngột không hồi phục, cấy điện ốc tai có thể là một lựa chọn. Ốc tai điện tử được cấy vào tai trong thay thế chức năng cho ốc tai tổn thương. Nhưng giá thành còn khá cao. Cách này nâng sức nghe khác nhau tùy từng bệnh nhân cụ thể.
Cấy ốc tai điện tử là một giải pháp cho bệnh nhân điếc
Cấy ốc tai điện tử là một giải pháp cho bệnh nhân điếc, giá thành còn khá cao.

6. Tiên lượng sự phục hồi sức nghe

Tùy vào mỗi nguyên nhân và tình trạng bệnh cụ thể mà sức nghe có thể phục hồi khác nhau. Nhưng điều trị sớm sẽ có nhiều cơ hội phục hồi hơn điều trị muộn.

  • Gần 1/3 bệnh nhân phục hồi bình thường, 1/3 bệnh nhân còn điếc từ trung bình đến nặng, 1/3 bệnh nhân điếc đặc (điếc sâu).
  • Sự phục hồi hoàn toàn cũng có thể xảy ra sau nhiều tuần điếc đặc.
  • Nếu bệnh nhân không kèm chóng mặt nặng, khả năng phục hồi sẽ cao hơn.
  • Chóng mặt có khuynh hướng giảm trong một tuần lễ và thường sẽ mất hẳn sau 6 tuần.

7. Phòng ngừa bệnh điếc đột ngột

Cách phòng ngừa bệnh điếc đột ngột đơn giản nhất là nghỉ ngơi, thư giản hợp lý. Bạn nên tránh thức khuya, làm việc quá sức, tránh tình trạng căng thẳng, stress hay có những xúc cảm quá mức (lo âu, buồn phiền, giận dữ…). Ngoài ra bạn nên:

  • Ăn uống, dinh dưỡng đầy đủ chất để tăng sức đề kháng của cơ thể.
  • Hạn chế các chất kích thích: rượu bia, thuốc lá, cà phê, thức ăn nhiều dầu mỡ…
  • Tránh tiếng ồn, những nơi có âm thanh lớn. Không nên đeo tai nghe thường xuyên. Nếu làm việc trong môi trường có tiếng ồn lớn thì phải có những biện pháp che chắn tai phù hợp.
  • Tránh gây tổn thương cho tai: không ngoáy tai, đưa vật lạ vào tai.
  • Không thay đổi áp lực trong tai đột ngột. Ví dụ như không hỉ mũi quá mạnh, không thay đổi tư thế nhanh, không nên lặn nếu không có đầy đủ thiết bị bảo hộ

Nếu có bệnh lý nội khoa: cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch… cần uống thuốc đầy đủ, dinh dưỡng hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Cách phòng ngừa bệnh điếc đột ngột đơn giản nhất là nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý
Cách phòng ngừa bệnh điếc đột ngột đơn giản nhất là nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý

Điếc đột ngột là tình trạng ù tai, nghe kém khởi phát từ vài giờ đến vài ngày. Có khoảng 80 % có cơ hội tự phục hồi hoàn toàn. Điếc đột ngột do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng thường nhất là vô căn. Khi bị nghe kém đột ngột, bạn nên đến bệnh viện sớm để được thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán điếc đột ngột cũng như loại trừ các nguyên nhân khác. Bệnh điếc đột ngột khi được điều trị sớm sẽ có nhiều khả năng phục hồi sức nghe hơn.

Xem thêm bài viết liên quan:

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Sudden Sensorineural Hearing Loss (SSHL)https://www.healthline.com/health/sensorineural-deafness

    Ngày tham khảo: 28/01/2020

  2. Bài giảng Tai Mũi Họng. Trường đại học Y dược Tp.HCM.

  3. Bộ Y tế. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh tai mũi họng.

  4. TS.BS Đặng Xuân Hùng. Điếc đột ngột. 

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người