YouMed

Bệnh giang mai ở nữ: dấu hiệu và cách điều trị

Bác sĩ PHAN VĂN GIÁO
Tác giả: Bác sĩ Phan Văn Giáo
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Bệnh giang mai được biết đến là căn bệnh xã hội nguy hiểm với khả năng lây nhiễm cao. Ở nữ giới, bệnh có thể gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy con đường lây nhiễm bệnh như thế nào? Giang mai có thể gây những ảnh hưởng gì đến nữ giới? Mời bạn hãy cùng Bác sĩ Phan Văn Giáo tìm hiểu bài viết sau đây để nắm rõ thông tin về bệnh giang mai ở nữ giới nhé!

Bệnh giang mai ở nữ là gì?

Giang mai là một căn bệnh xã hội nguy hiểm do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây nên. Triệu chứng lâm sàng của bệnh rất đa dạng, phong phú tùy theo từng giai đoạn của bệnh.

Xoắn khuẩn giang mai có hình lò xo, bao gồm 6-14 vòng xoắn. Sức đề kháng của xoắn khuẩn này rất yếu, ra khỏi cơ thể nó sống không quá vài giờ. Trong nước đá, nó vẫn giữ được tính di động rất lâu. Tuy nhiên chúng sẽ chết sau 30 phút nếu ở nhiệt độ 45 độ C. Các chất sát khuẩn, xà phòng có thể diệt được xoắn khuẩn trong vài phút.1

Con đường lây nhiễm bệnh giang mai ở nữ giới:1

  • Giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục. Vì vậy, bệnh có thể lây qua quan hệ tình dục không an toàn.
  • Có thể lây do truyền máu.
  • Phụ nữ mang thai bị giang mai mà không được điều trị có thể lây truyền cho thai nhi (giang mai bẩm sinh).
  • Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với dịch, mủ từ các vết loét giang mai cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Quan hệ tình dục không an toàn làm tăng nguy cơ mắc bệnh giang mai
Quan hệ tình dục không an toàn làm tăng nguy cơ mắc bệnh giang mai

Dấu hiệu bệnh giang mai ở nữ

Thời gian ủ bệnh: có thể mất 3 tuần hoặc hơn để các triệu chứng giang mai xuất hiện sau khi bệnh nhân nhiễm bệnh.2

Bệnh giang mai bao gồm 3 thời kỳ:

1. Thời kỳ thứ nhất

Các thương tổn thường xuất hiện sau khi bị lây nhiễm khoảng 3-4 tuần. Đặc trưng của thời kỳ này là săng (chancre) giang mai với các biểu hiện:1

  • Là một vết trợt nông, hình tròn hay bầu dục, không có gờ nổi cao, màu đỏ thịt tươi và có nền cứng (săng cứng).
  • Ở nữ giới vị trí thường gặp nhất là niêm mạc sinh dục (môi lớn, môi bé, mép âm hộ). Ngoài ra, có thể gặp ở miệng, môi, lưỡi,…
  • Hạch vùng bẹn sưng to, thành chùm. Trong đó có một hạch to nhất gọi là “hạch chúa”.

2. Thời kỳ thứ hai

Thời kỳ này bắt đầu khoảng 6-8 tuần từ khi có săng với các biểu hiện lâm sàng sau đây:1

  • Đào ban: Các dát đỏ hồng rải rác ở thân mình.
  • Sẩn giang mai có nhiều hình thái: sẩn màu đỏ hồng, thâm nhiễm và có thể có viền vảy xung quanh, dạng vảy nến, trứng cá, sẩn hoại tử…
  • Sẩn phì đại hay gặp ở hậu môn, bộ phận sinh dục.
  • Viêm hạch lan tỏa.
  • Rụng tóc kiểu “rừng thưa”.

3. Thời kỳ thứ ba

Thời kỳ này bắt đầu với các biểu hiện lâm sàng sau đây:1

  • “Gôm” giang mai ở da, cơ, xương.
  • Thương tổn tim mạch, thần kinh gây bại liệt.

Cần lứu ý: Giữa thời kỳ thứ nhất đến thời kỳ thứ hai và giữa thời kỳ thứ hai đến thời kỳ thứ ba, bệnh có thể không có triệu chứng. Đây được gọi là giang mai kín và được phát hiện chỉ nhờ xét nghiệm huyết thanh.

Bệnh giang mai ảnh hưởng tới nữ giới như thế nào?

Nếu không được điều trị, bệnh giang mai có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng và có khả năng đe dọa đến tính mạng bao gồm:2

  • Các vấn đề về tim: đau thắt ngực, phình động mạch chủ, suy tim,…
  • Các vấn đề về não: co giật, chứng mất trí nhớ,…
  • Ảnh hưởng đến thần kinh: đau nhức, đau khớp và tổn thương dần dần các khớp,…
  • Các vấn đề về da, xương,…

Ngoài ra, nếu nữ giới mắc bệnh khi đang mang thai có thể truyền bệnh cho con trước khi sinh. Em bé khi sinh ra có thể mắc bệnh giang mai bẩm sinh từ mẹ.

Việc mắc giang mai khi mang thai làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non và thai chết lưu.

Nữ giới mắc bệnh giang mai có mang thai được không?

Phụ nữ đang mắc bệnh giang mai không nên mang thai cho đến khi bản thân và đối tác tình dục đã được điều trị khỏi bệnh.

Trong trường hợp nữ giới đang mang thai nhưng lại phát hiện mắc bệnh vẫn có thể mang thai và sinh con bình thường. Tuy nhiên, người mẹ và đối tác tình dục cần được điều trị ngay lập tức để tránh truyền bệnh cho thai nhi.

Nếu người mẹ mắc bệnh không được điều trị. Các biến cố như sảy thai hay sinh non có thể xảy ra trong thai kỳ. Trong trường hợp trẻ được sinh ra có thể mắc giang mai bẩm sinh, có nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm như gan to, lách to, tổn thương đầu xương, liệt,…3

Nữ giới đang mang thai mà bị bệnh cần được điều trị ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm
Nữ giới đang mang thai mà bị bệnh cần được điều trị ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn có một trong những dấu hiệu kể trên cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được tư vấn tránh nhầm lẫn với một số bệnh điển hình như ghẻ, dị ứng thuốc, phát ban do virus, vảy nến,… Do các triệu chứng không điển hình nên chúng còn được gọi là “kẻ bắt chước vĩ đại”.1

Tại đây, nữ giới sẽ được thăm khám các triệu chứng, tiền sử bệnh; tư vấn, làm một số xét nghiệm giang mai để xác định bệnh.

Bệnh giang mai ở nữ chữa được không?

Bệnh giang mai ở nữ hoàn toàn có thể chữa trị được nếu được can thiệp đúng cách và kịp thời từ những giai đoạn sớm. Ở các giai đoạn sau, quá trình trị liệu sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, cần lưu ý việc điều trị giang mai có thể giúp chữa khỏi nhiễm trùng; tuy nhiên, các tổn thương giang mai có thể không được phục hồi hoàn toàn.4

Cách chữa bệnh giang mai ở nữ giới

Phương pháp điều trị giang mai được khuyến nghị ở tất cả các giai đoạn của bệnh là kháng sinh penicillin.

Nếu người bệnh bị nhiễm bệnh trong vòng chưa đầy một năm, họ có thể được chỉ định tiêm một mũi penicillin.

Nhưng nếu bệnh giang mai đã diễn tiến hơn một năm thì có thể bạn sẽ cần nhiều liều hơn.

Việc điều trị bệnh cần điều trị đồng thời cho cả bạn tình.

Cần lưu ý không có loại thuốc không kê đơn (OTC), hoặc các phương pháp dân gian tại nhà nào có thể chữa khỏi bệnh giang mai.

Điều trị giang mai đồng thời cho cả người bệnh và bạn tình
Điều trị giang mai đồng thời cho cả người bệnh và bạn tình

Người đã mắc bệnh có thể bị tái nhiễm không?

Người bệnh giang mai dù đã được điều trị thành công nhưng vẫn có thể bị tái nhiễm bệnh. Nữ giới có thể bị nhiễm bệnh nếu bạn tình chưa được điều trị bệnh, hay tiếp xúc với các vết loét giang mai.

Bên cạnh đó, cần phải tuân thủ phác đồ điều trị từ bác sĩ. Đảm bảo việc sử dụng thuốc đủ thời gian và liều lượng; ngay cả khi các triệu chứng đã biến mất trong quá trình điều trị. Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu hoặc làm các xét nghiệm cần thiết để xác nhận bạn đã khỏi bệnh.4

Phòng ngừa bệnh giang mai ở nữ như thế nào?

  • Tuyên truyền, giáo dục y tế: giáo dục lối sống lành mạnh, chung thủy một vợ, một chồng, thực hành tình dục an toàn.
  • Khi có dự định mang thai hoặc đang mang thai, cần thực hiện tầm soát giang mai.
  • Khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Không tự ý mua thuốc điều trị.
  • Thông báo và điều trị đồng thời cho cả bạn tình để phòng tránh tái nhiễm.

Trên đây là thông tin về bệnh giang mai ở nữ. Qua bài viết này, hy vọng bạn đọc có thêm kiến thức bảo vệ bản thân và những người xung quanh.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. BỆNH GIANG MAI (Syphilis)https://vncdc.gov.vn/benh-giang-mai-nd14525.html

    Ngày tham khảo: 25/03/2023

  2. Syphilishttps://www.nhs.uk/conditions/syphilis/

    Ngày tham khảo: 25/03/2023

  3. Congenital Syphilis – CDC Fact Sheethttps://www.cdc.gov/std/syphilis/stdfact-congenital-syphilis.htm

    Ngày tham khảo: 25/03/2023

  4. Syphilis – CDC Basic Fact Sheethttps://www.cdc.gov/std/syphilis/stdfact-syphilis.htm

    Ngày tham khảo: 25/03/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người