Bệnh hói đầu có chữa được không?
Nội dung bài viết
Hói đầu là tình trạng tóc rụng rất nhiều tạo thành những mảng da đầu trống trơn. Tình trạng hói đầu này không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng quát. Tuy nhiên nó gây tác động tiêu cực đối với cảm xúc và tâm lý của những người mắc phải. Vậy có phương pháp nào giúp điều trị và phòng ngừa bệnh hói đầu hay không. Các bạn hãy cùng tìm hiểu ý kiến từ chuyên gia của You Med nhé!
1. Nguyên nhân gây hói đầu
Để điều trị bệnh hói đầu thì trước tiên chúng ta cùng tìm hiểu các nguyên nhân khiến cho tóc rụng nhiều dẫn đến hói. Một trong những nguyên nhân gây ra hói đầu đó là do di truyền. Những nghiên cứu tìm ra rằng hói đầu ở nam có liên quan đến một loại hormon có tên là androgen. Hormon androgen có rất nhiều chức năng giúp điều hòa hoạt động sinh lý của cơ thể bao gồm cả điều hòa phát triển nang tóc.
Ngoài nguyên nhân chính liên quan đến di truyền và hormon thì hói đầu có thể xảy ra do các nguyên nhân sau:
- Thiếu máu. Dẫn đến không cung cấp đủ máu và chất dinh dưỡng cho cơ thể trong đó có tóc. Thiếu hụt chất dinh dưỡng sẽ làm cho tóc dễ gãy rụng hơn so với bình thường.
- Bệnh lý tuyến giáp. Cả tình trạng cường giáp hoặc suy giáp đều có thể gây ra rụng tóc. Khi đó, điều trị bệnh lý tuyến giáp ổn sẽ giúp khắc phục tình trạng rụng tóc.
- Bệnh lý viêm nhiễm. Nấm da đầu do vi nấm gây ra có thể gây tóc rụng thành từng mảng loang lỗ. Sau khi điều trị kháng nấm, tóc sẽ mọc phục hồi trở lại.
- Buồng trứng đa nang. Đây là tình trạng có sự gia tăng hormone androgen và gây rụng tóc.
- Căng thẳng bệnh lý. Telogen efluvium là tình trạng rụng tóc liên quan đến căng thẳng và cảm xúc. Điều này thường xảy ra ở những cá nhân mắc bệnh lý trầm cảm hay lo âu.
2. Điều trị hói đầu bằng thuốc
Chỉ có 2 loại thuốc được FDA công nhận là an toàn và hiệu quả trong việc điều trị rụng tóc và hói đầu. Đó là:
- Đây là một loại thuốc có tác dụng giãn mạch và từng được sử dụng để điều trị cao huyết áp. Sau một thời gian sử dụng Minoxidil để điều trị cao huyết áp thì người ta phát hiện ra rằng nó có thêm tác dụng kích thích mọc tóc. Từ đó, loại thuốc này được ứng dụng trong điều trị hói đầu và đã được FDA phê duyệt. Minoxidil dạng lotion với nồng độ 2% hoặc 5% xịt lên da đầu 2 lần/ngày. Thuốc có tác dụng kéo dài giai đoạn tăng trưởng của sợi tóc. Về tác dụng phụ không mong muốn của Minoxidil xảy ra chủ yếu ở ngoài da. Một số người gặp phải tình trạng khô da, đỏ da, ngứa và tróc vảy nhẹ. Ngoài ra sử dụng minoxidil còn có thể bị loạn nhịp tim và ảnh hưởng đến huyết áp.
- Là một chất có liên quan đến sự biến đổi của hormon testosteron. Chính hormon này là một loại androgen ảnh hưởng đến sự rụng tóc và hói đầu. Finasterid được dùng an toàn và hấp thu rất tốt giúp điều trị bệnh hói. Thời gian điều trị thường kéo dài từ 1-2 năm. Tác dụng phụ thường xảy ra khi sử dụng Finasterid là các rối loạn về tình dục như giảm ham muốn, rối loạn cương dương hay không xuất tinh. Tuy nhiên các rối loạn này sẽ biến mất khi ngưng điều trị. Một lưu ý nữa là Finasterid không được dùng cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai vì có thể gây dị tật cho thai nhi.
3. Điều trị hói đầu bằng laser
Liệu pháp laser được sử dụng để điều trị hói đầu nhờ vào tác dụng của ánh sáng và nhiệt. Hiệu quả của tia laser đều xảy ra ở cả nam và nữ bị rụng tóc và hói đầu. Tia laser năng lượng thấp có tác dụng kích thích sinh học, tăng cường dòng máu đến nuôi nang tóc. Chính nhờ những tác dụng sinh học này mà các tế bào gốc ở nang tóc được kích hoạt. Từ đó nang tóc lại tham gia vào chu trình phát triển để tạo ra sợi tóc mới.
4. Điều trị bệnh hói đầu bằng phẫu thuật
Đối với các trường hợp không hiệu quả với thuốc hay liệu pháp laser thì có thể chỉ định phẫu thuật để điều trị hói đầu. Phương pháp phẫu thuật sẽ bao gồm phẫu thuật cấy tóc và phẫu thuật thu nhỏ diện tích da đầu. Cấy tóc là phương pháp nhằm đưa những nang tóc vào vùng da đầu bị hói. Đồng thời sẽ giảm bớt phần diện tích bị hói bằng cách thu nhỏ da đầu. Tuy nhiên phương pháp này khá tốn kém và gây đau đớn. Ngoài ra phẫu thuật còn có nguy cơ để lại sẹo hay bị nhiễm trùng.
5. Sử dụng tóc giả
Đối với các trường hợp không thể sử dụng thuốc và không muốn phẫu thuật. Hoặc trong trường hợp cấp bách cần cải thiện vẻ ngoài ngay lập tức thì chúng ta có thể sử dụng tóc giả. Ngày nay, tóc giả trông rất tự nhiên để hạn chế bị phát hiện bởi người đối diện. Ngoài ra sử dụng tóc giả còn có thể dễ dàng thay đổi theo màu sắc và sở thích của cá nhân.
6. Điều trị các bệnh lý gây rụng tóc
Ngoài nguyên nhân chính liên quan đến di truyền và hormon thì hói đầu có thể xảy ra do các nguyên nhân khác như thiếu máu, bệnh tuyến giáp, viêm nhiễm. Khi điều trị các bệnh lý này có thể giúp hồi phục tình trạng rụng tóc.
Vì vậy khi mắc phải tình trạng rụng tóc dẫn đến bệnh hói đầu. Đầu tiên các bạn nên đến khám bác sỹ chuyên khoa để được tầm soát các bệnh lý có thể mắc phải. Nếu mắc phải một trong các nguyên nhân trên thì bác sỹ sẽ giúp điều trị và sau đó tóc sẽ mọc trở lại.
Bác sĩ Võ Thị Ngọc Hiền
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
baldness, https://www.medicalnewstoday.com/articles/317788#New-hair-loss-research,-pipeline-treatments, accessed on 2020 Mar 31